Cán bộ dân số ở cơ sở: Buồn vui với nghề
- Cập nhật: Thứ năm, 4/5/2017 | 6:42:30 AM
YBĐT - Cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là những người trực tiếp làm công tác dân số ở cơ sở, đã có những đóng góp không nhỏ cho thành quả đạt được trong công tác dân số của tỉnh trong những năm qua. Tuy nhiên, thù lao, phụ cấp hay chuyện tuyển dụng biên chế đang là những nỗi niềm mong được thấu hiểu của họ.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ.
|
Cán bộ chuyên trách: Đợi chờ biên chế
Theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương trong đó có quy định cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã là viên chức của trạm y tế xã. Nhưng cho đến nay, đội ngũ này vẫn trong tình trạng chờ đợi chuyện biên chế.
Chị Cao Thị Chuyên - cán bộ chuyên trách dân số phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái gắn bó với công tác dân số từ năm 1996, trong đó từ năm 2005 là làm cán bộ chuyên trách dân số.
Chị Chuyên tâm sự: “Nhiều năm làm công tác dân số là vậy tôi cũng chỉ mong được tuyển dụng vào biên chế để thêm gắn bó với công việc này nhưng rồi vẫn cứ chờ đợi từ đó đến nay. Đợi chờ mãi để rồi chưa đi đến đâu là điều chẳng ai muốn. May mắn bây giờ tôi còn kiêm nhiệm thêm một số công việc khác nên cũng đỡ phần nào, chứ nhiều cán bộ chuyên trách khác chỉ biết đến công việc này thực sự là rất thiệt thòi”.
Chị Lò Thị Mến - cán bộ chuyên trách dân số ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu chia sẻ: “Ở địa bàn vùng cao công tác dân số càng thêm nhiều phần vất vả, chỉ tiền xăng xe đi lại thôi cũng đã tốn kém trong khi phụ cấp chỉ có hơn 1,2 triệu đồng. Gắn bó với công việc xong đến giờ vẫn chưa được vào biên chế thấy buồn và nhiều lúc nản lắm”.
Ông Nguyễn Văn Quý - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Trạm Tấu cho biết: “Chờ đợi mà chưa được vào biên chế đã gây ảnh hưởng tới tâm lý, tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số trên địa bàn. Mới đây, cán bộ chuyên trách dân số xã Phình Hồ và Xà Hồ cũng đã phải xin chuyển sang làm công việc khác. Biến động về đội ngũ đương nhiên ảnh hưởng đến công tác dân số. Chúng tôi cũng rất mong đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số được ổn định để họ yên tâm công tác, đóng góp cho công tác dân số của địa phương”.
Còn anh Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố Yên Bái thì cho biết: "Thời điểm cuối năm 2010, Trung tâm đã thực hiện rà soát và tuyển mới đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số trên địa bàn bàn, thay mới 15 trong số 17 cán bộ chuyên trách dân số để bảo đảm đội ngũ cán bộ chuyên trách đạt chuẩn tuyển dụng vào biên chế. Nhưng cho đến nay, đội ngũ này vẫn chưa được tuyển dụng đã khiến họ không yên tâm công tác. Đến nay, đã có 4 cán bộ chuyên trách xin nghỉ việc khiến chúng tôi phải tuyển mới để thay thế. Nhưng cán bộ mới tuyển kinh nghiệm chưa nhiều, chưa được đào tạo, tập huấn về công tác dân số... sẽ phần nào ảnh hưởng tới công tác DS-KHHGĐ của địa phương”.
Hiện toàn tỉnh có 180 cán bộ chuyên trách dân số. Đây là lực lượng trực tiếp xây dựng chương trình, kế hoạch công tác về DS-KHHGĐ trên địa bàn; tham mưu, phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giám sát hoạt động của cộng tác viên dân số thôn, bản, các ngành, đoàn thể theo đúng nhiệm vụ được phân công; hướng dẫn cộng tác viên dân số thôn, bản thực hiện nhiệm vụ của mình; nắm bắt, đánh giá hoạt động của công tác DS-KHHGĐ của từng thôn, bản thông qua đội ngũ cộng tác viên DS-KHHGĐ; kịp thời giải quyết hoặc xin ý kiến cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề phát sinh… Cán bộ chuyên trách dân số hiện đang hưởng mức phụ cấp 1.210.000 đồng/tháng.
Theo chia sẻ của nhiều cán bộ chuyên trách dân số, với mức phụ cấp này và khối lượng công việc được giao, nhất là ở những địa bàn vùng cao, việc hoàn thành tốt được nhiệm vụ là cả một sự cố gắng rất lớn của họ. Bởi có khi, chỉ việc đi lại phục vụ công việc thôi cũng đã mất một khoản chi phí đáng kể.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, việc chưa được tuyển dụng vào biên chế đã khiến cán bộ chuyên trách dân số chưa yên tâm công tác, gây nên những biến động trong đội ngũ này trong thời gian qua, đương nhiên có ảnh hưởng đến hoạt động của công tác DS-KHHGĐ. Được tuyển dụng vào biên chế vẫn luôn là nguyện vọng, mong muốn của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã để họ có thể tiếp tục gắn bó với công việc này, cũng là để ổn định đội ngũ làm công tác dân số, gia tăng hiệu quả hoạt động của công tác DS-KHHGĐ.
Cộng tác viên dân số: Thù lao ít, còn chậm
Cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn, bản là lực lượng trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn về DS-KHHGĐ, cung cấp bao cao su, thuốc uống tránh thai đến từng hộ gia đình; phối hợp với các tổ chức trên địa bàn triển khai các hoạt động quản lý và vận động thực hiện KHHGĐ tới từng hộ gia đình; thu thập, nắm bắt, quản lý số liệu về DS-KHHGĐ tại địa bàn quản lý...
Hiện, toàn tỉnh có 2.047 cộng tác viên dân số, đang hưởng mức thù lao là 100.000 đồng/tháng. Mức thù lao đã thấp mà trong năm 2016 vừa qua, các cộng tác viên dân số còn không được nhận thù lao kịp thời. Đến tận tháng 12 của năm 2016, các cộng tác viên dân số mới được nhận thù lao của 9 tháng năm 2016, còn lại 3 tháng thù lao của năm 2016 đến nay cũng vẫn tiếp tục chờ đợi.
Bà Hán Thị Hợi - cộng tác viên dân số khu phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi gắn bó với công việc này đã 24 năm. Thực sự thì chúng tôi làm công việc này bằng lòng nhiệt tình là chính chứ mức thù lao như vậy là không đáng kể. Tuy nhiên, việc thù lao đã thấp còn bị chậm chi trả nói gì thì nói cũng khiến chúng tôi cảm thấy buồn, cảm thấy mình không được động viên".
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thì việc chậm thù lao cho đội ngũ cộng tác viên dân số trong năm qua là do kinh phí chậm từ trung ương vì đây là năm đầu tiên của giai đoạn 2016 - 2020 nên các dự án thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số chậm được phê duyệt. Đến tháng 12/2016, Tổng cục DS-KHHGĐ mới cấp 50% kinh phí công tác dân số của năm 2016.
Từ nguồn kinh phí này, địa phương cũng đã bố trí thêm kinh phí để chi trả được thù lao 9 tháng năm 2016 cho cộng tác viên. Số thù lao của 3 tháng còn lại của năm 2016 hiện vẫn phải tiếp tục chờ đợi kinh phí từ Tổng cục DS-KHHGĐ. Cũng theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, năm 2017, thù lao cho cộng tác viên dân số sẽ do địa phương chi trả.
Hiện, Chi cục đã có Tờ trình về việc xin kinh phí công tác DS-KHHGĐ năm 2017 trình UBND tỉnh; trong đó, có nhu cầu về kinh phí cho đội ngũ cộng tác viên. Được nhận phụ cấp kịp thời và đầy đủ là mong muốn của đội ngũ cộng tác viên dân số, đó cũng là để động viên họ về mặt tinh thần, giúp họ nhiệt tình hơn trong công việc.
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, tôi ngược thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên để gặp, nghe và ghi lại những câu chuyện chiến đấu anh dũng, kiên cường của các cô, các chú, những con người bình dị, thân thuộc nơi xóm phố.
YBĐT - Methadone được coi là phương pháp điều trị “tiêu chuẩn vàng” đối với người nghiện hêrôin. Tuy nhên hiện nay, một số bệnh nhân dùng Methadone xong không trở về nhà, đi lao động mà lại tiếp tục đi tìm “cái chết trắng” mà dân nghiện gọi đó là “hai trong một”.
YBĐT - Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Truyền - cái tên mà chỉ cần nhắc đến thôi biết bao thế hệ học trò Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái tin yêu, kính trọng. Chẳng phải lần đầu gặp thầy, nhưng lần gặp này với tư cách là phóng viên gặp chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu thì cảm xúc lại hoàn toàn khác.
YBĐT - Tảo hôn là vấn đề không mới, song chưa bao giờ hết “nóng”, nhất là vừa qua, lần đầu tiên có một bản báo cáo khá đầy đủ về thực trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái của Ban Dân tộc tỉnh, đã đưa ra những con số khá bất ngờ.