Nà Ké - Đậm nét văn hoá làng

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nằm cách xa khu trung tâm của xã vùng sâu Ngọc Chấn (Yên Bình - Yên Bái), nhưng Nà Ké lại là ngôi làng đầu tiên của 5 thôn, bản: Thái Y, Nà Đình, Suối Hốc, Làng Ven và Nà Ké xây dựng làng văn hoá. Năm 2001, làng được công nhận tiêu chuẩn làng văn hoá cấp huyện. Bằng nỗ lực của cả Hội đồng làng và những thành tích toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội đã đạt được nhiều năm qua, các thành viên trong làng đang phấn đấu đưa Nà Ké vào danh sách làng văn hoá cấp tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Các thành viên của Hội văn nghệ làng văn hóa Nà Ké tập bài hát mới tại nhà Chủ tịch Hội đồng làng Dương Văn Canh.
Các thành viên của Hội văn nghệ làng văn hóa Nà Ké tập bài hát mới tại nhà Chủ tịch Hội đồng làng Dương Văn Canh.

Qua những cánh rừng mỡ, rừng bạch đàn xanh ngắt, tới thăm Nà Ké cùng mấy người bạn tâm giao, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước cảnh những thiếu nữ áo chàm tươi như hoa mùa xuân đang ríu rít trên đường đến nhà Chủ tịch Hội đồng làng tập văn nghệ. Làng đang chuẩn bị cho đội văn nghệ của mình tham dự hội diễn văn nghệ cụm xã Cảm Nhân sắp tới. 

Con đường dẫn vào làng uốn quanh bên những cánh đồng lúa đương thì con gái. Không thấy có những bãi phân trâu, phân bò trên đường như bất kỳ ngôi làng nào của vùng sâu Yên Bái. So với cả 5 làng văn hoá của Ngọc Chấn thì Nà Ké được xem là ngôi làng đẹp nhất theo đúng nghĩa. Nà Ké là điểm sáng trong phong trào thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Nà Ké có thể huy động một lúc vài chục bộ quần áo dân tộc truyền thống của đồng bào Tày được những người già trong làng gìn giữ hết sức cẩn thận.

Hơn 80 hộ dân là hơn 80 hội viên trong cộng đồng làng đều như người một nhà, yêu  thương giúp đỡ nhau lúc khó khăn, khi giáp hạt để vươn lên khấm khá. Và Nà Ké còn được biết đến bởi một lẽ, con gái ở đây không chỉ đẹp lạ lùng mà còn khéo tay, hay lam hay làm và hát rất hay những bài dân ca truyền thống.

Anh Dương Văn Canh - Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội đồng làng cho biết: "Lúc mới ra mắt làng chỉ có hơn 60 hội viên, nay tất cả 100% hộ dân của Nà Ké đều tham gia sinh hoạt". Là người tâm huyết với hoạt động xây dựng làng văn hoá, anh Canh rất năng nổ với các phong trào, vận động người dân trong làng tham gia học tập, đưa nội dung nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống như tuyên truyền cho nhân dân ăn sạch, uống sạch, ở sạch; tham gia lao động tu sửa, mở mới đường giao thông nông thôn; vệ sinh môi trường để phòng chống các loại dịch bệnh; tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tai tệ nạn xã hội..v.v..

Là thôn vùng sâu còn nhiều khó khăn nhưng từ khi xây dựng làng văn hoá, cuộc sống của 82 hộ đồng bào dân tộc ở Nà Ké đã có bước chuyển rõ rệt. Với tinh thần tương thân, tương ái, lá rách ít đùm lá rách nhiều, không để cho đồng bào mình gặp khó khăn, dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng làng, các hộ trong thôn giúp nhau đổi công khi mùa vụ để có thêm nhân lực sản xuất.

Các thành viên trong làng còn tự giác đóng góp xây dựng quỹ hội để giúp đỡ những hộ không may bị hoả hoạn, thiên tai ổn định cuộc sống. Tuy không nhiều, nhưng với một chút vật chất và mỗi người một ngày công lao động, năm qua, Nà Ké đã giúp được cho hàng chục hộ gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống như: giúp hộ gia đình chị Đinh Thị Nguyệt bị cháy nhà dựng lại nhà mới; gia đình anh Chu Văn Chủ có người thân mất, gia đình khó khăn; gia đình chị Hứa Thị Loan, anh Dương Văn Phát bị ốm đau kéo dài; gia đình anh Hoàng Xuân Thường, anh Nông Văn Nghiêm bị sập nhà do bão số 4…

Nhằm giúp dân ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất, làng đã đề ra quy ước 10 điều, phát cho từng nhà để mọi người dân cùng thực hiện như: quy định các hộ trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ ba; mỗi gia đình, mỗi người dân là một chiến sỹ phòng, chống ma tuý, rượu chè, nghiện hút; đi đêm phải có đèn pin; giúp nhau xoá đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc dân tộc…

Nhờ nghiêm túc thực hiện tốt các quy ước, hương ước của làng nên những năm qua chẳng những kinh tế của Nà Ké phát triển mà đời sống văn hoá tinh thần của các hộ dân cũng được nâng lên. 70% số hộ trong thôn đã sắm được xe máy, 90% hộ có ti vi, 100% hộ được sử dụng điện lưới phục vụ sinh hoạt.

Cuộc sống tinh thần của người dân nơi vùng sâu Ngọc Chấn này còn được khởi sắc hơn nhờ các hoạt động văn hoá văn nghệ cộng đồng. Dưới mái nhà sàn, các cụ già truyền dạy cho lớp trẻ những bài hát dân ca truyền thống của dân tộc mình để giữ gìn và phát huy. Lớp trẻ sau giờ lao động lại tìm đến nhà văn hoá của làng cùng tham gia sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, học tập kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản và giữ gìn hạnh phúc gia đình, giữ cho môi trường thiên nhiên của làng được phong quang, sạch sẽ.

Bằng  cố gắng nỗ lực của cả Hội đồng làng và những thành tích toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội đã đạt được nhiều năm qua, các thành viên trong làng đang phấn đấu đưa Nà Ké vào danh sách làng văn hoá cấp tỉnh trong thời gian sớm nhất. Đây cũng chính là nhiệm vụ của mỗi công dân, mỗi thành viên trong làng trên con đường xây dựng nông thôn mới nơi vùng sâu Ngọc Chấn.

Thanh Hương

Các tin khác
Tuổi trẻ luôn xung kích đi đầu trong các phong trào tình nguyện.

YBĐT - Đến nay, số cán bộ Đoàn chủ chốt (Bí thư, Phó bí thư) ở các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh Yên Bái có độ tuổi từ 30 đến trên 40 chiếm 57,43%, trong đó độ tuổi từ 30 - 35 chiếm 40,5%, số 36 - 40 chiếm 16,7% và trên 40 chiếm 0,23%. Nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong công tác luân chuyển cán bộ Đoàn nên dẫn đến tình trạng “U40. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào cho đầu ra của cán bộ Đoàn đã trưởng thành Đoàn mà chưa được luân chuyển sang công việc khác cho phù hợp?

Thanh niên Văn Yên học nghề tại Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Yên.

YBĐT - Thực hiện chương trình hỗ trợ đối với lao động mất việc làm và thiếu việc làm theo Quyết định số 30/2009/QĐ-T.Tg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo ngành lao động -Thương binh và Xã hội, các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ, thực hiện đồng bộ các giải pháp về an sinh xã hội.

Các hộ gia đình cần đề phòng xạt lở ta luy trong mùa mưa bão 2009.

YBĐT-Nói đến thiên tai ai cũng lo sợ, dù đó là người nghèo hay giầu có. Tất nhiên người giàu, nước giàu sẽ có điều kiện tốt hơn để hạn chế thiệt hại. Vâng! chỉ hạn chế thiệt hại được phần nào mà thôi, còn khi thiên tai ập đến bất ngờ thì ai dám nói rằng mình không bị ảnh hưởng?

Trò chơi “chồng nụ, chồng hoa” giờ ra chơi của học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Bất cứ người nào trong chúng ta, dù là người nông dân chân lấm tay bùn hay một doanh nhân giàu có thành đạt, ai sinh ra cũng đã từng là một đứa trẻ và đã từng chơi những trò chơi con trẻ trong suốt thời thơ ấu của mình. Những trò chơi như có một ma lực hấp dẫn và vô cùng thú vị đối với tất cả những em bé.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục