Sắc xuân vùng cao Nà Hẩu

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/2/2019 | 8:18:12 AM

YênBái - Khi những nụ hoa đào một dải đất ven sông còn e ấp nép mình trong vỏ áo mỏng chờ những tia nắng xuân ấm áp để bung nở thì trên những cánh rừng của xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên đã phủ sắc trắng của hoa mơ, hoa mận. Sắc xuân đang hiện hữu cả trong đất trời và lòng người nơi đây.

Người dân vận chuyển cây quế giống trồng rừng vụ xuân 2019.
Người dân vận chuyển cây quế giống trồng rừng vụ xuân 2019.

Nà Hẩu được mệnh danh là "ốc đảo” giữa đại ngàn. Có một thời, người dân xã Nà Hẩu sống trong cảnh không điện lưới quốc gia, không nước sạch sinh hoạt và đường giao thông nối xã với trung tâm huyện Văn Yên thực chất chỉ là lối mòn xuyên rừng. 

Từ khi có đường mới về, Nà Hẩu như "thay da, đổi thịt”, những ngôi nhà xây khang trang thay thế cho những ngôi nhà tạm bợ, cuộc sống của đồng bào bớt lam lũ, vất vả. Còn nhớ, gần chục năm về trước, từ trung tâm huyện muốn lên Nà Hẩu phải qua xã An Thịnh, Đại Sơn rồi vượt hơn hai chục cây số đường rừng vắt ngang những đỉnh núi, những con dốc gắn liền với người dân địa phương như Ba Khuy, Khe Cạn... Đã có rất nhiều câu chuyện vui, buồn trên cung đường này, nay còn in hằn trong tâm trí người dân. 

Nà Hẩu vốn nghèo, không phải do đây là vùng đất cằn, không có điều kiện phát triển kinh tế hay người dân trông chờ, ỷ lại mà nguyên nhân cốt lõi là sự cách trở về giao thông. Vì thế nông, lâm sản của địa phương như gỗ, quế, thóc lúa đến lợn, gà đều bị thương lái ép giá thấp hơn so với vùng ngoài. 



Tuyến đường bê tông trung tâm xã tới huyện Văn Yên vừa được hoàn thành.

Các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày đến tay bà con cũng hết sức vất vả với cước vận chuyển cao. Thế nên khoảng chục năm về trước cả xã chưa có nhà xây, mỗi khi hộ nào muốn sửa sang chỗ ở hay làm nhà mới là phải huy động cả bản đi chở, gùi từng miếng phibroxi măng. 

Đó là nguyên nhân, lý giải cho việc Nà Hẩu khi đó có hơn 360 hộ thì 100% nằm trong diện nghèo và cận nghèo. Sóng điện thoại không có, mỗi khi huyện cần thông tin đến cán bộ xã lại phải chờ người mang công văn, giấy tờ vào. Nhiều khi cán bộ xã nhận được công văn mời họp, xem lại ngày thì đã quá lịch cả tuần rồi. Khổ nhất là trong xã có người bị bệnh phải đi cấp cứu tuyến trên, khi tới đến Trung tâm Y tế huyện thì đã quá muộn… 

Tất cả đã lùi vào quá khứ. Người dân trong xã giờ đây lưu giữ trong trí nhớ để kể lại giáo dục thế hệ con cháu biết về một thời lam lũ khổ cực, từ đó có thêm động lực mà học tập, lao động và trân trọng, biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã giúp cho Nà Hẩu hôm nay mang diện mạo mới, sức sống mới. 

Mơ ước về tuyến đường nối liền xã với trung tâm huyện Văn Yên sau bao đời giờ đã thành hiện thực. Từ thị trấn Mậu A qua xã An Thịnh, Đại Sơn đến trung tâm xã, chỉ mất khoảng 3 giờ đồng hồ, cứ bon bon trên đường bê tông là vào đến trung tâm xã và cũng chẳng cần lo phải "cuốc bộ” khi gặp trời mưa. 



Dự án kiên cố hóa trường lớp học đầu tư xây dựng trường lớp học khang trang cho học sinh vùng cao Nà Hẩu. 

Dẫn chúng tôi thăm một vòng quanh xã, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Giàng Chẩn Phử không ngớt lời nói về sự đổi thay nơi đây: "Năm 2010, đường đất được san ủi, rút ngắn khoảng cách giữa bản và trung tâm xã. Năm 2015, đường bê tông hóa được 70%, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 

Cuối năm 2018, tuyến đường từ xã Đại Sơn đến Nà Hẩu được hoàn thành. Từ đây, sản phẩm nông, lâm nghiệp bán được giá hơn, cao gấp 2, thậm chí 3 lần so với lúc trước, không còn bị thương lái ép, những sản phẩm đặc trưng của xã như đậu tương, gỗ quế và vỏ quế ngày càng được thị trường biết đến và ưa chuộng. Cùng với đó, người dân có điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên bà con mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất. 

Đời sống dần nâng lên, bà con có điều kiện mua sắm các trang thiết bị phục vụ cuộc sống hàng ngày như ti vi, tủ lạnh, xây nhà kiên cố. Giao thông khơi mở tạo động lực bà con mạnh dạn đầu tư không chỉ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp mà còn phát triển dịch vụ vận tải. 

Hiện tại, Nà Hẩu có 6 chiếc xe ô tô, trong đó có 2 chiếc xe bán tải và 4 chiếc xe tải, những phương tiện giao thông hiện đại này không chỉ nhận thu gom vận chuyển nông, lâm sản, vật liệu xây dựng trong bản, trong xã mà còn cả một số địa phương lân cận. 

Ông Sùng A Phừ, thôn Trung tâm, xã Nà Hẩu cho biết: "Sau khi con đường nối liền xã với trung tâm huyện được hoàn thành, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư, mua xe tải ben làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho người dân địa phương, nhờ đó mang lại thu nhập ổn định, gia đình có của ăn, của để và tạo việc làm cho con cháu ”. 

Hiện nay, Nà Hẩu có nhiều hộ cũng xây được nhà kiên cố như hộ ông Giàng A Xèng, Thào Thị Xéng, Cứ A Lù đều ở thôn Trung Tâm. 

Diện mạo Nà Hẩu ngày càng khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Theo điều tra hộ nghèo năm 2018, toàn xã chỉ còn 265 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 62,8% và 51 hộ cận nghèo, tỷ lệ 12,09%. Giao thông thuận lợi không chỉ giúp bà con có điều kiện ổn định cuộc sống mà còn góp phần nâng cao dân trí, cập nhập tin tức trong và ngoài tỉnh thông qua ti vi, sách báo, điều không tưởng trước đây. 

Không chỉ có vậy, trẻ con đến tuổi được đi học, số lượng người tốt nghiệp THPT ngày càng nhiều, có những em còn học hết cao đẳng, đại học ra trường làm thầy, cô giáo. 

Một tin vui nữa đến với thầy, cô giáo và học sinh là trong thời gian tới 8 phòng học kiên cố hai tầng do Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, UBND huyện Văn Yên làm chủ đầu tư với số vốn 5 tỷ đồng sắp hoàn thành sẽ cải thiện được chất lượng giáo dục nơi vùng cao này.

 Giờ đây, Nà Hẩu không còn cách xa. Con đường mới đã thu hẹp khoảng cách miền xuôi, miền ngược. Con đường hứa hẹn một cuộc sống mới đã và đang về với xã nghèo. Tin tưởng rằng, với nghị lực bền bỉ, dẻo dai, đời sống của người dân Nà Hẩu sẽ có nhiều sự đổi thay tích cực. Một mùa xuân nữa lại về mang theo hơi thở mới, cuộc sống mới.

Quang Thiều

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục