“Cô đỡ” tận tâm vì cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/5/2018 | 1:49:28 PM

YBĐT - Sau cơn mưa rào bất chợt của vùng cao, một ngày trung tuần tháng 5, tôi được trò chuyện với Peng trong căn nhà sàn đơn sơ và giản dị của chị.

Chị Hoàng Thị Peng (giữa) tuyên truyền cho phụ nữ trong thôn về cách chăm sóc sức khoẻ sinh sản - phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Chị Hoàng Thị Peng (giữa) tuyên truyền cho phụ nữ trong thôn về cách chăm sóc sức khoẻ sinh sản - phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Sau cái bắt tay, ánh mắt, nụ cười đầy thân thiện, chị bảo: "Thông cảm cho em nhé! Biết anh gọi điện mấy lần hẹn gặp nhưng em còn đi nốt mấy hộ tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản - phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em. Như đêm hôm qua, mưa to gió lớn, có chị trong thôn chuyển dạ, em lại phải có mặt kịp thời để giúp đỡ”.

- Thế mẹ con họ có an toàn không? Tôi tò mò hỏi.

- Được "mẹ tròn con vuông” rồi anh ạ! Peng cười tươi.

Sinh năm 1991, trong một gia đình có 4 anh chị em ở một vùng quê còn gặp muôn vàn khó khăn. Đường sá đi lại chưa thuận tiện, thôn nằm cách Trạm Y tế xã hơn 7km, phụ nữ trong thôn khi mang thai thường ít đến cơ sở y tế để khám thai. Khi sinh nở vẫn theo tập quán xưa cũ là đẻ tại nhà, nhờ người thân trong gia đình đỡ đẻ.
 
Hơn ai hết, chị Hoàng Thị Peng thấu hiểu và chia sẻ với những thiếu thốn, khó khăn mà phụ nữ nơi vùng cao này đang gặp phải. Peng kể: "Đã gần 6 năm qua nhưng đến nay em vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến bác hàng xóm hạ sinh tại nhà. Vì đẻ thiếu tháng, em bé mới lọt lòng không có các dụng cụ y tế cần thiết hỗ trợ, thiếu bình oxy nên đã tử vong ngay sau khi sinh”.

- Có phải xuất phát từ thực tế đó mà chị quyết định đi học và trở thành cô đỡ thôn bản? Tôi hỏi.

- Là một thành viên trong thôn, thấy và chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng, nên em quyết định học để về tuyên truyền cho chị em, nhất là các bà mẹ trong quá trình mang thai, ngày chuyển dạ phải đến trạm y tế đẻ và kịp thời giúp đỡ đẻ cho các chị trong thôn không kịp đưa đến các cơ sở y tế.

- Vậy khi đã được học, có chuyên môn rồi chị thấy việc các bà mẹ sinh tại nhà có ảnh hưởng gì không? Peng suy tư nói: "Việc đẻ ở nhà đối với các bà mẹ thật nguy hiểm. Có nhiều em bé đẻ ra rơi ngay ở sàn nhà, mất vệ sinh, nhiều bà mẹ còn sót nhau thai sau sinh nên sinh tại nhà thật sự không an toàn cho cả mẹ và bé.

Đang dở câu chuyện thì Peng có điện thoại. Sau cuộc trò chuyện qua điện thoại, tôi tò mò hỏi: "Có chuyện gì gấp không chị?”.

- À, chỉ là người trong thôn gọi điện đến cảm ơn. Nói rồi Peng dẫn tôi đến thăm một sản phụ vừa được chị đỡ đẻ an toàn. Anh Hà Văn Thiên - chồng sản phụ Lò Thị Hòa chia sẻ: "Giữa trưa, vợ tôi chuyển dạ, đau bụng đến tối mà vẫn không sinh được. Sợ quá mình chạy qua nhờ chị Peng. Cũng may nhờ có chị Peng đến kịp nên vợ con tôi thoát được cơn nguy kịch. Chị là ân nhân của gia đình tôi!”.

- Hôm đó mưa to, sau khi dùng các biện pháp để em bé hạ sinh được an toàn thì chị Hòa máu chảy rất nhiều, trong khi đó các dụng cụ hỗ trợ y tế cần thiết không có, mình cùng với người nhà đưa chị đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu kịp thời, thoát khỏi cơn nguy kịch. Hôm đó xong mọi việc về tới nhà đã 3 giờ sáng”. Chị Peng kể lại.

- Chị vất vả giúp nhiều gia đình sản phụ được "mẹ tròn con vuông”, chắc hẳn là nhiều người quý và cảm ơn nữa chứ?

- Vâng. Chúng em ở đây sống chân tình và cộng đồng lắm. Chuyện băng rừng, vượt suối đỡ đẻ cho các sản phụ là chuyện bình thường. Em cũng nhận được nhiều tình cảm của mọi người, có khi ăn với gia đình sản phụ bữa cơm mừng thêm thành viên mới. Còn chuyện cảm ơn, nhiều bà con cũng cho tiền, cho gà em không nhận đâu! Peng cười hiền.

Qua tìm hiểu thôn Lừu 2 nói riêng và nhiều thôn bản khác ở vùng sâu, vùng xa nói chung việc đẻ ở nhà vẫn còn phổ biến. Theo chị Peng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận dịch vụ y tế còn nhiều bất cập, nhất là tập tục sinh đẻ tại nhà hoặc chỉ cho người nhà, người cùng dòng tộc đỡ đẻ là những yếu tố quan trọng cản trở đồng bào dân tộc thiểu số đến sinh con tại cơ sở y tế. 

Chính vì vậy, sau khi được học và tham gia các lớp tập huấn  về chăm sóc sức khoẻ sinh sản - phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, chị Hoàng Thị Peng một mặt đã chủ động tuyên truyền tới bà con về công tác chăm sóc sức khỏe như: ăn chín, uống sôi, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, diệt muỗi. 

Đồng thời, đến từng hộ gia đình có phụ nữ mang thai để khám thai, vận động chị em đến trạm y tế sinh con; hướng dẫn họ cách vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho con nhỏ và cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
 
Với sự nỗ lực của mình, chị Hoàng Thị Peng đã dần làm thay đổi được nhận thức của người dân nơi đây. Đến nay, hầu hết các chị em trong thôn khi có bầu đều đến Trạm Y tế xã để khám và sinh con. 

"Điều hạnh phúc nhất với em là giờ phần lớn các bà mẹ đã ý thức được sức khỏe của mình, nhất là khi mang thai. Họ đã tự giác đến Trạm Y tế xã để khám và được tư vấn” - Peng chia sẻ.

Sau hơn 3 năm làm nghề cô đỡ thôn bản, chị Peng đã có hàng trăm buổi tuyên truyền, truyền đạt kiến thức về sức khoẻ sinh sản, đặt biệt đã kịp thời đỡ đẻ tại nhà cho 17 ca được an toàn. 

Đồng chí Lò Văn Tiếp - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hát Lừu cho biết: "Vượt qua nhiều khó khăn và trở ngại, chị Hoàng Thị Peng đóng góp rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động các bà mẹ mang thai đến các cơ sở y tế khám và sinh con. Ngoài ra, những ca không kịp đưa đến Trạm y tế, chị đã đỡ đẻ kịp thời, an toàn mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình trong thôn bản”.

Dù phía trước còn gặp nhiều khó khăn như thiếu thốn về dụng cụ y tế, một bộ phận người dân theo phong tục vẫn đẻ ở nhà và công việc của chị chỉ là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng từ lâu chị Hoàng Thị Peng đã thấm nhuần những bài học, ý nghĩa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Chính tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình, nên chị quan niệm nếu: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai”, như lời bài hát "Một đời người, một rừng cây” thì sẽ còn nhiều gia đình, nhất là các bà mẹ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn bị thiệt thòi. 

Không ngại khó khăn, vất vả chị Hoàng Thị Peng đã tuyên truyền tới người dân trong thôn bản mình những kiến thức quan trọng về chăm sóc bà mẹ và trẻ em, cung cấp các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn.
 
Với những đóng góp ấy cho cộng đồng, tháng 2/2018, tại Hà Nội, cùng với 66 cô đỡ thôn bản trong cả nước, chị Hoàng Thị Peng đã được Bộ trưởng Bộ Y tế tuyên dương và tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đây là phần thưởng vô giá, tạo động lực để chị tiếp tục gắn bó với công việc mà mình đã chọn, giúp ích cho đồng bào nơi đây!

Văn Tuấn

Các tin khác
Phố núi Cu Vai. (Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Mưa qua, mặt trời rồi cũng tỏa nắng, xua đi những đám mây mù che phủ, bầu trời trong vắt. Cu Vai như quả cầu lớn, lơ lửng giữa trời xanh và khoác lên mình chiếc áo đẹp nhất. Cu Vai theo tiếng Thái là dây mây vắt ngang trời.

Tràn ruộng Đầm Luông, thôn 5 bị nước ngập, các hộ dân không thể sản xuất được.

YBĐT - Đầu năm 2017, quá trình thi công xây dựng các công trình trong Khu công nghiệp phía Nam, trong đó có công trình đường trục A1 đã gây ảnh hưởng tới một số diện tích đất sản xuất của 52 hộ dân ở thôn 2, thôn 3 và thôn 5, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình.

Đồng bào Mông thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca trồng cây gáo vàng - cây trồng mới hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Huyện Trấn Yên đang trở thành "cánh chim đầu đàn” trong phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh. Những cách làm mới, hay và phù hợp với thực tiễn đã tạo nên sức bật mới góp phần tích cực thay đổi diện mạo nông thôn, đưa Trấn Yên hướng tới mục tiêu huyện NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2020.

Năm 2017, hộ gia đình anh Nông Văn Thân được hỗ trợ giống chè Shan giâm cành trồng được 0,3 ha.

YBĐT -  Một số đề án, chăn nuôi trâu, bò; phát triển chè vùng cao; trồng cây tre măng Bát độ vẫn còn những quy định "cứng nhắc”. Ví dụ như Đề án trồng tre măng Bát độ, phát triển cây chè vùng cao phải bảo đảm số diện tích đăng ký theo quy định...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục