Bác sỹ vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/3/2011 | 8:59:53 AM

YBĐT - Bác sỹ Hoàng Thanh Tú quan niệm, đối với việc chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao, yếu tố tuyên truyền là quan trọng bậc nhất. Chính vì thế, anh luôn động viên các đồng nghiệp y tế xã quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất để bà con hiểu và làm theo.

Ngoài trình độ chuyên môn vững vàng, bác sỹ vùng cao phải có một sức khỏe tốt để vượt suối, trèo đèo, am hiểu phong tục, tập quán vùng cao và quan trọng hơn là một tấm lòng với bà con. Đó là những điều bác sỹ Hoàng Thanh Tú - Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn tâm niệm trong những năm tháng gắn bó với vùng cao.

20 năm trước, xã An Lương cách huyện lỵ chỉ hơn 20 cây số nhưng muốn đến nơi phải mất cả ngày trời đi bộ vượt dốc. Mùa đốt nương, trời hanh, đi được nửa ngày thì mệt lả song không ai dám dừng bước, đơn giản bởi nếu dừng lại sẽ không kịp đến nơi và phải ngủ rừng. Tệ nhất là khi đôi chân mỏi nhừ thì lại phải chạy. Đó là những đám cháy do bà con đốt nương mà để vượt qua chỉ có cách chạy nhanh qua chính nó vì không có đường mòn nào khác. Thế là bao nhiêu sức lực còn sót lại dồn xuống đôi chân chạy một mạch về tới thôn bản khi mặt trời bắt đầu xuống núi. Đến nơi, dù mệt nhưng các bác sỹ vẫn tổ chức khám ngay. Rất nhiều cháu bị sốt, đau đầu không đi học được. Kết quả sau đó khẳng định, các cháu chỉ bị cúm mùa bình thường. Vừa mừng vừa tủi, nếu cán bộ y tế xã vững chuyên môn thì các anh đã không phải vất vả và trải qua hiểm nguy như thế.

Câu chuyện của những ngày xuống bản 20 năm trước vẫn rất đậm trong tâm trí bác sỹ Hoàng Thanh Tú.  Bây giờ, mọi chuyện đã khá hơn nhiều rồi, bác sỹ Tú vui vui kể: “Hiện nay, trình độ chuyên môn của cán bộ trạm y tế các xã đã đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Với một dịch cúm mùa đơn thuần như vậy, trạm y tế xã phối hợp với các ban, ngành ở địa phương để tự xử lý mà không cần đến sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế huyện”.

Là Trưởng khoa Kiểm soát Dịch bệnh, bác sỹ Tú trực tiếp làm công tác chỉ đạo tuyến. Công việc của anh là làm sao để các cán bộ y tế xã hiểu và thực hiện các chương trình y tế xuống cộng đồng được chính xác và đảm bảo yêu cầu. Những năm đầu, hầu như ngày nào anh cũng phải trực tiếp xuống các địa bàn, để nói với bà con những điều cán bộ y tế xã chưa thể diễn giải, để trực tiếp đưa ra các biện pháp dập dịch khi cán bộ y tế xã chưa thể tự giải quyết.

Cũng có khi chỉ để tuyên truyền cho bà con từ bỏ các hủ tục làm phát sinh dịch bệnh. Đến thời điểm này, khi cán bộ y tế các xã đã vững nghề hơn, anh vẫn đi. Đi để kiểm tra những nguy cơ bùng phát dịch bệnh và quan trọng là nắm được ý thức phòng, chống dịch bệnh của bà con đến đâu để có những định hướng, chỉ đạo kịp thời. Hơn 30 xã của huyện, anh đã đến từng nơi, những thôn bản heo hút nhất nếu có biểu hiện bùng phát dịch anh cũng không quản ngại để tới.

Bác sỹ Hoàng Thanh Tú quan niệm, đối với việc chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao, yếu tố tuyên truyền là quan trọng bậc nhất. Chính vì thế, anh luôn động viên các đồng nghiệp y tế xã quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất để bà con hiểu và làm theo. Riêng anh, anh cũng tìm ra những cách tiếp cận bà con hiệu quả: “Công tác 16 năm tại huyện Văn Chấn, tiếp xúc với cộng đồng và các cán bộ địa phương, mình học hỏi và biết thêm tiếng dân tộc Thái, dân tộc Tày. Khi mình đi truyền thông sẽ giúp mình giải thích các từ ngữ chuyên môn, khoa học thì người dân dễ hiểu hơn”.

Những chuyến đi bao giờ cũng mệt mỏi nhưng sau đó, bao giờ cũng đáng nhớ. Bởi sau mỗi chuyến đi, bác sỹ Tú biết bước chân của mình không vô nghĩa. Nhiều tập quán lạc hậu của bà con đã thay đổi, các công trình vệ sinh được xây dựng. Bà con, đặc biệt là trẻ em không còn mắc những căn bệnh do thói quen sinh hoạt gây ra như giun sán, đau mắt đỏ… Bác sỹ Tú cũng nhận thấy, mỗi lần anh trở lại, bản làng bao giờ cũng có những thay đổi. Có thể nói, bây giờ, cả cộng đồng đã chung sức cùng ngành y tế trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Anh cho biết: “Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các trạm y tế cơ sở đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng, đã truyền tải rất nhiều thông tin, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh. Từ đó, ý thức của người dân được nâng lên, người dân đã có những thay đổi như vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, vệ sinh làng bản, giúp hạn chế được nhiều dịch bệnh truyền nhiễm”.

Bác sỹ Tú bảo, nếu có cơ hội mới, anh cũng vẫn gắn bó với vùng cao dù rằng điều kiện để làm nghề là rất khó khăn. Bù vào đó, anh không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề, bổ sung những kiến thức mới, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng phức tạp. Nhìn phòng làm việc của anh có thể thấy rõ tâm huyết và sự quyết tâm của anh. Ở đó, có rất nhiều tài liệu, sách vở. Ngoài thời gian làm chuyên môn, anh lại chăm chú với từng tập tài liệu để làm sao tìm thấy những kiến thức có ích, dù là rất nhỏ. Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cho biết: “Bác sỹ Tú là một cán bộ trẻ có trình độ và năng lực, xông xáo trong công việc. Tại Trung tâm, bác sỹ Tú có tầm nhìn và tham mưu rất tốt cho đơn vị trong triển khai các công tác phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh ở cơ sở”.

Hiện bác sỹ Hoàng Thanh Tú cũng đang làm nhiệm vụ của một cộng tác viên cho các dự án phòng, chống HIV/AIDS. Đây là công việc cần nhiều thời gian và tâm huyết. Dù bận rộn với những chuyến đi nhưng anh cũng không quên nhiệm vụ này. Anh luôn quan niệm, dù việc lớn hay nhỏ, nếu có ích cho đồng bào vùng cao thì anh không quản ngại. 16 năm qua, quan niệm ấy đã giúp anh làm tốt nhiệm vụ của một người thầy thuốc vùng cao.

Thu Hạnh

Các tin khác
Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Ông Nguyễn Văn Thêm tại Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học.

Vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng vì những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Thêm - Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục