Nhắc đến vùng cao là nói đến những khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Nhưng trong chuyến đi cùng đoàn công tác của Sở Giáo dục - Đào tạo Yên Bái do Giám đốc Sở Vương Văn Bằng dẫn đầu trong những ngày tháng 11 đầy ý nghĩa này, được nghe, được nhìn, được gặp, tôi có một niềm tin mới về sự thay đổi của giáo dục vùng cao Mù Cang Chải.
Ngay dưới chân Khau Phạ, một "tứ đại đèo” vùng Tây Bắc, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Cao Phạ như nốt son tô điểm cho núi rừng với khối phòng học hai tầng sơn vàng, khu vực nội trú, bếp ăn tập trung, có vườn rau xanh. Trường còn có gian trưng bày sản phẩm của địa phương như thảo quả, sơn tra, gạo nếp, dụng cụ sản xuất… Rất ấn tượng!
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến, hầu hết các trường bán trú trên địa bàn Mù Cang Chải đều có những gian trưng bày do thầy cô giáo tự làm với những chủ đề khác nhau như phiên chợ vùng cao, điểm du lịch... để học sinh người Mông dễ tiếp cận kiến thức cũng như tăng cường khả năng tiếp cận tiếng Việt.
Trong không khí ấm áp, sẻ chia về công việc, học hành, đời sống giáo viên và học sinh của lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo, cô Hoàng Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cao Phạ đại diện các trường cho biết, thực hiện Đề án sắp xếp quy mô trường lớp, đã giảm bớt các điểm trường lẻ, tạo điều kiện cho học sinh về học tập. Xã Cao Phạ hiện có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và THCS.
Được sự quan tâm của tỉnh, của huyện và cấp ủy, chính quyền xã cùng phụ huynh học sinh với sự nỗ lực của thầy và trò, năm học này, toàn xã có tổng số 29 lớp, 1.623 học sinh, trong đó có 800 học sinh bán trú. Tỷ lệ học sinh ra lớp bậc mầm non đạt 101,4%, tiểu học đạt 99,2%, THCS đạt 96,7%; tỷ lệ thường xuyên chuyên cần đạt 90 - 95%. Các cháu học bán trú được hưởng đầy đủ chế độ, đảm bảo sức khỏe tốt để học tập.
Chia vui với thầy, trò các trường ở Cao Phạ, vượt qua đèo Khau Phạ, chúng tôi đến thăm Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Dế Xu Phình. Thực hiện Đề án sắp xếp trường lớp, xã Dế Xu Phình hiện có 1 trường mầm non và 1 trường PTDT TH& THCS bán trú, tổng số 28 lớp, 822 học sinh.
Đại diện cho lãnh đạo các nhà trường, cô Phạm Thị Dung - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS cho biết, công tác huy động học sinh ra lớp mầm non đạt 100,4%, tiểu học đạt 98,8%, THCS đạt 99,1%, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt từ 92 - 96%. Mang niềm vui từ Cao Phạ, Dế Xu Phình, đoàn công tác đến Lao Chải, xã có diện tích lớn nhất huyện Mù Cang Chải.
Với trên 9.000 nhân khẩu, 99% là đồng bào Mông sinh sống ở 14 thôn bản, có thôn bản cách xa trung tâm trên 20 km, tỷ lệ nghèo ở Lao Chải chiếm trên 70%. Do vậy, xã có tới 4 trường, gồm 2 mầm non, 1 tiểu học và 1 THCS. Dù địa bàn rộng, khó khăn nhưng theo báo cáo của lãnh đạo xã và các nhà trường, tỷ lệ huy động học sinh mầm non năm học 2018 - 2019 đạt 100%, tiểu học đạt 100,5%, THCS đạt 98,1%, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt từ 93 - 96%...
Mù Cang Chải - nơi sinh sống của gần 6 vạn dân, trên 90% dân số là đồng bào Mông, địa bàn hầu hết là núi cao, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị ảnh hưởng của bão lũ, trong cuộc sống, người vùng cao còn những phong tục tập quán lạc hậu nên 70% dân số nơi đây thuộc diện nghèo đa chiều. Do đó, cái ăn, cái mặc đang phải lo nghĩ gì đến việc học hành, chăm sóc con cái.
Vì vậy, như lời các thầy cô tâm sự: "Điều mong muốn nhất là bà con đưa con em đến trường là vui, hạnh phúc rồi!”. Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vùng đặc biệt khó khăn, những năm qua, công tác giáo dục vùng cao của Yên Bái, trong đó có Mù Cang Chải luôn nhận được sự quan tâm.
Theo thông tin từ anh em đi cùng đoàn, thực hiện Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, hai năm, toàn tỉnh đã đưa trên 7.600 em học sinh đồng bào DTTS từ hơn 250 điểm trường lẻ về các điểm trường chính để có điều kiện tốt hơn trong sinh hoạt và học tập.
Có tổng số 22.318 học sinh dân tộc, chiếm 17,3% tổng số học sinh phổ thông của tỉnh được hưởng chính sách hỗ trợ, trong số đó có đông đảo con em dân tộc Mù Cang Chải. Kết quả hết sức đáng mừng, nhưng do đặc thù vùng cao quá khó khăn, nhu cầu thực tế đòi hỏi lại lớn nên giáo dục vùng cao hiện vẫn đang đứng trước những thách thức.
Cụ thể như vấn đề nhân lực, ở xã Dế Xu Phình, trường mầm non thiếu 4 giáo viên, 2 nhân viên; tiểu học, THCS thiếu 4 nhân viên; ở xã Lao Chải, mầm non thiếu 18 giáo viên, 3 nhân viên, 1 cán bộ quản lý; THCS thiếu 6 giáo viên, 2 nhân viên…
Nhân lực thiếu nhưng công việc lại tăng do giáo viên phải thực hiện công tác bán trú 24/24 giờ để quản lý các em trong giờ tự học, giờ lao động, hoạt động ngoại khóa, tổ chức cho các em ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân...
Ở trường bán trú, hầu hết các thầy, cô phải dành thời gian ở nhà trường, nhiều khi chưa làm tròn bổn phận và trách nhiệm với gia đình mình. Cùng nhân lực, cơ sở vật chất các trường đều thiếu, nhất là phòng học, nhà công vụ, nhà bán trú và công trình phụ trợ.
Trường PTDTBT THCS Lao Chải với 13 phòng bán trú có tới 560 học sinh, bình quân 43 học sinh/phòng, các em phải nằm ghép. Toàn trường chỉ có 4 - 5 phòng tắm, nhà vệ sinh, bình quân 100 cháu một hố vệ sinh. Vì vậy, mới có chuyện, các thầy phải "canh cửa” tại khu vệ sinh để tránh tình trạng hỗn loạn khi tất cả đều có nhu cầu "bức xúc”…
Khó khăn là vậy, nhưng tại các điểm trường đoàn công tác đến thăm, chúng tôi vẫn thấy những nụ cười tươi của thầy và trò. Người thầy ở vùng cao vừa là người dạy kiến thức, dạy văn hóa và thực sự là người cha, người mẹ đúng nghĩa, bởi hàng ngày, hàng giờ, hàng đêm họ gần gũi với học sinh.
Trên sân trường đầy nắng và gió, thật xúc động khi đến đâu cũng bắt gặp những hình ảnh các em học sinh người Mông ngoan ngoãn, sôi nổi trao đổi bài. Các em được các thầy cô như mẹ hiền chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy các em những công việc nhỏ như vệ sinh cá nhân, cắt tóc, gội đầu; được bảo ban, dạy dỗ nhường nhịn nhau trong sinh hoạt lại được tham gia các hoạt động ngoại khóa như trồng rau xanh, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh…
Được đến, được nhìn, được chia sẻ, tôi thầm nghĩ, để sự nghiệp "trồng người” vùng cao "đơm hoa kết trái” như hôm nay, bên cạnh nhu cầu công việc của mỗi người, là sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia của ngành giáo dục, của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội. Nhưng có lẽ lớn hơn chính lòng yêu nghề, sự hy sinh của đội ngũ những người giáo viên. Họ sống nơi vùng cao, gắn bó nơi vùng cao từ đó vì vùng cao, cống hiến cho vùng cao.
Tạm biệt vùng cao, điều rất vui tại những điểm trường, tôi đã thấy những công trình phòng học, nhà bán trú… đang được khẩn trương xây dựng. Và được biết, tỉnh đang có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn về nhân lực cho toàn ngành giáo dục, trong đó có vùng cao.
Có lẽ, đây là cơ sở để tôi tin chỉ ít thời gian nữa thôi, những lớp thế hệ học sinh tương lai có tri thức, có nhân cách sẽ trưởng thành, tiếp nối thế hệ đi trước xây dựng đưa vùng cao thoát khỏi đói nghèo và từng bước phát triển bền vững.
Đình Tứ