Đời sống mới ở Yên Thắng
- Cập nhật: Thứ năm, 30/3/2017 | 1:50:58 PM
YBĐT - Yên Thắng (Lục Yên) mùa này lúa xanh thẳm trên những cánh đồng màu mỡ của các ngôi làng cổ như: Làng Già, Nà Khao, Làng Phạ. Thấp thoáng những ngôi nhà xây kiên cố khang trang bên vườn cam tỏa hương thơm dịu mát.
Toàn xã Yên Thắng đã có 98 ha cây ăn quả, trong đó có 15 ha cam, quýt giống mới.
|
Yên Thắng là bồn địa lớn, bốn mặt được bao bọc bởi những dãy núi đá, núi đất nối tiếp. Dưới chân dãy núi Làng Phạ, Nậm Ngập, Đán Khao là những ngôi làng thanh bình của người Tày, Nùng với cánh đồng trù phú.
Chủ tịch UBND xã Yên Thắng Nông Đức Thắng hồ hởi: “Với tiềm năng về đất đai, lao động, đặc biệt là truyền thống của địa phương, Yên Thắng đang nỗ lực hết mình để xây dựng xã ngày càng giàu đẹp. Qua đó, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư. Phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được người dân trên địa bàn nhiệt tình hưởng ứng tham gia”.
Có trên một ngàn hộ với gần 4.500 khẩu, 10 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chiếm đa số là dân tộc Tày, Nùng. Thổ nhưỡng phần lớn cấu tạo do đất sét pha trộn với sa thạch đá vôi phong hóa nên độ phì nhiêu của đất cao. Nhiều năm qua, người dân Yên Thắng đã tạo lập nên cánh đồng màu mỡ của các ngôi làng cổ như: Làng Già, Nà Khao, Làng Phạ…
Đất nông nghiệp - một trong những tiềm năng của Yên Thắng, đã được Đảng bộ, chính quyền xã tập trung lãnh, chỉ đạo người dân phát huy hiệu quả qua thâm canh lúa nước, trồng rừng kinh tế, trồng cây ăn quả hướng tới hình thành mô hình thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh. Đồng bào dân tộc Tày, Nùng đã thông thạo trồng lúa nước, trình độ thâm canh khá cao, nắm chắc thời vụ gieo trồng: “mùa xuân hoa gạo đỏ là gieo mạ, hoa vông nở là cấy, ổi chín là ngừng cấy”.
Trồng lúa nước, từ lâu đã là loại hình canh tác chính của người dân nơi đây. Vừa thăm đồng, vừa trò chuyện, Chủ tịch xã Nông Đức Thắng khẳng định: “Hôm nay, người dân Yên Thắng đã biết tiếp nối kinh nghiệm dân gian với ứng dụng tiến bộ khoa học, đồng thời khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư trong thâm canh lúa nên hàng năm, người Yên Thắng đã gieo cấy hết 100% diện tích lúa với các giống lúa có năng suất, chất lượng cao.
Đến nay, năng suất lúa trung bình của xã đạt trên 11 tấn/ha/năm”. Ngoài cây lúa, xã còn vận động người dân trồng thêm ngô, lạc, sắn và rau màu các loại, góp phần tăng thêm thu nhập.
Điều kiện giao thông thuận tiện cũng giúp Yên Thắng thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ Yên Thắng rất dễ dàng để tới các xã Mai Sơn, Khánh Thiện, Lâm Thượng, rồi sang cả tỉnh bạn Hà Giang. Xe tải nhẹ đã đến các thôn, bản trong xã.
Nhiều hộ đã biết khai thác lợi thế về đất đai, lao động, vay vốn ngân hàng mua sắm trang bị, mở các đại lý hàng thiết yếu, phân bón, con giống, thuốc bảo vệ thực vật; mạnh dạn đầu tư các phương tiện vận tải, máy làm đất, máy chế biến nông sản… giải phóng lao động nặng nhọc cho nông dân, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng.
Nói về làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợp ở thôn Đồng Cáy bộc bạch: “Đường sá thông thương, có đất rộng lại được đảng bộ, chính quyền xã quan tâm nên không chỉ gia đình tôi mà ở Yên Thắng hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế quy mô lớn và hiệu quả lắm”.
Với ông Hợp, do thiếu lao động vì các con ông người đi làm công nhân, người mở mang dịch vụ, mặt khác, cũng vì chất đất được xác định phù hợp với cây cam, được thăm quan các mô hình trồng cam ở Hà Giang, Hòa Bình nên ông bà đã chọn trồng cam là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của gia đình mình. Và lựa chọn của ông đã đúng khi năm đầu tiên vườn cam đã thu về trên 40 triệu đồng cho gia đình.
Trong vườn cam với hương thơm dịu nhẹ, ông Hợp thư thái chăm sóc cho từng gốc cam - loại cây đã tăng thu nhập cho gia đình, đem lại niềm vui, sức khỏe và nhiều cơ hội gặp gỡ giao lưu trao đổi kiến thức về cam. Từ những mô hình trồng cam như của nhà ông Hợp, nhiều hộ dân ở thôn Đồng Cáy, Làng Thọc, Hin Lò, Thoi Xóa, Nà Khao đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích vườn tạp kém hiệu quả và đất lúa thiếu nước sang trồng cam giống mới.
Hiện, toàn xã đã có 98ha cây ăn quả, trong đó có 15ha cam, quýt giống mới. Phấn đấu đến năm 2020, mỗi năm Yên Thắng sẽ trồng thêm 10 ha cam, quýt, từng bước hình thành vùng cây ăn quả tập trung, góp phần tích cực trong xây dựng thương hiệu cam Lục Yên.
Cùng thôn với ông Hợp còn có mô hình chăn nuôi lợn rất hiệu quả của gia đình ông Trương Văn Khoa. Mặc dù đã được cán bộ xã giới thiệu trước về mô hình này nhưng khi tới thăm, tôi không khỏi ngỡ ngàng với cơ ngơi của gia đình. Trước ngôi nhà 2 tầng khang trang là tấm biển tên rất lớn: “Trang trại chăn nuôi lợn sạch”.
Cán bộ xã Yên Thắng tới thăm mô hình phát triển chăn nuôi lợn của gia đình ông Trương Văn Khoa.
Qua cổng nhà là khu sản xuất thức ăn gia súc. Sâu hơn phía trong là hệ thống chuồng trại rộng chừng trên 1.000m2 được đầu tư lớn, bài bản với đầy đủ hệ thống cách nhiệt, thông gió, chiếu sáng, xử lý môi trường… Người ta vẫn thường nói “Nuôi lợn ăn cơm nằm” nhưng để làm giàu từ nghề nuôi lợn, nhất là trong điều kiện thị trường như cuối năm ngoái thì chăn nuôi lợn quả là nghề không hề nhàn nhã.
“Để trong chuồng lúc nào cũng có 40 con lợn nái, từ 300 - 500 con lợn thịt không hề đơn giản. Năm ngoái, hầu hết những gia đình chăn nuôi lợn bị thua lỗ do giá lợn thịt giảm giá nhưng gia đình tôi vẫn bảo toàn được tình hình sản xuất. Có kết quả đó cũng là do sự học hỏi, tính toán của gia đình” - ông Khoa cho biết.
Với người đã trải qua nhiều nghề từ làm ruộng, làm mộc rồi nuôi lợn đến nay đã 12 năm như ông Khoa thì để thành công, đầu tiên phải là sự quyết tâm làm giàu, là sự say mê tìm tòi học hỏi.
Không phải ngẫu nhiên mà ông tìm và đầu tư mua lợn đực giống tận Gia Lai, Đồng Nai. Không phải ngày một, ngày hai mà ông đã tự sản xuất, phối trộn thức ăn cho lợn. Lợn ốm được chữa bằng thảo dược mà không dùng thuốc kháng sinh… Tất cả đều xuất phát từ khát khao, từ quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Thực tế thì dù điều kiện kinh tế - xã hội của Yên Thắng chưa nổi bật và nằm trong tốp đứng đầu của huyện Lục Yên nhưng với nỗ lực của cán bộ, nhân dân trong xã, ngày nay, Yên Thắng đã xác định rõ đường hướng phát triển của mình trong tương lai. Ở Yên Thắng đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi từ mô hình kinh tế VAC, kinh doanh tổng hợp như gia đình ông Trương Văn Khoa, ông Phạm Văn Xuyên ở thôn Đồng Cáy, bà Tăng Thị Yên, Nguyễn Thị Năng ở thôn Thâm Pồng, Nông Ngọc Miên ở thôn Hin Lò…
Một ngày ngắn ngủi ở Yên Thắng được tới thăm những mô hình phát triển kinh tế hộ, chứng kiến tinh thần hăng say lao động sản xuất của người dân tôi nhớ về câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” viết năm 1947: “Có tinh thần của đời sống mới, thì tăng gia sản xuất mới chóng thành công. Mà tăng gia sản xuất có thành công, thì đời sống mới dễ thực hiện…”.
Thành Trung
Yên Thắng, tháng 3/2017
Các tin khác
YBĐT - Việc xây dựng trang trại quy mô lớn, nuôi hàng nghìn con lợn ngay đầu nguồn hồ thủy lợi Đồng Chuổm, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên đã và đang gây ô nhiễm môi trường mà trực tiếp là nguồn nước khiến người dân không thể không lo lắng.
YBĐT - Dấn thân tới vùng dịch bệnh, lặn lội phòng chống dịch tận những thôn bản xa xôi, bất kể ngày đêm, mưa nắng - họ chính là những chiến sĩ áo trắng đã và đang chiến đấu không mệt mỏi trong trận chiến phòng chống dịch bệnh đầy vất vả, nhiều rủi ro mà lại rất lặng thầm.
YBĐT - Tháng Ba, rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ, những bông hoa pơ lang rực cháy trên thân già cổ thụ chẳng khác nào ngọn lửa khổng lồ trong bếp lửa nhà rông. Đoàn cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh vừa kết thúc thắng lợi Chuyên án mang bí số 217C, bắt gọn đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Trần Văn Cường, sinh năm 1979, thường trú tại tổ 5, thị trấn Nông trường Liên Sơn (Văn Chấn). Sau khi phạm tội giết người, Cường đã bỏ trốn 10 năm trời.
YBĐT - Hiểu đúng bản chất, ý nghĩa của việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có nghi lễ hầu đồng để đưa về đúng giá trị thực của nó là việc cần làm, nên làm.