Quyết liệt để tạo động lực hoàn thành các mục tiêu của cả nhiệm kỳ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/12/2024 | 3:28:33 PM

YênBái - Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là kết thúc năm 2024 và còn chưa đầy 10 tháng nữa là kết thúc 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Với quyết tâm cao, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên và thực hiện có kết quả 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm, Yên Bái đã cơ bản đạt các mục tiêu Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra.

Phải nhìn nhận rằng, gần 5 năm vừa qua, tỉnh Yên Bái đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Có những thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển của tỉnh, gây trở ngại lớn trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Ngay đầu nhiệm kỳ, đại dịch COVID-19 hoành hành làm đảo lộn xã hội, sản xuất kinh doanh ngưng trệ. Dù Yên Bái đã nỗ lực để giữ cho tỉnh là "vùng xanh” lâu nhất cả nước song cũng không tránh khỏi khó khăn do chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, đứt gãy. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Yên Bái suy giảm, người lao động thiếu việc làm… 

Khi bước vào giai đoạn nước rút của năm cuối nhiệm kỳ, Yên Bái và nhiều tỉnh, thành phía Bắc lại hứng chịu trận mưa lũ lịch sử do hoàn lưu bão số 3, gây sạt lở đất, ngập úng. Mưa lũ làm hư hỏng nhiều công trình công cộng, phá hủy nhiều công trình phục vụ sản xuất, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng; hàng chục ngàn nhà dân bị ảnh hưởng… 

Cùng với đó, những khó khăn của tình hình trong nước và thế giới đã làm vơi đi những thuận lợi, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng của tỉnh trong năm 2024. Song, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quyết liệt, linh hoạt của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các ngành, địa phương, Yên Bái đã phát huy cao độ tinh thần chung sức, đồng lòng; yêu thương chia sẻ của đồng bào cả nước và sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai. Thế nên cuộc sống người dân dần ổn định trở lại; các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương bắt tay vào phục hồi, sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 

Thông tin tại Kỳ họp thứ 21 - kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh diễn ra ngày 9 và 10/12 cho biết, đã có 31/32 chỉ tiêu dự ước đạt và vượt kế hoạch, trong đó, 5/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội về đích trước 1 năm Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh. Tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP cả năm ước đạt 7,91%, đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố (tăng 11 bậc so với năm 2023). 

Trong 4 năm (2021-2025), tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,54%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX đề ra. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, chăm lo và có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng. Chất lượng giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe người dân được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%; tỷ lệ nghèo đa chiều còn 8,67%, đứng thứ 9/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc bộ. Quốc phòng, an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; chất lượng cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt...

Đó là kết quả của sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, là quyết tâm của cả hệ thống chính trị và thể hiện trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền và sự đồng thuận cao của nhân dân. Tuy nhiên, trong phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh khóa XIX, Bí thư Tỉnh ủy Trần Huy Tuấn đã chỉ ra những hạn chế cần làm rõ. Người đứng đầu tỉnh cho rằng, thủ tục hành chính có mặt vẫn còn rườm rà, bất cập; thực thi công vụ và trách nhiệm quản lý nhà nước của một số sở, ngành, địa phương có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu… 

Đó là điều đòi hỏi đội ngũ của chúng ta cần phải quyết liệt hơn nữa, đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong tham mưu, trong chỉ đạo điều hành và thực thi công vụ. Tất cả để hướng đến mục tiêu hoàn thành sớm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, để tạo động lực vững bước vào năm mới, chúng ta tiếp tục hoàn thành những công việc quan trọng trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh đã thông qua 46 nghị quyết quan trọng, bao trùm toàn bộ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. Trong đó có nghị quyết ban hành nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu cho cả nhiệm kỳ, với các nhóm chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh có tính đột phá. UBND tỉnh cũng đã sớm triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 đến các sở, ngành, địa phương với 32 chỉ tiêu, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. 

Vấn đề đặt ra là phải làm sao để nâng cao nhận thức để quyết tâm, thống nhất cao trong hành động để quyết liệt trong chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở bằng việc làm cụ thể. Tin rằng, những kết quả đạt được và phương châm hành động "Bứt phá, quyết liệt, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả” sẽ trở thành động lực để chúng ta hoàn thành thắng lợi toàn diện mục tiêu đề ra cho nhiệm kỳ và những năm tiếp theo của kỷ nguyên mới.

Ngày 6/12/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 246/CTr-TU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2025. Trong đó đã làm rõ 5 mục tiêu cơ bản là: khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; hoàn thành tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, để ban hành sớm cho nhiệm kỳ 2025 - 2030; tăng tốc, bứt phá, quyết tâm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội XX Đảng bộ tỉnh. Có rất nhiều việc đã làm, đang làm và sẽ phải làm để thực hiện 5 mục tiêu này, trong đó có những việc "không thể không làm”.

Quang Tuấn

Tags Yên Bái mục tiêu nhiệm kỳ nhiệm vụ nghị quyết đảng bộ các cấp đội ngũ cán bộ đảng viên

Các tin khác

Đây là thời điểm có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng để toàn Đảng, toàn dân đồng tâm theo Đảng, lan tỏa mạnh mẽ ý chí chính trị, phát huy cao độ dũng khí của "hội nghị Diên Hồng” năm xưa để thực hiện tốt Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đảm bảo bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Vui múa sạp trong Ngày hội Đại đoàn kết ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên.

Những năm qua, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh được phát huy, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Nông dân xã Việt Thành, huyện Trấn Yên trồng ngô trên diện tích đất bị ảnh hưởng do bão số 3 để bù đắp những thiệt hại về nông nghiệp sau bão

Cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh, ngành nông nghiệp và bà con nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 6.000 ha cây trồng; trên 357.000 con gia súc, gia cầm chết; ngập tràn bờ gây thiệt hại gần 800 ha ao và 109m3 lồng cá... Mưa lũ cũng làm 406 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 24 công trình cấp nước tập trung nông thôn hư hỏng nặng.

Biểu cảm của sư thầy Thích Trung Kính - Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Yên Bái và lãnh đạo phường Hồng Hà trong buổi  phát quà từ thiện cho người dân.

Đã có rất nhiều bài viết đề cập đến sự tàn phá của thiên tai, những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và người dân cũng như những tấm lòng thảo thơm của đồng bào cả trong và ngoài nước đối với bà con vùng lũ Yên Bái. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhắc tới một số điều chưa được, hay nói cách khác là rất không nên của một bộ phận người dân khi thiên tai xảy ra. Cụ thể ra sao, mời bạn đọc xem bài viết dưới đây mà tác giả là người tận mắt chứng kiến!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục