Ngày 2/4/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Thông báo số 57-TB/TW lấy ngày 25/10/1930 là Ngày truyền thống Ban Tài chính - Quản trị Trung ương Đảng, đồng thời cũng là ngày truyền thống của ngành Tài chính Đảng các cấp.
Xác định rõ, tài chính Đảng là một trong những điều kiện quan trọng trong hoạt động của Đảng, giúp cho tổ chức Đảng các cấp có điều kiện tổ chức các hoạt động phục vụ hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao và cung cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện làm việc, đào tạo bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức của đảng viên, những năm qua, cùng với ngành Tài chính Đảng cả nước, ngành Tài chính Đảng tỉnh Yên Bái đã khắc phục khó khăn, đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyên môn, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện của cấp ủy.
Ngành đã tăng cường quản lý và kiểm soát nguồn vốn, nguồn kinh phí; tình hình sử dụng, quyết toán kinh phí; việc quản lý và sử dụng các loại vật tư, tài sản công; việc chấp hành dự toán thu - chi ngân sách Đảng và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - tài chính của các cấp ủy Đảng đã được Phòng Tài chính, Văn Phòng Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Đảng, các huyện, thị, thành ủy xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài chính, tài sản Đảng đảm bảo sử dụng kinh phí được giao hiệu quả, tiết kiệm, phục vụ tốt chức năng nhiệm vụ được giao.
Ngành cũng tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ về tài chính cho cơ sở, kiểm tra việc thực hiện các nguyên tắc, chế độ, chính sách tài chính Đảng ở các đơn vị dự toán trực thuộc và các huyện, thị, thành ủy, góp phần tích cực trong việc tham mưu, phục vụ kịp thời, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng.
Để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài chính Đảng, ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tận tâm với công việc, không vụ lợi, cơ hội, thực dụng, có tư duy sáng tạo và phương pháp làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng trong tình hình mới, đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính Đảng từ tỉnh tới cơ sở cần chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng lập dự toán, chuẩn bị nguồn lực, đáp ứng kịp thời, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ của mỗi cấp ủy theo nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý ngân sách.
Hướng dẫn thi hành kịp thời các chế độ tài chính kế toán của Nhà nước và các quyết định, quy định của cơ quan Đảng cấp trên; nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chế độ về tài chính, quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phục vụ tốt hơn mọi hoạt động của các cấp ủy Đảng.
Ngành cần bám sát vào dự toán được giao để hạn chế tối đa việc phát sinh kinh phí, đảm bảo thực hành tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính Đảng; tích cực quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý tài chính, tài sản của Đảng; thực hiện Luật Ngân sách, các chế độ tài chính kế toán, các quy định về kế toán và quyết toán ngân sách một cách tiết kiệm, hiệu quả.
Thường xuyên nắm bắt tình hình, kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng cơ chế quản lý tài chính, tài sản của Đảng; thực hiện đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục chứng từ và báo cáo quyết toán theo quy định.
Đối với cấp ủy các cấp từ tỉnh tới cơ sở, cần nâng cao chất lượng công tác lập dự toán và làm tốt công tác dự báo; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tài chính Đảng. Song song với công tác kiểm tra và tự kiểm tra tại mỗi cơ quan, đơn vị, cần nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra cùng cấp về công tác kiểm tra, giám sát tài chính Đảng, đảm bảo nguyên tắc, quy định và tiết kiệm trong thực hiện thu, chi tài chính Đảng, góp phần bảo vệ uy tín và quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài chính, tài sản của Đảng.
Thanh Hương