Tính đến hết tháng 5, đàn trâu toàn tỉnh có 93.660 con, đàn bò 30.774 con, đàn lợn có 432.987 con và trên 5,5 triệu con gia cầm. Thời điểm này, tăng cường che chắn, làm mát chuồng trại, cung cấp đủ nước uống, tiêm phòng đầy đủ để hạn chế dịch bệnh… là những biện pháp đang được các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh áp dụng để phòng, chống nóng cho đàn gia súc, gia cầm.
Trao đổi với chúng tôi về các biện pháp chủ động phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ông Đàm Duy Đức - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết: "Những đợt nắng nóng diễn ra gay gắt thường ảnh hưởng lớn đến đàn vật nuôi, làm giảm sức đề kháng nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao. Vì vậy, bà con cần giảm mật độ nuôi nhốt vật nuôi trong mùa hè, đảm bảo cần duy trì mật độ gia súc trong chuồng nuôi hợp lý, đảm bảo độ thông thoáng, không chăn thả và làm việc ngoài trời nắng gắt. Cung cấp đủ nước, nâng cao dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho vật nuôi, trong đó chú ý cho uống đủ nước, bổ sung vitamin, đường, chất điện giải... và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh”.
Đối với thủy sản, chú trọng chọn và thả giống sạch bệnh, rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Đồng thời, cần duy trì mức nước tối đa trong ao, đầm nuôi để phòng, chống nắng nóng cho thủy sản; cần có biện pháp tác động làm ổn định PH, oxy hòa tan, độ mặn trong nước ao, đầm nuôi trong những ngày nắng nóng kéo dài hoặc mưa to để tránh bị chết do sốc nhiệt…
Cùng với việc chủ động phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi và thủy sản bà con nông dân cũng đang tích cực áp dụng các biện pháp bảo vệ cây trồng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã khuyến cáo các hộ dân trước khi gieo mạ vụ hè thu phải làm đất kỹ, nên gieo mạ vào chiều mát, diện tích đã gieo cần bơm nước ngập sâu mặt ruộng vào ban ngày và tháo cạn vào đêm. Đồng thời, giữ nước ngập mặt ruộng đối với các ruộng lúa đã cấy và chuẩn bị cấy.
Đối với cây rau màu, nhất là các loại rau ăn lá nên phủ rạ mặt ruộng, làm giàn che lưới; thường xuyên duy trì nước trong rãnh giữa các luống để làm mát đất khi trời nắng nóng. Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp, tiến hành tưới ẩm hàng ngày hoặc ít nhất 2-3 ngày/lần, đặc biệt đối với các vườn cây mới trồng, các vườn cây ăn quả đang trong thời kỳ hoa, quả non. Không tiến hành cắt tỉa cành, trồng mới các loại cây ăn quả, cây công nghiệp khi thời tiết nắng nóng gay gắt xảy ra.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Yên Bái, thời tiết nắng nóng còn tiếp tục xảy ra trong những ngày tới. Vì vậy, người dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để có biện pháp chủ động phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh hay xảy ra vào mùa hè cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi. Các cơ quan chức năng, ngành chuyên môn cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các giải pháp phòng chống nắng nóng để bảo vệ cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.
Hồng Duyên