Gần lắm Trường Sa!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2019 | 4:19:45 PM

YênBái - Biển đảo quê hương, trong đó có quần đảo Trường Sa - nơi tiền tiêu đầu sóng ngọn gió là địa chỉ đỏ thiêng liêng thẳm sâu trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt.

Đoàn đại biểu mang đến với Trường Sa nhiều tình cảm sâu sắc, dạt dào.
Đoàn đại biểu mang đến với Trường Sa nhiều tình cảm sâu sắc, dạt dào.

Với tinh thần "Tôi yêu biển đảo quê hương”, "Tất cả vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, ngay sau Lễ ký kết phối hợp tuyên truyền với Đảng ủy Quân chủng Hải quân, tỉnh Yên Bái đã tổ chức đoàn cán bộ đại diện các ban ngành, huyện thị do đồng chí Hà Đức Hoan - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm trưởng đoàn và cử nhóm xung kích của Đoàn Nghệ thuật tỉnh đến thăm, động viên quân dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

 Giao thông đồng bộ kết nối, 8 giờ ngày 13/4/2019, đoàn xuất hành từ thành phố Yên Bái về Sân bay Nội Bài, 13 giờ 30 máy bay chở đoàn đã hạ cánh xuống Sân bay Cam Ranh, Cán bộ Lữ đoàn 146 vùng 4 hải quân đón đoàn về nghỉ tại Nhà khách huyện Trường Sa. 

Tại Hội nghị hiệp đồng thống nhất kế hoạch hành quân, đồng chí Đại tá Đào Ngọc Quỳ - Chính ủy Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 5 năm 2019 đi thăm và làm việc với quân, dân quần đảo Trường Sa đã giới thiệu khái quát: Đoàn công tác số 5 có 208 đại biểu đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Kế koạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Cục Kiểm ngư, Công đoàn Bộ Y tế; tỉnh Yên Bái, tỉnh Vĩnh Long; phóng viên báo chí trong nước và quốc tế cùng 55 đại biểu kiều bào từ 19 quốc gia trên thế giới… 

Đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: trong 8 năm qua, đã tổ chức cho 8 đoàn với gần 500 kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 để tận mắt chứng kiến những nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bà con Việt kiều và phóng viên báo chí chính là những tuyên truyền viên lan tỏa sự nghiệp chính nghĩa, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ra cộng đồng thế giới. 

Đồng chí Lê Minh Hạnh - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long phát biểu, nêu  hình ảnh rất đẹp: Đoàn công tác số 5 có đại biểu bộ, ngành, Trung ương; đại biểu 3 miền đất nước, miền Bắc là tỉnh Yên Bái, miền Trung là thành phố Huế, miền Nam là tỉnh Vĩnh Long. 

Trên con tàu có đại biểu các tôn giáo, báo chí, kiều bào từ khắp 5 châu, vì thế, đây là đoàn công tác đặc biệt, hội tụ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng hướng về biển đảo quê hương. 

Đồng chí Nguyễn  Xuân Hòa - Phó Bí thư Thành ủy thành phố Huế trào dâng cảm xúc: cách nay 108 năm, Bác Hồ lên tàu của nước ngoài làm thuê để tìm đường cứu nước. Đoàn chúng ta hôm nay trên con tàu hiện đại của Việt Nam đi thăm, cảm ơn, tri ân những người canh trời, giữ biển… 

Đúng 16 giờ 45 ngày 14/4/2019, tàu kiểm ngư KN 490 đón đoàn đại biểu rời Cảng Cam Ranh. Sau 36 giờ chạy miết xuyên hai đêm, một ngày, mờ sáng ngày 16/4, đảo Sơn Ca hiện ra như một chấm nhỏ giữa trùng dương bao la, cách không xa là đảo Ba Bình đang bị Đài Loan (Trung Quốc) chiếm đóng trái phép.

Đúng 7 giờ, cử hành lễ chào cờ trên đảo mở đầu cho hành trình trái tim mang hơi ấm từ đất liền đến với Trường Sa và mang ý chí, quyết tâm, niềm tin, son sắt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của bộ đội Trường Sa về đất liền. Tổ quốc nhìn từ biển thật thiêng liêng, hùng vĩ! Khi Quốc ca cất lên, mọi người như lặng đi dưới lá cờ Tổ quốc, thầm cảm ơn ông cha nhìn xa, trông rộng, dựng lên bờ cõi, cơ đồ, cảm ơn người chiến sỹ luôn chắc tay súng nơi đảo xa…



Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. 

Trường Sa, tháng Tư, trời nắng như đổ lửa, đúng giờ đều đặn buổi sáng, buổi chiều những chiếc xuồng lần lượt đưa đại biểu đến thăm đảo Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa  và Nhà giàn DK1/20 Ba Kè. Với phần lớn đại biểu, đây là lần đầu tiên đến với Trường Sa, đã xúc động khi được bắt tay, trò chuyện và giao lưu văn nghệ với các chiến sỹ trên đảo. 

Lắng đọng cảm xúc là Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo giữa mênh mông biển cả. Bóng hình các anh hòa vào sóng nước mênh mông phù hộ cho thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi giữ yên biển trời đất Mẹ. 



Đoàn công tác số 5 của tỉnh Yên Bái tặng kinh phí hỗ trợ đóng xuồng CQ cho quân và dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Tại các đảo đoàn đến thăm, cán bộ chỉ huy đảo báo cáo tình hình, công tác dân vận, giúp đỡ ngư dân, tăng gia sản xuất, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu canh giữ biển trời với lời nhắn gửi đất liền hãy yên tâm, Tổ quốc luôn hiện hình trong từng bước chân của người chiến sỹ.

Thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường bày tỏ lòng khâm phục và cảm ơn sự chịu đựng hy sinh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để trụ vững nơi tuyến đầu của cán bộ, chiến sỹ, đồng thời khẳng định sự quan tâm đầu tư của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, cộng đồng trong nước và kiều bào nên cơ sở vật chất trên đảo ngày càng được củng cố, tăng cường, khả năng kháng lực tăng lên, đời sống vật chất, tinh thần của quân, dân trên đảo ngày càng được cải thiện. 

Đại diện các cơ quan, địa phương và kiều bào đã dành tặng những phần quà thiết thực cho quân dân các đảo. Tỉnh Yên Bái tặng Quân chủng Hải quân 3,5 tỷ đồng đóng xuồng CQ (xuồng chủ quyền) và tặng cán bộ, chiến sỹ mỗi đảo từ 15 đến 60 triệu đồng… 

Tại các đảo đoàn đến thăm, sân khấu dã chiến được dựng ngay chiến hào, bên bờ biển hay nơi nhà giàn chơi vơi. Tiếng hát, tiếng đàn hòa với tiếng sóng vỗ rì rào. Mở đầu, văn công hát cho bộ đội nghe, sau là cùng hát cùng múa, tay nắm chặt tay như không muốn rời. 

Chiến sỹ Trần Minh Châu ở đảo Tiên Nữ, quê Thái Bình thổ lộ: "Biết tin đoàn đến thăm có cả văn công, các chiến sỹ đã tập luyện cả tháng nay… Giờ chia tay thật bịn rịn, từng cặp lên trao con ốc, quả bàng, nhành hoa phong ba, trang thư, chụp ảnh và cả lén lau những giọt nước mắt hẹn hò… Tại đảo Len Đao, gặp con sóng lừng xuồng không thể cập đảo, các ca sỹ lên đài chỉ huy hát tặng bộ đội qua bộ đàm. Đêm về khuya, bụng đói mềm mà các chiến sỹ không chịu buông máy…, ca sĩ thì vừa hát vừa nghẹn ngào. 

Đồng chí Thanh Hương - Trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Nội hôm nay, Đoàn đã biểu diễn buổi thứ ba, mọi người thấm mệt nhưng rất vui, chưa có trải nghiệm nào sâu sắc và ý nghĩa đến thế”. Đêm diễn cuối cùng tại đảo Trường Sa thật ấn tượng: sân khấu dựng ngay chân cột chủ quyền, khán giả tràn ra đường băng sân bay, những cô gái Thái, chàng trai Mông, điệu múa xòe, tiếng khèn lá và bản "Tình ca Tây Bắc” tấu lên giữa biển khơi khiến nhiều người ngỡ ngàng, thích thú, không ngớt những tràng pháo tay… 



Một tiết mục văn nghệ của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái biểu diễn.

Khi phía trước mũi tàu, màu xanh của đất liền đang gần lại, hành trình của đoàn công tác sắp hoàn thành. Bất giác tâm thức mỗi người như bừng tỉnh, lần lượt hiện về hình ảnh nhà giàn, mỗi tảng đá san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây như đều mang bóng hình Tổ quốc mà đau đáu với bao nỗi niềm trong thời khắc chia tay. 

Chào tạm biệt! Trường Sa sẽ sống mãi trong trái tim mỗi chúng ta! Còn đọng lại nơi đây niềm tin yêu cảm phục sự sẻ chia cùng đồng bào, đồng chí đang trụ vững nơi tiền tiêu biển cả. Mỗi chúng ta sẽ là chiếc cầu nối mang tình cảm Trường Sa về với đất liền luôn sát cánh cùng nhau góp phần giữ yên biển trời Tổ quốc. 

Chuyến đi đã khép lại và trở thành kỷ niệm đặc biệt trong hành trang cuộc đời mỗi thành viên Đoàn công tác số 5. Dẫu đã nói lời tạm biệt, nhưng chúng tôi tin rằng Trường Sa rất gần, Trường Sa mãi không xa bởi Trường Sa luôn trong bạn, trong tôi và trong tim mọi người…

Nông Thụy Sỹ 

Tags Yên Bái Trường Sa Quân chủng Hải quân

Các tin khác
Người dân thôn Bu Cao chăm sóc chè Shan tuyết.

Việc di dời chuyển đến chỗ ở mới có thể coi là cuộc "cách mạng” với người dân Bu Cao. Đường vào thôn được bê tông hoàn toàn nên rất thuận lợi giao thương phát triển kinh tế. Bà con Bu Cao không còn phải vất vả, nhọc nhằn gùi hàng xuôi dốc xuống chợ như thuở còn trên núi. 

Người dân huyện Mù Cang Chải tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Câu chuyện về những bí thư chi bộ, trưởng thôn tận tình, trách nhiệm đứng ra tín chấp bằng chính tài sản của mình với ngân hàng để vay tiền hay cắm chịu xi măng, vật liệu xây dựng ở các quán - nói một cách dân dã là họ gánh nợ thay cho cả bản để làm đường bê tông, khiến Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên vô cùng xúc động. 

Các quảng cáo cho vay không thế chấp được dán ở nhiều nơi trên địa bàn thị trấn Yên Thế.

Một trong những thủ đoạn của "tín dụng đen" là trong hợp đồng vay không ghi số lãi suất cụ thể hoặc chỉ ghi lãi suất theo thỏa thuận giữa hai bên. Trong thực tế, lãi suất cho vay "tín dụng đen" thường ở mức từ 150 đến 200%/tháng, cụ thể từ 5.000 – 6.000 đồng/1 triệu đồng/ngày hoặc có thể cao hơn.

Cần hướng giới trẻ trở thành người đọc thông minh trong thời đại công nghệ hiện nay.

Trong thời đại công nghệ thông tin, người đọc nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở không chỉ ở thư viện mà còn từ nhiều nguồn với sự hỗ trợ của Internet. Thói quen đọc, bởi thế, có sự thay đổi với những cách tiếp cận mới. Đọc cái gì, đọc như thế nào và đọc làm gì để tiếp thu nguồn tri thức, làm giàu hiểu biết đối với mỗi bạn đọc là điều vô cùng quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục