Khởi nghiệp ở làng

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/10/2018 | 8:09:56 AM

YBĐT - Tôi gặp chàng trai trẻ ấy khi em đang bận rộn với bộn bề công việc ở trang trại chăn nuôi gà nằm mãi sâu trong đồi.

Phạm Văn San (bên phải) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cam Đường canh với cán bộ địa chính - nông nghiệp xã.
Phạm Văn San (bên phải) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cam Đường canh với cán bộ địa chính - nông nghiệp xã.

Lập nghiệp ở làng, khởi nghiệp từ đất, từ rừng, chẳng có gì là không thể - chàng trai tuổi Dần (1986) Phạm Văn San đã quả quyết thế khi nói về vấn đề khởi nghiệp của thanh niên nông thôn. Và em đã đúng! Mô hình kinh tế tổng hợp vườn - rừng - chăn nuôi của San đang được đánh giá là mô hình kinh tế trang trại đứng vào hàng căn cơ và hiệu quả ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên. 

Nằm biệt lập trong khu đồi rộng chừng vài héc-ta, toàn bộ là đất đồi rừng của gia đình, trang trại chăn nuôi gà Minh Dư của San được xây dựng khá quy củ. San bảo: "Làm trang trại chăn nuôi tốt nhất là ở xa khu dân cư, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh phòng dịch lại vừa hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường. Có điều như thế vất vả hơn, nhà phải chia ra ba chốn, bốn nơi”. 

Mà đúng là 'ba chốn, bốn nơi" thật! Hai vợ chồng San thay phiên nhau đảm trách 2 khu chăn nuôi gà, sớm tối trông coi, vệ sinh chuồng trại; con cái chủ yếu ở nhà ngoài với ông bà nội. Vợ San đảm đang chăm lo vun vén cả đôi nơi. 

Lập nghiệp ở làng, với San thuận lợi là đất đồi rừng của gia đình nhiều, trên 10 ha. Thế nhưng làm gì và làm như thế nào để cho kinh tế hiệu quả bền vững là bài toán không dễ. Kinh nghiệm bao năm bươn trải đủ nghề đã cho San bản lĩnh, sự tự tin, năng động để trải nghiệm và thực hiện ước mơ gây dựng trang trại.

Qua tìm hiểu, các gia trại chăn nuôi gà Minh Dư tại tỉnh Phú Thọ, nắm bắt được kỹ thuật, kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ về thị trường đầu ra sản phẩm, thị trường cung ứng giống, cám, thuốc phòng trị bệnh…, San quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà thịt giống Minh Dư. Làm chắc chắn và quy củ, hiện trang trại chăn nuôi gà của Phạm Văn San đang là trang trại chăn nuôi gà có quy mô lớn nhất ở xã Quy Mông với số lượng nuôi khoảng 12.000 con/lứa. 

Thăm trang trại của San, đàn gà trên 7.000 con đến kỳ xuất bán được thả ăn dưới chân đồi cam thoáng mát, con nào con ấy đều chằn chặn. Là giống gà Minh Dư nên nhìn con trống mã đẹp, chắc thịt; gà mái giống gà ta, được thị trường ưa chộng hơn các giống gà khác. Cũng vì thế mà giá gà Minh Dư bao giờ cũng cao hơn, dễ bán hơn. 

San cho biết: "Thương lái các nơi đánh xe ô tô chuyên chở đến tận trang trại lấy hàng nhưng thường thì những trang trại chăn nuôi lớn như của gia đình rất ít bán lẻ. Khu chuồng gần 8.000 con, xuất 4 chuyến là hết. So với năm ngoái, giá bán gà thương phẩm năm nay có cao hơn đôi chút, nhưng giá con giống đẩy lên khá cao, dao động từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/con, tính ra lợi nhuận cũng chỉ như năm trước. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, nuôi gà Minh Dư vẫn đang là hướng chăn nuôi khá hiệu quả ở nhiều tỉnh chứ không riêng gì Yên Bái”. 

Nhìn cách San quy hoạch khu chuồng trại đủ thấy sự đầu tư bài bản của chàng trai này, trong đó có các khu nuôi riêng biệt cho từng tuổi gà. Đưa tôi thăm khu nuôi gà mới hơn một tháng tuổi, cạnh đó là dãy chuồng trại mới bị bão quật đổ hồi cuối tháng Bảy, vẫn còn ngổn ngang đất đá, cây que, tấm lợp... 



Đàn gà chuẩn bị xuất bán của gia đình Phạm Văn San. 

San phân trần: "Em dự định đưa máy múc vào mở rộng thêm khu chuồng trại chăn nuôi mà chưa kịp. Mưa lớn sạt lở ta luy, đúng luồng lốc xoáy nữa, thế là sạch trơn khu chuồng hơn 1.000 con gà đã nuôi gần 3 tháng tuổi, thiệt hại gần 200 triệu đồng. Thực tế, chăn nuôi cũng có những rủi ro khó lường. Chấp nhận đầu tư gây dựng lại, lấy cái nọ bù cái kia”. 

Không nuôi nhiều lứa như gia trại khác, trong năm, vợ chồng San chỉ nuôi 2 lứa gà thịt. Theo kinh nghiệm của ông chủ trẻ này, nuôi thưa chu kỳ sẽ có thời gian để vệ sinh khử trùng chuồng trại, cũng có thời gian đầu tư cho lứa nuôi sau hiệu quả hơn. Cũng còn bởi chi phí đầu tư cho một lứa gà nuôi với số lượng lớn là không hề nhỏ. Năm 2017, vợ chồng San thu về quãng chừng trên dưới 1 tỷ đồng, chưa trừ chi phí. Tính ra mỗi năm, riêng từ chăn nuôi gà, vợ chồng San thu về gần 400 triệu đồng. 

Khoản tiền thu về lớn là thế nhưng San bảo: "Em vẫn đang là con nợ của ngân hàng”, bởi vốn liếng tích lũy lại đầu tư tiếp cho trồng rừng và trồng cây ăn quả.

Địa thế đồi thấp, lại có nguồn nước khe trong lành là thuận lợi để San phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. 2 khu chăn nuôi xây dựng biệt lập, gồm 5 dãy chuồng trại được quy hoạch quy củ; hơn 3 ha đồi gò bao quanh trang trại trồng cây ăn quả, chủ yếu là chanh tứ thời, cam Đường canh, cam Vinh, bưởi Diễn. Lòng khe được vợ chồng San tận dụng nguồn nước sạch để đắp ao nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như: chép, trắm đen... Diện tích gần chục héc-ta đồi rừng còn lại quy hoạch trồng quế và keo.

Đầu tư tiền tỷ, San tính toán trong vòng một, hai năm tới, nguồn thu của gia đình sẽ khá hơn khi diện tích cây ăn quả cho thu nhập ổn định; diện tích rừng trồng bước vào chu kỳ cho khai thác gối. Phương châm phát triển kinh tế của San là lấy ngắn nuôi dài, trong đó duy trì ổn định quy mô chăn nuôi gà Minh Dư để có thu nhập chính. 

Là gia trại chăn nuôi lớn, San luôn chủ động tìm kiếm, mở rộng mối quan hệ, liên kết với các cơ sở cung cấp con giống, cám, thuốc, liên kết bạn hàng trong tiêu thụ sản phẩm. Theo San, vấn đề của chăn nuôi gà Minh Dư không còn nằm ở khâu đầu ra bao tiêu sản phẩm, bởi hiện tại, thị trường đầu ra cho sản phẩm này rất thuận lợi. 

Việc cần tính đến đó là quy hoạch để phát triển chăn nuôi ở địa phương và các gia trại phải bảo đảm được vấn đề phòng dịch; vấn đề môi trường để duy trì phát triển sản xuất bền vững, lâu dài. 

Khởi nghiệp ở làng, điều khiến chàng trai năng nổ này thêm phấn chấn tin tưởng, đó là bởi các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, trong đó có những cơ chế hỗ trợ kịp thời ưu tiên phát triển kinh tế của các gia trại, trang trại tổng hợp, mà mô hình kinh tế VACR của San cũng không nằm ngoài những ưu đãi đó. 

Khởi nghiệp ở làng, hướng đi của San với quy mô trang trại được đầu tư căn cơ và bài bản đang được xem là mô hình kinh tế hiệu quả ở xã Quy Mông. Thôn 11 của địa phương này đang được quy hoạch thành vùng phát triển chăn nuôi gà với gần 100 gia trại, tập trung chủ yếu trên địa bàn thôn, quy mô từ vài nghìn con đến trên 1 vạn con như mô hình của Phạm Văn San là ví dụ điển hình.

Đây được xem là giải pháp phù hợp của địa phương khi bắt tay thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng; chuyển mạnh từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang hình thành các vùng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi tập trung, sản xuất theo chuỗi. Đón trước mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, định hình mỗi xã một sản phẩm của Chính phủ. Nói như San chẳng có gì là không thể! Mô hình khởi nghiệp thành công từ chính tiềm năng, thế mạnh địa phương có thể xem là sự gợi mở hướng phát triển kinh tế hiệu quả, khuyến khích sự năng động, nhạy bén của thanh niên nông thôn. 

Minh Thúy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục