Sức trẻ Mù Cang

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/2/2018 | 11:12:15 AM

YBĐT - Có được kinh nghiệm từ các chàng trai người bản địa nên công trình hoàn thành sớm hơn dự tính, ban đầu tất cả tính phải bảy ngày mới hoàn thành mà rồi chỉ năm ngày cả 7ha ruộng đã hoàn tất. Đó chính là công trình khai hoang ruộng bậc thang giúp người dân các bản: Tà Ghênh, Dào Xa, Lao Chải của xã Lao Chải có thêm đất sản xuất mà đoàn viên, thanh niên là lực lượng chính.

Tuổi trẻ Mù Cang Chải chung tay khai hoang ruộng bậc thang.
Tuổi trẻ Mù Cang Chải chung tay khai hoang ruộng bậc thang.


Đất Mù Cang Chải luôn mê hoặc tôi bởi những thửa ruộng bậc thang như những nấc thang vàng, xanh từ chân lên tới tận đỉnh núi, để rồi thán phục những bàn tay cần cù, khéo léo kiến tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang màu no ấm ấy.
 
Lần này cũng vậy, đến với vùng cao đúng vào dịp đào rừng đang đua nhau khoe sắc bên những sườn núi, những chiếc lá non cũng cựa mình đón tia nắng mùa xuân. Khi bà con người Mông nơi đây vừa cùng người dân cả nước đón tết cổ truyền dân tộc trở lại cuộc sống thường nhật, tấp nập ra đồng chuẩn bị cho vụ xuân - vụ sản xuất chính ở nơi vùng cao khí hậu đầy khắc nghiệt.
 
Trong không khí rộn ràng của mùa xuân mới, tôi may mắn được chứng kiến không khí ra quân khai hoang ruộng bậc thang của các đoàn viên, thanh niên các xã, thị trấn và các cơ quan, ban, ngành của huyện giúp người dân các bản: Tà Ghênh, Dào Xa, Lao Chải của xã Lao Chải có thêm đất sản xuất ổn định cuộc sống. 

Từ đằng xa  đã nghe vọng lại tiếng cuốc, thuổng, xà beng thình thịch bổ vào đất, tiếng nói cười ròn rã đầy sức sống để rồi những thửa ruộng bậc thang dần thành hình, uốn theo sườn núi, xếp tầng lên nhau, hứa hẹn những mùa vàng no ấm.

Đưa tôi tham quan một vòng quanh công trường trong không khí lao động khẩn trương của các bạn trẻ, Bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải - Phạm Đức Thịnh phấn khởi cho biết: "Để huy động 1.000 đoàn viên thanh niên, chung sức, đồng lòng trong Công trình này, chúng tôi đã lên kế hoạch thật chi tiết rồi mới tiến hành khảo sát và mời các đầu mối đoàn viên, phân điểm thi công. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện đoàn còn tổ chức một đêm giao lưu văn nghệ, đồng thời phối hợp với Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Phòng Tư pháp, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa, Công an huyện tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ xuất cảnh trái phép… qua đó tạo không khí phấn khởi cho đoàn viên thanh niên. Như vậy, tất cả đoàn viên được huy động mới thông suốt, đồng tình ủng hộ kế hoạch khai hoang 7 ha ruộng này”.

Thấm những giọt mồ hôi lăn dài trên má, Hờ A Vảng - Bí thư Đoàn xã Mồ Dề chia sẻ: "Mình sinh ra lớn lên tại đây nên việc khai hoang ruộng bậc thang đã như bản năng trong máu thịt. Theo kinh nghiệm của người Mông mình, sườn núi càng dốc thì bờ càng cao, bề ngang thửa ruộng sẽ hẹp. Bờ ruộng bậc thang càng gần đỉnh núi thì bờ cao dần, còn gần chân núi thì bờ thấp dần và chiều rộng mặt ruộng cũng rộng dần”.
 
Chẳng thế mà do nằm bên sườn núi nên mặt ruộng bậc thang phẳng cùng một cao độ nên có những thửa ruộng bậc thang chỉ rộng từ nửa sải tay và bao quanh quả núi. Có ruộng rồi, quan trọng nhất phải có nước, mà nước tưới tiêu cho ruộng bậc thang cũng phải dẫn vào rất cẩn thận. Đầu tiên là bờ giữ nước phải là điểm tựa vững vàng cho cả thửa ruộng.
 
Việc dẫn nước vào các ruộng bậc thang cũng phải có điểm vào và ra được tính một cách kỹ lưỡng nếu không sẽ gây bào mòn chất màu mỡ của ruộng. Nước vào đủ thì thông qua một cửa tràn (đối với các thửa ruộng nhỏ có diện tích một, hai mét vuông thì dùng ống tre, nứa làm cống thông nhau) được sẻ qua bờ để chảy xuống ruộng bậc thang bên dưới và cứ như vậy cho đến thửa ruộng bậc thang cuối cùng với cửa xả ra dòng khe hoặc suối dưới chân núi.
 
"Có được kinh nghiệm từ các chàng trai người bản địa nên công trình hoàn thành sớm hơn dự tính của các đội hai ngày, ban đầu tất cả tính phải bảy ngày mới hoàn thành mà rồi chỉ năm ngày cả 7ha ruộng đã hoàn tất” - Bí thư Huyện đoàn Phạm Đức Thịnh phấn khởi thông tin.

Ruộng hoàn thành đến đâu được giao cho người dân tới đó. 14 hộ gia đình là những hộ bị mất đất sản xuất bởi trận lũ lịch sử ngày 3/8/2017 và những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các bản: Tà Ghênh, Dào Xa, Lao Chải, xã Lao Chải đã có ruộng để cấy lúa. Anh Giàng A Cu, bản Tà Ghênh mấy hôm nay vui lắm vì sắp được nhận ruộng, ngày nào cũng ra công trường hỗ trợ anh em.
 
Gặp chúng tôi, anh Cu phấn khởi cho biết: "Gia đình mình bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ lịch sử, được các cấp các ngành và sự chia sẻ của mọi người mình đã có được nơi ở mới an toàn. Nay lại được nhận thêm diện tích ruộng này, từ nay mình đã có thêm đất sản xuất, không còn lo đói nữa”.

Hiện xã Lao Chải có trên 600 ha ruộng nước, hàng năm thu được khoảng trên 2.500 tấn thóc. Trong trận lũ lịch sử ngày 3/8 đã làm ảnh hưởng trên 43,4 ha (trong đó diện tích không khôi phục được 22ha, còn 21,4ha bị mất hoa màu). Nay nhờ sức trẻ, diện tích ruộng được khai hoang mới đã phần nào giúp người dân mất đất sản xuất sau thiên tai ổn định cuộc sống.
 
"Đây là công trình rất thiết thực của tuổi trẻ trong huyện đối với những người bị mất đất sản xuất trong đợt thiên tai vừa rồi. Ngay sau khi nhận ruộng, xã sẽ chỉ đạo các hộ làm đất để chuẩn bị cho mùa vụ mới, để người dân có thêm thóc, bớt đói nghèo” ông Giàng A Lử - Chủ tịch UBND xã Lao Chải xúc động nói.

Ruộng bậc thang gắn liền với đời sống của người dân vùng cao Mù Cang Chải từ bao đời nay, không chỉ góp phần ổn định lương thực, ruộng bậc thang cũng là thế mạnh để huyện Mù Cang Chải phát triển kinh tế du lịch.
 
Điều này càng được củng cố khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh mới đây đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quan tâm giúp đỡ để Yên Bái phát triển Đề án du lịch, nhất là khai thác điểm du lịch vùng cao vì có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như ruộng bậc thang Mù Cang Chải lọt vào tốp 10 vùng núi đẹp nhất thế giới. Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc giúp tỉnh phát triển kinh tế, du lịch nhằm nâng cao đời sống cho người dân vùng cao.
 
Càng thấy được việc làm của tuổi trẻ huyện nhà thật ý nghĩa, không những góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân mà còn góp sức tạo bức tranh thiên nhiên ở đất Mù Cang thêm tươi đẹp.

Minh Huyền

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục