Học nghề để thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/11/2014 | 1:44:35 PM

YBĐT - Sau 4 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg (Đề án 1956 của Chính phủ), Yên Bái được đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện bài bản.

Lớp kỹ thuật trồng nấm theo Đề án 1956 ở huyện Văn Chấn.
(Ảnh: Minh Tuấn)
Lớp kỹ thuật trồng nấm theo Đề án 1956 ở huyện Văn Chấn. (Ảnh: Minh Tuấn)

Tỉnh đã nhanh chóng ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT, triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các cơ sở dạy nghề công lập, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, hỗ trợ LĐNT học nghề… Nhân dân các địa phương rất ủng hộ với quyết tâm học nghề để thoát nghèo.
 
Hiệu quả cao từ cách làm riêng

Từ khi Đề án được triển khai, công tác đào tạo nghề cho LĐNT luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 58 nghề được cấp giấy chứng nhận dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề với trình độ trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng. Tỉnh cũng xây dựng 37 chương trình đào tạo nghề để áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh.

Để đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐNT cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, từ năm 2010, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trên nguyên tắc đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, đơn giá, thời gian thực hiện nhiệm vụ đào tạo dạy nghề theo quy định của cấp có thẩm quyền, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, dạy nghề gắn với sử dụng nguồn nhân lực sau khi đào tạo xong, coi trọng và đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ đào tạo, dạy nghề của các cơ sở giáo dục đào tạo trong và ngoài công lập, phân cấp tối đa cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đặt hàng đào tạo, dạy nghề cho các đối tượng thuộc phạm vi cấp huyện quản lý.

Ông Nguyễn Khắc Chung - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Từ khi áp dụng phương thức đặt hàng đào tạo nghề, công tác đào tạo nghề cho LĐNT của Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Cơ bản nhất là cấp huyện đã chủ động rà soát nhu cầu học nghề của LĐNT, chủ động lập kế hoạch, triển khai kế hoạch đem lại hiệu quả cao. Trong đặt hàng đào tạo nghề, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến điều kiện của bên cung cấp dịch vụ đào tạo dạy nghề như: được thành lập theo đúng quy định của pháp luật, có cơ sở vật chất, thiết bị và tài chính phù hợp với quy mô, trình độ bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của hợp đồng đặt hàng, có đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, có đủ chương trình, giáo trình được cơ quan chức năng thẩm định và phù hợp với ngành nghề, trình độ đào tạo theo yêu cầu của hợp đồng đặt hàng.

Đặc biệt, trong nghiệm thu thanh lý hợp đồng đặt hàng, nếu đặt hàng đào tạo nghề theo địa chỉ sử dụng, việc nghiệm thu, thanh lý hợp đồng phải có sự chứng kiến của đại diện sử dụng lao động. Trường hợp số lượng, chất lượng, thời hạn đào tạo nghề không đ bảo ảm như đã ký kết trong hợp đồng đặt hàng phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên tham gia để làm cơ sở xử lý... ông Chung bổ sung thêm.

Về phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 103 cán bộ, giáo viên tham gia dạy nghề cho LĐNT; trong đó, 67 người là giáo viên cơ hữu, 63 người là giáo viên thỉnh giảng. Do chưa đủ giáo viên cơ hữu nên hàng năm các cơ sở dạy nghề phải hợp đồng thỉnh giảng với trên 60 người đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho LĐNT là cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi…

Giải pháp “táo bạo” của Yên Bái là từ đầu năm 2014, tỉnh đã tiến hành sáp nhập các trung tâm dạy nghề và các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp dạy nghề cấp huyện thành trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên tại 7 huyện, thành phố: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái nhằm khai thác tốt hơn điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ dạy nghề. Đến nay, Yên Bái cũng là một trong số ít các tỉnh đã bố trí đủ cán bộ chuyên trách về dạy nghề cấp huyện.

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và xã hội đều tiến hành khảo sát, bổ sung danh mục nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của cơ sở dạy nghề, xây dựng kế hoạch phù hợp, sát thực tế với nhu cầu học nghề của từng địa phương. Qua 4 năm, Đề án đã tổ chức 94 mô hình thí điểm với gần 3.000 người học nghề. Vì thế, sau khi hoàn thành chương trình học tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn học viên đã phát huy, áp dụng các kỹ thuật để phát triển nghề đã học, góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

Tại huyện Trấn Yên, sau khi mở các lớp dạy kỹ thuật trồng nấm tại xã Tân Đồng, nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại xã Việt Thành và Báo Đáp, trồng và sơ chế tre măng Bát Độ tại xã Hưng Khánh..., các học viên đã áp dụng tốt các kỹ năng, kỹ thuật được học vào quá trình sản xuất, mở rộng quy mô tạo sản phẩm chất lượng cao, tiêu thụ nhanh trên thị trường; tiêu biểu như hộ gia đình bà Tạ Thị Phương (thôn 5, xã Tân Đồng), bà Trần Thị Hồng Loan (thôn 1, xã Tân Đồng).

Còn tại huyện Lục Yên, qua các lớp đào tạo nghề chạm khắc đá tại xã Tân Lĩnh và Yên Thắng, nhiều học viên sau khi học xong đã mở xưởng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động với thu nhập bình quân từ 4 - 10 triệu đồng/tháng. Các lớp đào tạo nghề, kỹ thuật trồng nấm ở xã Đại Phác, Phong Dụ, Lang Thíp, nghề chế biến gỗ rừng trồng tại Đông An (huyện Văn Yên), nghề chăn nuôi lợn ở xã Tân Thịnh (huyện Văn Chấn), nghề nuôi ong mật tại xã Nậm Khắt, Dế Xu Phình (huyện Mù Cang Chải)… đã phát huy hiệu quả, giúp người học hiểu và áp dụng đúng kỹ thuật trong quá trình canh tác, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế hộ và địa phương.

Để sống được bằng nghề

Trong 4 năm (2010 - 2013), với các ngành nghề thiết thực, toàn tỉnh đã có 24.300 LĐNT được học nghề; trong đó, 14.741 người được học nghề nông nghiệp, 9.559 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Số LĐNT được tạo việc làm sau học nghề 17.092/24.300 người, chiếm 70%; trong đó, LĐNT học nghề nông nghiệp tự tạo việc làm với năng suất, thu nhập cao hơn trước là 10.780 người, chiếm 73%; số LĐNT học nghề phi nông nghiệp được tạo việc làm mới là 6.312/9.559 người, chiếm 60%; có 2.081 người được các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, 416 người được các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 422 người thành lập tổ hợp tác, tổ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, 13.503 người tự tạo việc làm, 448 người thuộc hộ thoát nghèo…

Về vốn, từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, chương trình giải quyết việc làm, chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đã có trên 12.000 hộ được vay trên 247 tỷ đồng để phát triển sản xuất, góp phần tích cực để LĐNT có điều kiện phát triển ngành, nghề đã được học.

Mặc dù đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động, giúp LĐNT có cơ hội về việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng một số đơn vị vẫn gặp khó khăn khi tuyển sinh các lớp dạy nghề phi nông nghiệp, việc ký hợp đồng giữa đơn vị đặt hàng dạy nghề, đơn vị tổ chức đào tạo nghề, doanh nghiệp thực hiện còn hạn chế, tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm cho LĐNT, gắn với tạo việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hiệu quả còn hạn chế do số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô vừa và lớn trên địa bàn không nhiều, việc giới thiệu lao động sau học nghề đi làm việc ngoài tỉnh gặp khó khăn do tâm lý người lao động, việc tư vấn, hướng nghiệp học nghề, việc làm trong các trường phổ thông ở nhiều địa phương hiệu quả chưa cao…

Vì vậy, để công tác dạy nghề cho LĐNT trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn, thực chất hơn, các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên các địa phương cần được tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, sớm có kế hoạch thực hiện chính sách cho cán bộ sau khi hợp nhất các đơn vị, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ để cán bộ dạy nghề cũng có thể dạy công tác hướng nghiệp, cán bộ dạy văn hóa có thể dạy hướng nghiệp và cán bộ dạy hướng nghiệp cũng có thể thực hiện nhiệm vụ dạy nghề; các xã cần chủ động hơn nữa trong rà soát nhu cầu của người dân đăng ký học nghề, lập kế hoạch dạy nghề gắn với nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, gắn đào tạo nghề với xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể như trong sản xuất nông nghiệp, sau đào tạo nghề, cơ bản người dân đã áp dụng những kiến thức đã học và sản xuất với quy mô hộ gia đình nhưng nếu muốn phát triển theo hướng hàng hóa thì vốn, nguồn giống, thức ăn chăn nuôi, kiến thức phòng chống dịch bệnh đến thị trường tiêu thụ sản phẩm… trở thành những khó khăn lớn nhất của người dân. Thực tế, tham gia giải quyết việc làm cho LĐNT sau học nghề của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, cơ cấu lao động ở nông thôn sẽ khó có cơ hội chuyển đổi và dĩ nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng tới một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, khó có thể nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông, đánh giá tác động xã hội qua công tác dạy nghề cho LĐNT, các địa phương cần căn cứ vào tiềm năng, lợi thế, tập quán của từng vùng, từng dân tộc chọn nghề đào tạo chuyên sâu, tránh tình trạng trên địa bàn một xã thực hiện đào tạo rất nhiều nghề nhưng lại có rất ít nghề phát triển theo mục tiêu đề ra. Đặc biệt, cần chú ý đến đào tạo kỹ năng quản lý trang trại, kỹ năng khởi nghiệp cho người lao động sau học nghề, thậm chí có thể tiến hành đào tạo lại lần 2 cho một số LĐNT có triển vọng trong phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa ở những vùng có điều kiện, khuyến cáo người dân về quy mô sản xuất, tập trung dạy nghề xung quanh lĩnh vực kinh tế vườn rừng, đồng thời cần huy động, khai thác nhiều nguồn vốn giúp người dân phát huy nghề được học.

Dự toán chi đào tạo, dạy nghề thực hiện theo hình thức đặt hàng phân bổ và giao cho các địa phương, đơn vị phải có các chỉ tiêu sau: tên ngành nghề đào tạo, số lượng học viên, chất lượng, giá, đơn giá, thời gian hoàn thành, kinh phí thực hiện, tên cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đặt hàng. Năm 2014, tỉnh đặt ra mục tiêu tuyển mới đào tạo nghề cho 13.920 người, trong đó, trình độ cao đẳng nghề 1.170 người, trình độ trung cấp nghề 1.960 người, trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 10.790 người, đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg 5.950 người, đào tạo nghề cho lao động xã hội 4.840 người.

Thành Trung

Các tin khác

YBĐT - Kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2014, các trường tiểu học bỏ việc chấm điểm học sinh mà thay vào đó các thầy cô giáo sẽ trực tiếp nhận xét đánh giá học sinh. Sau 1 tháng thực hiện theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thực hiện nhận xét đánh giá học sinh đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên vẫn còn có những hạn chế cần được bổ sung điều chỉnh cho phù hợp.

Sản phẩm gạo Bạch Hà ra thị trường thành phố.

YBĐT - “Gạo Bạch Hà, gà Linh Môn” - nhắc đến những sản vật đặc sắc đó, người ta nhớ ngay tới miền quê trù phú bên dòng sông Chảy - nơi có ngọn Thác Ông, Thác Bà hùng vĩ ngày đêm tuôn chảy cho dòng điện sáng của đất nước.

YBĐT - Được thành lập năm 2012 trên cơ sở tách ra từ trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Trường Mầm non Lê Quý Đôn đã và đang khẳng định được uy tín và chất lượng trong hệ thống giáo dục ngoài công lập của tỉnh Yên Bái, bằng chính chất lượng chăm sóc, chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đặc biệt, với cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, khang trang, khuôn viên nhà trường rộng rãi, xanh – sạch - đẹp, đây đang là một trong số không nhiều đơn vị trường học ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái được đánh giá là trường ra trường, lớp ra lớp.

YBĐT - Nghị lực và khát khao của tuổi trẻ đã đưa Vi Văn Nguyên trở thành một thủ lĩnh uy tín của Chi đoàn thôn Bản Lầu, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình. Anh còn vinh dự là 1 trong số 30 gương mặt ĐVTN tiêu biểu được vinh danh tại hội nghị tuyên dương đoàn viên thanh niên làm kinh tế giỏi của tỉnh Yên Bái mới đây và là gương mặt ĐVTN tiêu biểu của tỉnh Yên Bái vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục