“Hoa đẹp” Khe Ron
- Cập nhật: Thứ năm, 21/8/2014 | 9:51:27 AM
YBĐT - Ở cái thôn Khe Ron đặc biệt khó khăn của xã vùng ba Hồng Ca (Trấn Yên) - nơi có 100% người Mông sinh sống, cái đói, cái nghèo đang là hiện hữu số một, ít ai nghĩ rằng lại có đôi vợ chồng người Mông làm kinh tế giỏi như thế.
Vợ chồng Súa - Sò rất năng động trong phát triển kinh tế gia đình.
|
Vàng A Sò, Sùng Thị Súa - cả hai chỉ 29, 30 tuổi mà đã có cả một gia sản khá lớn trong tay (6ha quế, bồ đề, 5 sào ruộng, 1 ô tô tải, 1 nhà sàn to vững chãi…), thu nhập bình quân hàng tháng của gia đình không dưới 30 triệu đồng.
Sinh ít con để phát triển kinh tế
Không giống như bạn bè cùng trang lứa ngấp nghé tuổi trăng rằm đã thành “vợ chồng trẻ con”, Súa và Sò biết nhau từ cái thủa còn bám váy mẹ theo đi nương làm rẫy rồi mến nhau ở cái tính hiền lành, chịu thương, chịu khó, thế mà ngay cả khi gia đình hai bên đã đồng ý, bạn bè đã con bồng con bế thì Súa và Sò vẫn nhất quyết đợi đến ngày đủ tuổi mới kết hôn. Ngày mới nên vợ chồng, như bao vợ chồng trẻ người Mông ở cái thôn nghèo Khe Ron, tài sản lớn nhất mà Súa và Sò có được có lẽ không gì ngoài tuổi trẻ và sức khỏe ông trời ban cho.
Thấm thía cái nghèo đeo bám từ lâu, đặc biệt là khi lên chức làm cha làm mẹ, Súa và Sò những mong các con mình sẽ thoát khỏi đói nghèo, được học hành đến nơi đến chốn. Bởi vậy, trong khi nhiều gia đình người Mông vẫn còn giữ quan niệm “đông con còn hơn nhiều của” thì Súa và Sò có những tư tưởng tiến bộ. Sau khi hoàn thành kế hoạch sinh đủ hai con (một vào năm 2005 và một vào năm 2007) cả hai đã quyết định dừng lại, tập trung trí tuệ, tinh thần, sức khỏe vào phát triển kinh tế gia đình. Gặp đôi vợ chồng khi đang phát cỏ ở đồi cây gần nhà, nhìn về phía cánh rừng đằng xa, Sò cười vui bảo: “Ở với rừng từ nhỏ mà không biết rừng quý thế chị à. Mãi khi trông thấy mấy câu viết bên đường “Rừng là vàng…” mới chợt nghĩ nhà cũng có đất mà lãng phí quá, thế là bảo vợ mua cây về trồng”.
Từ tờ mờ sáng, bất kể ngày đông hay hè, khi núi rừng vẫn còn yên ắng, trong thôn chỉ lác đác nhà dậy thì Súa và Sò đã có mặt trên nương. Những hộ ở gần nhà Súa - Sò bảo: “Vợ chồng nó khỏe như con trâu, chăm như con ong ý! Muốn theo và học được vợ chồng nó phải cố gắng nhiều. Ở cái thôn này không ai giỏi bằng vợ chồng nó đâu”. Quả thực, khi tận mắt chứng kiến cảnh lao động vất vả của Súa và Sò, được trông thấy những thành quả lao động mà họ có được hôm nay, tôi thực sự thán phục và ngưỡng mộ đôi vợ chồng trẻ người Mông này. Từ một vùng đồi lau lách được cha mẹ chia phần, đến nay, Súa và Sò đã biến chúng trở thành những đồi cây xanh tốt với các loại cây trồng: keo, quế, bồ đề... Theo tính nhẩm của Sò, chỉ với việc khai thác bán tỉa các loại cây đang trồng, mỗi năm gia đình Sò cũng thu về vài chục triệu đồng còn nếu để đến đúng thời kỳ gỗ đủ tuổi khai thác thì có thể một lúc bỏ túi vài trăm triệu đồng.
Kết hợp với trồng rừng, Súa - Sò còn trồng thêm 5 sào lúa, hơn 1ha ngô đồi và chăn nuôi lợn, gà. Được Súa dẫn đi tham quan những ruộng lúa chín vàng trĩu bông, ngắm nhìn những bắp ngô căng tròn trên nương, tìm hiểu bí quyết thành công của đôi vợ chồng này, tôi mới biết thì ra cả Súa và Sò đều có một thói quen mà không phải nông dân nào cũng có được, đó là rất thích đọc báo, nghe đài, xem ti vi để học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.
Ông Sùng Chống Sịnh - Bí thư Chi bộ thôn Khe Ron nhận xét: “Nhà Sò - Súa thì khỏi phải nói. Vợ chồng chúng nó làm gì cũng tốt. Vào mùa giáp hạt, nhiều hộ trong thôn có khi còn thiếu gạo ăn nhưng nhà hai đứa thì không bao giờ hết. Có ai cần hỏi vay thứ gì là chúng giúp đỡ luôn, vì thế mà bà con ai cũng ưng”.
Năng động trong cách nghĩ, cách làm, mặc dù ở cái thôn vùng sâu khó khăn nhất của xã vùng ba Hồng Ca song gia đình Sò - Súa cũng lại là một trong những hộ người Mông đầu tiên ở xã có vốn và dám bỏ vốn để đầu tư mua xe tải chở hàng. Sò tâm sự: “Em thấy tiếc khi để người nơi khác đến đây thu mua, vận chuyển hàng hóa trong thôn, đôi khi họ còn ép giá hay lấy cước cao nên em quyết định bàn với vợ vay thêm vốn mua xe. Trước nhất là để phục vụ cho gia đình và bà con trong thôn, sau là để làm phương tiện làm ăn”.
Được biết, Sò không chỉ nhận chở hàng thuê mà còn đứng ra thu mua các loại gỗ rừng trồng của các hộ dân trong xã và các vùng lân cận nhập cho các xưởng chế biến gỗ. Nhờ làm ăn uy tín nên hiện công việc của Sò khá thuận lợi, xe tải luôn đều việc, trung bình mỗi tháng cho doanh thu gần 30 triệu đồng.
Tích cực tham gia công tác xã hội
Không chỉ biết làm kinh tế giỏi, cả Súa và Sò còn là những người rất tích cực tham gia các công tác xã hội. Hiện, Sò đang là nhân viên y tế thôn bản, còn Súa là cộng tác viên dân số (đồng thời cũng là nữ đảng viên duy nhất của thôn Khe Ron).
Khi được hỏi làm thế nào để vừa làm tốt việc nhà lại vừa đảm đương được công tác xã hội, Súa vui vẻ trả lời: “Phải tranh thủ chứ chị, ban ngày mọi người đi làm, mình cũng đi làm, tối về đi tuyên truyền, vận động. Khi nào họp thôn hay họp Hội Phụ nữ thì cũng lồng ghép tuyên truyền luôn. Riêng anh Sò, với vai trò là nhân viên y tế thôn bản thì cũng phải làm các công việc tuyên truyền, vận động như em song việc thì nhiều hơn nên hàng tháng phải tự sắp xếp việc nhà để có thời gian hướng dẫn giúp bà con phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền, vận động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em...”.
Với đặc thù là thôn đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại không thuận lợi, dân cư sống rải rác nên để tới được các hộ dân tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao ý thức sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc sức khỏe bản thân.. ngoài phương tiện là “cuốc bộ” lội suối, leo đồi, Súa và Sò gần như không có sự lựa chọn nào.
Vất vả, nhọc nhằn, song làm cái nghề “vác tù và hàng tổng”, cả Súa và Sò cũng phải chịu nhiều những “ấm ức” mà nếu không có sự tâm huyết, nhiệt tình với công việc thì có lẽ không phải ai cũng làm được. Nghe Súa kể, nhiều lần đi tư vấn ở các hộ gia đình, họ chẳng những không tiếp mà còn mắng như tát nước vào mặt, vì cho rằng việc tới tuyên truyền, vận động, khuyên gia đình họ đẻ ít con là can thiệp vào chuyện riêng. Súa bảo có người nói: “Tao đẻ tao nuôi, có ai nuôi hộ đâu mà mày cứ bảo tao phải thế này, thế kia”…
Xác định công việc nào cũng có cái khổ, sau mỗi lần như vậy, vợ chồng Súa lại động viên nhau cố gắng, cố gắng vì nghĩ đến những tương lai của những đứa trẻ trong thôn, cố gắng vì cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo bám bao gia đình chỉ vì đông con… Để công tác tuyên truyền, vận động nâng cao hiệu quả, ngoài việc tìm hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng của người dân, tranh thủ có các lớp bồi dưỡng, tập huấn của ngành, Súa và Sò lại chủ động xin được tham gia. Hiện, ý thức trách nhiệm về sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc con cái của các cặp vợ chồng ở thôn Khe Ron có chuyển biến tích cực. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng. Số gia đình sinh con thứ 3 trở lên giảm theo từng năm. Số trẻ em được uống vitamin A và các loại vắc xin đảm bảo 100%. Tình trạng người ốm để nhà mời thầy mo tới cúng không còn, môi trường sống được cải thiện…
Có thể nói, với những gì mà Súa và Sò làm được thật xứng đáng với câu ví của nhiều người trong thôn là “hoa đẹp” của núi rừng Khe Ron.
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Khao khát và quyết tâm của Sùng A Dì khiến chúng tôi không khỏi cảm động. Bởi chúng tôi nhận ra, trong hình hài nhỏ bé ấy, trong ánh mắt sáng và nụ cười tươi tắn ấy là cả một hoài bão lớn lao vượt lên số phận để thực hiện niềm đam mê cháy bỏng của một con người giàu nghị lực.
YBĐT - Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ nhưng nỗi đau da cam còn đó, dai dẳng ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Yên Bái có 1.359 nạn nhân da cam, trong đó có 613 nạn nhân thế hệ thứ 2, cũng là ngần ấy lần ruột thắt lòng đau của những người mẹ ngay khi hạ sinh giọt máu của mình với hình hài không toàn vẹn. Và nước mắt đắng lòng ấy vẫn dài theo năm tháng đến tận bây giờ trong sự chịu đựng phi thường cùng cả tình yêu không gì đong đếm nổi của tình mẫu tử.
YBĐT - "Thú thực là không có gì to tát, chẳng qua chỉ là tranh thủ lúc rỗi rãi không có khách sửa xe thì em làm thử để giúp bà con đỡ vất vả và tốn kém. Lần đầu chưa chuẩn, đến lần thứ hai thì em thành công và vụ mùa này, nhà nông ở vùng cao Trạm Tấu có thể làm đất bằng "con trâu sắt" nhà em mà không phải mua hàng Trung Quốc"...
YBĐT - Câu chuyện chàng trai trẻ "xếp bút nghiên, cất bằng cử nhân" lên rừng nuôi ong và trong tay đang sở hữu 600 đàn ong mật quả thật là hiếm! Tôi nghe đã thích mê, tò mò muốn gặp ngay...