Ký sự làng ven - Bài 2: Kinh tế - “đòn bẩy” xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/10/2016 | 8:07:41 AM

YBĐT - Không chỉ hồi sinh mạnh mẽ, nhiều làng ven hồ Thác Bà tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương thông qua hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa và phát triển các mô hình kinh tế.

Nhân dân thôn Thủy Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Nhân dân thôn Thủy Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình tham gia làm đường giao thông nông thôn.

>> Ký sự làng ven: Bài 1 - Qua cơn bĩ cực…

Qua đó, người dân có điều kiện nâng cao thu nhập, diện mạo nông thôn tại nhiều làng quê ngày càng đổi mới. Dù vậy, để NTM thực sự nâng cao đời sống, đem lại nguồn thu nhập bền vững cho bà con các làng ven thì vẫn cần nhiều hơn nữa các giải pháp, chính sách hỗ trợ đặc thù.

Với những đặc điểm như: cách xa trung tâm xã; giao thông đi lại khó khăn; đất đai, ruộng vườn gặp nhiều khó khăn... nên việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tại những vùng ven hồ Thác Bà là bài toán không dễ giải quyết với các cấp chính quyền. Tuy nhiên, không để “cái khó bó cái khôn”, nhiều làng ven đã biết huy động sức dân, đưa ra nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế gắn với đặc thù địa phương để người người, nhà nhà cùng chung sức xây dựng NTM.

Tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi trở lại làng ven Thuỷ Sơn, thuộc xã Mông Sơn, huyện Yên Bình. Là thôn xa và "sinh sau đẻ muộn" nhất xã, nên việc phát triển kinh tế, giao thương, đi lại của người dân Thuỷ Sơn gặp nhiều khó khăn.

Với 3 phần giáp hồ, 90% đất sản xuất nông nghiệp dưới cốt, chỉ trồng cấy được khi nước rút, nên khi cùng với cả xã bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Thuỷ Sơn đã gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh tuyên truyền thông qua những việc làm thiết thực, Thuỷ Sơn dần trở thành một trong những thôn đầu tiên hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM trong toàn xã. Bà Bùi Thị Phượng - Trưởng thôn Thuỷ Sơn hồ hởi bày tỏ: “Không phải khoe đâu nhưng trên toàn xã, Thuỷ Sơn là thôn đầu tiên khánh thành nhà văn hoá đạt chuẩn trong xây dựng NTM. Ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước thì còn phải kể đến sự đóng góp ngày công, tiền mặt và hiến đất của bà con, trong đó có những hộ đã hiến hàng nghìn mét vuông đất”.

Đưa chúng tôi đi thực tế trên con đường nội thôn đang rộn rã tiếng máy trộn bê tông, Trưởng thôn Phượng thông tin: “Năm nay, thôn được hỗ trợ làm 700 m đường bê tông. Bà con vui lắm, ai cũng nhiệt tình tham gia lao động và đóng góp tiền mặt, hiến đất”.

Để phong trào xây dựng NTM được triển khai hiệu quả, Thuỷ Sơn đã có nhiều cuộc họp, cách huy động nguồn lực từ dân. Quan trọng hơn, Thuỷ Sơn đã tận dụng tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Theo đó, ngoài diện tích 30 đảo hồ được tận dụng để trồng keo, bạch đàn, bồ đề thì thôn còn vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hoá, trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả cao.

Tiêu biểu trong số này phải kể đến gia đình anh Đinh Văn Lưu nuôi 15 lợn nái, 100 lợn thịt; ông Phan Văn Sang, Vũ Văn Tuấn nuôi 3 lồng cá trắm, cá nheo; ông Nguyễn Văn Xuân trồng gần 1 ha bưởi Diễn; ông Hoàng Văn Thời trồng 1 ha thanh long ruột đỏ... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Thuỷ Sơn giảm xuống dưới 10%, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên 18 triệu đồng/người/năm.

Ông Vũ Quang Ưng - Phó Chủ tịch UBND xã Mông Sơn cho biết: “Thuỷ Sơn là thôn làng ven, nhưng người dân ở đây rất có ý thức trong xây dựng NTM. Việc huy động sức dân thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM luôn đạt tỷ lệ cao. Chính sự chung sức, đồng lòng của người dân Thủy Sơn là một trong những bước đệm quan trọng để Mông Sơn phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM trong năm 2016”.

Cũng từng phải chịu đau thương, mất mát do nạn đánh bắt thuỷ sản trái phép bằng kích điện, nổ mìn nhưng người dân thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã biết đứng dậy đúng lúc. Từ chỗ chỉ biết đánh bắt thuỷ sản tự nhiên, một vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, người dân thôn Mạ bắt đầu chuyển sang nuôi cá lồng kết hợp với chăn nuôi đại gia súc trên các đảo hồ. Đến nay, thôn Mạ đã có hàng chục hộ tham gia nuôi cá lồng cho hiệu quả cao.

Nhờ đó, đời sống của nhân dân có nhiều khởi sắc, có điều kiện để chung sức xây dựng NTM. Đặc biệt, thời gian qua, được sự vận động của chính quyền địa phương, ông Trần Văn Thịnh - một trong những người đầu tiên nuôi cá lồng trên hồ của thôn Mạ đã tập hợp các hộ dân trong thôn thành lập Hợp tác xã Khai thác dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã Vĩnh Kiên.

Đây chính là cơ sở để Vĩnh Kiên hoàn thành tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM. Tìm hiểu thực tế, dù nguồn lực còn hạn chế nhưng nhiều địa phương đã chú trọng đưa các chương trình đầu tư, hỗ trợ về vùng ven nhằm vực dậy những “rốn” nghèo này.

Theo ông Hoàng Văn Vỵ - Bí thư Đảng ủy xã Minh Tiến, huyện Lục Yên, xã đã tập trung các nguồn lực đầu tư đưa về các thôn vùng ven hồ nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Trong năm 2016, từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, xã đã triển khai cứng hoá bê tông 250 m  đường vào Làng Ven; đồng thời, tiến hành hỗ trợ 1 mô hình nuôi trâu, bò quy mô 10 con.

Với sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp chính quyền, bộ mặt nông thôn tại vùng ven hồ Thác đã có những khởi sắc. Đặc biệt, trong xây dựng NTM, nhiều làng ven đã làm tốt công tác tuyên truyền, huy động được nhân dân cùng tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hoá, phát triển kinh tế… Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, những làng ven có sức bật như: Thuỷ Sơn, Ngòi Tu, Làng Ro… là không nhiều.

Qua tìm hiểu, xuất phát điểm của những làng ven trong xây dựng NTM đều thấp, khó khăn từ hệ thống cơ sở vật chất cho đến con người. Chính vì vậy, để các làng ven thực sự có những chuyển biến tích cực trong xây dựng NTM, trước mắt các cấp, ngành phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phải làm cho người dân hiểu thế nào là xây dựng NTM, người dân phải thấy rằng, mình phải làm gì và được hưởng lợi gì từ xây dựng NTM. Muốn vậy, xây dựng NTM phải lấy kinh tế làm “đòn bẩy”; phải xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân. Khi dân đã hiểu thì làm việc gì cũng thuận, cùng thành.

Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho rằng: “Trước mắt, cần tập trung hỗ trợ về điện, đường cho các làng ven. Sau đó, dựa vào đặc thù, thế mạnh của từng nơi mà xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế như: nuôi cá lồng, cá eo ngách… Tôi thấy địa thế nhiều làng ven rất thích hợp cho việc nuôi dê. Đây có thể là hướng để người dân làng ven thoát nghèo, làm giàu và góp sức cho xây dựng NTM”.

 

Rừng trồng trên đảo hồ Thác Bà.

Theo ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, những năm qua, các địa phương nói chung và làng ven nói riêng đã được quan tâm đầu tư xây dựng từ đường giao thông, điện sinh hoạt, trường học cho đến hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

Tuy nhiên, để kinh tế thực sự là “đòn bẩy” trong xây dựng NTM thì ngoài những chính sách đã và đang triển khai thì các cấp, ngành phải đẩy mạnh tuyên truyền khoa học, kỹ thuật đến với nhân dân làng ven; đồng thời, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã đứng ra liên kết nông dân, quản lý và bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ngoài ra, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, sức dân lại có hạn thì việc đa dạng hoá nguồn lực, nhất là thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là tại các làng ven trên hồ Thác Bà. Ông Trường nhấn mạnh: “Những làng ven có nhiều lợi thế trong phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả hoặc nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Vì thế, việc thành lập các tổ hợp tác hay thu hút doanh nghiệp cùng tham gia liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh là điều hoàn toàn có tính khả thi”.

Xây dựng NTM cũng chính là nâng cao đời sống cho nhân dân. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhất là đối với những khu vực đặc thù như vùng ven hồ Thác Bà. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng với các chính sách hỗ trợ đặc thù.

Hùng Cường

Các tin khác
Du khách trong trang phục của người Dao quần trắng chụp ảnh lưu niệm tại nhà anh Tướng Văn Thành, thôn Đồng Tý, xã Phúc An, huyện Yên Bình.

YBĐT - Trăn trở về những ngôi làng ven hồ Thác Bà từng bị xa cách bởi bệnh tật, nghèo đói ngày đó đã thôi thúc tôi lên đường. Trong suốt hành trình ấy, câu hỏi về cuộc sống của những con người nhường đất cho dòng điện sáng quốc gia bây giờ ra sao? Diện mạo của những làng ven mang đậm bản sắc dân tộc hiện như thế nào?... cứ miên man trong suy nghĩ.

Công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

YBĐT - Đầu tháng 9/2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại địa điểm mới (xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái) đã khánh thành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị bệnh của nhân dân. Tuy nhiên, ít người biết rằng, để vận hành công trình hiện đại, quy mô lớn này tốn rất nhiều tiền...

Chị Hoàng Thị Mừng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc dưa hấu với anh Hà Văn Sinh - cán bộ địa chính, nông nghiệp xã.

YBĐT - Nằm trọn vẹn trong lòng chảo Mường Lò rộng lớn, có lẽ hiếm địa phương nào của huyện Văn Chấn lại thanh bình, trù phú như Thanh Lương. Sự chuyển mình của đất khởi nguồn từ thành quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới với sự năng động, nhạy bén của chính những nông dân chân lấm tay bùn đã trả về cho Thanh Lương những giá trị khác biệt mà không phải địa phương nào trong vùng cũng có, khi mỗi tấc đất ở đây thực sự là một “tấc vàng”.

Những cánh đồng hoa cải rực rỡ sẽ thu hút khách du lịch đến với vùng cao Mù Cang Chải. (Ảnh: Tô Hải)

YBĐT - Mù Cang Chải sẽ “nhuộm” sắc vàng rực rỡ của hoa cải lên hàng trăm héc-ta ruộng bậc thang ở các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và nhiều xã khác ngay trong vụ đông xuân 2016 - 2017 này. Cái tin ấy đã khiến tôi chẳng ngại đi quãng đường 200 km để lên huyện miền núi đang chuyển mình mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực thu hút khách du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục