Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Với đồng bào cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc Yên Bái nói riêng, ngày mùng 2/9 hàng năm thực sự đã trở thành ngày tết thứ hai, sau tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Đó là ngày tết của hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc luôn được các thế hệ già trẻ, gái trai cùng đón đợi: Tết Độc lập.
Ngày Tết Độc lập thực sự có ý nghĩa và giá trị lớn lao, bởi nó đánh dấu một mốc son chói lọi, khẳng định rõ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trên bản đồ thế giới. Vì thế, hàng năm cứ đến Tết Độc lập 2/9, mỗi người dân Việt Nam đều có chung niềm xúc cảm tự hào về những thành quả cách mạng to lớn mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi.
Trong ngày lễ trọng đại ấy, khi con cháu đã quây quần đông đủ, mỗi gia đình đều không quên sắm sửa một mâm cơm đoàn viên, thắp nén tâm hương, tỏ tấm lòng thành với vị Cha già kính yêu của dân tộc để tưởng nhớ ngày Bác đi xa…
75 năm trôi qua cũng là 75 mùa vui độc lập toàn dân tộc được cùng chung ca khúc khải hoàn trên khắp mọi miền đất nước. Theo đó, khắp các thôn, bản, xóm phố của 9 huyện, thị, thành phố Yên Bái, cấp ủy, chính quyền địa phương đều tổ chức rất nhiều hoạt động sôi nổi trước và trong dịp kỷ niệm Quốc khánh để nhân dân được vui đón Tết Độc lập.
Đó là các phong trào thi đua lao động sản xuất; tổ chức các đoàn công tác đi về cơ sở thăm hỏi, tặng quà; các hoạt động vui chơi trong ngày hội lớn như: ném còn, đánh pao, đẩy gậy, múa khèn, giã cốm, giã bánh dày… thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Kinh, Tày, Thái, Xa Phó, Khơ Mú… và du khách gần xa.
Đến với ngày vui Độc lập của toàn dân tộc, không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo, vùng cao hay vùng thấp, nông thôn hay thành thị, tất cả đều nô nức rủ nhau tới các điểm chợ trung tâm huyện với váy áo hoa sặc sỡ, vòng bạc trắng xúng xính cùng những gương mặt rạng ngời, tươi rói như hoa.
Đặc biệt, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ trước đó còn được các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn tổ chức tại trung tâm xã, trên những quả đồi mâm xôi hay khoảng đất rộng cho bà con có điều kiện giao lưu, học hỏi và kết bạn.
Để rồi, trong tiết thu se lạnh, dưới vòm trời xanh trong vắt, âm hưởng dặt dìu của những điệu khèn môi, khèn lá, vòng xòe và điệu múa dân tộc đơn giản mà ý nghĩa, tình tứ mà đắm say với cung bậc bổng, trầm da diết và tấm chân tình nồng hậu ấy cứ theo mãi trong trái tim và để lại thật nhiều ấn tượng đẹp cho bạn bè, du khách.
Để rồi, cùng uống cạn chén rượu mừng, cùng hòa chung với đồng bào các trò chơi dân gian, cùng trao gửi niềm tin và hứa hẹn được chung sức, đồng lòng tiếp tục bắt tay vào thi đua lao động sản xuất, gặt hái thêm nhiều thành quả cho lần hò hẹn tới vào ngày vui đón Tết Độc lập năm sau.
Tết Độc lập năm 2020 này còn có thêm ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là cái tết của năm cuối nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cũng là năm cả nước tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Để ngày vui đón Tết Độc lập ngày càng ý nghĩa, được lan tỏa, trở thành động lực, ý chí phấn đấu giành được nhiều thành công hơn trong lao động, học tập, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh thi đua thực hiện các phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới; bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ tài nguyên rừng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh; thực hiện phong trào "ba bỏ” và xây dựng, kiến thiết quê hương từ đô thị cho tới nông thôn ngày càng hiện đại, văn minh và giàu đẹp…, góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hội nhập và phát triển.
Thanh Hương