Tết về thắm đỏ cờ bay

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/1/2017 | 7:53:11 AM

YBĐT - Cứ đến những ngày giáp tết, tôi lại bồi hồi đem lá cờ Tổ quốc ra treo ở nơi trang trọng nhất, trước cửa nhà mình. Khi tôi vắng nhà thì người thân trong gia đình làm thay tôi việc ấy.

Vào những ngày lễ lớn, từng gia đình đều treo cờ Tổ quốc ở nơi trang trọng nhất, trước cửa nhà. (Ảnh: Quang Thiều)
Vào những ngày lễ lớn, từng gia đình đều treo cờ Tổ quốc ở nơi trang trọng nhất, trước cửa nhà. (Ảnh: Quang Thiều)

Những người hàng xóm của tôi cũng đem cờ ra treo. Chả mấy chốc, con phố rợp đỏ màu cờ. Đã mấy chục năm rồi tôi vẫn cứ treo cờ như thế mỗi khi tết đến, xuân về.

Nhưng lạ lắm, lá cờ thiêng liêng đến thế, thiêng liêng gấp ngàn lần mọi của cải quý giá của cha ông tôi để lại. Lá cờ đỏ sao vàng là hồn thiêng sông núi, là máu và cả những giọt nước mắt mặn mòi dân tộc ta đã đổ xuống trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước của bao triều đại xa xưa cũng như cuộc chiến tranh vĩ đại nhất trong lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng chống lại những đế quốc xâm lược và thế lực thù địch tàn bạo nhất.

Tất cả hy sinh to lớn và đau thương dồn tụ lại cuộn dâng lên thành lá cờ đỏ sao vàng. Chính vì thế mà mỗi lần treo cờ là mỗi lần bồi hồi xúc động, là thêm một lần Tổ quốc thiêng liêng.

Tôi đã nhìn thấy lá cờ nền đỏ ở giữa có ngôi sao năm cánh từ lúc còn tấm bé, chưa đến tuổi lên mười. Những lá cờ lạ lẫm nhất trong đời tung bay phần phật trên những chiếc thuyền nan nối đuôi nhau ngược con ngòi tiến về hướng ngọn nguồn.

Mỗi chiếc thuyền nan có tới năm người, một người bơi mũi, một người cầm lái, hai người bơi ở hai đầu cắng, người đứng ở giữa phất cao lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Người người cứ nhấp nhô lúc ngẩng lên, lúc cúi rạp xuống theo nhịp hò của người cầm cờ đứng giữa.

Tôi không nhìn thấy súng, không nhìn thấy gươm, không nhìn thấy gậy gộc nhưng những chiếc thuyền nan xé nước ngòi Vần lao về phía trước y như những chiến thuyền của tổ tiên ta đánh giặc trên sông Bạch Đằng tôi đã nhìn thấy trong lịch sử. Lũ trẻ con chúng tôi hồi hộp chạy theo đoàn thuyền, chạy mãi, chạy mãi thở không ra hơi vẫn cứ chạy theo những lá cờ, chạy cho đến khi ngã quỵ xuống mới thôi. Khi ấy, đoàn thuyền đã đến vực Đèo Giang thuộc xã Việt Hồng.

Ấy là ngày 13/6/1945 không thể nào quên trong ký ức tuổi thơ. Chiều hôm ấy, tôi về hỏi mẹ. Mẹ cũng không biết gì hơn, mẹ bảo rằng, hình như sắp có chuyện gì to tát lắm xảy ra. Ngày hôm sau, ông chú tôi người đã tham gia hoạt động bí mật nói với mẹ tôi đấy là các chiến sỹ đội du kích Âu Cơ giương cao cờ Việt Minh vào phá kho thóc của Nhật ở Vân Hội chia cho người nghèo, giải quyết kịp thời nạn đói cho dân.

Đây cũng là cuộc tập dượt thị uy lực lượng, phát động quần chúng đứng lên đấu tranh chính trị, tiến tới lật đổ chính quyền của đế quốc và tay sai.

Đến tháng 8/1945, Đại hội Quốc dân Tân Trào đã quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ Tổ quốc và bài “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao là quốc ca. Mùa thu tháng Tám năm 1945, lá cờ đỏ sao vàng như hiệu lệnh của Tổ quốc thôi thúc toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân để đến ngày 2/9/1945, lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội.

Dưới lá cờ vẻ vang ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và các nước trên thế giới rằng, nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập. Nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.

Tất cả các nước trên thế giới đều có lá quốc kỳ của mình. Nhưng không ở đâu lại có bàn thờ Tổ quốc trong mỗi gia đình như người dân Việt Nam. Thiêng liêng và tự hào biết mấy. Vào cái đêm trước của ngày ra trận, dưới ngọn đèn dầu anh trai tôi nắn nót kẻ bằng xong cái khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” bằng mực đỏ trên nền giấy trắng để dán phía dưới bàn thờ Tổ quốc. Nhiều gia đình trong xóm trong làng cũng có bàn thờ Tổ quốc với dòng chữ “Tổ quốc trên hết” như gia đình tôi. Đấy là lời thề ở tuổi mười bảy của anh tôi và của nhân dân trước Tổ quốc.

Trải qua mấy chục năm trời, tầng tầng, lớp lớp những người chiến sỹ cha trước, con sau; những đoàn thanh niên xung phong; những chị dân công và cả những bà mẹ, những người vợ ở hậu phương đem theo lời thề Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh xương máu, của cải, tính mạng của mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Đến nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Long An, Tây Ninh... gần đây là nghĩa trang Vị Xuyên, ngàn vạn những ngôi mộ san sát bên nhau, trắng toát một màu.

Có những ngôi mộ có tên, có những ngôi mộ chưa tìm được tên nhưng trên bia mộ đều chói lọi ngôi sao năm cánh, như ngôi sao trên lá cờ đỏ sao vàng, nỗi đau ngàn đời, Tổ quốc không quên nhưng cũng là niềm kiêu hãnh vạn thuở của dân tộc mình - một dân tộc sẵn sàng hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Đứng trước nỗi đau chói lòa ánh sáng và ngập tràn ngọn gió, tôi mơ thấy ngàn vạn những người con bất tử nơi này bay lên cuốn vào lá cờ đỏ thắm đang kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Tổ quốc.

Lá cờ là hiện thân của Tổ quốc. Tôi đã nhìn thấy cờ bay ở đồn biên phòng Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang nơi đỉnh cao địa đầu đất nước và tôi biết, cờ Tổ quốc trong vòng tròn bất tử ở biển Đông - nơi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi đã thấy lá cờ như mọc lên từ đá ở A Mú Sung vùng núi cao heo hút nhất của Lào Cai - nơi ngọn nguồn con sông Hồng đỏ nặng phù sa. Tôi đã nhìn thấy lá cờ Tổ quốc ở đất mũi Cà Mau, ở những vùng biển đảo và trên những chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi. Nơi có cờ bay là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là máu thịt của đất nước ngàn lần yêu dấu.

Mấy chục năm trở lại đây, cờ được cắm trên những công trình khởi công xây dựng, cờ lại mọc đỏ trời trên công trình vừa được khánh thành. Lá cờ đỏ sao vàng là lá cờ độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất sớm một chân lý giản đơn mà sâu sắc là: Nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập ấy chẳng có nghĩa lý gì. Đúng như vậy cho nên sau khi đất nước ta hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam thống nhất một nhà nhân dân ta đem hết tài trí, sức lực xây dựng lại đất nước.

Một điều không ai có thể phủ nhận được là sau ba mươi năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nước ta đã giành được những thành tựu to lớn và quan trọng có tầm vóc lịch sử. Vị thế của nước ta được nâng cao đáng kể để chúng ta có thể hòa nhập vào nền kinh tế của thế giới, sánh vai với các nước phát triển. Hãy thử nhìn lại mà xem, bộ mặt của đất nước từ thành thị đến nông thôn đổi mới hàng ngày, cứ ngỡ tưởng trong mơ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, với tinh thần cách mạng và đổi mới, với đức tin và sự khiêm nhường Đảng của chúng ta đã chỉ rõ những nguy cơ và thách thức, cả những khó khăn và yếu kém để tự mình khắc phục, tự mình vượt qua.

Có những khó khăn do khách quan gây ra như lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh, có những khó khăn do ảnh hưởng của thế giới bên ngoài, của sự chống phá của các thế lực thù địch. Nhưng cũng lại có những khó khăn do chính mình gây ra, ấy là sự suy thoái về tư tưởng và đạo đức của một bộ phận không nhỏ của cán bộ, đảng viên; là ý thức vô trách nhiệm và sự vô cảm của một bộ phận người tự mình tách khỏi cộng đồng và Tổ quốc. Phải nói rằng, cũng có những khó khăn và yếu kém nảy sinh trong quá trình tìm tòi và khám phá.

Hãy nhìn lên lá cờ Tổ quốc đừng ai bi quan và vô vọng; thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức luôn luôn đan xen như một tất yếu. Dưới ngọn cờ Tổ quốc, trong anh minh và sáng tạo của Đảng chúng ta đã từng vượt qua những thách thức, hiểm nguy tưởng như không thể vượt qua.

Vâng, đúng thế. Sớm xuân này từ trung tâm thành phố tôi đi về phía sông Hồng, tôi lại nhìn thấy lá cờ Tổ quốc bay trên những trụ cầu vừa mới xây xong của công trình cầu Tuần Quán và cầu Bách Lẫm. Con sông Hồng chảy qua thành phố của tôi chỉ có một đoạn không dài, điểm đầu là Tuy Lộc, điểm cuối là Văn Phú. Ngần ấy chiều dài dòng sông đã có hai cây cầu hiện đại, nay lại cùng một lúc xây hai cầu mới.

Chẳng phải từ bến đò Âu Lâu năm xưa, chỉ một hai năm trước ai dám mơ đến những cây cầu như thế. Những cây cầu nối liền đôi bờ thành phố. Mặt nước sông Hồng ngày mai lại lung linh bóng cầu, bóng phố. Một đường phố hoành tráng nhất, dài hơn mười cây số vừa được đặt tên đường Âu Cơ đang được hoàn thiện. Những hàng cây xanh chạy dài hai bên, những cây cau vua, cây cảnh trên dải phân cách đã bén rễ nảy mầm. Cờ lại đỏ rợp trời đón chào năm mới. Thành phố của tôi rực rỡ niềm tin.

Giờ, tóc trên đầu tôi đã bạc mà màu cờ vẫn đỏ tươi. Lá cờ là hồn thiêng sông núi, là hiện thân của Tổ quốc làm sao có thể bạc được như tóc người. Có phải thế không mà mỗi lần ngước lên lá cờ, ta nghe như Tổ quốc gọi tên mình.

Hải Đường

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục