Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại trạm y tế - Bài 1: “Người gác cổng”

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/7/2018 | 8:16:26 AM

YBĐT - Hệ thống y tế cơ sở (YTCS), trong đó có trạm y tế xã (TYTX), phường, thị trấn là đơn vị y tế đóng vai trò quan trọng, là tuyến đầu, hay nói cách khác là "người gác cổng” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cán bộ y tế phường Nguyễn Thái Học tiêm phòng sởi Rubella cho trẻ.
Cán bộ y tế phường Nguyễn Thái Học tiêm phòng sởi Rubella cho trẻ.

Trong khuôn viên rộng rãi, khang trang của TYTX Việt Hồng, huyện Trấn Yên, bác sỹ Vương Thị Hải Anh - Trạm trưởng TYTX tranh thủ kiểm tra các phòng chức năng của trạm. Ngày nào cũng vậy, Bác sỹ Anh tranh thủ khoảng 30 phút để tới phòng tiêm, phòng điều trị, phòng cấp phát thuốc, phòng truyền thông… vào đầu giờ làm việc buổi sáng để nắm bắt tình hình.
 
Xác định rất rõ vai trò của TYT trong CSSK nhân dân, bác sỹ Anh và đội ngũ cán bộ của mình luôn nỗ lực hết mình thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, KCB, kết hợp, ứng dụng y học cổ truyền trong phòng bệnh và chữa bệnh, CSSK sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu; quản lý sức khỏe cộng đồng và truyền thông, giáo dục sức khoẻ…
 
Nằm trong vùng có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Tày, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp mà diện tích canh tác ít, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, tới 21%, điều kiện kinh tế khó khăn... TYTX Việt Hồng nhận được nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển và tới đây, Trạm là 1 trong 26 trạm của cả nước được đầu tư thực hiện mô hình điểm TYTX, phường.
 
Bác sĩ Vương Thị Hải Anh chia sẻ: "Do nằm xa trung tâm huyện nên hoạt động CSSK cho nhân dân địa phương hầu hết đều do TYTX đảm nhận. Những năm gần đây, công tác y tế ở xã đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, trung bình trên 400 lượt KCB/tháng, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hàng năm cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 99%, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng ở trẻ em giảm xuống còn dưới 15,2%...”.
 
Rời Việt Hồng, dưới cái nắng gần 40 độ C, chúng tôi ngược sông Hồng lên Lâm Giang - xã vùng 3 của huyện Văn Yên. Mệt mỏi nhanh chóng tan biến trước sự đổi thay của địa phương. Lâm Giang đã khoác lên mình một diện mạo mới, nhà cửa san sát, trình độ dân trí của người dân ngày càng nâng cao, hệ thống điện - đường - trường và đặc biệt là TYT đã được xây dựng khang trang. Dù đã hẹn trước, khi đến Trạm vẫn phải đợi vì y sỹ Đào Thị Thúy Hằng - Trạm trưởng TYTX đang thăm khám cho người bệnh.
 
Dứt việc, y sỹ Hằng dẫn chúng tôi đi thăm Trạm vừa phấn khởi cho biết: Xã có địa bàn rộng, với 18 thôn bản, hơn 8.000 nhân khẩu, 70% dân số là đồng bào dân tộc Dao, những năm trước đây, Lâm Giang được xem như "vùng lõm” về y tế. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mức cao, tỷ lệ tiêm chủng, KCB của nhân dân đạt thấp.
 
Hơn thế, khi có bệnh, phần lớn người dân không đến cơ sở y tế xã khám mà tự chữa bệnh bằng lá cây rừng hoặc nhờ thầy cúng. Từ đó, đã có những hệ lụy xảy ra. Gần đây, với các giải pháp đồng bộ, tuyên truyền nâng cao nhận thức, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực… quan niệm của người dân về y tế đã thay đổi.
 
Đặc biệt, năm 2015, Trạm được Dự án AP đầu tư xây dựng mới và đã đạt Bộ tiêu chí quốc gia năm 2017. Do đó, chất lượng CSSK nhân dân ngày càng được nâng cao, không có dịch bệnh xảy ra…, mỗi khi có bệnh, bà con đã chủ động đến Trạm để được khám và cấp thuốc, việc cúng bái và dùng lá cây rừng để chữa bệnh gần như đã được xóa bỏ. Tỷ lệ tiêm chủng hàng năm đạt trên 90%, số lượt người KCB tăng, đạt trên 7.000 lượt/năm… y sĩ Đào Thị Thuý Hằng bổ sung thông tin.

Vai trò của TYTX đã được Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định trong nhiều văn kiện, chỉ thị, nghị quyết, gần đây nhất là Nghị quyết số 20, Hội nghị Trung ương 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Quyết định 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Chính vì vậy, nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ YTCS, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn luôn nỗ lực cống hiến hoàn thành nhiệm vụ được giao.
 
Bên cạnh đó, ngành y tế luân phiên đưa cán bộ y tế về xã, thực hiện tốt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy… nên chất lượng KCB ở tuyến YTCS bước đầu được nâng cao. Đặc biệt, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã ưu tiên kinh phí từ các chương trình dự án như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án ODA, NGO, vốn trái phiếu Chính phủ để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho TYTX.

Năm 2017, đã có 568.305 lượt KCB cho người dân tại TYTX,  tại các phòng khám đa khoa khu vực con số này là 206.966 lượt. Tỷ lệ KCB tại TYTX và phòng khám đa khoa khu vực chiếm 36,42% tổng số KCB toàn tỉnh. Nếu tính cả ở trung tâm y tế huyện thì tỷ lệ KCB của người dân tỉnh Yên Bái tại tuyến YTCS chiếm khoảng 75%. 
Bác sĩ Chuyên khoa II Cao Ngọc Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cho biết: "Văn Yên có 27 TYTX, thị trấn, trong đó, có 2 trạm đã được lồng ghép với 2 phòng khám đa khoa khu vực, hiện còn lại 25 TYTX hoạt động độc lập theo chức năng nhiệm vụ của TYTX, phường. Mặt khác, có 12/27 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020; trung bình 5 cán bộ/trạm. Các TYTX hiện tại cơ bản đã có đủ các trang thiết bị y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB góp phần nâng cao chất lượng CSSK ban đầu và KCB thông thường cho nhân dân...”.
 
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 48 TYTX được xây mới, 13 trạm được sửa chữa nâng cấp, 68 TYT được đầu tư trang thiết bị. Trên địa bàn toàn tỉnh đã có 95 xã/180 xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế.
 
 
 
Cán bộ Trạm Y tế phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái tiêm chủng cho trẻ em trên địa bàn.
 
Năm 2018, phấn đấu nâng tổng số này lên 105 xã. Tổng số cán bộ, nhân viên tại TYT là 890 người, bình quân 4,94 cán bộ/1 trạm. Trong đó: bác sỹ 109 người, chiếm 12,2%, y sỹ 327 người, hộ sinh 192 người, điều dưỡng 154 người, dược sỹ 85 người… 

Tỷ lệ TYTX có bác sỹ làm việc là 63,3% năm 2017, phấn đấu năm 2018 đạt 73,9%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã được thực hiện thường xuyên với hàng trăm lượt cán bộ được đào tạo và đào tạo lại mỗi năm.
 
Công tác tiêm chủng, tiêm phòng tại các TYTX được triển khai đầy đủ và hiệu quả, bên cạnh đó, hàng trăm ngàn trẻ được uống vitamin A và thuốc tẩy giun mỗi năm 2 lần. Hoạt động giám sát dịch bệnh được triển khai thường xuyên, có hệ thống.
 
Hàng ngày, TYTX thu thập thông tin về tình hình mắc bệnh truyền nhiễm trên địa bàn xã, báo về trung tâm y tế huyện, rồi số liệu này được cập nhật trên hệ thống phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm ngay trong ngày.
 
Hàng ngàn lam máu kiểm soát ký sinh trùng sốt rét mỗi năm tại 46 điểm kính đang hoạt động ở TYTX. Quản lý sức khỏe và bệnh tật học đường cho hàng trăm ngàn học sinh, hỗ trợ công tác y tế trường học cho hàng trăm trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, trong đó TYTX lồng ghép công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống suy dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại trường học. 

TYTX cũng thực hiện hàng ngàn lượt thăm hộ gia đình, vận động xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Hàng chục nghìn lượt tuyên truyền, vận động sinh đẻ có kế hoạch cho các cặp vợ chồng mỗi năm; có hàng trăm lượt thăm hộ gia đình và truyền thông làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở những vùng có nguy cơ cao. 

Ngoài ra, còn hàng loạt các hoạt động khác được triển khai tại TYTX như kiểm soát nhiễm lao, HIV, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Chị Nguyễn Thị Tư ở tổ 1, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái cho biết: "Đưa con đến tiêm chủng tại TYT phường Yên Thịnh chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Bởi ngoài cơ sở vật chất nhà trạm khang trang, sạch đẹp, cán bộ y tế phường rất trách nhiệm, thực hiện những quy định chuyên môn rất nghiêm túc. Ngoài được cán bộ Hội Phụ nữ, thanh niên tuyên truyền trong các cuộc họp dân phố, mỗi lần đưa con đi tiêm hay khám bệnh ở Trạm, chúng tôi còn được nghe tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh theo mùa, phòng chống bệnh xã hội, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ, vấn đề vệ sinh môi trường sống với sức khỏe con người…”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm đầu tư cho YTCS, Yên Bái hiện có 162 TYT và 18 phòng khám đa khoa khu vực có lồng ghép TYTX. 100% số xã có TYT hoặc phòng khám đa khoa khu vực lồng ghép TYT, với 1.909 nhân viên y tế thôn bản có mặt ở tất cả 2.276 thôn, bản (số liệu năm 2017).
 
Nhờ có mạng lưới YTCS rộng khắp, công tác CSSK ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình. Người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều dịch vụ KCB tại TYTX. Đến nay, đã triển khai KCB bảo hiểm y tế tại khoảng 94% tổng số TYT/ phòng khám lồng ghép trạm.
 
Thạc sỹ Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định: "TYT có vai trò đặc biệt quan trọng và đã khẳng định đây là tuyến đầu, hay nói cách khác là "người gác cổng” trong CSSK nhân dân”. Tuy nhiên, với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Yên Bái, để thực sự là "người gác cổng” trong CSSK nhân dân, YTCS, trong đó có các TYTX cũng phải nỗ lực phấn đấu, cần có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.

Thành Trung - Minh Tuấn
(Bài 2: Tháo "nút thắt”)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục