Rừng xanh từ nghị quyết

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/6/2015 | 9:07:47 AM

YênBái - YBĐT - Với đặc điểm có diện tích đất lâm nghiệp lớn, những năm qua, huyện Trấn Yên (Yên Bái) xác định, kinh tế rừng là thành phần quan trọng của nội ngành nông nghiệp.

100% sản lượng gỗ rừng trồng đã được đưa vào các cơ sở chế biến.
100% sản lượng gỗ rừng trồng đã được đưa vào các cơ sở chế biến.

Chính vì vậy, năm 2011, Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 03 về trồng và chế biến gỗ rừng trồng với mục tiêu trong giai đoạn 2011 - 2015 sẽ phát triển thêm gần 2.000ha rừng, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển rừng trồng sản xuất, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất, cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến.

Qua gần 4 năm thực hiện, Nghị quyết đã đạt được kết quả khá toàn diện. Nếu như năm 2011, diện tích rừng trồng kém hiệu quả của huyện còn khá nhiều thì nay, những quả đồi, mảnh nương đã được phủ xanh bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, huyện trồng mới và trồng thay thế trên 2.600ha, chủ yếu là các giống cây: keo tai tượng, keo lai, quế, tre măng Bát Độ... Đặc biệt, huyện đã hình thành vùng nguyên liệu tre măng Bát Độ hơn 2.000ha, quế hơn 8.000ha, cây nguyên liệu giấy gần 2.500ha… Đặc biệt, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu trồng đến chăm sóc, bón phân cho cây trồng, do đó, hiệu quả rừng trồng tăng rõ rệt.

Đến năm 2014, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 85.000m3; sản lượng măng Bát Độ đạt 18.500 tấn, sản lượng khai thác vỏ quế khô đạt 2.700 tấn. Từ nguồn nguyên liệu trên, Trấn Yên đã quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng phù hợp với từng vùng; hiện, toàn huyện có 172 cơ sở chế biến ván bóc, ván ghép thanh, ván gỗ dán, đũa gỗ, cốt pha, gỗ bao bì... giá trị sản xuất năm 2014 đạt gần 120 tỷ đồng. Sản phẩm măng Bát Độ được huyện hợp đồng bao tiêu sản phẩm; sản phẩm quế được các doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến theo hình thức liên doanh, liên kết với các hộ trồng quế…. Điều này góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống người trồng rừng, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn và thúc đẩy công nghiệp chế biến của Trấn Yên phát triển bền vững.

Là xã vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Hồng Ca có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 9.300ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm tới 88%. Từ lợi thế này, xã đã vận động nhân dân tích cực trồng rừng để xóa đói giảm nghèo, nhất là 4 thôn vùng đồng bào dân tộc Mông. Bình quân mỗi năm, nhân dân trong xã đã khai thác và trồng thay thế hơn 200ha rừng, nâng độ che phủ của rừng đạt 67%. Nhờ kinh tế rừng, 80% số hộ của xã có thu nhập ổn định, số hộ nghèo của xã bình quân giảm trên 4%/năm.

Đặc biệt, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy về trồng và chế biến gỗ rừng trồng, Hồng Ca hình thành các vùng cây trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa như: vùng tre măng Bát Độ với diện tích hơn 100ha, vùng quế 1.000ha, cây nguyên liệu giấy 1.000ha; hình thành các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, sơ chế măng Bát Độ ngay tại vùng nguyên liệu.

Ông Hà Ngọc Toanh - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau khi có Nghị quyết chuyên đề của huyện, Đảng bộ đã triển khai tới toàn thể nhân dân chủ trương của huyện về việc phát triển rừng và chế biến gỗ rừng trồng. Trên cơ sở đó, nhân dân đã có nhận thức là phát triển nghề rừng là nghề chính để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, chúng tôi vận động một số gia đình mở các cơ sở chế biến để tiêu thụ các sản phẩm của bà con nông dân trong vùng. Có thể nói, đây là chủ trương đúng đắn”.

Đồng chí Nguyễn Đức Mầu - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện đã khuyến khích người dân chuyển nhanh từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cây giống vật tư phục vụ sản xuất theo nguồn ngân sách của tỉnh và các chương trình mục tiêu quốc gia; tạo cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ gia đình đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành được một số vùng trồng rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao. Cùng với việc phát triển rừng nguyên liệu, huyện đã quan tâm đến quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng phù hợp với từng vùng và gắn kết cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu”.

Hiệu quả của việc trồng rừng gắn với chế biến gỗ rừng trồng hiện nay của Trấn Yên đã có bước đột phá so với thời điểm trước năm 2011. Tuy nhiên, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng bởi các chủ rừng thường khai khác rừng với chu kỳ từ 5 - 8 năm nên sản lượng gỗ bình quân mỗi héc-ta chỉ đạt 50 - 70m3, giá trị đạt 60 - 80 triệu đồng và cũng chính từ nguyên nhân này đã dẫn tới hệ quả là thiếu nguyên liệu sản xuất cho các cơ sở chế biến. Thêm nữa, hầu hết các đơn vị chế biến gỗ là những cơ sở sản xuất nhỏ, sử dụng công nghệ chế biến đơn giản, chủ yếu là các máy xẻ, máy bóc.

Một số ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy ép ván, ghép thanh nhưng do nguồn vốn ít nên việc đầu tư cũng mới chỉ là những dây chuyền sản xuất chất lượng thấp. Công nghệ chế biến chưa hoàn thiện nên sản phẩm làm ra cơ bản ở dạng làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khác, dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao. Điều này rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, định hướng cho các chủ rừng về tính hiệu quả của việc phát triển rừng đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở chế biến mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất cũng như tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

Đồng chí Nguyễn Đức Mầu cũng cho biết thêm: “Huyện sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đổi mới cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, sản xuất theo hướng bền vững; quy hoạch vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ trên 23.000ha, trong đó quy hoạch 2.000ha rừng trồng keo hạt để chuyển hóa rừng cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; xây dựng một số mô hình khảo nghiệm các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao để thay thế cây giống lâm nghiệp có năng suất, chất lượng thấp đồng thời tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống, đáp ứng yêu cầu sản xuất và nhu cầu của thị trường”.

Kết quả của việc trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ XX là tiền đề quan trọng để Trấn Yên mạnh dạn đưa một số loại cây lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao để cung cấp nguyên liệu gỗ lớn, nâng cao giá trị thu nhập từ rừng kết hợp bảo vệ môi trường; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản có thương hiệu có tính cạnh tranh trên thị trường nhằm tạo thêm việc làm ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, bảo đảm cho người dân yên tâm với nghề rừng, khai thác tốt lợi thế đất đai và lao động.

Thanh Hùng

Các tin khác
Mô hình bưởi diễn của gia đình bà Phạm Thị Hương thôn Trực Bình 2, xã Minh Bảo.

YBĐT - Tuy gần trung tâm thành phố Yên Bái nhưng lại là xã thuần nông, cơ sở hạ tầng thiếu thốn nên cách đây chưa lâu, Minh Bảo còn là xã nghèo. Mọi việc chỉ đổi khác khi xã được lựa chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của thành phố. Và chỉ sau vài năm thực hiện chương trình, với sự đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, diện mạo của địa phương đã có sự đổi thay nhanh chóng.

YBĐT - Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới, thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, hưởng ứng chiến dịch tình nguyện hè 2015, vừa qua, Huyện Đoàn Trạm Tấu (Yên Bái) đã huy động hơn 1.000 đoàn viên thanh niên ở 32/32 cơ sở Đoàn tham gia khai hoang ruộng nước tại thôn Bản Công, xã Bản Công.

Các đội viên tình nguyện tham gia công trình mở đường tại bản Đá Đen, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Đồng bào Mông xã Tà Si Láng, Túc Đán (huyện Trạm Tấu) hay xã Kim Nọi, Mồ Dề… huyện Mù Cang Chải, sẽ chẳng bao giờ quên những công trình thanh niên tình nguyện mang sức lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ góp sức cho quê hương, để làm đổi thay cuộc sống trên những bản làng heo hút. Lăn lộn với cơ sở, đồng hành với đồng bào các dân tộc trong lao động sản xuất, trên 16 nghìn đoàn viên ưu tú đã thực sự trưởng thành từ nơi dân, trở thành những đảng viên qua những phong trào tình nguyện “ba cùng” với dân.

Giờ học Tin học của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Yên Bái đạt nhiều kết quả quan trọng về mọi mặt. Quy mô, mạng lưới trường lớp được củng cố; cơ sở vật chất từng bước hiện đại; chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục chuyển biến rõ rệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục