Tại Yên Bái, từ ngày 1/1 - 2/5/2019, đã ghi nhận 147 ca mắc/nghi mắc rải rác tại 8/9 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Lục Yên). Trong đó, huyện Văn Yên 51 ca, Trạm Tấu 51 ca, Văn Chấn 14 ca, thành phố Yên Bái 11 ca, Trấn Yên 10 ca, Yên Bình 8 ca, Mù Cang Chải 1 ca, thị xã Nghĩa Lộ 1 ca.
Đặc biệt, số mắc chủ yếu tại huyện Văn Yên 51 ca chiếm 33,7%, Trạm Tấu 51 ca chiếm 33,7%, Văn Chấn 14 ca chiếm 9,5%. Giám sát và lấy 65 mẫu xét nghiệm, kết quả 46/65 mẫu dương tính với sởi, 5 mẫu âm tính, 14 mẫu chờ kết quả.
Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ nhỏ duới 1 tuổi 36 ca chiếm 24,5%; trẻ từ 1 - 4 tuổi 45 ca chiếm 30,6%, 5 - 9 tuổi 20 ca chiếm 13,6%; 10 - 14 tuổi 7 ca chiếm 4,8%; 15 - 29 tuổi 8 ca chiếm 5,4%; từ 30 tuổi trở lên 31 ca chiếm 21,1%. Ngành y tế cũng đã ghi nhận 3 ổ dịch sởi tại các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu và Văn Yên. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ trẻ mắc bệnh sởi trong số các trường hợp có sốt phát ban nghi sởi rất cao, chiếm trên 70%.
Qua theo dõi dịch tễ, dịch sởi có chu kỳ 4 năm quay lại một lần, tại miền Bắc, năm 2013 - 2014, đã xảy ra vụ dịch sởi lớn, trong đó có Yên Bái. Thời gian tới, bệnh sởi vẫn có thể tiếp tục xảy ra rải rác hoặc thành dịch trên quy mô nhỏ và vừa tại một số địa phương do lũy tích những trẻ chưa được tiêm phòng sởi, nếu công tác tiêm chủng mở rộng không được tốt thì nguy cơ xảy ra dịch là rất cao.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi. Theo đó, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi trên địa bàn, đặc biệt lưu ý đến vùng có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp… tổ chức cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng.
Triển khai có hiệu quả việc tiêm vắc-xin sởi và sởi - Rubella trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường; rà soát lập danh sách các đối tượng trong độ tuổi tiêm sởi, sởi - Rubella chưa được tiêm, hoãn tiêm, tiêm chưa đủ mũi để tiêm vét, tiêm bù ngay sau khi kết thúc đợt tiêm và trong các đợt tiêm chủng thường xuyên hàng tháng.
Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh, lập kế hoạch tiêm bổ sung cho những trẻ trong diện tiêm mà chưa được tiêm phòng sởi, sởi - Rubella đảm bảo không bỏ sót đối tượng; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc, vắc xin, kinh phí, nhân lực, khu vực cách ly điều trị để sẵn sàng đáp ứng kịp thời các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Trần Minh