Vẹn nguyên trong ký ức
- Cập nhật: Thứ hai, 31/3/2014 | 8:53:02 AM
YBĐT - Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu" đã đi qua chặng đường 60 năm. 60 năm - dòng chảy thời gian ít nhiều đã cuốn theo dấu vết chiến tranh nhưng không thể xóa mờ niềm tự hào của một dân tộc về những chiến công hiển hách trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc.
Ông Vi Văn Tính (người ngồi giữa), ông Bùi Văn Như (ngồi bên trái) cùng ông Ngô Đức Trọng (Cựu TNXP xã Minh Bảo, TP Yên Bái) ôn lại kỷ niệm.
|
Trong chiến thắng vang dội đó, có những đóng góp rất to lớn của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). Những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi lúc bấy giờ nay đã qua cả cái tuổi "thất thập" nhưng ký ức về Điện Biên vẫn mãi vẹn nguyên trong họ...
Những ngày cuối tháng 3, trong không khí cả nước đang hướng về Điện Biên, nô nức chuẩn bị kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ở cửa ngõ Tây Bắc, tôi vinh dự được gặp gỡ những người cựu TNXP năm xưa đã tham gia làm đường giao thông lên Điện Biên trên các trọng điểm quân Pháp đánh phá ác liệt. Những người cựu TNXP năm xưa giờ tuổi đã ngoài 80 nhưng khi nhắc tới Chiến dịch Điện Biên Phủ, tới những ngày tháng tham gia làm đường để quân ta tiến lên Điện Biên Phủ thì họ sôi nổi như được sống lại quãng thời gian khó khăn, hiểm nguy và rất đỗi vinh quang ấy…
Ông Vi Văn Tính ở phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) năm nay đã bước qua tuổi 80 nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn. Cách đây 60 năm, ở cái tuổi đôi mươi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã tình nguyện tham gia Đội Thanh niên xung kích của Đoàn thanh niên xã Minh Tiến (Trấn Yên).
Ông bồi hồi nhớ lại: "Ngày ấy, anh trai tôi mới hy sinh, chính quyền xã nói tôi không phải đi nhưng trong khí thế lúc đó, tôi không thể ngồi yên, quyết xin đi với mong muốn được cống hiến giải phóng quê hương, đất nước. Còn mẹ tôi thì lo lắng tôi sẽ "bỏ" mẹ đi như anh trai tôi. Tôi đã nói với mẹ: "Con đi nhất định sẽ về, mẹ hãy yên tâm!".
Câu chuyện của người cựu TNXP đã làm cho tôi - một người trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình cảm nhận cái khí thế lúc đó sôi sục lắm, tình yêu đất nước không gọi thành tên mà chỉ thể hiện bằng hành động.
Lịch sử đã ghi lại, vào cuối năm 1953, đầu năm 1954, tập đoàn cứ điểm của giặc Pháp ở Điện Biên Phủ bị ta bao vây chặt. Trước sức mạnh tấn công của quân đội ta, giặc Pháp đã tăng cường đánh phá ác liệt vào các trọng điểm cầu đường của ta hòng ngăn chặn việc tiếp tế cho mặt trận. Ông Tính cùng rất nhiều TNXP đã không ngại khó khăn, không sợ hy sinh tình nguyện lên đường. Đơn vị C226 của ông lúc đó di chuyển từ Yên Bái sang Tuyên Quang, tập trung ở Na Hang chỉnh huấn, sau đó tiếp tục di chuyển.
Ông nhớ lại: "Lúc đó, đi đâu bản thân tôi cũng chỉ tâm niệm một điều, đi để phục vụ kháng chiến". Cứ ngày thì nghỉ, đêm tối thì hành quân di chuyển, ông Tính cùng đơn vị đi theo đường Thanh Sơn, Thanh Thủy Thu Cúc, đến bến phà Tạ Khoa thì mới biết mình được đi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. "Chúng tôi phấn khởi lắm! Lúc đến đó thì đơn vị được đổi thành C405. Tất cả chúng tôi đều hừng hực khí thế" - ông nói với tôi như niềm vui đó mới vừa của hôm qua thôi vậy.
Đơn vị của ông đóng chốt ở đèo Kẹo, nhiệm vụ là đảm bảo giao thông, phá bom nổ chậm. Ban ngày, ông cùng đồng đội lên đỉnh cao nhất để quan sát quân Pháp ném bom, những quả bom nào chưa nổ thì cắm cờ. Tới đêm thì ra gác để báo động bom nổ, xong xuôi ám hiệu anh em ra san gạt đường. Những hố bom khoét sâu 4 - 5m, rộng tới hơn chục mét phải được TNXP san lấp nhanh chóng để quân ta tiếp viện cho chiến trường. Có những ngày, chỉ một đoạn đường dài 400 - 500m có hàng chục hố bom sâu, bom nổ chậm nằm sâu dưới mặt đất, rãnh đường hoặc ta luy. Tất cả những quả bom nổ chậm ở mặt đường hoặc cạnh đường, chỉ sau 2 - 3 tiếng đồng hồ là phải tập trung lực lượng đào bới, dùng thuốc nổ kích bên ngoài để bom không nổ. Ngã ba Cò Nòi - điểm xung yếu khiến quân Pháp rải xuống không biết bao nhiêu bom đạn.
Ông lặng đi khi nhắc tới những đợt mưa bom của quân Pháp ở Cò Nòi: "Không thể kể được bao nhiêu là bom đạn quân Pháp rải xuống. Mỗi ngày không biết bao nhiêu đợt. Đầu tiên, chúng ném bom napan làm cháy rừng, để rừng quang ra dễ quan sát. Sau đó, chúng ném bom vào những điểm nghi ngờ và cuối cùng là rải bom nổ chậm. Có ngày, chúng ném xuống Cò Nòi 300 quả bom các loại với trọng lượng 69 tấn thuốc nổ hòng chặn đường quân ta tiếp viện cho Điện Biên".
Nếu sơ sảy, người báo bom bấm giờ sai thôi thì làm rất nhiều đồng đội hy sinh. Dù lúc đó ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh nhưng với tinh thần TNXP, họ vẫn dũng cảm, bền bỉ bám đường theo từng tốp nhỏ khi phân tán, khi tập trung, tay không rời cuốc xẻng cả ngày lẫn đêm. "Dù bị ốm cũng xung phong lên mặt đường" - ông Tính hồ hởi nhớ lại. Chính tinh thần đó của những TNXP đã làm được những việc phi thường: cứ đào bới tìm vị trí quả bom sâu 2 - 3m mà không biết bom nổ lúc nào hay treo người trên ta luy để xả đất đá, phá đá, nổ mìn...
Tiếp câu chuyện tinh thần TNXP Vi Văn Tính, chúng tôi đến gặp ông Bùi Văn Như ở xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái). Tham gia TNXP khi vừa tròn 20 tuổi. 60 năm đã qua nhưng ký ức về những ngày tháng tuổi xuân sôi nổi ở đèo Lũng Lô thì ông mãi mãi không bao giờ quên… Đơn vị của ông đóng ở Ngòi Lao, đèo Lũng Lô của Yên Bái - là một trong những trọng điểm bắn phá của quân Pháp. Ông Như vẫn nhớ rất rõ, lúc đó, ngày nào chúng cũng ném bom bắn phá.
Vào giai đoạn cuối của Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ném cả ngày lẫn với nhiều loại bom như: bom phá hoại 250kg, bom nổ chậm, bom "bươm bướm", bom phạt ngang trên mặt đất. Có khi chỉ vài trăm mét đường mà có hàng mấy chục hố bom sâu vài mét, rộng vài chục mét, rất nhiều bom nổ chậm nằm sâu dưới mặt đất.
Đèo Lũng Lô gấp khúc thành nhiều đoạn bậc thang nên khi máy bay địch ném bom không trúng đoạn trên thì trúng đoạn dưới, không trúng mặt đường thì trúng ta luy, gây sạt lở đất đá với số lượng lớn làm ách tắc giao thông. Nhưng giặc Pháp dội bom đến đâu, TNXP, dân công hỏa tuyến lại dọn dẹp ngay tức khắc đến đó, đảm bảo giao thông thông suốt cho bộ đội hành quân lên Điện Biên, dân công chở súng đạn, lương thực cho tiền tuyến. "Bom dội như nước. Trong đó có bom "bươm bướm" 4 cánh chỉ cần đá vào là nổ, đã có nhiều đồng đội của tôi hy sinh vì nó" - ông Như nhớ lại.
Nhiệm vụ của ông Như cùng đồng đội là làm đường và phá bom nổ chậm. Bom "bươm bướm" nhỏ nên dễ bị đá vào phát nổ ngay tức khắc. Song dẫu thế, họ - những TNXP vẫn có mặt trên những điểm "nóng" nhất, làm những việc tưởng như không ai làm nổi với tinh thần "đào núi lấp biển".
Câu chuyện của ông Tính, ông Như và những cựu TNXP tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ càng làm cho những người được sinh ra trong thời bình như chúng tôi hiểu thêm về động lực thôi thúc thanh niên tham gia kháng chiến chống Pháp ấy xuất phát từ tinh thần yêu nước, yêu đồng bào. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: "Bọn đế quốc và phản động đã không đánh giá được sức mạnh vĩ đại của một dân tộc, sức mạnh của nhân dân".
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Người ta thường nói, con cái là sự tiếp nối cuộc sống của cha mẹ, điều đó làm nên sự trường tồn của con người trong vũ trụ. Nhưng bỗng một ngày cha mẹ phát hiện ra sự tiếp nối của mình không giống như tự nhiên vốn có thì dường như vũ trụ đã hoàn toàn sụp đổ. Và trong cuộc đấu tranh khẳng định mình của những đứa con thuộc giới tính thứ ba này đang nhiều lắm những giọt nước mắt.
YBĐT - Trên cơ sở Dự án quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015, trong giai đoạn 2006 - 2013, tỉnh Yên Bái đã xây dựng 46 dự án để triển khai chương trình bố trí dân cư; tổng số hộ được sắp xếp, bố trí là 1.385 hộ, đạt 61%, trong đó 1.162 hộ được bố trí theo hình thức tập trung và 163 hộ được bố trí theo hình thức xen ghép.
YBĐT - Con số 140 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị mua bán trong vòng 5 năm qua trên địa bàn Yên Bái chỉ là con số rất nhỏ so với số phụ nữ và trẻ em bị nghi mua bán trên thực tế.
YBĐT - Hiện nay, các loại điện thoại, túi xách, giầy dép, quần áo, nước hoa, kính mắt, dây lưng... làm nhái các thương hiệu nổi tiếng đang được bày bán khắp nơi trên địa bàn thành phố Yên Bái.