Thắp lửa niềm tin

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/10/2013 | 3:01:33 PM

YBĐT - 34 tỷ đồng, trong đó tiền mặt trên 20 tỷ đồng, công lao động và giúp đỡ khác quy ra tiền trị giá gần 14 tỷ đồng là con số không hề nhỏ mà Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh Yên Bái nhận được trong 3 năm qua (2010 - 2012).

Được hỗ trợ con bò đực và một con lợn nái đã giúp gia đình anh Lò Văn Nhất thoát nghèo.
Được hỗ trợ con bò đực và một con lợn nái đã giúp gia đình anh Lò Văn Nhất thoát nghèo.

Từ nguồn quỹ này, hàng chục nghìn hộ nghèo được hỗ trợ, giúp đỡ đã thắp sáng niềm tin để họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Niềm vui thoát nghèo

Từ vùng thấp đến vùng cao hôm nay, hình ảnh những ngôi nhà tranh dột nát trước đây đã dần được thay bằng những ngôi nhà xây vững chãi. Trong đó, có nhiều ngôi nhà "Đại đoàn kết", nhà tình thương, tình nghĩa mà các cấp, các ngành huy động từ nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, những tấm lòng hảo tâm hướng về người nghèo góp phần xây tặng.

Cùng với đó, hàng nghìn hộ nghèo cũng đã được vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để vươn lên thoát khỏi đói nghèo là những con số thật ý nghĩa. Theo đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh, chúng tôi đến Văn Yên - một trong số những địa phương làm tốt cuộc vận động xây dựng Quỹ "Vì người nghèo" những năm qua.

Ông Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Văn Yên thông báo nhanh: "Qua 3 năm vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo", toàn huyện đã quyên góp được 1.688 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, huyện hỗ trợ xây dựng mới 16 nhà "Đại đoàn kết", hỗ trợ xóa nhà tạm cho 1.201 nhà theo Quyết định 167, hỗ trợ 34 hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, tai nạn rủi ro và thăm hỏi, tặng quà cho gần 1.500 hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân các ngày lễ lớn và tết nguyên đán".

Chúng tôi tới thăm gia đình bà Nguyễn Thị Hà ở thôn Toàn An, xã Đông An. Trong ngôi nhà mới khang trang vẫn còn nguyên mùi vôi, nghe bà Hà kể về những khó khăn, vất vả đã trải qua và những giọt nước mắt xúc động lăn dài trên gương mặt người phụ nữ gần 60 tuổi này, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của bà. Sống hơn nửa đời người trong căn nhà ọp ẹp với người chồng và con út bệnh tật quanh năm, bà Hà chưa bao giờ dám mơ đến một ngôi nhà tử tế.

Tưởng cuộc sống cứ như vậy mãi nhưng đến đầu năm 2013, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và bà con họ hàng, bà đã xây được ngôi nhà khang trang. Bà tâm sự: "Đây không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần, giúp tôi tiếp tục vượt lên khó khăn trong cuộc sống".

Rời Văn Yên, đoàn công tác của chúng tôi đến địa bàn huyện Trạm Tấu. Là một trong hai huyện nghèo nhất tỉnh nhưng những năm qua, cuộc vận động "Vì người nghèo" trên địa bàn huyện đã thực sự đi vào cuộc sống, thu hút sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, đoàn thể, đơn vị.

Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã xóa được nhà tạm, nhà dột nát, có thêm đồng vốn tạo lập kế sinh nhai, thêm động lực giúp nhiều hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Là một trong những hộ nghèo, gia đình anh Lò Văn Nhất, thôn Lừu 2, xã Hát Lừu đã được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ.

Đặc biệt, năm 2010, gia đình anh được huyện hỗ trợ 1 con lợn nái sinh sản và 1 con bò đực theo Đề án Hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò cho các hộ nghèo của tỉnh. Sau 2 năm chăm sóc, đến nay, lợn nái đã sinh sản được 3 đến 4 lứa/năm, gia đình anh đã có gần 40 con lợn giống cho thu hàng chục triệu đồng.

Ngoài thu về gần 1 triệu đồng từ tiền cho thuê bò đực phối giống, anh còn có thêm bò để cày kéo thay cho sức người trên mảnh ruộng 4.000m2 của gia đình. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh cũng khấm khá hơn và dần ổn định. Anh Nhất tâm sự: "Trước kia, gia đình tôi nghèo lắm, làm lụng vất vả mà cũng không đủ cái ăn. Từ khi được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho con lợn, con bò nên bây giờ gia đình đã thoát nghèo rồi. Từ giờ, gia đình tôi quyết tâm chăm chỉ làm ăn để thoát nghèo bền vững rồi dần vươn lên làm giàu".

Tiếp sức cho ngày mai

Qua 3 năm (2010 - 2012) xây dựng Quỹ "Vì người nghèo", tỉnh Yên Bái đã quyên góp được trên 34 tỷ đồng, trong đó tiền mặt trên 20 tỷ đồng, công lao động và giúp đỡ khác quy ra tiền trị giá gần 14 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, ủy ban MTTQ, ban vận động quỹ từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung hỗ trợ và vận động nhân dân xây dựng nhà "Đại đoàn kết", hỗ trợ làm nhà theo 2 đề án của tỉnh cho 6.351 hộ nghèo; tổ chức tặng quà, thăm hỏi, hỗ trợ trên 7.000 lượt hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 565 người…

Bên cạnh đó, còn có nhiều hộ nghèo được nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, phương tiện, vật tư sản xuất, lương thực, khám, chữa bệnh... Cùng với hỗ trợ xây nhà, các hoạt động khác như tập huấn kiến thức phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, khám, chữa bệnh... của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và của nhiều doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động đã giúp nhiều hộ tạo dựng được kinh tế cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Liên nay có một ngôi nhà như mong ước.

35 tuổi, chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Gốc Đa, xã Đông An (Văn Yên) trông già hơn tuổi rất nhiều. Cuộc sống vất vả sớm đè nặng lên đôi vai người phụ nữ này khi chồng mê cờ bạc bỏ về quê, cậu con trai duy nhất học lớp 7 mới mất do đuối nước được mấy tháng, không nhà cửa, chị phải đi ở nhờ nhà người chị. Cuộc sống tưởng chừng như bế tắc khi không nhà cửa, không nghề nghiệp, không chồng con... chị chỉ ước có một ngôi nhà nhỏ để có chỗ thắp nén huơng cho con. Ước mơ ấy của chị sẽ thành hiện thực trong năm nay vì vừa qua, chị đã được xét hỗ trợ xây dựng nhà "Đại đoàn kết".

Biết tin này, chị Liên xúc động: "Tôi cảm ơn chính quyền các cấp, nhân dân đã giúp đỡ tôi có chỗ ở, có chỗ thờ cúng con, giúp tôi có niềm tin vào ngày mai!". Cũng là một trong số hộ được xét hỗ trợ xây dựng nhà trong năm nay, gia đình anh Trần Văn Trọng, thôn Toàn Thắng rất vui. Anh cho biết: "Vợ tôi mới mất do bệnh tật, nhà còn mẹ già gần 80 tuổi và hai đứa con nhỏ mới học lớp 3, lớp 4.

Căn nhà sắp đổ do cột kèo mọt hết, tường xung quanh đã hỏng nên tôi không dám đi làm ăn xa, chỉ quanh quẩn ở nhà với mấy sào ruộng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được xét hỗ trợ làm nhà trong năm nay, tôi rất mừng! Nếu có căn nhà kiên cố, tôi không phải lo mưa bão đổ nhà bất cứ lúc nào và yên tâm làm ăn để vươn lên thoát nghèo". Thời gian qua, cuộc vận động xây dựng Quỹ "Vì người nghèo" với nhiều phương thức vận động, ủng hộ sáng tạo, phù hợp và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này đã tạo niềm tin vào ngày mai tươi sáng cho hàng nghìn hộ nghèo.

Đẩy mạnh cuộc vận động

Yên Bái là một tỉnh miền núi với tỷ lệ hộ nghèo cao nên trong thời gian tới, giúp người nghèo thoát nghèo nhanh và bền vững, cuộc vận động cần được đẩy mạnh đồng thời người nghèo cũng cần nêu cao ý thức tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại vào trợ giúp của chính quyền và cộng đồng. Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với các hình thức phong phú để thu hút sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng; cần tăng nguồn kinh phí thực hiện các chương trình chính sách đối với hộ nghèo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Các ngành chức năng, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cần làm tốt công tác bình xét, hỗ trợ, cho vay đúng đối tượng để đồng vốn đến tay người nghèo…

Ông Nông Văn Lịnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái cho biết: "Trong thời gian tới, từ Quỹ "Vì người nghèo", Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục tham mưu và chỉ đạo cho ủy ban MTTQ cấp huyện, cơ sở ưu tiên sử dụng vào các hoạt động: hỗ trợ xóa nhà dột nát; hỗ trợ một số mô hình điểm phát triển kinh tế cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; hỗ trợ tặng quà, khám chữa bệnh cho học sinh nghèo, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn…".

Không còn hoài nghi khi Quỹ "Vì người nghèo" đã thực sự trở thành nguồn trợ lực quan trọng để tiếp sức, thắp sáng niềm tin cho người nghèo. Càng hiệu quả hơn khi đã, đang và sẽ có hàng triệu trái tim nhân ái của người dân trong cả nước nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng chung tay giúp đỡ các hộ nghèo. Như thế, mục tiêu giảm 4% số hộ nghèo mỗi năm của tỉnh Yên Bái chắc chắn sẽ không còn là điều khó thực hiện.

Hồng Duyên

Các tin khác
Nhà Bảo tàng tỉnh sau hơn 4 năm thi công hiện đã dừng lại, xung quanh đầy cỏ dại.

YBĐT - Năm 2009, nhà bảo tàng được khởi công bên khu hồ Hào Gia liền kề với Thư viện tỉnh (thành phố Yên Bái) quả thực là niềm vui khôn tả không chỉ với riêng người làm công tác bảo tàng. Nhưng khi đã hoàn thiện tới 95% khối lượng thi công phần vỏ nhà trưng bày thì công trình phải dừng lại.

Nông dân xã Việt Thành đang nuôi tằm theo phương pháp nuôi tằm đất.

YBĐT - Về với xã Việt Thành (Trấn Yên), nơi nghề trồng dâu nuôi tằm đã có từ lâu đời lần này, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi con tằm, cây dâu đang giúp người dân nơi đây giàu lên nhanh chóng. Giờ thì nghề trồng dâu nuôi tằm đã không còn bó hẹp ở Việt Thành mà đã lan rộng về Báo Đáp, Tân Đồng... và nhiều xã khác.

Lớp thực hành trồng nấm rơm ở thôn 3.

YBĐT - Sau gần 3 giờ đi ca-nô lênh đênh trên hồ Thác Bà, chuyển sang đi bằng xe máy, chúng tôi đã đến trung tâm xã Tích Cốc - một xã vùng xa của huyện Yên Bình. Đường từ bến ca-nô xã Cảm Nhân vào Tích Cốc khoảng chừng 15km đã được rải nhựa vài năm rồi, đi lại thuận lợi nhưng hiếm khi nhìn thấy một căn nhà xây nào bên đường khang trang, rộng rãi mang dáng dấp biệt thự... Tích Cốc vẫn nghèo lắm!

Cần có sự liên kết giữa nông dân với nhau để tạo thành những nông trang trong sản xuất nguyên liệu.
(Ảnh: Lê Phiên)

YBĐT - Để sản xuất, kinh doanh chè ngày một phát triển bền vững, song song với giải quyết những tồn tại đã nêu, chúng ta tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, vào các cơ sở chế biến, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Nói là vậy nhưng cơ bản vẫn cần có những giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến tư duy và từ người nông dân đến các cấp quản lý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục