Thu hút lao động vào các công ty may tại Yên Bái: Nhìn từ Vina KNF
- Cập nhật: Thứ năm, 8/6/2017 | 7:05:25 AM
YênBái - YBĐT - Là công ty may Hàn Quốc đặt tại huyện Trấn Yên, Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF có cả hệ thống dây chuyền may hiện đại, tổng mức đầu tư lên đến gần 10 triệu USD với nhiều chế độ bảo đảm cho công nhân song đang rất khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân người lao động. Vậy, đâu là nguyên nhân?
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và lãnh đạo Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF nắm bắt tình hình sản xuất việc làm của nữ công nhân. (Ảnh: Minh Huyền)
|
Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF (viết tắt là Vina KNF) là công ty may Hàn Quốc đặt tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên. Đây là một cơ sở kinh doanh khá quy mô với những dây chuyền may hiện đại, tổng mức đầu tư lên đến gần 10 triệu USD.
Dự án nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện tối đa của các cấp, ngành, đặc biệt từ phía huyện Trấn Yên... nhưng Vina KNF vẫn khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân người lao động. Vậy, đâu là nguyên nhân và giải pháp?
Không giống như nhiều công ty liên doanh khác, lãnh đạo Vina KNF rất cởi mở. Minh chứng là khi chúng tôi điện thoại liên hệ đăng ký làm việc với nội dung tìm hiểu vấn đề lao động và việc làm, đã nhận được sự đồng ý ngay từ đội ngũ lãnh đạo.
Đến Công ty Vina KNF, chúng tôi nhận được sự niềm nở của cán bộ, nhân viên Công ty qua những nụ cười thân thiện, những cái bắt tay rất chặt của các ông chủ Hàn Quốc và đặc biệt trong buổi làm việc với cán bộ quản lý người Việt.
“Cảm ơn anh em phóng viên đã đến với chúng tôi. Rất mong thông qua cơ quan ngôn luận, chúng tôi được quảng bá hình ảnh của mình với chính sách lao động, việc làm của Công ty cũng như góp phần để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động nói chung”, - ông Phạm Ngọc Mai là cán bộ quản lý Công ty đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
Doanh nghiệp Vina KNF đi vào hoạt động từ ngày 7/3/2016. Riêng công tác tuyển dụng lao động được triển khai từ trước đó cả một năm. Trong quá trình triển khai dự án, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, việc tuyển dụng lao động là một thí dụ.
Nhà đầu tư Hàn Quốc đã nhiều lần nhận xét, đánh giá rằng, lãnh đạo huyện luôn đồng hành cùng Vina KNF; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện, chính quyền các địa phương và nhiều tổ chức đoàn thể đã vận động, tuyên truyền về dự án cũng như giúp đỡ trong việc tuyển dụng lao động...
Sự cố gắng là rất lớn, nhưng đến khi đi vào sản xuất, Công ty chỉ thu hút được 300 lao động, trong khi nhu cầu là trên 1.000 người và đến thời điểm này, tổng số lao động của Công ty mới chỉ đạt được 980 người. Hiện nay, Vina KNF vẫn còn nhu cầu tuyển dụng thêm 400 lao động nữa.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, một công ty quy mô lớn như thế này, tại sao lại khó khăn trong việc tuyển công nhân, chị Lê Thúy Mai - cán bộ nhân sự của Công ty Vina KNF cho biết, trước hết, chúng tôi đang phải cạnh tranh với rất nhiều công ty khác ở trong và ngoài tỉnh. Thời gian qua, nhiều công ty liên doanh ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... đã về tận thôn, bản, ngõ xóm của Yên Bái để tuyển người.
Ý thức của người lao động cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Nhiều chị em công nhân xin nghỉ việc với những lý do rất đơn giản như: nhớ nhà, cưới chồng thì nghỉ; có chị em thấy bạn nghỉ việc về lấy chồng và mình ở lại buồn quá cũng nghỉ theo luôn...
"Đáng tiếc là, nhiều công nhân đứng núi này, trông núi nọ, thấy đơn vị khác tuyển dụng với lời hứa lương cao hơn một tý là chạy theo luôn. Tuy nhiên, khi làm ở chỗ mới được một, hai tháng thấy kỷ luật ngặt nghèo quá, nhất là công việc khó làm... nên lại bỏ tiếp. Một số người về quê luôn và cũng có người quay về Vina KNF xin đi làm trở lại”- chị Mai cho biết.
Từ cuộc trao đổi với cán bộ quản lý và nhân sự của Vina KNF, chúng tôi nhận thấy, đây là một công ty khá quan tâm đến đời sống, việc làm và chế độ đối với người lao động. Không ít trường hợp vi phạm kỷ luật nhưng Công ty cũng chỉ nhắc nhở, phê bình.
Cán bộ và công nhân Công ty Vina KNF kể lại câu chuyện rất nhân văn về trường hợp công nhân có hành vi trộm cắp quần áo mẫu. Khi phát hiện, lãnh đạo người Hàn Quốc không hề làm gay gắt mà chỉ phê bình, nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết xong còn tặng quần áo cho người vi phạm với lý do “Bạn ấy nghèo và thiếu suy nghĩ nên mới có hành động xấu”.
Đối với những trường hợp đã bỏ việc mà có nhu cầu quay lại làm việc đều được tiếp nhận. Về thu nhập, công nhân được tuyển dụng sẽ được hưởng ngay mức lương cơ bản là 2,9 triệu đồng/tháng (26 ngày công); mức lương sẽ tăng lên theo quy định; nếu có con nhỏ sẽ được nhận 30.000/tháng tiền nuôi con, được 20.000/người/tháng tiền vệ sinh phụ nữ.
Công nhân được xếp hạng tay nghề theo thứ tự A, B, C sẽ được Công ty khen thưởng theo thứ tự 300.000, 150.000 và 100.000 đồng/tháng và cứ 2 tuần một lần, Công ty thực hiện đánh giá kết quả sản xuất.
Theo đó, dây chuyền nào đạt yêu cầu sẽ được khen thưởng 3 triệu đồng (mỗi dây chuyền 30 công nhân). Làm việc tại Vina KNF công nhân được ăn một bữa cơm ca, mỗi suất ăn 14.000 đồng và được hỗ trợ tiền xăng xe 100.000 đồng/tháng; nếu làm việc chuyên cần còn được thưởng thêm 200.000 đồng mỗi tháng.
Như vậy, ngoài các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, được nuôi ăn một bữa/ngày, người công nhân mới được tiếp nhận vào làm việc ở Vina KNF cũng có thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/tháng nếu làm đủ 26 ngày công.
Công nhân Công ty Vina KNF làm việc trong dây chuyền may.
Công nhân có trình độ tay nghề vững, tập thể làm việc chuyên cần, năng suất, thu nhập sẽ tăng lên từ 500 đến một triệu đồng nữa và câu hỏi đặt ra là: thu nhập như vậy, cao hay thấp? Gặp gỡ, trao đổi với nhiều anh chị em công nhân Công ty Vina KNF, có người thì cho rằng, so với làm ruộng thì khá hơn rất nhiều. Còn nếu so ngày công đi phụ vữa, đổ bê tông, đào đất... thì thấp hơn, nhưng đổi lại làm ở đây không nặng nhọc, việc đều, bất kể mưa hay nắng và có đầy đủ chế độ bảo hiểm...
Không ít chị em lại bày tỏ: mức thu nhập 3,5 đến 4 triệu đồng chỉ đủ chi tiêu tiền nhà, tiền điện, tiền nước và đảm bảo duy trì cuộc sống, tái tạo sức lao động, hoàn toàn không còn tích lũy. Khi tuổi còn trẻ chưa có gia đình thì không sao, nhưng khi đã có gia đình, có con cái và phải phụng dưỡng cha mẹ già thì không biết nhìn vào thứ gì để chăm sóc con và cha mẹ.
Một nữ công nhân cho biết, làm ở đây quá đơn điệu và ra ngoài làm thì tự do, thoải mái hơn. Đây cũng là lý do nhiều chị em đã bỏ Vina KNF đi làm ở nơi khác.
Nhiều dây chuyền vẫn bỏ không, chờ công nhân vào làm việc.
Như vậy, mấu chốt của việc thu hút được lao động và chấm dứt tình trạng công nhân đã tuyển dụng nhưng bỏ về quê hoặc đi làm nơi khác vẫn là thu nhập! Qua khảo sát giá cả thị trường cũng như mức chi tiêu của một người trưởng thành tại thị trấn, thị tứ các huyện, thị như: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ... thì thu nhập của công nhân phải đạt tối thiểu 4,5 triệu đồng/tháng.
Để có mức thu nhập ấy, phía chủ doanh nghiệp đóng vai trò quyết định bằng các giải pháp sản xuất, kinh doanh, nhưng đội ngũ công nhân lao động cũng là yếu tố quan trọng, chấp hành kỷ luật lao động, quy trình sản xuất, phấn đấu tăng năng suất cũng như gắn bó với doanh nghiệp, chung sức đồng lòng tạo năng suất, chất lượng, hiệu quả chắc chắn doanh nghiệp sẽ phát triển và từ đó lương, thưởng cũng như các chế độ phúc lợi khác sẽ được cải thiện. Chăm lo đời sống tinh thần như: văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... cũng cần được giới chủ và tổ chức công đoàn quan tâm.
Qua đó, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức người lao động trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và nội quy, quy định của doanh nghiệp. Chỉ đến khi làm được như vậy, người lao động sẽ tự tìm đến xin việc làm, tự ý thức được vấn đề giữ chỗ làm và phấn đấu vươn lên trong công việc.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Đó là chàng kỹ sư công nghệ thông tin người dân tộc Dao - Bàn Tiến Nhị, sinh năm 1992 ở thôn 1 Khe Giang, xã Đại Sơn, Văn Yên đã chọn làm giàu bằng mô hình nuôi ếch thương phẩm.
YBĐT - Khu tái định cư Táng Khờ 1 nằm giữa lưng chừng núi, phía đầu nguồn của Nhà máy Thủy điện Vực Tuần. Bản nhỏ này là nơi định cư của 73 hộ dân Làng Lao của xã Cát Thịnh. Gần 6 năm "xuống núi", giờ đây, khu tái định cư Táng Khờ 1 đã nhiều đổi khác.
YBĐT - Từ ngày 1/6/2017, các cơ sở y tế công lập chính thức áp dụng tăng giá viện phí theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế cho 1.916 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
YBĐT - Xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên có 7 bản nằm trong địa bàn làng Vần và làng Dọc. Làng Dọc gồm Bản Quán, Bản Chao, Bản Phạ, Bản Din, là nơi cư trú của gần 370 hộ dân, chủ yếu là người Tày.