Di dời dân khỏi vùng nguy hiểm
- Cập nhật: Thứ hai, 11/7/2011 | 9:39:46 AM
YBĐT - Mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Thiệt hại do bão lũ gây ra ở các địa phương miền núi, vùng cao Yên Bái thời gian qua khá nghiêm trọng. Lũ quét, lũ ống, sạt lở đất là những dạng thiên tai chủ yếu gây thiệt hại về người và tài sản.
Các tuyến đường giao thông trên Quốc lộ 32 có nguy cơ sạt lở cao khi mùa mưa lũ đến. (Ảnh: Người dân huyện Mù Cang Chải tham gia thu dọn đường giao thông sau một trận lũ năm 2010).
|
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai và UBND các cấp đã áp dụng nhiều biện pháp đề phòng, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tuy nhiên, nguy cơ thiệt hại về người và tài sản vẫn rất lớn do việc di dời các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều địa phương còn lúng túng. Tạm tính, trong 6.000 hộ dân thuộc diện này mới có trên 1.000 hộ tái định cư tới nơi an toàn. Việc di dời chậm chủ yếu do tỉnh phụ thuộc quá nhiều vào kinh phí phân bổ hàng năm của Trung ương, trong khi việc bố trí quỹ đất tái định cư rất khó khăn.
Thực tế cho thấy, di dời hàng ngàn hộ dân ở nơi nguy hiểm tới nơi ở an toàn và bảo đảm các điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống là nhiệm vụ rất nặng nề với một tỉnh miền núi, ngân sách chủ yếu trông vào Trung ương như Yên Bái. Đơn cử, để di dời hơn 1.000 hộ dân trong mấy năm qua, tỉnh đã triển khai trên 30 dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, cơ sở hạ tầng kinh tế dân sinh với kinh phí gần 130 tỷ đồng - chủ yếu do Trung ương cấp, vốn đối ứng địa phương hạn chế.
Mưa bão diễn biến ngày một phức tạp, khó lường với mức độ thiệt hại nghiêm trọng hơn. Di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm là việc làm cấp thiết nhưng lại đang cầm chừng do phụ thuộc vào nguồn vốn và quỹ đất tái định cư. Như huyện Lục Yên, trong tổng số 131 hộ cần phải di dời hiện mới chỉ di dời được 49 hộ, còn lại vẫn đang nằm trong khu vực nguy hiểm. Các địa phương khác, nhất là vùng cao như Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải tình hình tương tự.
Để giải quyết những khó khăn này, cần thiết phải tranh thủ sự quan tâm của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành Trung ương để tăng tính kịp thời và điều hành kinh phí linh hoạt hơn. Các địa phương có các hộ dân diện phải di dời cần chủ động tạo quỹ đất và linh hoạt, sáng tạo trong tạo nguồn lực cho tái định cư.
Một trong những giải pháp đó là huy động sự tham gia, ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, có thể bằng tiền, bằng công hoặc doanh nghiệp chủ động thi công mặt bằng, cơ chế thanh toán linh hoạt, chủ yếu là hỗ trợ địa phương.
Việc tạo quỹ đất thông qua hỗ trợ của doanh nghiệp ở vùng cao Trạm Tấu thời gian qua là một ví dụ sinh động về sự huy động này. Bên cạnh việc quy hoạch, tạo quỹ đất tái định cư có tính tập trung, các địa phương cần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân" trong cộng đồng, dân tộc.
Một kinh nghiệm tốt rút ra từ việc thực hiện các chính sách về đất đai ở vùng cao theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy là, nếu biết khơi dậy, phát huy sức mạnh từ dân thì vấn đề khó khăn mấy cũng có thể giải quyết.
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Dù mùa mưa bão năm 2011 chỉ mới bắt đầu, nhưng qua mấy trận mưa lớn do ảnh hưởng của một cơn bão mà Yên Bái đã có 6 người chết và mất tích.
YBĐT - Thực phẩm là sản phẩm đặc biệt, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Vì vậy, việc cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng là yêu cầu thiết yếu, hết sức quan trọng.
YBĐT - Để các em thiếu nhi có một mùa hè vui tươi, bổ ích, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng điểm vui chơi cho thiếu nhi..., rất cần sự vào cuộc của chuỗi "mắt xích giáo dục" là gia đình, nhà trường và xã hội.
YBĐT - Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, thời điểm cuối vụ thời tiết nắng ấm lên sẽ là điệu kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh hại trên lúa phát triển mạnh.