Ông Lý A Sáng: Vị tướng người Mông giỏi dân vận
- Cập nhật: Thứ năm, 13/10/2016 | 6:59:23 AM
YBĐT - “Cuộc đời người lính giản đơn lắm, nhưng mục tiêu luôn xác định rõ ràng, đó là sống phải biết hy sinh, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào… Chỉ có những tình yêu cháy bỏng như vậy, mới giúp chúng tôi trưởng thành. 43 năm theo nghiệp nhà binh cho đến khi về nghỉ chế độ, tôi chưa khi nào phải băn khoăn về những việc mình đã làm bởi tất cả những điều đó đều xuất phát từ tâm mình” - Thiếu tướng Lý A Sáng - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu II tâm sự.
Ông Lý A Sáng (giữa) trao đổi với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống bộ đội địa phương tỉnh Yên Bái về công tác xây dựng Câu lạc bộ vững mạnh.
|
Ký ức thời hoa đỏ
Đã đi nhiều nơi, gặp nhiều vị tướng nhưng gặp ông rồi tôi mới nhận thấy vị tướng người dân tộc Mông - Lý A Sáng thật đặc biệt. Thấy tôi mở sổ, lấy máy ảnh, ông cười bảo: “Thú thực, khi còn nhỏ tôi thấy mình khổ quá, đói quá. Bố mất lúc 4 tuổi, mình mẹ nuôi mấy anh em. Lên 10 tuổi, tôi xin đi làm thuê để đỡ đần thêm cho mẹ. Khi ấy, ở Mù Cang Chải quê tôi có nhiều anh chị đi đánh Mỹ lắm. Mỗi lần nghe người lớn nói chuyện phải đánh được giặc thì đời ta mới sướng, mới có tự do, không bị đói, bị khổ. Chính vì thế, đến năm 17 tuổi tôi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ".
"Những ngày đầu huấn luyện ở Tiểu đoàn 27, Quân khu Tây Bắc vất vả, bỡ ngỡ nhưng tôi tự hào lắm, tôi thấy mình rất trưởng thành. Nhờ chăm chỉ học tập, rèn luyện nên tôi được huấn luyện trở thành trinh sát đặc công của Tiểu đoàn 41, Quân khu Tây Bắc. Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi được điều động sang chiến trường Luông Pha Băng (Lào) làm nhiệm vụ quốc tế. Tại đây, những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội và với bà con nước bạn Lào đã trở thành dấu ấn, hành trang tiếp sức cho tôi sống, chiến đấu hết mình”. Thiếu tướng Sáng cho biết.
Thiếu tướng Lý A Sáng xúc động kể lại những năm tháng chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn ở chiến trường Luông Pha Băng: “Ngày đó, chiến tranh ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng anh em đồng chí nhiệt huyết lắm. Vào thời điểm năm 1971, trước trận đánh vào nhiều căn cứ và sân bay Luông Pha Băng, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ trinh sát.
Biết rõ quân địch ranh mãnh, nguy hiểm khó lường nên chúng tôi trinh sát phải tỷ mỷ, luồn lách vào vùng địch tạm chiếm. Bám đất, bám dân, ngày đêm theo dõi hoạt động của địch để đưa bộ đội vào đánh nhiều trận quyết thắng khiến quân địch khiếp sợ, phải lùi bước. Thắng lợi cho quân và dân nước bạn Lào cũng là niềm vinh dự của tất cả những người lính như chúng tôi”.
Cống hiến hết mình vì tình yêu Tổ quốc
Kết thúc nhiệm vụ chiến đấu trên đất bạn Lào với kết quả đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh trinh sát trẻ Lý A Sáng được kết nạp Đảng năm 1974 khi vừa tròn 21 tuổi. Sau đó lại tiếp tục được đơn vị chọn tham gia lớp đào tạo trung đội trưởng ở Trường Quân chính Quân khu Tây Bắc. Ra trường, ông về nhận công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mù Cang Chải.
Trong thời gian công tác tại quê hương, ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công việc, vốn là người gần gũi, tình cảm với bà con dân bản nên những lúc rảnh rỗi hay ngày nghỉ, ông thường tới các thôn, bản để động viên, hướng dẫn bà con cách vệ sinh nhà cửa, chuồng trại, chăm sóc con cái... nên ông được bà con và Đảng bộ, chính quyền địa phương rất tin yêu, quý mến, tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VII.
Với nhiều nỗ lực, quá trình phục vụ trong quân đội, ông đã được cử đi đào tạo tại các trường: Học viện Lục quân, Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó Trung đoàn 819, tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông đã trực tiếp vận động quần chúng ở nơi đơn vị đóng quân, xây dựng cơ sở nội tuyến, lấy nhân dân làm “tai, mắt” giúp đơn vị kịp thời phát hiện và đối phó hiệu quả với các hoạt động phá hoại của địch. Đến năm 1995, ông tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái.
Theo yêu cầu nhiệm vụ công tác biên giới phía Tây Nam, năm 2000, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ tại Quân khu II, dẫn đầu đoàn sỹ quan người dân tộc Mông vào hoạt động tại tỉnh Bình Phước. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình tuyên truyền, vận động đồng bào Mông từ các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lao Cai ổn định đời sống, không di cư tự do, phá rừng, làm rẫy.
Nhờ tình cảm chân thành cùng với trách nhiệm cấp trên tin tưởng giao phó, ông đã cố gắng đồng cam cộng khổ tuyên truyền, giải thích chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng tiếng dân tộc mình để đồng bào nghe và làm theo. Sau gần 1 năm “ba cùng” với dân, ông cùng đoàn công tác đã thuyết phục được gần 1.000 bà con các dân tộc trở về định canh, định cư, ổn định cuộc sống và tự nguyện trở thành công nhân, lao động của Binh đoàn 16 làm kinh tế ở vùng biên giới.
“Thời gian tôi làm dân vận ở biên giới Tây Nam có nhiều kỷ niệm nhưng tôi nhớ nhất vào những buổi tối khi tôi lấy khèn lá ra thổi, nghe những giai điệu bổng trầm, du dương ấy cất lên, bà con ai cũng thích… Thế là từ đó tôi phát huy hết khả năng của mình để phục vụ bà con, tình cảm giữa tôi và bà con ngày càng trở lên thắm thiết. Điều đó cũng giúp cho công tác dân vận của Đảng mà chúng tôi thực hiện ngày càng thuận lợi hơn. Chúng tôi đã thành công trong việc giúp dân chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ở vùng biên giới”. Ông tướng người Mông tủm tỉm cười.
Hơn bốn mươi năm công tác liên tục với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Thiếu tướng người Mông đầu tiên của quê hương Yên Bái đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang và nhiều bằng khen, giấy khen khác cho những cống hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân của ông.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh (phải) trao Huân chương Quân công hạng ba cho Thiếu tướng Lý A Sáng năm 2013.
Hạnh phúc vẹn tròn
Dù nghỉ chế độ năm 2013 nhưng ông Lý A Sáng luôn tâm niệm “Còn sức khỏe thì còn phải cống hiến và tích cực tham gia hoạt động phong trào của địa phương cũng là góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp”. Vì thế, ông đã được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống bộ đội địa phương tỉnh Yên Bái.
Khi giới thiệu về gia đình, ông tự hào chia sẻ: “Vợ tôi nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái, đại biểu Quốc hội khóa XII nên rất hiểu và ủng hộ những công việc tôi làm. Tôi cũng rất tự hào vì có hai con trai đều là sĩ quan quân đội. Sự trưởng thành của các con trai, gái, dâu, rể trong gia đình là sự cổ vũ mạnh mẽ để tôi tiếp tục cống hiến và có một cuộc sống hạnh phúc vẹn tròn với công việc và gia đình”.
Được gặp gỡ ông khi ông đang trao đổi cùng Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống bộ đội địa phương tỉnh, tôi thấy lòng mình cũng được chia vui niềm hạnh phúc với ông. Những tấm huân, huy chương lấp lánh kia là những ghi nhận của Đảng và Nhà nước về những thành tích và cống hiến của Thiếu tướng người dân tộc Mông Lý A Sáng cho quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Quỳnh Nga
Các tin khác
YBĐT - Chỉ vài tháng nữa là tròn 10 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 33/QĐ-TTg về chính sách định canh định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Mốc thời gian được Chính phủ cho phép kéo dài việc thực hiện Quyết định cũng sắp đi qua gần 1 năm nữa, nhưng xem ra việc triển khai chính sách này cũng còn nhiều dang dở.
YBĐT - Cây cầu treo tại thôn 3, xã Động Quan là tuyến đường chính để trên 700 hộ dân của 6 thôn xã Động Quan và 2 thôn xã Phúc Lợi của huyện Lục Yên đi lại. Tuy nhiên, do xây dựng từ lâu nên đến nay cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng.
YBĐT - Không chỉ hồi sinh mạnh mẽ, nhiều làng ven hồ Thác Bà tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương thông qua hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa và phát triển các mô hình kinh tế.
YBĐT - Trăn trở về những ngôi làng ven hồ Thác Bà từng bị xa cách bởi bệnh tật, nghèo đói ngày đó đã thôi thúc tôi lên đường. Trong suốt hành trình ấy, câu hỏi về cuộc sống của những con người nhường đất cho dòng điện sáng quốc gia bây giờ ra sao? Diện mạo của những làng ven mang đậm bản sắc dân tộc hiện như thế nào?... cứ miên man trong suy nghĩ.