Nước cho… khu công nghiệp
- Cập nhật: Thứ tư, 30/5/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Khu công nghiệp (KCN) phía Nam của tỉnh nằm tại xã Văn Tiến (Trấn Yên) đã được đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và mặt bằng tiểu khu công nghiệp với số vốn trên 33 tỷ đồng.
Các hạng mục xây dựng đều tạm ngừng thi công vì không có nước.
|
Trong đó, đầu tư vào hệ thống cấp nước với số vốn trên 300 triệu đồng, công trình đã bàn giao cho Ban quản lý Khu công nghiệp (KCN) quản lý khai thác. Nhưng đã hơn một năm nay các doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng nước từ hệ thống này...
Doanh nghiệp "khát"
Với nhiều chính sách thông thoáng ưu đãi và đầu tư khá đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng như: điện, đường... nên đến nay Khu công nghiệp phía Nam của tỉnh đã có 8 nhà máy được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 718 tỷ đồng, trong đó có 6 nhà máy đang hoạt động là: Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc thuộc Công ty Vật tư nông nghiệp, Nhà máy Nghiền pelsfat thuộc Công ty cổ phần Khoáng sản Yên Bái, Nhà máy Ván nhân tạo thuộc Công ty cổ phần Ván nhân tạo Yên Bái, Nhà máy Chế biến Cacbonatcanci (CaCO3) thuộc HTX Khai thác vận chuyển đá Mông Sơn, Nhà máy Sản xuất sơn dẻo nhiệt phản quang, Nhà máy Chế biến đá vôi thuộc Công ty TNHH Thuận Phát và 2 nhà máy đang triển khai xây dựng là Nhà máy Luyện gang thép, thuộc Công ty cổ phần Thép Cửu Long (VINASHIN), Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu thuộc Công ty cổ phần Đoàn Kết.
Chúng tôi đến Nhà máy chế biến CaCO3 thuộc HTX Khai thác vận chuyển đá Mông Sơn vào đúng giờ nghỉ trưa. Từng tốp công nhân, sau khi giũ sạch bụi bám trên quần áo, chụm lại quanh chiếc chậu nước rửa tay, rửa mặt trước lúc ăn trưa. Ông Nguyễn Văn Trọng- Phó giám đốc cho biết: "Nhà máy có gần 100 công nhân, từ khi đi vào sản xuất đến nay Nhà máy luôn thiếu nước, đặc biệt là năm nay".
Được biết, những năm trước đây, quanh khu vực này hoang sơ nên nhà máy lấy nước tại các khe núi về sử dụng. Từ khi tỉnh có chính sách ưu đãi nhiều nhà đầu tư về đây xây dựng nhà máy, các quả đồi xung quanh được san lấp làm nhà máy nên các túi nước tự nhiên không còn. Do vậy, công nhân phải sử dụng nước ở mức tiết kiệm nhất. Chuyện tắm giặt tưởng như đơn giản mà còn là không thể, nên nước để phục vụ sản xuất lại càng khó khăn hơn. Để khắc phục tình trạng này, toàn bộ hệ thống nước làm mát máy nghiền bi, Nhà máy đã phải nghiên cứu chế tạo thêm một chiếc thùng đựng nước thải để dùng lại vì không còn cách nào khác.
Trong khi đó đường ống cấp nước của Khu công nghiệp đã hoàn thành hơn một năm nhưng đến nay Nhà máy vẫn không có nước sản xuất. Đơn vị đã nhiều lần làm công văn gửi lên Công ty Cấp nước Yên Bái và các ngành chức năng để xin mua nước nhưng vẫn chưa được sử dụng nước! Để duy trì hoạt động, Nhà máy đã thuê nhiều đội khoan giếng đến nhưng đều không có kết quả. Dẫn chúng tôi đi thăm bờ kè chống sạt đất và tường rào bảo vệ nhà máy đang ngổn ngang gạch đá, ông Trọng còn cho biết thêm: "Những hạng mục xây dựng nhà máy đều phải tạm dừng thi công vì không có nước". Các doanh nghiệp, công ty khác đều phải tự tìm kiếm nguồn nước bằng giếng đào, giếng khoan không thể đảm bảo ổn định sản xuất lâu dài được…
Cơ quan quản lý nói gì?
Tìm hiểu thêm, chúng tôi tới Ban quản lý KCN tỉnh. Ông Phạm Quốc Hiển - Trưởng ban quản lý cho biết: "Hệ thống cấp nước trong KCN được UBND tỉnh đầu tư xây dựng đã hoàn thành, do Ban quản lý Khu công nghiệp quản lý. Song cho đến nay, không có doanh nghiệp nào sử dụng nước (theo cách nói của ông Phạm Quốc Hiển). Do vậy, hệ thống nước đã hoàn thành song vẫn chưa khởi thủy được. Mà nói đúng ra là có "thằng nào" muốn mua nước đâu"?!
Chúng tôi hỏi:
-Thưa ông, Nhà máy chế biến CaCO3 của HTX Khai thác vận chuyển đá Mông Sơn có nhu cầu?
Ông Phạm Quốc Hiển trợn mắt:
-Đấy là nó kêu với nhà báo chứ có kêu với Ban quản lý đâu?...
Chúng tôi lại hỏi:
-Vậy với trách nhiệm là người quản lý, ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?
Giọng đầy thách thức, ông Phạm Quốc Hiển nói: "Muốn hỏi lên UBND tỉnh mà hỏi". Rồi ông đứng dậy, nói: "Mày hỏi gì mà lắm vậy, lấy số liệu gì thì lấy nhưng chỉ trong vòng buổi sáng nay thôi, đây coi cũng như là mệnh lệnh"! Sau đó, ông Trưởng ban quản lý Khu công nghiệp hai tay đút túi quần bỏ ra ngoài.
Rời trụ sở làm việc của Ban quản lý Khu công nghiệp, chúng tôi thực sự ngạc nhiên và thất vọng trước thái độ làm việc hống hách, thiếu văn hóa của một lãnh đạo có trách nhiệm như ông Phạm Quốc Hiển. Và những câu hỏi của một số doanh nghiệp ở Khu công nghiệp phía Nam vẫn còn đó. Họ chờ câu trả lời nghiêm túc và việc làm cụ thể từ phía cơ quan chức năng được phân công quản lý và vận hành Khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh!
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có hơn 3.000 người tham gia lao động ở nước ngoài. Số lao động này hàng tháng gửi về trên 7 tỷ đồng. Xuất khẩu lao động ( XKLĐ) đang là một trong những nguồn thu khá lớn, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua, Yên Bái đã có một số lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm các công việc khác.
YBĐT - Chuyện về những chiếc xe siêu trường, siêu trọng; quá khổ, quá tải chạy trên một số tuyến đường trong đó có quốc lộ 70 không có gì mới. Chúng hoạt động ngày một nhiều, làm hư hại nghiêm trọng các công trình giao thông, gây mất an toàn trên các tuyến đường. Nhưng bởi nhiều nguyên nhân, xem ra các ngành chức năng vẫn bó tay.
YBĐT - Là một thành phố miền núi thơ mộng đại dịch AIDS đã len lỏi đến 11/11 phường, xã của thành phố Yên Bái và đã có rất nhiều người chết vì căn bệnh thế kỷ này, khiến cho người dân sống ở đây đang rất lo ngại về công tác phòng chống HIV/ AIDS trên địa bàn.
YBĐT - Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCCR) rừng luôn được các cấp uỷ quan tâm, song năm nào Yên Bái cũng xảy ra cháy rừng. Trong những nguyên nhân gây cháy rừng thì có tới trên 80% là do đốt nương, làm rẫy.