Giải pháp nào để chống thất thu thuế trong sản xuất chế biến gỗ?
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Có thể nói, hoạt động sản xuất chế biến (SXCB) gỗ những năm qua ở Yên Bái đã có sự phát triển mạnh cả về số lượng và qui mô kinh doanh. Hiện nay toàn tỉnh có 45 cơ sở SXCB gỗ, nộp NSNN 1.950 triệu đồng (năm 2006),
Sản xuất gỗ ở xã Tân Đồng huyện Trấn Yên.
|
Qua khảo sát tại huyện Văn Yên và Trấn Yên các loại gỗ quế, gỗ bồ đề nguyên liệu có giá bán trung bình từ 200.000 – 900.000đ/m3, tuỳ theo kích thước từng loại. Các loại gỗ này chế biến thành sản phẩm ván sàn, coppha, bao bì và đũa gỗ đang được ưa chuộng trên thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý thu mua và chế biến các loại gỗ rừng trồng vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong việc quản lý thu NSNN trên địa bàn.
Do đòi hỏi về gỗ nguyên liệu phù hợp với việc sản xuất từng loại sản phẩm nên các cơ sở chế biến chủ yếu phải mua gỗ nguyên liệu qua các đối tượng thu gom (đã có sự chọn lọc, phân loại). Nhưng hầu hết các đối tượng này đều không đăng ký nộp thuế với cơ quan quản lý thuế. Lợi dụng “kẽ hở” của chính sách thuế qui định việc cơ sở SXCB được phép sử dụng bảng kê thu mua, nhiều cơ sở chế biến khi mua nguyên liệu của đối tượng này, nhưng khi hạch toán lại sử dụng bảng kê mua trực tiếp của người nông dân để làm chứng từ, phản ánh không đúng thực chất của việc thu mua nguyên, vật liệu mà luật qui định. Qua khảo sát của ngành thuế cho thấy, một số trường hợp có tên người bán trong bảng kê thu mua của đơn vị SXCB, nhưng qua kiểm tra thực tế thì diện tích đất của hộ nông dân không đúng với sản lượng gỗ mà hộ đã bán cho cơ sở chế biến.
Khi kê khai chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cơ sở chế biến còn kê khai giá thu mua nguyên liệu cao hơn giá thực tế trên thị trường, làm giảm thu nhập chịu thuế, gây thất thu cho NSNN. Chẳng hạn, với loại gỗ xoan thuộc nhóm đầu 6,7,8 giá thực tế là 600.000đ/m3, nhưng có cơ sở đã kê khai lên tới 800.000đ/m3; gỗ quế có cỡ đầu 6 đến đầu 10, giá mua khoảng 570.000đ/m3, nhưng cơ sở đã kê khai lên 700.000đ/m3.
Trước thực trạng này, vừa qua các ngành chức năng của tỉnh là Cục thuế, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức hội thảo nhằm đưa ra giải pháp hữu hiệu để quản lý hoạt động chế biến gỗ. Từ đó, Cục Thuế tỉnh đã lập kế hoạch chỉ đạo chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát đối tượng thu mua gom sản phẩm lâm, nông nghiệp để đăng ký kê khai nộp thuế và hướng dẫn đối tượng sử dụng hoá đơn bán hàng khi tiêu thụ sản phẩm.
Ngành kiểm lâm khi tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn xác nhận hồ sơ lý lịch, số lượng lâm sản đã khai thác hoặc cấp phép khai thác đối với sản phẩm lâm sản cho hộ có vườn rừng phải đúng qui định và đúng thực tế của từng hộ. Khi xác nhận cho đối tượng thu mua gom phải phối hợp với cơ quan thuế để yêu cầu đăng ký nộp thuế. UBND huyện, thị xã, thành phố sẽ chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các ngành chức năng phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra xác định những đối tượng mua gom để quản lý thu thuế và lập các thủ tục về lâm luật theo qui định. Đồng thời, phối hợp với cơ quan tài nguyên - môi trường cung cấp số liệu về việc giao đất, giao rừng đối với từng hộ gia đình, cá nhân để đối chiếu sản lượng lâm sản khai thác khi cơ sở SXCB kê khai.
Đối với những trường hợp năm 2006 và 4 tháng đầu năm 2007 thu mua nguyên liệu gỗ đã lập bảng kê, nhưng không đúng đối tượng được lập bảng kê thì phải truy thu thuế và được tính chi phí khi tính thuế TNDN. Những trường hợp lập bảng kê sau ngày 30/4/2007 mà không đúng, bị kiểm tra phát hiện sẽ bị loại ra khỏi chi phí khi tính thuế TNDN. Như vậy, nếu cơ sở SXCB mua nguyên liệu qua đối tượng thu mua gom bắt buộc phải có hoá đơn bán hàng mới được tính chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.
Trường hợp có đủ hồ sơ theo qui định của kiểm lâm, nhưng không có chứng từ mua (giấy biên nhận thu mua) giữa đơn vị và chủ rừng hoặc có, nhưng không ghi rõ tên người bán, khối lượng và giá trị thì không được ghi vào bảng kê thu mua trực tiếp của người sản xuất và không được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế (căn cứ để lập bảng kê 04/GTGT là chứng từ mua (biên nhận thu mua) có ghi rõ khối lượng, đơn giá từng loại lâm sản và số tiền).
Nếu cơ sở chế biến mua nguyên liệu thông qua tổ chức, cá nhân thu gom, nhưng cơ sở thu gom chưa kê khai đăng ký thuế, không có hoá đơn bán hàng thì cơ sở chế biến phải yêu cầu người bán căn cứ vào khối lượng, giá trị hàng bán đến đội thuế sở tại kê khai nộp thuế và được cấp hoá đơn lẻ cho người mua làm chứng từ hạch toán. Trường hợp mua đầu mẩu, bìa bắp, cám cưa của người không kinh doanh, được sử dụng bảng kê thu mua kèm theo biên nhận bán ghi rõ họ tên, địa chỉ, khối lượng, giá trị bán.
Ngoài ra, cơ sở chế biến còn phải xây dựng định mức tiêu hao vật tư, giá bán từng loại sản phẩm để làm căn cứ tính mức tiêu hao hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế.
Đối với những trường hợp thu mua gom lâm sản rừng trồng không đăng ký thuế, khi vận chuyển đi bán mà không có hoá đơn bán hàng chứng minh đã được quản lý thuế thì khi kiểm tra phát hiện, ngoài việc xử lý truy thu thuế còn bị phạt từ 1 đến 5 lần số thuế trốn.
Linh Nhung
Các tin khác
YBĐT - Thời gian gần đây, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em ở phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái), xã Nà Hẩu (Văn Yên), xã Ngòi A (Văn Yên) ... đã gây nhức nhối và bất bình trong xã hội.
YBĐT - Vượt qua con đường gồ ghề, khúc khuỷu, khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm đến được trụ sở của Trạm Y tế xã Văn Tiến huyện Trấn Yên. Nhìn hai căn nhà cấp bốn ọp ẹp nằm lọt thỏm trong khu chợ. Nếu không có cái biển ghi dòng chữ "Trạm Y tế xã Văn Tiến" thì chắc không ai nghĩ đó lại là nơi chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho người dân trong xã.
YBĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá 16 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2010 đưa điện lưới đến 100% số xã, 90% số hộ được dùng điện. Ngoài ra, sản lượng điện dùng cho công nghiệp tiếp tục tăng cao, tập trung vào khu công nghiệp phía Nam và các khu sản xuất khác… Bên cạnh việc đầu tư phát triển lưới điện, công tác an toàn phòng chống sự cố cháy nổ do điện phải được đặt lên hàng đầu…
YBĐT - Với những yếu tố về địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như phong tục tập quán, điều kiện sống của người dân, Yên Bái là địa bàn để các dịch bệnh có thể phát sinh. Trao đổi với chúng tôi, Bác sỹ Phạm Văn Thành - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.