Hồi sinh hồ Thác
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/9/2015 | 3:01:32 PM
YênBái - YBĐT - Sau một thời gian dài đánh bắt hủy diệt song bằng nhiều giải pháp nay nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà đã hồi sinh trở lại. Không chỉ đánh bắt tự nhiên mà các ngư dân còn quây lưới, đóng lồng nuôi cá cho giá trị hàng tỷ đồng mỗi mùa vụ...
Nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Nhà máy Thủy điện Thác Bà là một công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất của nước ta (1960 - 1965), là nền móng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Được khởi công xây dựng ngày 19/8/1964, công suất thiết kế 108MW, sản lượng bình quân 400 triệu kWh/năm. Để xây dựng Nhà máy, 54 xã với gần 9.000 hộ dân thuộc huyện Yên Bình và vùng hạ huyện Lục Yên phải di dời nhà cửa, ruộng nương, nơi chôn rau cắt rốn, nơi an nghỉ ngàn thu của tổ tiên bên dòng sông Chảy; những chợ Ngọc, chợ Ngà, những vườn cây, khe suối, rặng tre...
Sau hơn 7 năm thi công, ngày 5/10/1971, tổ máy số 1 đã đi vào hoạt động, trở thành công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đây là một công trình không chỉ có nhiệm vụ phát điện mà còn có nhiệm vụ cắt lũ cho vùng hạ lưu và cung cấp nước tưới cho sản xuất nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Phát huy lợi thế đó, Yên Bái đã đầu tư nuôi trồng thủy sản rất hiệu quả. Những năm đầu mới ngăn dòng, lượng phù du và các sinh vật phong phú cùng với sự quản lý đánh bắt theo quy trình chặt chẽ, Thác Bà đã trở thành vựa cá tôm. Có những mẻ lưới đội cá quốc doanh thủy sản đánh bắt đạt từ 30 - 40 tấn. Bình quân mỗi năm, sản lượng đánh bắt đạt 11 - 12 ngàn tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, từ khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường, công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, đánh bắt và bổ sung nguồn lợi thủy sản không được chú trọng. Mặc dù là một tỉnh còn nhiều khó khăn song đã trở thành thông lệ từ hàng thập kỷ nay, năm nào, Yên Bái cũng đầu tư bổ sung nguồn lợi thủy sản vào hồ. Nhưng nguồn đầu tư bổ sung và sự sinh sản tự nhiên không “tương xứng” với việc đánh bắt một cách ồ ạt, tận diệt của các ngư dân. Hàng ngàn hộ dân ven hồ sống dựa vào đánh bắt, khai thác thủy sản, coi con tôm, con cá là “thu nhập tự nhiên”! Tự nhiên đánh bắt, tự nhiên khai thác khi không hề có đầu tư, nuôi dưỡng. Đã vậy, họ đánh bắt một cách cạn kiệt, thậm chí hủy diệt. Lúc đầu, các ngư dân đánh bắt bằng rọ tôm, bằng lưới. Tôm, cá ngày một khan hiếm, để nâng cao hiệu quả “kinh tế”, ngư dân dùng mìn, dùng máy xung điện để đánh bắt.
Trước những thực tế đó, tỉnh, ngành nông nghiệp, huyện Yên Bình đã thành lập những đoàn kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt thủy sản không đúng quy trình, đồng thời huy động các tổ chức chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc đánh bắt khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, phát huy lợi thế mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh. Người dân vùng hồ đã nhận thức rõ hơn trong việc đánh bắt hủy diệt chính là tự mình hủy diệt nguồn sống của mình. Dần dần, việc đánh bắt bằng kích điện, bằng mìn đã giảm hẳn. Cùng với việc đánh bắt, nhân dân đã biết tận dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản, trên các đảo hồ trồng cây nguyên liệu giấy, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: “Kinh tế hồ Thác đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét. Trong nuôi trồng thủy sản, người dân đã chuyển căn bản từ khai thác cạn kiệt sang bảo vệ và nuôi trồng. Những đảo hồ, vùng đất bán ngập bỏ hoang trước đây nay đã trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày mang lại hiệu quả cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Chỉ tính riêng thủy sản, mỗi ngày, người dân vùng hồ cung cấp cho thị trường không dưới 3 tấn cá, tôm”. Đến nay, vẫn chưa có thống kê chính xác trên vùng hồ có bao nhiêu hộ dân, có bao nhiêu lồng cá nhưng có một điều chắc chắn rằng, đánh bắt và chăn nuôi thủy sản đang làm giàu cho người dân vùng ven hồ Yên Bình.
Dọc từ thị trấn Thác Bà lên Vĩnh Kiên, Vũ Linh, Xuân Lai, Phúc Ninh đến Mông Sơn, Tân Hương, Tân Nguyên về thị trấn Yên Bình, Thịnh Hưng... đi đến đâu cũng thấy người dân bàn, nói chuyện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Tân Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên - Nguyễn Văn Chiến phấn khởi cho biết: “Vài năm trở lại đây, cùng với kinh tế đồi rừng thì việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà đã thực sự trở thành nghề không thể thiếu đối với phần lớn người dân trong xã. Nhiều hộ gia đình thu cả trăm triệu đồng từ chăn nuôi thủy sản đấy, các anh ạ”.
Theo con đường làng, chúng tôi đến thôn Mạ là nơi sinh sống của 183 hộ dân xã Vĩnh Kiên nằm bên ven hồ Thác. Là thôn có ít ruộng nước nên nhân dân sống chủ yếu vào đánh bắt thủy sản tự nhiên là chính nhưng một, hai năm trở lại đây vừa đánh bắt tự nhiên bà con còn biết làm lồng để nuôi cá trên hồ Thác Bà mang lại hiệu quả cao. Cả thôn có 57 lồng cá, chủ yếu là cá trắm, mè và cá rô phi đơn tính, không chỉ nuôi lồng mới đây đã có gần chục hộ áp dụng biện pháp quây lưới để nuôi. Với ngần ấy lồng cá, bình quân mỗi năm cũng đem về cho người dân cả tỷ đồng. Nhiều gia đình thu cả trăm triệu đồng từ nuôi cá như hộ gia đình chị Dư, chị Hoa, ông Thịnh, bà Mơ...
Rời thôn Mạ, chúng tôi đến bến cá Mông Sơn, mới 5 giờ sáng nhưng bến đã nhộn nhịp lạ thường. Những chiếc thuyền gắn máy, thuyền nan sau một đêm đánh bắt chở cá, tôm lao về bến. Chị Hà - một thương lái người thành phố Yên Bái có thâm niên buôn cá ở bến này nói: “Bình quân mỗi ngày ở bến này bà con đánh bắt được ít cũng phải 4 - 5 tạ cá, tôm. Ở Yên Bái, không đâu ngon bằng cá hồ Thác Bà, mấy tạ này đem ra thành phố đi tới đâu hết ngay tới đó”.
Anh Hà, một người có thâm niên đánh bắt thủy sản trên hồ Thác vừa cân cá bán cho tư thương vừa nói: "Những năm trước đây, do mình đánh bắt hủy diệt quá nên cá tôm ngày một cạn kiệt. Một, hai năm trở lại đây được tuyên truyền, vận động và ký kết bảo vệ nguồn lợi thủy sản với Nhà nước nên bà con ý thức hơn không nổ mìn, không đánh bắt bằng kích điện nữa. Giờ, cá tôm đã nhiều hơn, thả hơn trăm rọ tôm cùng với mấy tay lưới mỗi đêm đi hồ cũng đánh bắt được cả yến vừa cá vừa tôm, cân cho thương lái tại bến cũng được 500 ngàn đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 300 ngàn đồng, cuộc sống cũng ổn định".
Cũng như anh Hà, anh Bình ở xã Vũ Linh cũng là một "sát thủ" cá trên hồ Thác một thời nhưng từ năm 2010 anh tạo một "bước ngoặt" từ đánh bắt tự nhiên sang đầu tư nuôi thủy sản với 10 lồng cá, lúc đầu nuôi cá trắm cỏ; một, hai năm trở lại đây, anh chuyển sang nuôi cá nheo đặc sản. Bình quân mỗi năm trừ chi phí anh thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Hiện, phong trào nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà đang phát triển mạnh mẽ và góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Hồ Thác Bà có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Yên Bái nói chung và huyện Yên Bình nói riêng. Bên cạnh tiềm năng của danh thắng lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch và tiềm năng khoáng sản, phát triển công nghiệp; khu vực lòng hồ còn là tiềm năng lớn để phát triển nông - lâm - ngư nghiệp. Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế vùng hồ Thác Bà, nhất là trong việc nuôi trồng thủy sản, thiết nghĩ, ngoài việc bổ sung nguồn lợi thủy sản phục vụ việc nuôi trồng, khai thác tự nhiên, cần phát triển mạnh việc nuôi cá lồng và nuôi cá bằng biện pháp quây lưới. Nhưng để làm được việc đó, trước tiên, cần sớm quy hoạch diện tích mặt nước hồ Thác Bà để nuôi cá theo hướng thâm canh tại 18 xã, thị trấn ven hồ.
Song song với việc quy hoạch tỉnh cũng cần có cơ chế hỗ trợ về kỹ thuật, vốn đầu tư, đặc biệt là cầu nối giữa người nuôi trồng và doanh nghiệp tạo thành một chuỗi sản xuất nâng cao giá trị. Dài hơi cần đầu tư phát triển nhanh nghề nuôi cá lồng đặc sản như cá nheo, cá lăng, cá tầm. Quy hoạch xây dựng từ 2 - 3 cảng cá và chợ đầu mối tại các xã Mông Sơn, Phúc An, thị trấn Yên Bình và quan trọng hơn cả là xây dựng 1 cơ sở chế biến thủy sản tại vùng hồ để nội tiêu và xuất khẩu cùng với xây dựng thương hiệu "Cá hồ Thác Bà”.
Cùng với đó là khai thác diện tích đất đảo hồ và ven hồ, sử dụng có hiệu quả diện tích ruộng, đất bán ngập dưới cốt 58 hồ Thác Bà; trên đảo hồ và vùng ven hồ, xây dựng dự án hỗ trợ các trang trại nuôi gia súc, gia cầm và xây dựng một các mô hình trồng cây ăn quả trên đảo hồ phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái. Hơn ai hết, các ngư dân ven hồ hãy thành lập các hợp tác xã và hình thành các làng nghề chăn nuôi thủy sản gắn với quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà. Làm được như vậy, chắc chắn, sẽ khai thác hết lợi thế tiềm năng của hồ Thác Bà, cũng là cơ sở, tiền đề để xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho các ngư dân và người dân ven hồ.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Vấn đề phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân được xác định là những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bởi từ đây, các địa phương sẽ tạo “cú hích” để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM... Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy, nhiều địa phương còn lúng túng, hiệu quả mô hình thấp, thiếu bền vững. >> Bài 1: Vẫn còn những thách thức
YBĐT - Chỉ thị số 09/CT-UBND của UBND tỉnh Yên Bái ban hành ngày 16/5/2015 về việc tăng cường hoạt động kinh doanh phát hành XSKT và hoạt động phòng chống tệ nạn lô, đề được xem là biện pháp mạnh, biện pháp kịp thời để chấn chỉnh hoạt động lô, đề bất hợp pháp đang có chiều hướng gia tăng...
YBĐT - Mặc dù là ngành kinh doanh độc quyền, song trên thực tế, hoạt động kinh doanh xổ số đang đứng trước các đối thủ cạnh tranh ngày càng có xu hướng gia tăng, khó kiểm soát...
YBĐT - Trong 5 năm qua, nguồn ngân sách thu từ xổ số kiến thiết tại Yên Bái đã được sử dụng đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng các công trình phúc lợi quan trọng của địa phương, với số tiền 65 tỷ đồng...