Đi qua những ngày gian khó, với ý tưởng sáng tạo và cách làm riêng có, mô hình homestay của gia đình Giàng A Dê trở thành điểm đến hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch quốc tế khi đặt chân lên Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải...
Đi qua những ngày khó
Khó khăn, vất vả của những ngày đầu khởi nghiệp với riêng Dê và Lỳ thực sự là những trải nghiệm không dễ vượt qua. Lập nghiệp bằng mảnh nương mua lại của người chú và hai bàn tay trắng. Sức trẻ và vốn liếng kiến thức từ ngành học quản trị kinh doanh là hành trang duy nhất tiếp lửa quyết tâm cho đôi vợ chồng trẻ này tin tưởng vào công việc mình làm.
Giàng Thị Lỳ - vợ Dê kể: "Trước khi làm homestay, hai đứa em cũng đã từng bươn trải đủ nghề. Chồng em học Đại học Kinh tế Quản trị kinh doanh Thái Nguyên. Em học chuyên ngành quản trị kinh doanh tổng hợp, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thái Nguyên. Vất vả lắm vì lấy nhau không có gì, nhưng nghĩ cứ đi làm thuê mãi, không biết tương lai sau thế nào. Học ngành quản trị kinh doanh nên cả hai đứa có cùng suy nghĩ là thích làm kinh tế...”.
Xây dựng homestay trên đỉnh đồi cao, đúng nghĩa là nơi nghỉ dưỡng của khách du lịch thích khám phá và trải nghiệm có lẽ là điều mới mẻ với không ít người làm du lịch homestay ở La Pán Tẩn. Nhìn vào việc làm của vợ chồng Dê chỉ thấy khó khăn và trở ngại. Vợ Dê bảo: "Cả bản phản đối, bố mẹ thì lo mình không làm được”.
Nửa tháng trời ròng rã làm ngày, làm đêm, vợ chồng Dê cũng đã hoàn thành con đường láng xi măng nhỏ như vành nón vắt ngang những thửa rộng bậc thang chạy ngược tới tận đỉnh mâm xôi - nơi xây dựng điểm nghỉ dưỡng.
Từng viên gạch, từng bao xi, bao cát nhỏ, gỗ, lá, vật liệu xây dựng được vợ chồng Dê kiên trì gùi, thồ lên đỉnh đồi. Khởi nghiệp đầu năm 2017, vốn liếng khi đó chỉ là 50 triệu đồng vay ngân hàng. Những đồng vốn quý giá này được vợ chồng Dê cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, chi tiêu cực kỳ tiết kiệm cho những việc cần thiết.
Quan điểm là hạn chế đến mức tối đa những chi phí phải dùng đến tiền, tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở địa phương như lá cọ, tre, trúc để thiết kế homestay. Đôi vợ chồng trẻ này còn tự tay làm mọi việc từ đánh đất san tạo mặt bằng, vận chuyển nguyên vật liệu, kiêm luôn những phần việc xây dựng đơn giản, kể cả những việc khó như thiết kế mô hình homestay, thiết kế trang website và xây dựng hình ảnh trên trang website homestay của gia đình. Việc nặng, cần nhiều nhân lực thì nhờ thêm bố mẹ hai bên, anh em, bạn bè cùng trợ giúp.
"Khổ nhất là thời gian đầu kiến tạo, chưa có nguồn thu gì mà nợ lãi ngân hàng, nợ vay của anh em đến ngày phải trả. Bản thân lại đang nuôi con nhỏ mà tiền không có, nhiều lúc áp lực đến muốn bỏ dở...” - vợ Dê chia sẻ.
Đi qua những ngày gian khó, tháng 11/2017, homestay của vợ chồng Dê cũng đã hoàn tất, bảo đảm đưa vào đón khách du lịch nghỉ dưỡng với 5 phòng ngủ đầy đủ tiện nghi. Công sức, tiền của vay mượn bố mẹ, anh em bạn bè đầu tư vào homestay cũng đã lên tới trên 500 triệu đồng. Hành trang là nợ nần và niềm vui vỡ òa khi đoàn khách đầu tiên gồm 6 khách du lịch người Trung Quốc đặt phòng nghỉ 3 đêm. 3 triệu đồng cũng là món tiền đầu tiên vợ chồng Dê thu về sau gần một năm chỉ có đi vay và trả nợ. Khách đông với nhiều cơ sở nghỉ dưỡng là điều mơ ước, vợ chồng Dê lại thêm những nỗi lo mới...
Thành công nhờ sáng tạo
Tọa lạc trên đỉnh đồi cao, cách trung tâm xã không bao xa, phía dưới là con đường trục chính chạy qua, homestay của vợ chồng Dê tựa như chiếc đài quan sát xinh xắn, bao quát toàn bộ cảnh quan đồi núi điệp trùng, nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa hồ như những nốt nhạc thay sắc theo mùa - một phần của Danh thắng quốc gia Mù Cang Chải.
Không hoành tráng và hiện đại như nhiều homestay mọc lên ở La Pán Tẩn, homestay của vợ chồng Dê thiết kế đơn giản, hài hòa với thiên nhiên. Không gian độc và lạ này có lẽ là điều thu hút du khách.
Có khách nhiều là lo bởi cái gì cũng thiếu. Mỗi đoàn khách đến rồi đi lại có thêm tiền trang trải, sắm sửa các vật dụng và gom mua thực phẩm trong dân. Đó là cách mà vợ chồng Dê duy trì hoạt động của homestay trong những ngày đầu còn khó khăn và thiếu thốn.
Có thuận lợi là cả hai vợ chồng cùng biết tiếng Anh. Thêm kinh nghiệm tích lũy được qua những công việc phục vụ thời còn là sinh viên nên cung cách phục vụ, đón tiếp khách, nhất là khách nước người của vợ chồng Dê rất chuyên nghiệp. Suy nghĩ đơn giản: khách tìm đến với quê hương của mình không phải chỉ cần một nơi lưu trú tốt mà điều họ tìm kiếm đó sự khác biệt, mới lạ, độc đáo về văn hóa, về cuộc sống và thiên nhiên...
Làm cho kỳ nghỉ và những chuyến đi của họ trở nên lý thú, mới mẻ là điều rất cần. Từ trải nghiệm của bản thân, tìm hiểu nhu cầu của khách nghỉ dưỡng, Dê xây dựng tour cho các hoạt động trải nghiệm của cả khách Việt và khách Tây khi nghỉ dưỡng tại homestay của gia đình mình, từ làm ruộng, cày, bừa, cấy, gặt; trải nghiệm bắt cá suối, đi nương, thu hoạch nông sản; khám phá những thắng cảnh đẹp trong vùng; hay đơn giản như cùng chế biến các món ăn theo cách phong cách ẩm thực của người dân bản địa.
Điều làm du khách thích thú là những món ăn ấy lại chính là những sản phẩm mà họ tham gia. Có khi là đọt rau rừng mà du khách được trải nghiệm tìm hái trên rừng; là cá bống suối cùng bà con dân bản đi bắt...
Khách thích thú khi được tham gia các sinh hoạt văn hóa cùng người dân bản địa và tìm hiểu, khám phá các sản vật địa phương ngay tại homestay; đặc biệt là tham gia vào các lớp dạy tiếng Anh tình nguyện cho người dân trong bản, với chế độ ưu đãi mà chủ homestay đưa ra là được miễn phí bữa ăn sáng và cafe cho khách nghỉ.
Công việc này chỉ có ở homestay của vợ chồng Giàng A Dê. Mong muốn của vợ chồng anh là tạo điều kiện cho người dân biết tiếng Anh để cùng tham gia làm du lịch.
Tại homestay của Dê, tôi gặp 6 vị khách du lịch đến từ các quốc gia: Pháp, Ý, Ấn Độ và Úc. Qua lời phiên dịch của Lỳ, Sam - một du khách người Pháp cho biết: "Tôi chưa đến một vùng đất nào thú vị như ở đây. Thiên nhiên tuyệt đẹp.
Cuộc sống lao động của người dân đơn giản, có nhiều điều mới lạ mà ở những thành phố văn minh, hiện đại mình chưa biết đến, nhất là văn hóa của người dân địa phương... Kết nối các đơn đặt phòng của khách qua trang website do mình thiết lập và quản lý, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, cơ sở homestay của vợ chồng Dê luôn kín khách đặt phòng/ngày.
Vợ Dê cho biết, rất ít ngày còn phòng trống, ngày ít nhất là 2 khách. Trung bình mỗi tháng có trên dưới 100 lượt khách lưu trú; mùa du lịch các đoàn khách đặt phòng đông hơn, chủ yếu là khách nước ngoài chiếm 70 - 80%. Thu nhập đã đều và ổn định ở mức gần 30 triệu đồng/tháng, trừ chi phí. Nợ nần vơi bớt và dự định đầu tư mở rộng quy mô nghỉ dưỡng thêm 3 khu phòng nghỉ khép kín, tách biệt ngày một lớn dần trong đầu ông chủ trẻ.
Dê bảo: "Cũng đã có một vài nhà đầu tư ngỏ ý chung vốn làm ăn và mua lại cơ sở này của em nhưng em không có ý định làm chung hay bán. Khó khăn còn nhiều, song em muốn gây dựng cho mình một mô hình homestay theo cách làm, cách nghĩ của riêng mình. Em dự định tới đây sẽ mua phần mềm hệ điều hành quản lý kết nối toàn cầu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh homestay của mình trên tất cả các trang. Mặt khác, sẽ kết nối với các cơ sở homestay trong vùng liên kết địa bàn thành các tour, điểm nghỉ dưỡng hợp lý, tạo sự mới mẻ, hấp dẫn cho du khách, nhất là đối với khách du lịch nước ngoài được khám phá và trải nghiệm cuộc sống, văn hóa các vùng miền”.
Nắng chiều đã nhuốm vàng trên những đỉnh đồi mâm xôi đẹp như tranh ở bản La Pán Tẩn. Tôi, Mạnh - của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải cùng Phó Chủ tịch UBND xã Giàng Xú Rùa từ biệt vợ chồng Dê, mà lời mời "lần sau ghé chơi” của Lỳ như níu giữ chân khách.
Nhìn cái cách mà đôi vợ chồng trẻ ấy vui vẻ trò chuyện cùng những vị khách du lịch người nước ngoài sau hoạt động trải nghiệm bắt cá suối trở về, cứ ngỡ như thể họ đã từng là bạn, chẳng có sự cách biệt nào về lãnh thổ, ngôn ngữ, màu da, văn hóa...
Nỗ lực đã đem về cho đôi vợ chồng trẻ người Mông - Giàng A Dê những thành công bước đầu trên con đường lập nghiệp, dẫu rằng khởi nghiệp với người trẻ, vốn là vấn đề khó khăn nhất. Hướng liên kết trong phát triển du lịch cộng đồng do người dân tự phối hợp, tổ chức, quản lý và làm chủ, mục tiêu đem lại lợi ích kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, văn hóa và bản sắc dân tộc là cách làm sáng tạo trong phát triển du lịch cộng đồng ở Mù Cang Chải. Đây cũng là loại hình du lịch được tỉnh Yên Bái khuyến khích phát triển.
Minh Thúy