Nhớ thương Thẩm Lé một thời

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/5/2018 | 11:11:19 AM

YBĐT - Hang Thẩm Lé còn được gọi là hang "Tình yêu” gắn với câu chuyện tình của chàng Khôm (tức đắng) nghèo khổ yêu nàng Ban xinh đẹp. Trong quá khứ, đó là một thời lễ hội hoa ban, lễ hội chơi hang Thẩm Lé.

Thung lũng Mường Lò nhìn từ hang Thẩm Lé. (Ảnh nguồn interne)
Thung lũng Mường Lò nhìn từ hang Thẩm Lé. (Ảnh nguồn interne)


Đi khắp các cung đường Tây Bắc, cùng với những ngọn núi cao trùng điệp, sương giăng mờ là hình ảnh của những cây ban bung nở trắng rừng.

Với người Thái Tây Bắc, hoa ban tượng trưng cho lòng hiếu thảo, cho tình yêu trắng trong, chung thủy... Không biết có phải do sức sống diệu kỳ của loài cây huyền thoại này hay ước mơ cháy bỏng về tình yêu của bao thế hệ chung lòng nuôi dưỡng mà ban luôn xanh tốt ngay cả nơi đất cằn sỏi đá.

Đến thăm ông Lò Văn Biến - người được coi là "bảo tàng sống” của văn hóa Thái Tây Bắc để hỏi chuyện về Lễ hội hoa ban với hang "Tình yêu”, chúng tôi cảm nhận được tâm sự buồn của ông. Ông Lò Văn Biến kể rằng, từ xa xưa khi hoa ban nở trắng khắp nơi, toả hương thơm dịu dàng tinh khiết, những chàng trai, cô gái Thái Mường Lò và các vùng lân cận lại náo nức rủ nhau về dự hội chơi hang Thẩm Lé để cùng đắm mình trong hương xuân, cùng hái hoa ban và khám phá sự huyền bí của hang động. Chính nơi đây, những lời ca đối đáp giao duyên mượt mà, tình tứ vang lên, chắp cánh cho tình yêu bay bổng… Vì thế mà, hang Thẩm Lé còn được gọi là hang "Tình yêu”.
 
Song cuộc sống hiện đại hôm nay, nhiều luồng văn hóa khác du nhập đã khiến những giá trị văn hóa đặc sắc ấy dần mai một theo thời gian. Những chàng trai, cô gái Thái không còn biết đến hội chơi hang Thẩm Lé, còn với những người già thì lễ hội hoa ban và tình yêu trong sáng chỉ còn trong kí ức.
 
Ông Lò Văn Biến giải nghĩa: "Trong tiếng Thái, "Thẩm” hay "Thẳm” đều có nghĩa là hang, "Lé” là liếc – mùa xuân, cảnh đẹp, tức cảnh sinh tình, trai gái giao duyên, ánh mắt đưa tình thầm kín. Hang Thẩm Lé được đánh giá là hang đẹp nhất trong quần thể hang động ở Mường Lò”.
 
Hội chơi hang Thẩm Lé được tổ chức vào tháng hai, tháng ba âm lịch hàng năm. Thầy mo khấn cầu xin thần núi, thần hang cho phép mở cửa hang để: "Trai gái tuổi xuân được vào chơi/ Cầu cho thành đôi hạnh phúc/ Lúa như rừng gianh đầu bản” trai gái khắp mường trên, mường dưới rủ nhau về chơi với những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng khèn, tiếng pí da diết gọi mời họ cùng hái hoa ban trao tặng nhau như lời tỏ tình thầm kín, rồi đốt đuốc vào tham quan hang Thẩm Lé… Không ai biết hang này dài rộng tới đâu, có người cho rằng hang thông với Ngòi Nhì.
 
Có giai thoại kể rằng, xưa có người bạo gan muốn khám phá lòng hang, đi mãi, ăn hết cả yến cốm rang, khi ra đến cửa hang đã gần hai mươi ngày mà vẫn chưa đi được đến tận cùng mà chỉ biết lòng hang chỗ rộng, chỗ hẹp, lối đi ngoắt ngoéo như mê cung với sự tĩnh lặng nghe được cả nhịp đập của trái tim; những nhũ đá muôn hình kỳ thú gợi sự liên tưởng tới quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trong câu chuyện về hang Thẩm Lé, ông Biến còn kể cho chúng tôi nghe các món ăn được chế biến từ hoa ban và gắn với câu chuyện tình của chàng Khôm (tức đắng) nghèo khổ yêu nàng Ban xinh đẹp, bị ngăn trở, không lấy được nhau nên chàng hóa thân thành cây măng vầu. Lấy măng vầu đắng thái mỏng ngâm với nước hoa ban thì bớt đắng và trở nên thơm ngon lạ lùng.
 
Cái vị chua chua, ngăm ngăm đắng với dư vị ngọt ngào đọng mãi không tan khiến người ta cứ phải suy ngẫm mãi về cuộc đời, về tình yêu, về nhân tình thế thái. Khi chúng tôi có ý định tham quan hang Thẩm Lé, ông Lò Văn Biến xua tay tiếc nuối: "Hình ảnh lễ hội hoa ban, chơi hang Thẩm Lé giờ chỉ còn trong quá khứ thôi! Bây giờ, tuy hang vẫn còn nhưng không được đẹp, được sâu, rộng như trước, một phần không được trùng tu, một phần do lễ hội chơi hang Thẩm Lé không được tổ chức nữa”.

Mường Lò hôm nay đổi thay nhiều, các chàng trai, cô gái Thái không còn chờ bạn tình cùng đi chơi hang Thẩm Lé hay hái một nhành ban tặng nhau để minh chứng cho tình yêu son sắc. Song, lễ hội hoa ban, lễ hội tình yêu với hang Thẩm Lé sẽ mãi mãi là những ký ức đẹp trong lòng những người như nghệ nhân Lò Văn Biến.

Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục