Bất ngờ Cu Vai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/5/2018 | 8:16:19 AM

YBĐT - Mưa qua, mặt trời rồi cũng tỏa nắng, xua đi những đám mây mù che phủ, bầu trời trong vắt. Cu Vai như quả cầu lớn, lơ lửng giữa trời xanh và khoác lên mình chiếc áo đẹp nhất. Cu Vai theo tiếng Thái là dây mây vắt ngang trời.

Phố núi Cu Vai. (Ảnh: Thu Trang)
Phố núi Cu Vai. (Ảnh: Thu Trang)

Chúng tôi hít hà, thỏa mãn ước mơ được chiêm ngưỡng bản mới Cu Vai trong nắng vàng rực rỡ. "Phố” trên núi là đây chứ đâu! Không thể không gọi như vậy, bởi những nhu cầu cần và đủ của một phố thị ở đây đều có.

Qua trung tâm xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, con đường đất lên bản Cu Vai sau cơn mưa đêm trước đã lầy lội, trơn trượt. Chưa quá nửa đường, mưa rừng đổ xuống, mặt đường trơn trượt, "con ngựa sắt” của anh bạn đi cùng cũng đành "chào thân ái”. "Đường càng đi càng xấu, mưa càng như trút, chúng tôi ướt nhoẹt.
 
"Nhìn thấy Cu Vai là hết mệt ngay, đẹp lắm! Cu Vai theo tiếng Thái là dây mây vắt ngang trời đấy!” - anh Lò Văn Say là cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng đi giới thiệu vậy.

Gần 12 giờ trưa, chúng tôi đã đến được Cu Vai. Mưa vẫn xối xả, nhưng Cu Vai hiện ra đẹp lắm: nối giữa các ngôi nhà lịa gỗ khang trang là con đường rộng chừng 5m bằng phẳng chạy xuyên suốt bản làng; cứ 5 - 10m lại có cột đèn điện cao áp; trước mỗi ngôi nhà là những gốc đào rừng, thân sù sì đang khoác lên mình một màu xanh mướt.
 
Trời mưa nên nhiều phụ nữ Mông không đi nương mà ngồi thêu thùa trước hiên nhà… Anh Mùa A Vàng và anh Mùa A Đua – những người Mông bản địa đón chúng tôi với vẻ lo lắng: "Vào nhà cởi đồ và sưởi ấm ngay, không ốm mất!”.
 
Bên bếp lửa, chúng tôi được ông Mùa A Vư - nguyên Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, là bố đẻ của anh Mùa A Vàng chia sẻ: "Bản mới Cu Vai được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau của chính đồng bào”.

Trước đây, khi chưa có bản định cư, đồng bào chủ yếu sống rải rác ven các sườn núi, gieo cấy, sản xuất manh mún; điện, đường, trường, trạm đều không có… "Ngày đó, công tác ở xã, mỗi lần về thăm nhà nhìn cảnh đồng bào mình đói ăn, vất vả mà không biết làm gì để giúp” - ông Vư chia sẻ.
 
Năm 2012, sau khi được tỉnh chỉ đạo, cán bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lên Cu Vai khảo sát địa bàn. Nhận thấy hơn 50 hộ dân nơi đây phải sớm di dời đến nơi ở mới vì nguy cơ sạt lở lớn, nhất là vào mùa mưa lũ, ngành đã chủ động tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh, phối hợp với Đảng ủy, chính quyền huyện Trạm Tấu, xã Xà Hồ san tạo mặt bằng, người dân thì ủng hộ ngày công lao động và tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng từ dưới huyện lên.
 
Đầu năm 2013, mặt bằng đã được san gạt xong, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể của huyện Trạm Tấu và xã Xà Hồ ngoài hỗ trợ mỗi gia đình 10 triệu đồng còn cử cán bộ đến tận nơi, chung tay giúp đồng bào làm nhà. 

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trạm khuyến nông, thú y… giúp đồng bào cách tăng gia sản xuất, "sắp xếp” lại ruộng, nương; hướng dẫn chăn nuôi, trồng rừng… Giữa năm 2013, Cu Vai có trên 40 hộ và đến nay con số đó đã tăng lên gần 50 hộ với 278 khẩu về định canh, định cư xây dựng cuộc sống mới.
 
 
 
Trẻ em ở Cu Vai. (Ảnh: Thanh Miền)

Mưa qua, mặt trời rồi cũng tỏa nắng, xua đi những đám mây mù che phủ, bầu trời trong vắt. Cu Vai như quả cầu lớn, lơ lửng giữa trời xanh và khoác lên mình chiếc áo đẹp nhất. Chúng tôi hít hà, thỏa mãn ước mơ được "chiêm ngưỡng” bản mới Cu Vai trong nắng vàng rực rỡ.
 
"Phố” trên núi là đây chứ đâu! Không thể không gọi như vậy, bởi những nhu cầu cần và đủ của một phố thị ở đây đều có. Nguồn điện bằng năng lượng mặt trời do Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh với Chương trình thiện nguyện "Cõng điện lên bản” năm 2017 có tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng đã giúp cho mọi nhà có điện. Cả "phố” sáng điện tỏa ra từ những cột đèn cao áp.
 
Điểm trường mầm non xây dựng khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy và học; học sinh tiểu học, trung học cơ sở thì được về xã, về huyện học bán trú với sự hỗ trợ toàn bộ của Nhà nước. Người dân được sống trong những ngôi nhà rộng rãi, khang trang với hệ thống nước sạch bảo đảm; chuồng, trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà ngăn nắp; khu vực vệ sinh, nhà tiêu sạch sẽ…
 
"Trước đây, đồng bào chỉ làm ruộng nương, từ khi được huyện hỗ trợ, cử cán bộ khuyến nông cùng khuyến nông viên cơ sở lên hướng dẫn khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, người Mông đã biết tăng gia sản xuất, biết trồng ngô thay lúa nương kém hiệu quả, biết gieo cấy lúa nước, biết trồng cây ăn quả, biết chăn nuôi đại gia súc, gia cầm… rồi đấy!” - đồng chí Chớ A Páo - Bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ cho biết.
 
Quan sát của chúng tôi, gần như hộ nào trong bản cũng có thóc lúa, bao lớn bao bé xếp chật chái nhà; lợn, gà nhà ít cũng tầm chục con, hộ nhiều như: Mùa A Sử, Mùa A Vừ, Mùa A Câu… Ngoài trâu, bò thì lợn, gà… mỗi nhà cũng có đến vài chục con. 

Được biết, huyện Trạm Tấu đang tiến hành khảo sát, quy hoạch để triển khai chương trình hỗ trợ đồng bào đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc và hướng cho Cu Vai thành một trong những điểm du lịch trải nghiệm đầy hấp dẫn cho du khách.

- Sao hộ nghèo vẫn còn nhiều, thưa Bí thư?

- Chỉ có 10 trong gần 50 hộ không nghèo, còn lại là nghèo theo tiêu chí đa chiều thôi chứ thực chất không nghèo đến mức không đủ ăn, đủ mặc. Không lâu nữa, Cu Vai sẽ vươn lên mạnh mẽ và trở thành một trong những thôn, bản tiêu biểu của xã Xà Hồ đấy - Bí thư Chi bộ Mù A Vàng khẳng định chắc nịch.

Cu Vai - nắng chiều đã nhường cho những cột đèn cao áp bừng sáng. Già trẻ, gái trai rạng rỡ, tay cầm tay múa hát mừng bản mới định cư. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với chúng tôi, "phố” núi này như viên pha lê đang tỏa sáng trên núi rừng Trạm Tấu.  

Ngọc Sơn - Anh Dũng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục