Thuế tài nguyên khoáng sản: Thấp đến bất ngờ !
- Cập nhật: Thứ hai, 9/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Yên Bái là tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, nhiều loại khoáng sản quý hiếm, có trữ lượng lớn, giá trị cao. Những năm qua nhờ chính sách thu hút đầu tư, hàng trăm doanh nghiệp đã đăng ký ngành nghề thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản và thực tế đã có hàng chục doanh nghiệp tổ chức khai thác, tận thu nguồn tài nguyên này.
Tài nguyên khoáng sản phải được khai thác tiết kiệm và hiệu quả kinh tế cao.
|
Có thể nói, tài nguyên thiên nhiên đã được đánh thức, không còn là tiềm năng mà đã là khả năng thực tế đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế. Trong tổng số hàng trăm loại khoáng sản đã được tìm thấy tại Yên Bái thì quặng sắt, đá vôi trắng và đá block đang là những mặt hàng có giá trị kinh tế cao, trữ lượng lớn và được khai thác nhiều nhất.
Khai thác và chế biến khoáng sản là lĩnh vực khá nhạy cảm, có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái và các tác động xã hội khác nên quy trình cấp phép và quản lý việc khai thác rất nghiêm ngặt. Thuế là công cụ quan trọng để người kinh doanh khai thác khoáng sản trích nộp một phần lợi nhuận của mình cho Nhà nước. Kể từ khi các doanh nghiệp đẩy mạnh việc khai thác khoáng sản tại Yên Bái, nhất là ở hai huyện Yên Bình và Lục Yên thì việc tổ chức thu thuế đối với mặt hàng khoáng sản đã được tiến hành.
Tuy nhiên, mức thu đó chưa thật sự hợp lý mà cụ thể ở đây là rất thấp, khiến nguồn tài nguyên quý hiếm ngày càng vơi đi, lợi ích thu được không đáng kể, gây bức xúc trong dư luận. Quyết định 147/2004/QĐ-UB ngày 19/5/2004 của UBND tỉnh chỉ rõ: Đá nguyên liệu sản xuất xi măng giá tính thuế là 100 nghìn đồng/m3; đá block tiêu thụ theo khối, giá tính thuế là 4.500.000đồng/m3; đá trắng có hàm lượng can xi cao để nghiền bột, giá tính thuế là 300 nghìn đồng. Quyết định số 25/2004/QĐ-UB quy định giá tính thuế đối với quặng sắt có hàm lượng dưới 64% là 250 nghìn đồng/ m3...
Theo quy định của Nhà nước, giá tính thuế được tính bằng giá bán, trừ đi giá thành sản phẩm (không có phí khai thác đối với khoáng sản). Như vậy, giá tính thuế áp dụng đối với mặt hàng khoáng sản là quá thấp so với thực tế. Đơn cử như loại đá block dạng khối có giá bán từ 8 đến 12 triệu đồng (đó là giá mà các doanh nghiệp kê khai, còn trên thực tế không ai biết giá thật của nó và cũng không ai dám chắc là các doanh nghiệp đã khai trung thực), trong khi sản phẩm này không qua bất cứ một công đoạn chế biến nào, vậy mà giá tính thuế chỉ có 4.500.000đồng/m3 và số thuế tài nguyên phải nộp chỉ là180 nghìn đồng/m3. Đá có hàm lượng can xi cao dùng để nghiền bột giá tính thuế chỉ là 300 nghìn/m3 và mức nộp là 12 nghìn đồng/m3. Kết quả khảo sát của liên ngành thuế, tài nguyên, công nghiệp, tài chính cho thấy: Tại Công ty cổ phần Khoáng sản Yên Bái, năm 2006 đơn vị nộp ngân sách 17.377 đồng/tấn quặng sắt. Sau khi trừ tất cả các khoản ưu đãi, miễn giảm theo quy định đơn vị nộp ngân sách là 5 nghìn đồng/tấn quặng và đơn vị đã tự nguyện nộp thêm 10 nghìn đồng vào ngân sách Nhà nước.
Sau khi trừ các khoản chi phí khác, Công ty này vẫn có lãi sau thuế là 16.346 đồng/tấn. Còn các đơn vị khác cùng khai thác quặng sắt chỉ phải nộp 5 nghìn đồng thuế tài nguyên, các loại thuế khác không phải nộp vì họ có trụ sở ở ngoài tỉnh và họ cũng không tự nguyện nộp 10 nghìn đồng như Công ty Khoáng sản Yên Bái. Ở ta thì vậy còn các tỉnh như Bắc Kạn, Lào Cai, một tấn quặng sắt các doanh nghiệp phải nộp riêng hai khoản thuế tài nguyên và phụ thu đã lên tới 55 nghìn đồng/tấn (trong đó 5 nghìn đồng thuế tài nguyên và 50 nghìn đồng do tỉnh phụ thu), vậy mà các doanh nghiệp này làm ăn vẫn hiệu quả.
Kết quả khảo sát, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản khác cho thấy đều có số nộp rất thấp và lợi nhuận sau thuế rất cao. Có lẽ do số thuế tài nguyên quá thấp, 180 nghìn đồng/m3 loại đá quý hiếm block, 5 nghìn đồng/tấn quặng sắt, 4 nghìn đồng/m3 đá làm xi măng, 12 nghìn/m3 đá vôi trắng nghiền bột... nên các doanh nghiệp đều ồ ạt tổ chức khai thác, sản xuất và buôn bán mặt hàng này. Hàng triệu tấn khoáng sản đã được khai thác xuất bán thô, chỉ có một phần được chế biến thành bột cacbonat can xi, tỷ lệ hao hụt tại các mỏ lên đến cả chục phần trăm, nhất là các mỏ khai thác đá block.
Theo số liệu thống kê, chỉ riêng khu vực Lục Yên năm 2005 đã khai thác 3414 m3 đá block, còn năm 2006 là 3154 m3. Đá quý khai thác nhiều đến vậy nhưng tổng số thuế tài nguyên các doanh nghiệp nộp trong năm 2005 lại rất khiêm tốn: Nhà máy khai thác chế biến đá marble Lục Yên nộp 345 triệu; Công ty Thành Phát nộp 123 triệu; công ty Hùng Đại Sơn nộp 50,3 triệu đồng.
Trước tình trạng khoáng sản “nhiều như núi” mà số thuế tài nguyên thu được bé “tẻo teo”, liên ngành tài chính, công nghiệp, thuế và tài nguyên - môi trường đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh mức thuế tài nguyên từ 1/7/2007. Theo đó, đối với quặng sắt giá tính thuế điều chỉnh từ 250 lên 900 nghìn đồng/tấn và số thuế điều chỉnh từ 5 nghìn lên 18 nghìn đồng; đá block nguyên khối điều chỉnh mức giá từ 4,5 triệu đồng lên 8 triệu đồng và mức thu tăng lên 320 nghìn đồng/m3; đá vôi trắng (cacbonat can xi) dạng cục mức thuế tài nguyên là 22 nghìn/m3, dạng sản xuất đá hạt là 20 nghìn/m3, dùng để sản xuất bột đá là 18 nghìn đồng/m3...
Tờ trình của Liên ngành đã gửi lên UBND tỉnh và UBND tỉnh vẫn chưa quyết định, nhưng vấn đề tăng thuế tài nguyên chắc chắn sẽ sớm được ban hành; nghề khai thác chế biến khoáng sản chắc chắn sẽ được quản lý chặt hơn. Khoản đóng góp đó tuy tăng nhưng qua phân tích đánh giá thì cách tính đó vẫn là rất “thoáng”, các doanh nghiệp không thể không chấp hành.
Hy vọng cùng với ngành thuế, các cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc với các cơ chế, chính sách đảm bảo cho doanh nghiệp làm ăn có lợi và đúng pháp luật, đừng để tình trạng “vỡ cảnh quan, tan môi trường, bục ngân sách, rách đường nhựa” như hiện nay.
Lê Phiên - Bài hưởng ứng cuộc thi viêt “Đất và người Yên Bái”
Các tin khác
YBĐT - Thời gian gần đây, các thông tin về nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt quá mức quy định của Bộ Y Tế khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. Ngày 1/6/2007, Cục vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có Quyết định số 34/QĐ-ATTP về việc thu hồi và tiêu huỷ sản phẩm nước tương, dầu hào có hàm lượng 3-MCPD vượt quá mức quy định.
YBĐT - Chuyến công tác mới đây tại huyện Văn Chấn và Trấn Yên, đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè “Cần liên kết chặt chẽ với nông dân, xây dựng vùng chè nguyên liệu tập trung, đổi mới cơ cấu giống và công nghệ, gắn sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thụ”.
YBĐT - Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, tính đến 31/ 05/ 2007, toàn tỉnh đã xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông (làm chết 43 người, bị thương 42 người, sập 1 cầu, hư hỏng 11 ôtô, 50 môtô, xe gắn máy...) và 235 vụ va quệt (làm bị thương 350 người, hư hỏng 44 ôtô, 305 môtô, xe gắn máy...). Số vụ tai nạn tăng 38,7% số người thiệt mạng tăng 48,3% so với cùng kỳ.
YBĐT - Giảm tải bệnh viện với ngành y tế cả nước nói chung và y tế tỉnh Yên Bái nói riêng có lẽ thực sự là bài toán khó mà đến nay lời giải vẫn đang còn là ẩn số.