Dưa ngọt Phúc Ninh

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/6/2018 | 8:23:28 AM

YBĐT - Dưa hấu Phúc Ninh theo xe thương lái đến Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang… được giá 6.000 đồng/kg, người dân bán lẻ ở các xã: Cảm Nhân, Tích Cốc, Xuân Long… giá 7.000 đồng/quả 2 kg cũng nhiều.

Trưởng thôn 1 Hoàng Minh Tuấn (bên phải) thăm hộ anh Nông Minh Hạnh vụ đầu thu hoạch khoảng 10 tấn dưa hấu.
Trưởng thôn 1 Hoàng Minh Tuấn (bên phải) thăm hộ anh Nông Minh Hạnh vụ đầu thu hoạch khoảng 10 tấn dưa hấu.


Giọng của Cao Thu Thủy - Khuyến nông viên cơ sở xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình lảnh lót qua điện thoại: "Khoảng 5 phút nữa, chị nhớ nhắc anh lái tàu thủy rẽ trái nhé, rẽ phải là sang Mỹ Gia đấy ạ!”. 

Thủy đón tôi ở chỗ có chiếc xe tải nhỏ của thương lái đang thu mua dưa hấu rồi nhanh chóng đèo ra đảo Tranh cách đó vài phút xe máy. Hơn 10 giờ trưa, nắng chuyển gắt mạnh nhưng màu xanh của cả đảo dưa hấu khiến dịu nhẹ bao phần. Bà Lý Thị Đệ, người thôn 1 đang lúi húi chăm dưa.
 
Hồ hởi giới thiệu giống Sygenta 8230 (Hoàn Châu) của Thái Lan, bà cho biết năm nay trồng 2 sào dưa hấu: "Thấy mọi người trong thôn trồng được nên mình trồng theo thôi”. 

Dưa nằm rải rác giống những con lợn sọc dưa của người Mông vùng cao vừa oánh chén rồi kềnh cang phơi bụng tròn ủng. Bà đã bán dưa từ giữa tháng Năm, giá thấp hơn năm ngoái, đầu vụ cũng chỉ 7.000 đồng mỗi cân: "Thấp vẫn bán được, vẫn có tiền, thêm khoản nào mừng khoản nấy”.
 
Bà chỉ tay phía trước mặt: "Kia kìa, đám dưa của nhà cô Hương trông no nê hai mắt!”. Người được bà Đệ nhắc tới có bãi dưa to, rộng, đẹp là chị Tô Thị Hương cùng thôn. Khuyến nông viên Cao Thu Thủy thông tin thêm, hộ này thuộc số hộ trồng dưa nhiều nhất và sớm nhất ở Phúc Ninh.
 
Vừa tận hưởng cái thú có gió hồ Thác quạt hầu, bà Đệ, chị Hương và Thủy luôn miệng giục tôi: "Ăn thử để biết thế nào là dưa hấu Phúc Ninh”. Lõi đỏ, ít hạt, hương vị mát lành, quả không hổ danh dưa hấu Phúc Ninh tươi ngọt nhất mấy xã vùng hồ! 

Vụ này, chị Hương trồng 6.500 gốc dưa trên diện tích đất bãi tận dụng thời gian nước hồ Thác Bà rút hàng năm, người dân địa phương quen gọi đất dưới cốt 58.
 
Bảy năm trước, vụ dưa hấu đầu tiên chị Hương trồng theo bố mẹ đẻ nhà bên Xuân Lai: "Lúc ấy chưa có điện thoại gõ Google như bây giờ đâu, không kinh nghiệm, không kỹ thuật, chỉ bón lót tí phân chuồng như bố mẹ bảo mà không ngờ hơn 200 gốc dưa đậu hơn 200 quả. Đã thế dưa còn đẹp vỏ, lõi đỏ, quả to, vị ngọt hơn cả dưa nhà bố mẹ. Đợt ý chả bán quả nào, để nhà ăn, biếu anh em, biếu hàng xóm”.
 
Mọi người khen ngon, vụ sau, chị trồng 1.500 cây, thu về 10 triệu đồng, bán ở chợ Ngọc, bán cho cán bộ xã, giáo viên xã và người nọ mách người kia hỏi mua. Tăng dần diện tích trồng dưa vì chị thấy hiệu quả kinh tế tốt: "So với cây ngô, cây dưa hấu cho thu nhập gấp bốn lần, so với cây lạc thì gấp đôi gấp ba. Giờ chẳng ai so với cây lúa nữa dù nói thế có vẻ rất không nên chút nào…”.
 
Năm 2017, giá dưa cao nhất, đầu vụ 12.000 đồng/kg, giữa vụ 7.000 đồng, cuối vụ 9.000 đồng, mỗi sào thu 7 tạ, chị Hương lãi 40 triệu đồng, bình quân lãi 3 triệu đồng/sào. Quan tâm lớn nhất là thị trường tiêu thụ, 2 sào dưa lê Sao Đỏ F1 siêu ngọt đã được chị Hương đưa vào trồng 3 vụ nay cũng rất đáng hy vọng dù lãi chỉ bằng một phần ba dưa hấu. Chị cho hay sẽ xem xét lại diện tích trồng vụ sau vì giá dưa hấu có xu hướng giảm.
 
 
Ngoài 13 sào dưa hấu, vụ này, hộ chị Tô Thị Hương (bên trái) ở thôn 1 đã mở rộng diện tích dưa lê lên 2 sào để đa dạng sản phẩm và thị trường tiêu thụ.

Trong câu chuyện,  ông Trịnh Kim Huyên - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết, thôn 1 hiện có nhiều hộ nhất, nhiều diện tích dưa hấu nhất địa phương. Vụ năm ngoái, giá dưa lên cao nhất, xã có 4 - 5 hộ thu 30 - 40 triệu đồng, thu 10 - 20 triệu đồng có 15 - 20 hộ. 

Thời gian sinh trưởng 75 ngày, tận dụng đất dưới cốt 58 từ tháng Một đến tháng Sáu, vốn đầu tư sản xuất chỉ vài ba trăm nghìn đồng mỗi sào, chăm sóc không phức tạp, thu hoạch hết sức đơn giản, chưa có cây gì vượt qua nổi hiệu quả kinh tế của cây dưa đến thời điểm này tại đồng đất này nên người dân cứ tự làm theo nhau.
 
Ông Huyên cho biết: "Không tự nói hay cho mình nhưng thương lái, người tiêu dùng thích dưa hấu Phúc Ninh bởi ráo nước, vỏ mỏng, ngọt đậm, giòn tươi. Có lẽ cây dưa hợp với đất pha cát vì khí hậu mấy xã quanh đây giống nhau, mặt khác do nước hồ lên xuống hàng năm nên không có mối, không dịch bệnh, dưa sạch hoàn toàn”.
 
Ưu điểm vượt trội như vậy, dễ hiểu vì sao người dân chọn cây dưa, chưa kể Phúc Ninh là xã vùng 135, hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 50%. Nghị quyết Hội đồng nhân dân xã năm 2018 phấn đấu vận động nhân dân trồng 8 ha dưa hấu trở lên song theo ông Huyên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều do xã trước nay chưa thống kê diện tích dưa ở cả 4 thôn.
 
Ông Huyên ước đoán diện tích rơi vào 15 - 20 ha và sẽ nhanh chóng thay thế cây lạc nếu mức giá duy trì như hiện nay. Phúc Ninh có xấp xỉ 60 ha đất bãi dưới cốt 58, trong đó cây lạc đang giữ vị trí chủ đạo 35 ha, tiếp đến là dưa hấu.
 
Theo thông tin của anh Hoàng Minh Tuấn - Trưởng thôn 1, có 66/70 hộ trong thôn trồng 15 - 16 ha dưa hấu vụ này, nước hồ rút đến đâu là dân trồng kín dưa tới đó. Ba năm nay, thu nhập của người dân khá hơn nhờ cây dưa bởi cây lúa chỉ có 1,6 ha, cây lạc giảm còn hơn 4 ha vì chăm sóc cầu kỳ hơn, thu hoạch tốn nhiều công, trừ chi phí lãi mỗi sào khoảng 1 triệu đồng.
 
Hộ ông Nông Văn Trọng cuối tháng Năm vừa rồi đã thu 30 triệu đồng, hộ ông Triệu Hùng Phượng ngay đầu vụ cũng thu gần 20 triệu đồng… Dưa hấu Phúc Ninh theo xe thương lái đến Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang… được giá 6.000 đồng/kg, người dân bán lẻ ở các xã: Cảm Nhân, Tích Cốc, Xuân Long… giá 7.000 đồng/quả 2 kg cũng nhiều. "Giá khác nhau tùy mẫu mã, trọng lượng dưa. Mức giá đã giảm kha khá so vụ trước, người trồng vẫn có lãi nhưng ít đi” - Trưởng thôn trầm giọng.

Anh Nông Minh Hạnh ở thôn 1 đang thu hoạch dưa. Dưa ra khỏi bãi, thương lái đánh xe vào tận nơi cân mua ngay. Không dùng chất bảo quản, dưa có thể tươi đến nửa tháng mà chất lượng không sút giảm. 

Quệt mồ hôi ròng ròng, anh Hạnh chia sẻ: "Chỗ này trước tôi trồng lạc nhưng mất công quá, năm nay chuyển cả sang dưa. Dù là năm đầu tiên, tôi liều trồng 20 gói hạt giống, tương đương 10.000 gốc của ba loại: Hoàn Châu, Đại Địa, GS, trong đó GS cho chất lượng tốt nhất”.
 
Gần giữa tháng Năm, thu 7,9 tấn, hết vụ anh sẽ thêm 2 tấn nữa vì có nhiều lứa. Thương lái mua rẻ hay đắt, anh đều được trả tiền luôn. Anh sang năm dự định duy trì quy mô này với mong muốn xã quan tâm hướng dẫn kỹ thuật để dưa có năng suất cao, chất lượng tốt, nhất là tìm được thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài.
 
Mong muốn của anh Hạnh cũng là mong muốn chung của người trồng dưa hấu, Phó Chủ tịch Trịnh Kim Huyên khẳng định: "Đó cũng là mối lo của lãnh đạo địa phương, làm sao dưa hấu Phúc Ninh có thương hiệu, làm sao người dân không bị ép giá, làm sao được mùa mà không mất giá… Nói đâu xa, ngay bây giờ, tâm lý của người dân lo không bán được nên cũng bị thương lái lợi dụng ép giá thấp hơn vụ trước. Chúng tôi đã dạm mối người quen chuyên tiêu thụ hoa quả tại thị trường Lào Cai. Ngặt nỗi thị trường lớn đòi hỏi khắt khe về mẫu mã, về chất lượng mà sản phẩm của địa phương chưa đồng đều”.
 
Nhớ lại khi trao đổi với Trưởng thôn 1 Hoàng Minh Tuấn, anh cũng cho rằng nếu được đầu tư thâm canh tốt hơn thì dưa hấu sẽ đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Ông Huyên nhận định, tiếp đà này, diện tích vụ sau có khả năng tăng nhiều vì thôn 3, thôn 4 đã bắt đầu trồng nhiều hơn. 

Cây dưa do người dân tự phát trồng, nếu không kiểm soát được thì hiển nhiên sẽ dẫn đến sản phẩm làm ra nhiều, tư thương ép giá, giá thấp, thậm chí tình huống xấu nhất là không bán được.
 
Câu chuyện buồn về cây dưa hấu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi gần đây cũng được người trồng dưa Phúc Ninh biết đến qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Huyên quả quyết địa phương vẫn vận động người dân duy trì cây lạc dẫu lãi thấp hơn nhưng thị trường và giá cả rất ổn định, thương lái thu mua tận nơi, người dân không phải đi bán lẻ.

Chuẩn bị cho những năm tới, việc quy hoạch hợp lý cơ cấu, diện tích cây trồng và đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân trong lúc này trở nên vô cùng cấp thiết đối với Phúc Ninh, đặc biệt không để dưa hấu phát triển ồ ạt bởi đây không phải là sản phẩm đặc sản dù có một số lợi thế nhất định. 

Địa phương cần chú trọng cân đối tỷ lệ trồng cây dưa hấu với cây lạc, cây ngô, cây dưa lê để đa dạng thị trường tiêu thụ cùng với tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người trồng dưa. Mỗi nông hộ cũng nên cân nhắc về việc trồng loại cây phù hợp, dễ tiêu thụ, thị trường có nhu cầu ổn định lâu dài, tránh chạy theo lợi nhuận trước mắt tuy cao nhưng không bền vững. 

Có như thế thì những mùa dưa hấu Phúc Ninh mới thật sự là những mùa dưa ngọt lành.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Từ khung cửa sổ phóng tầm mắt ra xa cánh đồng Nậm Khắt đang mùa nước đổ đẹp say đắm lòng người.

YBĐT - Mỗi căn nhà ở đây không gọi tên theo số mà được đặt những cái tên rất dân dã như nhà ngô, nhà lúa, nhà chè, nhà sơn tra, nhà thông…, chính đây cũng là những loại hoa quả đặc sản của vùng đất Mù Cang Chải. 

Đồng chí Dương Văn Tiến  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái động viên tinh thần các tình nguyện viên tham gia hiến máu trong hành trình Chủ nhật đỏ.

YBĐT - Phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở Yên Bái được duy trì và ngày càng phát triển mạnh. Là một trong những hoạt động xã hội mang tính nhân văn được triển khai sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân toàn tỉnh.

Cây tre măng Bát độ trồng năm 2017 tại xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên sinh trưởng và phát triển tốt.

YBĐT - Với lợi thế về rừng và đất rừng, sau nhiều thử nghiệm có cả thành công và thất bại, Yên Bái đã tìm ra cho mình những loại cây lâm nghiệp chủ lực, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng để trồng rừng và phát triển kinh tế. Đó là cây tre măng Bát Độ.

Du khách khám phá cảnh quan Suối Giàng.

YBĐT - Vượt qua cung đường quanh co, uốn lượn ôm trọn lấy những sườn núi, hít một hơi căng đầy lồng ngực để tận hưởng không khí trong lành rồi phóng tầm mắt ngắm nhìn đồi hoa rực rỡ hay chạm tay vào gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi… sẽ là những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời và khó quên khi đến với Suối Giàng - một trong những xã vùng cao của huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục