Sản xuất nông nghiệp:

Đã đến lúc tái cơ cấu!

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/4/2014 | 2:45:04 PM

YBĐT - Sản xuất nông nghiệp của Yên Bái trong những năm gần đây liên tục gặt hái được nhiều thành công. Năm nào cũng vậy, ba mùa gối vụ, lúa xuân, lúa mùa, cây vụ đông đều bội thu, an ninh lương thực được bảo đảm, nhiều vùng còn sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa và thị trường.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất góp phần tăng năng suất lao động.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất góp phần tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, áp dụng khoa học kỹ thuật đơn thuần nên năng suất đã đạt tới “ngưỡng”, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm không cao, người trồng lúa chưa khá giả được từ lúa.

“Xôi đỗ” khó giàu

Là một tỉnh miền núi, ruộng nương không quá phì nhiêu, toàn tỉnh có 20.000ha lúa nước nhưng chỉ có hơn 18.000 ha là cấy chắc hai vụ, bình quân mỗi nhân khẩu vùng nông thôn cũng chỉ đạt hơn 200m2. Dưới sự lãnh chỉ đạo của tỉnh, ngành nông nghiệp, các huyện, thị, thành phố và sự nỗ lực của nông dân đã đưa sản xuất nông nghiệp vượt lên. Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp khá hiệu quả.

Từ chương trình cấp I hóa giống lúa đến chương trình đưa lúa lai vào sản xuất đại trà, tiếp đó là chương trình sản xuất lúa hàng hóa, đầu tư kiên cố hóa kênh mương nội đồng, hỗ trợ giá giống lúa lai, lúa thuần ở vùng thấp, cấp không giống lúa ở vùng cao; xây dựng các trạm, trại sản xuất lúa giống tại chỗ để cung ứng cho bà con cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất, phòng trừ sâu bệnh...

Nhờ vậy, từ một tỉnh hàng năm thiếu hàng chục ngàn tấn lương thực, đến nay, không những Yên Bái đã đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cao mà vùng thấp còn sản xuất lúa hàng hóa. Kết thúc năm 2013, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 282.972 tấn, trong đó thóc là trên 198.511 tấn. Năm 2013 cũng là năm được đánh giá là sản xuất lúa thành công nhất từ trước đến nay, năng suất bình quân đạt 49 tạ/ha, tăng 0,31% so với năm 2012.

Nhìn một cách tổng thể có thể thấy, nông dân Yên Bái tương đối no đủ nhưng đi về các vùng quê, cuộc sống của người nông dân còn lắm gian truân.

Trong số 20.000ha trồng lúa nước thì Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ được ví là vựa lúa của tỉnh bởi nơi đây có cánh đồng Mường Lò rộng lớn, phì nhiêu thế nhưng người trồng lúa cũng chưa có cuộc sống sung túc. Năng suất, sản lượng lúa vùng Mường Lò nói chung và thị xã Nghĩa Lộ nói riêng là dẫn đầu cả tỉnh, bình quân đạt 12 tấn/ha nhưng đói nghèo vẫn còn.

Lý giải về điều đó, bà Lê Thị Kim Hoa - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ nói: Toàn thị xã có 720ha lúa ruộng, nhờ đầu tư áp dụng các biện pháp thâm canh nên năng suất đã đạt 12 tấn/ha, bà con cũng tích cực sản xuất vụ 3 gần hết diện tích lúa hai vụ. Từ lâu, thị xã cũng đã quy hoạch và bà con cũng đã sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao nên giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác đạt 120 triệu đồng.

Với mức đầu tư thâm canh như hiện nay đã là rất tốt và có đầu tư nữa mà vẫn theo cách thông thường thì năng suất, chất lượng cũng không thể cao hơn hoặc có tăng cũng rất chậm. Với năng suất, sản lượng như hiện nay cũng như từ thu nhập sản xuất lúa thì đời sống nhân dân vẫn rất khó khăn nếu như chúng ta không tái cơ cấu sản xuất, không áp dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuât... bà Hoa cho biết thêm.

720ha lúa ruộng chia bình quân nhân khẩu ở thị xã Nghĩa Lộ cũng chỉ đạt 300m2. Với diện tích này, nếu đạt năng suất 12 tấn/ha thì mỗi khẩu đạt 450kg thóc/người/năm. Theo cách tính của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, mỗi khẩu một tháng cần 25kg thóc, 1 năm hết 300kg, còn 150kg thóc chưa kể công chăm sóc, giống, phân bón, thủy lợi phí... Theo các nhà kinh tế học, đối với sản xuất nông nghiệp, chi phí sản xuất luôn chiếm 40% giá trị sản phẩm.

Như vậy, để tái đầu tư sản xuất còn khó chứ chưa nói đến dư giả. Sản xuất lúa chất lượng cao làm hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng sản xuất manh mún, nhiều loại giống, không liền ô liền thửa, làm thủ công và thiếu sự liên kết, hay nói đúng hơn là sản xuất không theo chuỗi sản phẩm. Địa phương nào cũng quy hoạch vùng lúa hàng hóa nhưng làm không theo quy hoạch, làm kiểu "xôi đỗ" trên nhiều thửa ruộng nhỏ rất khó giàu có được.

Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Lục Yên, Yên Bình... là những địa phương tiêu biểu trong sản xuất lúa hàng hóa nhưng cũng không thoát ra được lối làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Ruộng thì nhỏ lẻ, nhiều ô nhiều thửa, với 500ha lúa hàng hóa của thị xã Nghĩa Lộ thì có tới hơn 6.000 thửa ruộng. Ruộng manh mún, giống cũng tạp nham: nào là Séng Cù rồi Nghi Hương 507, Chiêm Hương, nào là ĐS1... Nhà cấy trước, nhà cấy sau, nhà gieo sạ, nhà cấy tay, nhà gieo máy... dẫn đến khó chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng như thu hoạch và sau thu hoạch.

Gia đình bà Sầm Thị Giao - thôn Ao Luông 1, xã Sơn A (Văn Chấn) có 2.000m2 ruộng nhưng thuộc 3 thửa ruộng. Không chỉ vậy, mỗi thửa bà lại trồng một giống khác nhau, thửa là ĐS1, thửa trồng Chiêm Hương, thửa trồng giống lúa lai. "Trồng lúa chất lượng cao cho giá trị cao hơn giống lúa thường từ 3 - 4 triệu đồng/ha thế nhưng gia đình vẫn phải trồng 1 sào lúa lai vì nhỡ các giống kia mất mùa còn có cái mà ăn chứ” - bà Giao nói.

"Không riêng gì nhà bà Giao mà hầu hết các hộ dân ở trong xã đều làm như thế” - Chủ tịch UBND xã Sơn A Đinh Văn Thuyên cho biết. Đấy là những câu chuyện có thật và đang hiện hữu giữa vựa lúa của tỉnh, còn ở những xã vùng cao, vùng sâu thì sản xuất còn nan giải hơn nhiều. Thực trạng đó cho thấy, nếu cứ làm ruộng như hiện nay thì giỏi lắm, cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn chứ rất khó có cuộc sống dư giả.

 

Nông dân xã Thanh Lương (Văn Chấn) thu hoạch lúa chất lượng cao làm hàng hóa.

Đã đến lúc tái cơ cấu

Đã đến lúc chúng ta phải tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng không gian sản xuất, tái cơ cấu theo chuỗi ngành hàng nông sản và tái cơ cấu theo đối tượng tham gia sản xuất. Trước tiên là quy hoạch xây dựng khu vực phát triển nông nghiệp hiện đại, tập trung, quy mô mà nên lựa chọn cánh đồng Mường Lò. Vùng này nên tập trung sản xuất lúa, gạo chất lượng, làm sao cả cánh đồng Mường Lò chỉ sản xuất 1 đến 2 giống chất lượng và áp dụng sản xuất nông nghiệp cao, công nghệ sinh học và đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Do đặc thù sản xuất nông hộ là phổ biến nên chúng ta cần giúp cho họ tham gia thị trường bằng cách hình thành các chợ nông dân bán hàng trên các khu vực nhất định; hỗ trợ phát triển chế biến quy mô nhỏ, bán sản phẩm trực tiếp, hình thành các nhóm hộ, hợp tác xã hoặc hiệp hội kết nối với thị trường. Đối với những vùng khó khăn, ruộng nương kém hiệu quả, cần sử dụng đất đai linh hoạt. Đất trồng lúa trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực cũng nên chuyển đổi một phần diện tích sang trồng những loại cây trồng phù hợp với lợi thế từng vùng và có giá trị kinh tế cao.

Nói là vậy nhưng có thể thấy rõ điểm yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa là thiếu liên kết cả chiều ngang và chiều dọc. Sự liên kết doanh nghiệp với nông dân gần như không có hoặc có cũng không bền vững, doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp. Do đó, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách đặc thù để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Trong chương trình "Dân hỏi, bộ trưởng trả lời" phát sóng trên VTV ở thời điểm tháng 8/2013, khi nói về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói: “Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì đất lúa. Tuy nhiên, trên đất lúa, bà con vẫn có thể chuyển đổi sang trồng những cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn. Đã đến lúc chuyển nền nông nghiệp tập trung và nâng cao sản lượng sang nền nông nghiệp tập trung cao hơn cho chất lượng, đặc biệt nâng cao giá trị gia tăng và làm tăng thu nhập cho nông dân. Bộ Nông nghiệp đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Một vấn đề nữa không thể không nói tới là chúng ta cần tổ chức đổi mới sản xuất và lưu thông hàng hóa. Hay nói cách khác là nông nghiệp phải tổ chức sản xuất hiện đại, tiên tiến, khoa học, liên kết, hợp tác mới có thể nâng cao hiệu quả cũng như khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bảo đảm chặt chẽ trong chuỗi sản xuất từ cung cấp giống, tổ chức sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, đóng gói tiêu thụ sản phẩm mới giải quyết được điệp khúc “được mùa, rớt giá” và đảm bảo phát triển ổn định. Song song, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học nâng cao năng suất, chất lượng cũng như tăng nhanh giá trị gia tăng trên mỗi diện tích canh tác. Tiếp đó, Nhà nước cũng cần tăng cường nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi cũng như hạ tầng xã hội đảm bảo cho phát triển bền vững.

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là một việc làm cấp bách nhằm nâng cao giá trị trên mỗi diện tích canh tác, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thanh Phúc 

Các tin khác
Các thành viên của đội xe ôm tự quản chờ, đón khách.

YBĐT - Không tranh giành khách, không hét giá, dừng đón khách theo qui định, những “xe ôm tự quản” ở thị trấn Mậu A huyện Văn Yên (Yên Bái) dần tạo dựng niềm tin và hình ảnh đẹp trong mắt mọi người. Tuy nhiên, vượt lên trên đó là những “chiến công” thầm lặng trong đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông (ATGT) và giúp đời, cứu người...

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử này, từ khắp nơi trong cả nước, khách du lịch nườm nượp cùng nhau lên thành phố Điện Biên Phủ. Sau một chặng dài, Quốc lộ 6 trải dài trong sắc trắng hoa ban, đưa du khách về với với những ký ức hào hùng.

YBĐT - Đi dọc con đèo huyền thoại, cảm nhận sự hồi sinh trên mảnh đất một thời múa lửa này mới thấm thía giá trị của tự do - độc lập, để thêm trân trọng và quý yêu hơn mỗi tấc đất quê hương, Tổ quốc mình. Bia đá ghi danh Di tích lịch sử Đèo Lũng Lô đặt trên đỉnh còn đèo này không chỉ là niềm tự hào của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái mà còn là sự tri ân đối với những người đã ngã xuống trên mảnh đất này...

Bia “Di tích trận đánh đèo Din”.

YBĐT - Trong không khí hào hùng những ngày tháng 4 lịch sử và cả nước tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi trở lại đèo Din, tìm lại ký ức về trận đánh năm xưa của Đội du kích xã Đại Lịch huyện Văn Chấn (Yên Bái) - một trận đánh táo bạo, nhiều ý nghĩa và mãi mãi lưu danh người anh hùng liệt sĩ thiếu niên Hoàng Văn Thọ của quê hương Đại Lịch anh hùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục