Tái cơ cấu để ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Bài 1: Thực trạng và rào cản

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/3/2015 | 10:21:45 AM

YBĐT - Mặc dù tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi, giúp nhiều hộ chăn nuôi có mức lợi nhuận cao, tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn không khỏi lo lắng về một thị trường thức ăn và sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bấp bênh.

Chăn nuôi hàng hóa theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp ở Côg ty TNHH Vật tư nông nghiệp Yên Bái.
Chăn nuôi hàng hóa theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp ở Côg ty TNHH Vật tư nông nghiệp Yên Bái.

Những năm gần đây, để đưa chăn nuôi thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi, góp phần từng bước đưa ngành này chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh cùng với chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ hay những bất cập về giống, thức ăn chăn nuôi đang là "rào cản" khiến ngành chăn nuôi chưa thực sự phát triển. Để phát triển bền vững, nâng cao giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp, hình thành và phát triển tốt mối liên kết trong sản xuất chăn nuôi, việc tái cơ cấu chăn nuôi là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

"Cú hích" cho chăn nuôi

Để đưa chăn nuôi thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi thông qua các chương trình, dự án. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi và phát triển, nhờ đó mà năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất chăn nuôi đã tăng trưởng nhanh. Đến hết năm 2014, tổng đàn gia súc chính toàn tỉnh đạt 622.013 con, trong đó đàn trâu 98.226 con, đàn bò 18.752 con, đàn lợn 505.035 con và trên 3,751 triệu con gia cầm. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt 28.000 tấn.

Để chăn nuôi phát triển, từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích đẩy mạnh chăn nuôi trang trại như: hỗ trợ mô hình chăn nuôi lợn thịt với mức 20-30 triệu đồng/cơ sở có quy mô 50-100 con hoặc 10-20 con lợn nái; hỗ trợ 15 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô 1.000 con; mở rộng, nâng cấp các cơ sở sản xuất con giống... Nhờ cơ chế kích cầu chăn nuôi mà đã có rất nhiều nông dân trở thành những "triệu phú làng".  Trang trại lợn rộng hơn 300m2 tại xã Minh Quân (Trấn Yên) của gia đình ông Lê Ngọc Châu là một điển hình.

Bắt tay vào chăn nuôi hàng hóa từ năm 2009 với quy mô sản xuất 100 con lợn thịt/lứa, nhờ áp dụng đúng quy trình chăn nuôi an toàn, lứa lợn đầu tiên xuất chuồng gia đình ông thu về 25 triệu đồng. Số tiền lãi này ông tiếp tục tái đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Cứ thế, lấy lãi lứa trước nuôi lứa sau, sự phát triển về quy mô trang trại lợn của gia đình ông được người chăn nuôi trong làng coi đó là sự phát triển "siêu tốc" khi quy mô đàn lợn nuôi lên đến 350 con/lứa. Trung bình hàng năm, trang trại lợn của ông xuất ra thị trường trên 60 tấn lợn thịt, trừ chi phí lãi trên 300- 400 triệu đồng.

Ông Châu cho biết: "Những năm gần đây, giá đầu ra thấp, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nếu chăn nuôi nhỏ sẽ có thua lỗ. Chỉ có chăn nuôi quy mô lớn thì mới tuân thủ tốt công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Quan trọng nữa là phải chủ động được nguồn giống tại chỗ mới tránh được dịch bệnh".

Những thành công kể trên là một "bệ phóng" khá vững chắc để người nông dân cũng như các doanh nghiệp đủ niềm tin đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ chính sách này, đến hết năm 2014, toàn tỉnh đã có trên 1.178 trang trại chăn nuôi hàng hóa, trong đó phải kể đến những cái tên chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn như: Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Yên Bái quy mô hơn 300 lợn nái và đực giống và trên 1.470 lợn thịt; Trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hòa Bình Minh quy mô trên 3.500 con lợn thương phẩm và trên 580 lợn nái, đực giống; Công ty TNHH Đầm Mỏ quy mô trên 1.000 nái sinh sản và lợn thịt; trang trại chăn nuôi của ông Phùng Quang Hà ở xã Nga Quán (Trấn Yên) quy mô 600 lợn nái; trang trại chăn nuôi của ông Đỗ Ngọc Lân ở Nam Cường (thành phố Yên Bái) quy mô 1.200 lợn thịt.

Bên cạnh cơ sở chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn thì còn có 1.773 cơ sở chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ manh mún sang chăn nuôi quy mô lớn, sử dụng con giống ngoại chất lượng cao vào sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng hàng hóa; xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ chăn nuôi. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cơ cấu giá trị tăng thêm của lĩnh vực chăn nuôi chiếm 29% trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi liên tục tăng, đạt mốc 1.800 tỷ đồng.

Và nhiều rào cản

Mặc dù chăn nuôi đã từng bước phát triển theo hướng hàng hóa với quy mô lớn và vừa theo phương thức sản xuất công nghệ cao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nên đã tạo bước chuyển trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhưng nhìn bức tranh tổng thể thì ngành chăn nuôi vẫn gặp những khó khăn nhất định.

Thứ nhất, sản xuất chăn nuôi mang tính truyền thống, quy mô còn nhỏ lẻ (chiếm 80%). Với việc chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ dẫn đến việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Sản lượng hàng hóa ít, giá trị kinh tế chăn nuôi thấp; thiếu sự phối hợp giữa sản xuất và thị trường tạo ra chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

 Thứ hai,  trong chăn nuôi vẫn thiếu giống tốt. Dân gian có câu: "Tốt nái tốt một ổ, tốt đực tốt cả đàn". Kinh nghiệm trên cho thấy khâu giống quan trọng như thế nào trong chăn nuôi. Thế nhưng, người chăn nuôi đang vấp phải những khó khăn về nguồn giống và chất lượng giống.

Yếu tố quyết định để chăn nuôi phát triển là làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Cán bộ thú y thành phố Yên Bái phun thuốc tiêu độc khử trùng tại một hộ chăn nuôi.

Bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã Thanh Lương (Văn Chấn) cho biết: "Khi có dịch bệnh hoặc giá lợn hơi đắt thì giá lợn giống đẩy lên cao mà lại khan hiếm. Do không tự chủ được con giống nên tôi vẫn phải mua giống trôi nổi trên thị trường". Hiện, toàn tỉnh có trên 200 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại (quy mô 10 con trở lên), 2 doanh nghiệp nuôi giữ lợn giống gốc ông bà. Số lợn giống mà các cơ sở trên cung ứng được khoảng 45%. Việc tăng đàn vẫn phải nhập ở các tỉnh khác, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao.

Mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi, từ đó giúp nhiều hộ chăn nuôi có mức lợi nhuận cao, tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn không khỏi lo lắng về thị trường thức ăn và sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bấp bênh. Thời điểm này năm 2014, giá lợn hơi giảm mạnh khiến nhiều trang trại chăn nuôi giảm đàn hoặc "treo" chuồng. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, ở xã Văn Lãng (Yên Bình) - một hộ chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn cho biết: "Hiện không có doanh nghiệp thu mua chế biến, giá lợn hơi phụ thuộc vào thương lái. Giá ổn định thì mỗi con lợn xuất chuồng cũng lãi gần 1 triệu đồng. Đầu năm 2014, giá lợn xuất chuồng có lúc chỉ 35.000 đồng/kg, gia đình nào chủ động được con giống, phòng dịch bệnh tốt thì may ra hòa, còn đi mua giống thì mỗi con lợn sau thời gian nuôi 4 tháng lỗ trên dưới 100.000 đồng".

Thông tin dự báo thị trường còn hạn chế, giá bán sản phẩm chăn nuôi bấp bênh theo cơ chế thị trường nên người chăn nuôi không yên tâm tổ chức sản xuất và mở rộng quy mô chăn nuôi. Chính sách hỗ trợ chăn nuôi lợn thịt với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/mô hình chăn nuôi từ 50 con lợn thịt, 10 con lợn nái và 10 triệu đồng/mô hình chăn nuôi gia cầm có quy mô trên 1.000 con với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì rất khó tiếp cận vì khó đạt được tiêu chí. Nhiều hộ, trang trại không đủ lực nhưng cố bắt tay vào làm, khi gặp "bão" giá đã đẫn đến chăn nuôi thua lỗ, thậm chí phá sản.

Cùng đàn lợn chăn nuôi đại gia súc không phát triển, tăng trưởng đàn trâu, bò không ổn định và giảm dần qua các năm. Tính trong giai đoạn 2011-2014, tổng đàn trâu giảm 5%/năm, đàn bò liên tục giảm trung bình 3%/năm. Hiện nay, diện tích chăn thả cũng như trồng cỏ còn thiếu do người dân chưa mạnh dạn chuyển diện tích các cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ thức ăn chăn nuôi.

Công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi làm chưa triệt để; các bệnh như lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn vẫn còn xảy ra ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi. Công tác giám sát quản lý chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn chưa có hệ thống giết mổ, chế biến sản phẩm động vật tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường và kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực vật.

Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được đẩy mạnh, chưa hình thành được các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi sống, sơ chế nên giá thấp, thị trường hẹp, do đó sức cạnh tranh của sản phẩm và giá trị gia tăng sản phẩm không cao. Số trang trại và sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAP còn đạt tỷ lệ nhỏ. Tất cả những yếu tố trên đang kìm hãm chăn nuôi phát triển.

Văn Thông

Bài 2: "Tái cơ cấu để phát triển"

Các tin khác
Trung tá Vũ Xuân Hải - Trưởng Công an phường Hồng Hà trao đổi với cán bộ khu dân cư Hồng Phú.

YBĐT - Từ một điểm "nóng" về an ninh trật tự (ANTT), Hồng Hà đã gây dựng thành công thế trận an ninh nhân dân vững chắc khi cả 9/9 khu dân cư và 4/4 đơn vị trường học trên địa bàn phường đều đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT, trở thành điểm sáng về phương trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" của thành phố. Thành công ấy theo Trung tá Vũ Xuân Hải là khởi nguồn từ sức mạnh lòng dân...

Mô hình nuôi gà trong vườn bưởi của gia đình chủ tịch UBND xã Bạch Hà cho thu nhập kinh tế cao.

YBĐT - Là xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, song nhờ có một Đảng bộ mạnh với những cán bộ, đảng viên đều tay, hay việc, sẵn sàng đến tận hộ gia đình để tìm hiểu, lắng nghe rồi hướng dẫn, trao đổi và bày cách làm ăn cho dân nên nhiều năm qua Đảng bộ xã Bạch Hà chẳng những liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh mà còn là một trong những địa bàn xã vùng sâu đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào phong trào xóa đói giảm nghèo và làm giàu ở địa phương.

Các bà mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để nuôi, dạy con tự kỷ  (ảnh minh họa).

YBĐT - Trang đời của người mẹ ấy tràn đầy hạnh phúc khi lên xe hoa. Niềm hạnh phúc nhân đôi khi con nhỏ cất tiếng khóc chào đời nhưng rồi chóng vánh tiêu tan khi chị biết con trai đã bị bệnh tự kỷ. Đáng khâm phục thay những người mẹ như chị Phùng Thị Kim Quỳnh ở tổ 10, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái đã vượt qua những đau khổ, "tự kỷ" của mình mà vươn lên như những bức tường thành chở che, nâng đỡ cho những đứa con bất hạnh, góp cho đời thêm một niềm tin yêu vào cuộc sống...

Vườn cây ăn quả hàng năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng của gia đình anh Đặng Xuân Nghĩa ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.

YBĐT - Khác với suy nghĩ của nhiều người khi hình dung về những vùng nông thôn miền núi Yên Bái, giờ đây, đến bất kỳ địa phương nào trên địa bàn tỉnh, chúng ta cũng có thể được nghe những câu chuyện làm giàu của những người nông dân thực thụ - những nông dân kiếm tiền bạc tỷ chỉ sau vài vụ thu hoạch…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục