Nghị quyết số 21, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã chỉ rõ: "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.
Song, cũng như các địa phương khác, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác DS-KHHGĐ, Yên Bái đang gặp phải không ít khó khăn trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt đối với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trở ngại lớn nhất vẫn là tâm lý thích có con trai, phải sinh bằng được con trai để "nối dõi tông đường” dẫn đến tình trạng sinh con thứ ba, thứ tư ở một số thôn, bản vùng cao.
Theo số liệu thống kê, đến tháng 7/2019, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của Yên Bái là 10,01%. Trong đó, cao nhất là huyện Trạm Tấu 22,15%, Mù Cang Chải 15,43%, đó là chưa kể đến sự chênh lệch về mức sinh giữa các vùng. Tình trạng tảo hôn ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn. Ở vùng thấp và thành phố là tình trạng lạm dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến để lựa chọn giới tính khi sinh.
Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh của toàn tỉnh là 106,1 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ được sàng lọc sơ sinh mới chỉ đạt 2%, tỷ lệ được sàng lọc trước sinh là 24,3%; tỷ lệ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân là 11%.
Ngoài ra, một lực lượng lớn trong độ tuổi lao động của địa phương đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài hoặc tìm việc làm ở các doanh nghiệp liên doanh trên cả nước, khiến người già và trẻ em đang trở thành lao động trực tiếp làm ra của cải vật chất ở địa phương. Đây thực sự là rào cản lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Để thực hiện tốt Nghị quyết 21 của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, đòi hỏi các cấp, các ngành chức năng từ tỉnh tới cơ sở cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số "vàng” hiện có, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
Cụ thể là nâng cao thể chất, trí tuệ và đời sống văn hóa tinh thần cho toàn thể nhân dân thông qua việc tăng cường triển khai thực hiện các dự án chăm sóc sức khỏe như: tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát bệnh tật trước sinh và sơ sinh; thành lập các câu lạc bộ gia đình trẻ, phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tai tệ nạn xã hội, tạo công ăn việc làm cho thanh niên nông thôn…
Song song với việc tiếp tục tuyên truyền thực hiện KHHGĐ, tạo điều kiện cho trẻ em được chăm sóc, giáo dục và phát triển tâm, trí, lực một cách tốt nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh tới cơ sở cần quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; từng bước tạo việc làm, tăng thu nhập cho các đối tượng chính sách, đối tượng là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội... để nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để duy trì mức sinh thay thế, giảm sự chênh lệch mức sinh giữa vùng cao với vùng thấp và các đối tượng trong độ tuổi; chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
Thanh Hương