Hợp tác phát triển du lịch - cần cái bắt tay chặt chẽ
- Cập nhật: Thứ ba, 30/11/2010 | 8:56:55 AM
YBĐT - Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang được khởi động từ tháng 11 năm 2008 tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai được bắt đầu với 4 nội dung: hợp tác về cơ chế chính sách, hợp tác phát triển sản phẩm, hợp tác xúc tiến tuyên truyền quảng bá và hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch.
|
Với vai trò là trưởng nhóm hợp tác, tỉnh Lào Cai đã thực hiện thành công một số chương trình phát triển du lịch, quảng bá thương hiệu. Đây được coi là bước đệm quan trọng trong chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch khu vực Tây Bắc, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế du lịch khu vực phát triển, đặc biệt là giúp mỗi địa phương phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.
Trong thời gian qua, chương trình hợp tác đã đạt được kết quả tốt trên nhiều phương diện như xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương; phát triển sản phẩm du lịch, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch và hợp tác phát triển nhân lực du lịch địa phương; tăng cường nâng cao chất lượng các dịch vụ. Mỗi tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế và tiềm năng thế mạnh của mình để đầu tư phát triển du lịch một cách hợp lý.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, 8 tỉnh đã xây dựng chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn, tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng như khai thác, phát triển du lịch tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhằm sử dụng lao động, hàng hóa và dịch vụ tại chỗ; nghiên cứu, ứng dụng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên sau một thời gian triển khai, chương trình đã bộc lộ những nhược điểm cơ bản.
Mở màn cho chương trình hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc là "Hội nghị triển khai hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng" ngày 18/6/2010 tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Tham dự ngoài lãnh đạo 8 tỉnh, có thêm lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, đại diện tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Liên minh Châu Âu (EU) cùng đại diện một số công ty du lịch lữ hành trong và ngoài nước.
Tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng ở xã Quy Môn (Trấn Yên).
Tại Hội nghị, hầu hết các chuyên gia, đại biểu đều đánh giá là chương trình khá đơn điệu, chiến lược nghe rất hoành tráng song khi đi vào hoạt động thì thiếu sự liên kết giữa các tỉnh, hầu hết vẫn là “mạnh ai nấy lo”, hình thức tự phát là chủ yếu. Vấn đề quan trọng nhất của du lịch là thương hiệu, hiện đang do từng doanh nghiệp tự xoay xở chứ chưa mang tính liên kết lãnh thổ, liên kết khu vực hoặc liên kết vùng, liên kết tỉnh.
Nhiều câu hỏi đã đặt ra là vì sao cùng là chương trình hợp tác du lịch nhưng với 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ, họ lại xây dựng được thương hiệu cho mình, để từ đó thu hút được lượng du khách đến mỗi năm một tăng? Cụ thể là 2010 lượng khách đến 3 tỉnh ước đạt trên 2 triệu lượt người và doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Còn phạm vi 8 tỉnh, mặc dù chương trình đã đi vào hoạt động được 2 năm nhưng lại chưa làm được việc quảng bá thương hiệu cho mình để du khách biết đến.
Các “thương hiệu” du lịch gắn với các tỉnh, như: bãi đá cổ Sa Pa (Lào Cai), bia Lê Lợi và khu dinh thự Đèo Văn Long (Lai Châu), quần thể di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên), Nhà tù Sơn La (Sơn La), chợ tình Khau Vai (Hà Giang)... chẳng qua do lịch sử để lại hoặc tự nhiên mà có, còn để đầu tư bài bản mà khai thác thì các tỉnh chưa có sự bắt tay vào cuộc...
Mới đây, ngày 1/11/2010, tại Sa Pa đã diễn ra Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng nhằm đánh giá kết quả hợp tác sau 2 năm triển khai. Theo đó, cũng chưa có gì khả quan, 8 tỉnh vẫn chưa tìm được hướng đi chung cho mình, chưa có sự thống nhất trong tổ chức, xây dựng thương hiệu cho vùng.
Với địa bàn Tây Bắc, muốn phát triển du lịch phải xây dựng được thương hiệu du lịch, mà như thế phải có sự vào cuộc từ phía chính quyền các cấp, các doanh nghiệp hoạt động du lịch, người dân bản địa và ngay bản thân mỗi khách du lịch. Đó là một quá trình đòi hỏi cách làm bài bản, khoa học, nhiệt tình và đương nhiên là cả sự kiên trì, bền bỉ. Tây Bắc, vùng đất giàu truyền thống cách mạng với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, trong đó có tài nguyên du lịch với năng lực không bao giờ cạn. Song, để đầu tư, khai thác hiệu quả thì vẫn đang đợi cái bắt tay bằng những hành động cụ thể hơn từ phía 8 tỉnh.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Đủ các sản phẩm rau quả, vật nuôi được bày bán tại chợ Yên Ninh (thành phố Yên Bái) và nhiều chợ khác đều không rõ xuất xứ.
YBĐT - Mặc dù là tỉnh nội địa nhưng do có tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy qua địa bàn nên Yên Bái là địa bàn tiêu thụ, trung chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào sâu nội địa.
YBĐT - Doanh nghiệp, công ty, nhà máy chế biến nông - lâm sản thiếu nguyên liệu cho sản xuất, người làm ra nguyên liệu lại không biết bán cho ai và giá cả thấp là "chuyện thường ngày ở huyện”.
YBĐT - Đại dịch HIV/AIDS đã và đang là mối quan tâm của toàn nhân loại, là hiểm họa của xã hội loài người. Dịch đang diễn biến phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng và ngày càng có xu hướng lan rộng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị trên toàn thế giới và trong mỗi quốc gia.