Đại Minh: Cho những mùa bưởi ngọt lành

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/5/2018 | 7:55:12 AM

YBĐT - Hơn 40 tỷ đồng từ vụ bưởi vừa qua là thành quả mà nông dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình thu về sau một năm chắt chiu chăm bón.

Gia đình anh Nguyễn Trường Giang thực hiện mô hình thâm canh tăng năng suất bưởi kết hợp nuôi ong lấy mật.
Gia đình anh Nguyễn Trường Giang thực hiện mô hình thâm canh tăng năng suất bưởi kết hợp nuôi ong lấy mật.

Bưởi Đại Minh không chỉ còn là một thức quà quê mà nó đã trở thành sản vật của một vùng đất nổi tiếng - cây kinh tế mũi nhọn, đưa nông dân nơi đây giàu lên qua từng mùa. 

Kỳ vọng làm chủ những mùa quả ngọt lành, người dân địa phương đang từng bước áp dụng phương thức thâm canh tiến bộ theo hướng sản xuất bền vững nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, đưa bưởi Đại Minh vươn tới những thị trường lớn và ổn định.

Bước đột phá về năng suất

Chưa hẳn là một năm thời tiết thuận lợi nhưng vụ bưởi 2017, mà nói đúng hơn là khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, nông dân Đại Minh liên tiếp được mùa bưởi. Kỹ thuật thụ phấn chéo - một phương pháp thụ phấn thủ công mà nông dân được cán bộ Viện Nghiên cứu rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cho nhân dân địa phương đã tạo ra một bước đột phá mới về năng suất đối với cây bưởi quý ở Đại Minh. 

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Chủ tịch UBND xã không giấu niềm vui, chia sẻ, phải nói thật là cây bưởi ở Đại Minh giờ là cây làm giàu. Trước đây, khi chưa biết được kỹ thuật thụ phấn chéo, người trồng bưởi ở Đại Minh lao đao khốn khó vì thường xuyên mất mùa. Người dân nản lòng không muốn chăm sóc; có không ít nhà đã nghĩ đến chuyện chặt bưởi để trồng cây khác. 

"Với người trồng bưởi ở Đại Minh, phương pháp thụ phấn chéo thực sự đã tạo ra một bước đột phá lớn về năng suất, mở hướng phát triển kinh tế bền vững cho địa phương. Như năm 2017, thời tiết mưa nhiều là thế, vậy nhưng nhà vườn nào cũng được mùa; nếu là trước, chỉ canh tác thuần túy thuận theo tự nhiên thì thất bát là điều khó tránh khỏi” - bà Huyền nói. 

Nói bưởi là cây làm giàu ở Đại Minh kể không sai. Con số hơn 40 tỷ đồng theo thống kê sơ bộ của địa phương, còn nếu tính chi li trong dân, nguồn thu từ bưởi lớn hơn nhiều, có thể lên tới 50 – 60 tỷ đồng/năm. Với một địa phương thuần nông chưa đầy 1 nghìn hộ dân như ở Đại Minh thì đây quả là nguồn thu không hề nhỏ. 

Hiện xã có 14/15 thôn trồng bưởi với trên 620 hộ trồng bưởi. Hộ trồng ít thu vài chục triệu đồng, hộ trồng nhiều thu tới cả nửa tỷ đồng mỗi vụ. 

Nói đến những hộ có nguồn thu lớn từ bưởi, bà Nguyễn Thị Minh Huyền kể vanh vách: "Vụ bưởi năm trước, hộ thu nhiều có gia đình ông Tạ Văn Tân, thôn Quyết Tiến, với diện tích gần 2 ha thu 440 triệu đồng. Nổi tiếng ở thôn Quyết Tiến 11 phải kể đến vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Đông. Chỉ tính riêng 16 gốc bưởi, đã thu tới trên 230 triệu đồng, tính ra mỗi cây bưởi cho thu tới 14 triệu đồng... Năm nay, thời tiết thuận, dự báo sẽ là một năm rất được mùa bưởi”.  

Theo kinh nghiệm của người trồng bưởi, năm nay nhận định là một năm được mùa. Thời tiết từ đầu vụ khá thuận lợi, bưởi sai hoa, đậu quả nhiều. Kỹ thuật thụ phấn chéo được người dân địa phương áp dụng nhân rộng với những cách làm sáng tạo, cải tiến mới, mang lại hiệu quả cao như thụ phấn được nhiều hơn, nhanh hơn, tiết kiệm chi phí nhân công hơn hẳn. 

Theo anh Nguyễn Trường Giang - Chủ nhiệm Hợp tác xã Đặc sản bưởi Đại Minh - người có kinh nghiệm trồng bưởi ở địa phương, so với năm ngoái thì năm nay bưởi sai quả và phát triển nhanh hơn. Bà con đã biết cách áp dụng bài bản các biện pháp kỹ thuật trong thụ phấn, chăm sóc, tỉa cành… nên năng suất và chất lượng quả nâng lên rõ rệt qua từng mùa. Thêm vào đó, mô hình thâm canh tăng năng suất bưởi kết hợp nuôi ong lấy mật được nhiều nông hộ áp dụng đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng bưởi, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. 

Anh Giang cho biết thêm: "Chỉ riêng Hợp tác xã Đặc sản bưởi Đại Minh, các thành viên đã phát triển được trên 600 đàn ong nuôi lấy mật kết hợp trồng bưởi, năm 2017 cho gần 6 tấn mật. Mô hình kết hợp này không chỉ tăng thêm thu nhập cho người dân từ nguồn mật ong mà còn tăng khả năng thụ phấn cho vườn bưởi, hướng đến sản xuất bền vững...". 

Giữ uy tín bưởi Đại Minh

Tháng 11/2016, đặc sản bưởi Đại Minh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu bảo hộ độc quyền "Bưởi Đại Minh”. Đây thực sự là nỗ lực lớn của chính quyền, cũng là tâm huyết của người trồng bưởi địa phương. 

Bưởi Đại Minh - giống bưởi quý nổi tiếng một vùng, gọi là bưởi tiến vua, được biết đến cách nay trên 300 năm, giờ đã là sản phẩm có nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền, sánh cùng cam Văn Chấn, cam sành Lục Yên, miến dong Giới Phiên..., làm nên những thương hiệu nông sản chất lượng có tiếng của tỉnh Yên Bái. 

Giá trị của cây bưởi Đại Minh đã được khẳng định bằng chất lượng cuộc sống ngày một đủ đầy hơn và sự giàu lên trông thấy qua từng mùa quả ngọt của người dân nơi đây. Không còn cảnh ly nông, ly hương như trước, người dân Đại Minh giờ bám đất, bám đồi vườn đầu tư chăm chút xứng đáng cho cây bưởi. 

Cả xã hiện đã có trên 150 ha bưởi trồng mới và đang cho thu hoạch. Nếu tính ở đất Đại Minh thì bưởi giờ đang là cây cho hiệu quả kinh tế cao nhất, gấp nhiều lần so với trồng lúa, cây màu truyền thống và các loại cây trồng khác. 

Theo tính toán của người làm vườn, bưởi trồng phải sau 3 năm mới cho thu hoạch và khi đã vào chu kỳ thu hoạch, chí ít 1 cây bưởi cũng cho thu trên dưới 1 triệu đồng/vụ. Như vậy, 1 sào bưởi tơ cũng có thể thu 45 - 50 triệu đồng. 

Ở Đại Minh đã có những vườn bưởi cho thu 14, 15 triệu đồng/cây; còn trung bình thì mỗi cây bưởi cho thu chừng 5 - 6 triệu đồng. 



Hội thi bóc bưởi trong Lễ hội Bưởi Đại Minh năm 2017.

Không còn chật vật lo tìm đầu ra tiêu thụ, mùa lại mùa, thương lái các nơi tìm về Đại Minh đặt vườn, đặt hàng trước cả vài tháng. Với chứng nhận nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền, bưởi Đại Minh đã vươn ra thị trường ngoại tỉnh, đi vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn tại thành phố Hà Nội và được thương lái tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. 

Anh Nguyễn Trường Giang cho hay: "Việc chăm sóc đúng quy trình để có sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đặt ra cho nông hộ những yêu cầu cao hơn song để quản lý con tem bảo hộ độc quyền gắn với việc phân loại chất lượng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn mang nhãn hiệu bưởi Đại Minh còn quan trọng hơn rất nhiều. Bởi đòi hỏi của người tiêu dùng về uy tín, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thời nay rất khắt khe. Làm tốt được điều này cũng là cơ hội để bưởi Đại Minh khẳng định được uy tín chất lượng trên thị trường nông sản Việt”. 

Được biết, vụ bưởi năm 2017, Hợp tác xã bưởi Đại Minh đã tiêu thụ cho nhân dân địa phương hơn 50 vạn quả bưởi, chủ yếu là thị trường ngoại tỉnh, trong đó bưởi Đại Minh đã vào được các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội. 

Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, cùng với xúc tiến, tìm kiếm các thị trường lớn, ổn định, đã có những cơ sở thương lái uy tín tiêu thụ số lượng sản phẩm lớn, trị giá hàng chục tỷ đồng mỗi vụ cho người trồng bưởi địa phương. Ví như cơ sở thu mua bưởi của bà Vân ở thị trấn Thác Bà, vụ quả năm 2017, cơ sở này đã tiêu thụ trên 20 tỷ đồng tiền bưởi cho địa phương.

Nỗ lực nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu bưởi Đại Minh, năm 2017, lần đầu tiên, huyện Yên Bình tổ chức Lễ hội Bưởi Đại Minh để giới thiệu, quảng bá rộng rãi loại quả đặc sản này. Trong lộ trình, chính quyền địa phương và Hợp tác xã Đặc sản bưởi Đại Minh tích cực phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả, 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới phương thức thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm bưởi Đại Minh, khẳng định uy tín chất lượng bưởi Đại Minh trên thị trường nông sản Việt.   

Minh Thúy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục