Người lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc Tày

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/3/2011 | 3:07:30 PM

YBĐT - Âm thầm, lặng lẽ với mong ước gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc Tày, Hoàng Tương Lai đã và đang góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày, làm cho chúng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Đang tải video về hoặc trình duyệt không hỗ trợ

Từ tình yêu văn hóa truyền thống...

 

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn cổ, ông Lai với đôi mắt tươi cười và cách nói chuyện hóm hỉnh rất có duyên đã say sưa kể về những làn điệu dân ca của dân tộc Tày. Nói đến làn điệu nào, ông lại minh chứng bằng giọng hát của mình để thể hiện làn điệu đó. Giọng ông vang, ấm quyện với âm thanh của cây đàn tính như mạch nguồn dân tộc làm lay động sâu thẳm trái tim mỗi con người.

 

Là con trai của nhà văn dân tộc Tày nổi tiếng Hoàng Hạc, nên Hoàng Tương Lai đã thừa hưởng cái “máu” văn chương, chất hóm hỉnh từ người cha và đắm say trong những điệu hát khắp, hát cọoi, hát phong sjư... hay lời ngâm Khảm hải của mẹ  từ thủa nhỏ. Bởi thế mà hồn văn hóa dân tộc Tày luôn âm ỉ cháy, như dòng máu nóng đầy nhiệt huyết chảy trong con người ông.

Hoàng Tương Lai đắm say với các làn điệu của dân tộc Tày từ thủa nhỏ.

 

Say với hồn dân tộc nên cứ lúc nào rảnh rỗi là ông lại tìm gặp những cụ cao niên trong thôn, trong xã và các xã lân cận để sưu tầm các làn điệu và tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Biết ông là người thực sự đam mê những làn điệu dân tộc Tày, nên đi đến đâu ông cũng được các cụ truyền dạy, cung cấp những tư liệu về các điệu hát khắp, then, coọi, phong sjư, khảm hải với đa dạng đề tài về tình yêu đôi lứa, ca ngợi bản làng, quê hương, đất nước… Mỗi lần như thế ông lại ghi chép, chỉnh sửa những làn điệu đó, rồi dịch từ tiếng Tày sang tiếng phổ thông cho hoàn chỉnh, mượt mà hơn. Những gì ghi chép lại được ông quý trọng và nâng niu lắm, ông bảo đó chính là những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.

 

Đến gìn giữ và truyền lại cho đời sau

 

Ông say lắm, say với các điệu hát của dân tộc mình. Nhưng ông luôn trăn trở và lo lắng một điều rằng, sau này, khi “lá rụng về cội” thì không biết lớp trẻ có còn yêu và nối tiếp truyền thống đàn, hát các làn điệu dân ca của dân tộc Tày nữa không, hay là sẽ chạy theo làn sóng nhạc trẻ và lãng quên đi hồn cốt của dân tộc? Với suy nghĩ đó, ông quyết tâm truyền ngọn lửa đam mê các làn điệu của dân tộc Tày cho lớp con cháu, để sau này hồn dân ca dân vũ truyền thống của dân tộc mình sẽ không bị mai một.

Ông truyền ngọn lửa đam mê của mình sang thế hệ trẻ...

 

Nghĩ là làm, ông thường dạy cho các cháu trong xã những điệu hát truyền thống vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. Suy nghĩ của ông đã đánh thức hồn cốt dân tộc trong mỗi người và lớp học hát do thầy Lai dạy ngày càng đông hơn, rất nhiều em học sinh mong muốn được thầy Lai dạy hát.

 

Em Nông Việt Quỳnh – thôn Yên Mỹ tâm sự: “Ông Lai hát hay lắm, mỗi khi ông cất tiếng đàn, tiếng hát lên, chúng em nghe mãi không chán và rất thích được ông truyền dạy. Ông nói về ý nghĩa của từng điệu hát, giúp chúng em hiểu hơn về giá trị văn hóa của dân tộc mình ”. Và khi được ông Lai dạy hát các em không chỉ hát hay, đúng làn điệu mà còn mang về những giải thưởng cao. Em Nông Chung và em Quỳnh Anh là hai học trò của ông  đã đoạt giải nhất và giải ba tại Liên hoan hát then đàn tính toàn quốc lần thứ III – 2007 được tổ chức tại Cao Bằng. Với ông Lai thì đó là món quà vô giá bởi lớp trẻ đã hiểu, yêu thích và kế tục nghệ thuật dân ca của dân tộc do ông dày công sưu tầm, vun đắp.

 

Niềm vui lớn nhất của ông là mỗi ngày được hát những làn điệu của dân tộc

 

Ông cho biết: “Niềm vui lớn nhất của tôi bây giờ là mỗi ngày được hát những làn điệu tôi yêu thích. Tôi mong sẽ góp được một phần công sức vào việc gìn giữ những giá trị văn hoá của dân tộc để làm sao những lời  hát, câu then mà tôi đã nghiên cứu, sưu tầm, tất cả được truyền lại cho con cháu, để thế hệ mai sau mãi lưu giữ tinh hoa văn hoá của dân tộc Tày”.

 

Âm thầm, lặng lẽ làm công việc mình yêu thích với tất cả sự nỗ lực, mong ước gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc Tày, ông Hoàng Tương Lai đã và đang góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày, làm cho chúng trở nên sinh động hơn, hấp dẫn hơn.

“Chẳng vội gì ngày việc

Chẳng tiếc gì ngày công

Ngày việc anh sẽ đỡ

Ngày công anh xin làm

Em cứ ở lại thăm

Bản mường anh vậy đó...”

Những làn điệu dân ca Tày cất lên tha thiết mời gọi, như muốn níu giữ chân người ở lại... để say với núi, với rừng .. với người Tày Xuân Lai...

 

Là hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái, Hoàng Tương Lai không chỉ hát hay mà còn là nhà văn, nhà thơ, một cây bút sắc được khẳng định qua nhiều tác phẩm đạt giải thưởng, như tập hồi ký : Những ngày ở cánh đồng Chum  - xuất bản năm 2000 được Hội nhà văn Việt Nam và Hội hữu nghị Việt – Lào trao giải khuyến khích; nhiều tác phẩm văn học của ông đã được tỉnh Yên Bái trao giải thưởng và đánh giá cao. Cùng với đó, trong liên hoan tiếng hát truyền hình Việt Nam ông đã ghi tên và giật liền mấy giải thưởng lớn như huy chương vàng trao cho tiết mục hát Khảm hải tại hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc năm 2005; giải B liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc lần 2, giải nhì hát then trong liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc năm 2007...

 

Thanh Chi

Các tin khác
Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Ông Nguyễn Văn Thêm tại Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học.

Vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng vì những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Thêm - Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục