Đề án tre măng Bát độ: Cần tháo gỡ những khó khăn

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/6/2018 | 7:59:04 AM

YBĐT - Với lợi thế về rừng và đất rừng, sau nhiều thử nghiệm có cả thành công và thất bại, Yên Bái đã tìm ra cho mình những loại cây lâm nghiệp chủ lực, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng để trồng rừng và phát triển kinh tế. Đó là cây tre măng Bát Độ.

Cây tre măng Bát độ trồng năm 2017 tại xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên sinh trưởng và phát triển tốt.
Cây tre măng Bát độ trồng năm 2017 tại xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên sinh trưởng và phát triển tốt.

Ở huyện Văn Yên thì phải nói đến quế; Trấn Yên là tre măng Bát độ; Yên Bình, Trấn Yên là quế, keo lai, bồ đề, bạch đàn; vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải có cây sơn tra... Trong "tập đoàn” cây lâm nghiệp ấy, đến nay, có thể khẳng định chưa loại cây nào "ăn được” tre măng Bát độ!

Hiệu quả tre măng Bát độ

Cây tre nói chung và cây tre măng Bát độ nói riêng, là loài cây đa mục đích. Thân cây là nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhiều công việc, ngành nghề khác nhau như làm nhà cửa, nông cụ, làm đồ thủ công mỹ nghệ, bao bì, làm nguyên liệu giấy, sợi dài...
 
Măng tre là loại thực phẩm sạch đứng hàng đầu trong các loại rau, củ, quả đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tre măng Bát độ được nhập vào Việt Nam để chuyên trồng kinh doanh lấy măng và đây là loại tre sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao, thời gian cho sản phẩm dài, chất lượng măng ngon và có giá trị xuất khẩu.
 
Ở tỉnh Yên Bái, tre măng Bát độ đã được trồng nhiều ở các huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình và một số xã vùng ngoài huyện Văn Chấn. Từ thực tiễn trong vòng 10 năm trở lại đây thì chưa có loại cây, giống cây lâm nghiệp nào có giá trị kinh tế cao bằng tre măng Bát độ. Một số loại cây như: bồ đề, keo, mỡ... thường sau 7 - 8 năm mới có thể khai thác, lợi nhuận thu được bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/ha/năm.
 
Riêng tre măng Bát độ có ưu thế vượt trội, không chỉ trồng trên đồi mà còn có thể tận dụng các loại đất xung quanh nhà, ven sông suối. Thời gian thu hoạch dài và chỉ sau 1 năm trồng đã cho thu hoạch; sau 3 năm cho thu hoạch sản phẩm ổn định; bình quân lợi nhuận đạt trên 30 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 2 đến 3 lần so với cây trồng lâm nghiệp khác.
 
Nhờ tính hiệu quả mà loại cây này phát triển khá mạnh mẽ ở nhiều địa phương trong tỉnh và đã, đang hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu ở nhiều địa phương. Hết năm 2017, toàn tỉnh đã trồng được trên 3.441 ha; trong đó, Trấn Yên 2.47,6 ha; Lục Yên 677,1 ha; Yên Bình 170 ha; Văn Chấn 55,1ha; Văn Yên 63,7 ha. Tre măng Bát độ là loại cây lâm nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh, có sự vào cuộc của doanh nghiệp hiệu quả, lâu bền nhất.
 
Không chỉ vậy, thị trường tiêu thụ cũng khá tốt, măng tươi có giá bán từ 4.000 - 4.500 đồng/kg, măng khô qua chế biến có giá bán trên 100.000 đồng/kg.
 
Bà Triệu Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Trấn Yên là huyện thuần nông, bà con có thâm niên trong phát triển lâm nghiệp, nhất là lâm nghiệp xã hội. Hiện, toàn huyện có trên 3.000 ha tre măng Bát độ, bình quân mỗi năm cho thu về gần 50 tỷ đồng, giá trị thu trên mỗi héc - ta đạt trên 30 triệu đồng. Từ thực tế sản xuất nhiều năm qua, cho đến thời điểm hiện nay chưa có một loại cây lâm nghiệp nào cho nguồn thu cao như cây tre măng Bát độ”.
 
Xã Kiên Thành - một xã vùng cao đầy khó khăn, nhưng từ khi đưa cây tre măng Bát độ vào trồng đã có bước phát triển vượt bậc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo mỗi năm, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên. Sản xuất măng tre Bát độ đã và đang trở thành một nghề của trên 80% số hộ, tạo nguồn thu ổn định trên 12 tỷ đồng mỗi năm.
 
Tiến độ chậm

Từ thực tiễn cũng như tính hiệu quả của cây tre măng Bát độ cùng với thực hiện mục tiêu Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020.
 
Trong đó, có Đề án phát triển cây tre măng Bát độ trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 nhằm góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu đến năm 2020, hình thành vùng sản xuất tre măng tập trung 10.100 ha. Trong đó, trồng mới 7.600 ha và duy trì diện tích tre măng hiện có 2.500 ha.
 
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án đã xuất hiện những khó khăn, hạn chế cần có những điều chỉnh cho phù hợp.
 
Theo thống kê, tính đến thời điểm 31/12/2017 toàn tỉnh có 3.441,9 ha tre măng Bát độ (Trấn Yên 2.47,6 ha, Lục Yên 677,1 ha, Yên Bình 170 ha, Văn Chấn 55,1ha, Văn Yên 63,7 ha).
 
Diện tích tre măng Bát độ đang cho thu hoạch măng ổn định là 2.425,7 ha. Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, toàn tỉnh trồng mới được 1.428 ha tre măng Bát độ. Như vậy, theo kế hoạch Đề án đều chậm hơn rất nhiều. Đáng chú ý là, năm 2017, diện tích trồng đủ tiêu chuẩn nghiệm thu chỉ được 549,3 ha gồm: Văn Yên 58,7 ha, Trấn Yên 479 ha, Lục Yên 11,6 ha, Yên Bình 0 ha.
 
Trong đó, diện tích hỗ trợ từ ngân sách là 513,2 ha/850ha, đạt 60,4% kế hoạch hỗ trợ gồm: Văn Yên 58,7 ha, Trấn Yên 448,5 ha, Lục Yên 6 ha, Yên Bình 0 ha, Văn Chấn không thực hiện. Nguyên nhân không đạt kế hoạch hỗ trợ là do huyện Văn Chấn không có hộ nào đăng ký trồng tre Bát độ.
 
Tại huyện Yên Bình và Lục Yên sau khi trồng được khoảng 3 tháng, tỷ lệ cây chết trên 90% không đủ tiêu chuẩn nghiệm thu.
 
Năm 2018, tính đến thời điểm ngày 10/5, toàn tỉnh đã trồng được 536,8 ha đạt 46,8% kế hoạch hỗ trợ gồm: Trấn Yên 523,6 ha, Văn Yên 10 ha, Lục Yên 3,2 ha, đưa tổng diện tích tre măng Bát độ toàn tỉnh đạt 4.067,2 ha. Diện tích còn lại, các huyện đang tiếp tục vận động tuyên truyền các hộ đăng ký trồng vào vụ hè thu năm 2018.
 
Tại huyện Văn Yên, kế hoạch giao 300 ha, đến ngày 30/4/2018, các xã đã đăng ký được 94 ha/300 ha. Vụ xuân 2018 đã trồng được 10 ha tại xã An Bình, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt. Diện tích còn lại sẽ thực hiện vào vụ hè thu năm 2018.
 
Huyện Trấn Yên đến ngày 3/5/2018 đã trồng được 523,6 ha/500 ha kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng trên đất rừng trồng sản xuất chiếm 70%, đất vườn tạp chiếm 30% diện tích. Nguồn củ giống được khai thác tại xã Kiên Thành và Hồng Ca tỷ lệ sống, nảy mầm đạt trên 90%.
 
Huyện Lục Yên kế hoạch giao 50 ha, đến nay, các xã đã đăng ký trồng được 32/50 ha, nguồn giống đã ký hợp đồng cung ứng nguồn giống cành chiết với Công ty cổ phần Yên Thành với số lượng 25.000 cành và nguồn tự sản xuất tại chỗ để thực hiện trồng bù diện tích kế hoạch 2017 chưa thực hiện vào vụ hè thu 2018.
 
Huyện Yên Bình kế hoạch giao 295 ha, đến nay, mới có 06 xã đăng ký trồng 42/295 ha, nguồn giống dự kiến trồng bằng giống cành. Tuy nhiên, nguồn giống cành trên địa bàn tỉnh Yên Bái không đủ cung cấp, huyện vẫn chưa biết sử dụng giống từ đâu. Đối với diện tích bị chết, huyện đang chỉ đạo các hộ trồng bù trong năm 2018, nguồn giống bằng cành chiết đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Yên Thành. Riêng huyện Văn Chấn không đăng ký trồng với lý do đất thì có nhưng không đủ điều kiện về thổ nhưỡng cũng như đủ theo tiêu chí 0,5 ha/hộ.
 
Nguyên nhân

Qua thực tế cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành ở cấp tỉnh, cấp huyện đã được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, ở cấp xã, thôn, bản vẫn chưa vào cuộc tích cực, chỉ đạo điều hành chủ yếu qua văn bản, chứ không tổ chức họp dân để tuyên truyền về chủ trương, nội dung, mục đích, cơ chế hỗ trợ, hiệu quả của Đề án Phát triển tre măng Bát độ. Nếu có tổ chức họp thì mang tính hình thức, hoặc kết hợp với nhiều nội dung nên các hộ không rõ, không hiểu được, do đó không muốn đăng ký tham gia trồng tre Bát độ. Chưa huy động được các ngành, đoàn thể vào cuộc giúp đỡ thôn bản trong việc thực hiện Đề án nên tiến độ rất chậm. Công tác tuyên truyền đã được triển khai nhưng nội dung còn chung chung, chưa xây dựng nội dung chuyên đề tuyên truyền riêng cho Đề án.
 
Cùng với đó là các huyện đều gặp khó khăn về quỹ đất để thực hiện với quy mô tập trung tối thiểu từ 0,5 ha trở lên, nên phần lớn các hộ đều không đáp ứng được, chỉ muốn tận dụng đất ven bờ ao, khe suối, chân đồi... hoặc trồng xen dưới tán rừng.
 
Đối với diện tích dự kiến chuyển đổi từ cây lâm nghiệp khác như: keo, bồ đề, bạch đàn... để trồng tre măng Bát độ thì người dân chưa tham gia mặn mà. Một nguyên nhân nữa là, diện tích trồng năm 2017 bị chết nhiều gây tâm lý không an tâm, tin tưởng vào cây tre măng Bát độ... nên lựa chọn giải pháp an toàn là tiếp tục trồng keo và bạch đàn. Còn đất vườn rừng lại được chuyển sang thực hiện đề án cây có múi. Khó khăn về giống, toàn tỉnh hiện có trên 2.500 ha đang cho thu hoạch măng, riêng huyện Trấn Yên có gần 1.600 ha.
 
Tuy nhiên, các hộ dân chưa nắm vững kỹ thuật khai thác măng để lấy củ làm giống, kỹ thuật, kinh nghiệm chiết cành còn nhiều hạn chế nên nguồn cung ứng giống (củ, cành chiết) để trồng theo kế hoạch của Đề án không đáp ứng được nhu cầu.
 
Bên cạnh đó, còn có tình trạng các hộ khai thác để trồng thì thực hiện tốt, nhưng khai thác để cung ứng cho các đơn vị khác thì làm chưa đúng yêu cầu kỹ thuật nên chất lượng củ giống không đồng đều dẫn đến kém chất lượng. Việc nhân giống bằng cành chiết chưa thật sự tuân thủ yêu cầu kỹ thuật, khai thác cành giống xô bồ, cả cành non, cành già nên chất lượng không đảm bảo.
 
Kỹ thuật trồng, do chưa nắm chắc đặc tính sinh thái của cây tre măng Bát độ nên cán bộ hướng dẫn người dân chuẩn bị đất trồng tre măng Bát độ như chuẩn bị đất trồng cây keo, bạch đàn... thậm chí một số nơi, người dân không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, trồng không đúng thời vụ (nhận giống về không trồng ngay, để sau hàng tuần thậm chí nửa tháng mới đem trồng) và sau trồng thấy cỏ dại xâm lấn tiến hành xới làm sạch cỏ xung quanh gốc từ đó làm mất khả năng che bóng, giữ ẩm, hoặc để gia súc vào phá hoại... dẫn tới tỷ lệ cây sống rất thấp. 

Giải pháp

Có thể khẳng định, cây tre măng Bát độ là một loại cây trồng hiệu quả, phù hợp với trình độ thâm canh cũng như khí hậu thổ nhưỡng ở hầu hết các địa phương. Việc xây dựng Đề án Phát triển cây tre măng Bát độ là phù hợp và mang tính khả thi cao.
 
Để tiếp tục phát triển và hình thành vùng tre măng Bát độ trên 10 ngàn ha theo mục tiêu đề án, các ngành, cấp, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả kinh tế của cây tre măng Bát độ đến mọi người dân, góp phần nâng cao nhận thức trong thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là Đề án Phát triển tre măng Bát độ.
 
Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần xác định và coi việc thực hiện Đề án Phát triển tre măng Bát độ là chỉ tiêu, là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị, cơ sở, thậm chí xuống "ăn với dân, làm với dân”. Phân công cán bộ trực tiếp phụ trách địa phương, cơ sở để thực hiện trồng tre măng Bát độ. Các cơ quan chuyên môn cấp huyện cần phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát quỹ đất của các hộ, cộng đồng để triển khai thực hiện các mục tiêu của Đề án.
 
Những diện tích đã quy hoạch cho phát triển tre măng Bát độ thì tích cực vận động người dân trồng tre măng Bát độ chứ không trồng các loại cây khác. Rà soát những diện tích có cây trồng lâm nghiệp khác: keo, bồ đề, bạch đàn... chuẩn bị khai thác của các hộ gia đình để có kế hoạch tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cây trồng và phương án chuẩn bị giống đảm bảo trồng tre măng Bát độ đúng khung thời vụ nhằm đạt tỷ lệ sống theo quy định.
 
Đa dạng hóa các nguồn cung ứng, sản xuất giống (giống bằng củ, giống bằng cành chiết, giống được tỉa, đánh từ bụi có nhiều cây trưởng thành (cây bánh tẻ) chỉ nên áp dụng ở những nơi gần vị trí khu vực trồng mới để giảm chi phí vận chuyển. Bởi vì, qua thực tế tại huyện Lục Yên cho thấy, đối với diện tích được trồng bằng củ năm 2017 mà không bị chết thì hiện nay sau một năm cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, đã hình thành các bụi, khóm măng tre Bát độ với số thân cây mẹ từ 1 - 3 cây, măng mầm đã ra từ 2 - 3 măng.
 
Do đó, có thể khẳng định, trồng tre măng Bát độ bằng giống củ sẽ cho thu hoạch măng sau 3 năm trồng, cá biệt ở nơi đất tốt có thể cho thu hoạch sau 2 năm trồng. Trong khi đó, trồng bằng cành chiết thường phải sau 4 năm mới bắt đầu cho thu hoạch.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn biên tập, chuẩn hóa các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật khai thác củ giống, kỹ thuật nhân giống bằng chiết cành đơn giản, dễ làm để người dân có thể tự thực hiện nhằm cung ứng đủ nguồn giống tại chỗ cho các địa phương tham gia Đề án. Biên soạn lại bộ tài liệu kỹ thuật, tổ chức tập huấn sâu rộng kỹ thuật trồng, chăm sóc, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc tre măng Bát độ sau trồng để đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân một cách phù hợp với tình hình thực tế. Điều chỉnh diện tích hỗ trợ từ 05 ha trở lên xuống còn 0,3 ha trở lên; như vậy, để nhiều hộ nông thôn đều có điều kiện thụ hưởng chính sách.
 
Đối với huyện Yên Bình, tập trung phát triển cây tre măng Bát độ tại khu vực các xã vùng thượng huyện, những nơi cây được trồng giai đoạn trước đây, nay đang sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định.
 
Huyện Lục Yên tập trung phát triển mở rộng diện tích cây tre măng Bát độ tại xã An Phú và các xã: Minh Tiến, Mường Lai, Vĩnh Lạc, Liễu Đô, Tô Mậu, Yên Thắng, Động Quan, Phúc Lợi... và lấy xã An Phú làm trung tâm để phát triển vùng tre măng Bát độ của huyện Lục Yên, do điều kiện đất đai thổ nhưỡng rất phù hợp với cây tre Bát độ, có khả năng cung ứng một phần giống tại chỗ để mở rộng diện tích tạo thành vùng nguyên liệu tập trung.

Nắm rõ những khó khăn, hạn chế cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia nhiệt tình của người dân trong vùng dự án chắc chắn Đề án Phát triển tre măng Bát độ sẽ thành công. Cây tre măng Bát độ sẽ là cây trồng chủ lực và trở thành cây kinh tế mũi nhọn, xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông dân nông thôn.

T.P

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục