Nâng cao chất lượng sản phẩm nông - lâm nghiệp: Nền tảng để nông nghiệp phát triển

Bài 2: Nâng cao chất lượng sản phẩm - sự sống còn của ngành nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/6/2019 | 11:12:22 AM

YênBái - Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, sản xuất nông nghiệp Yên Bái cần thiết phải vượt qua những rào cản và tiếp tục hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản là vấn đề sống còn trong giai đoạn hiện nay!

Áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi theo hàng hóa và thị trường mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi theo hàng hóa và thị trường mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Hãy là nông dân toàn cầu

Sản xuất nông nghiệp Yên Bái đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từ một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, sử dụng nhiều sức người, năng suất lao động thấp sang sản xuất hàng hóa và thị trường. Nông dân sản xuất đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường và tiêu thụ sản phẩm do họ sản xuất ra. 

Mục đích sản xuất không chỉ là tạo ra nhiều sản phẩm, mà quan trọng hơn là tạo ra nhiều lợi nhuận. Sản xuất hàng hóa đang ngày một phát triển, cả trong sản xuất lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. 

Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế đó là chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động nhìn chung còn thấp; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và thông tin thị trường vào sản xuất rất yếu. Đặc biệt, chất lượng nguồn thực phẩm hàng hóa chưa đáp ứng được ngày càng cao của thị trường, ngay cả thị trường người tiêu dùng nội tỉnh khiến hầu hết các mặt hàng nông sản Yên Bái lép vế ngay tại "sân nhà”. 

Đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu bắt buộc chúng ta phải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đây là xu thế tất yếu của thị trường quốc tế. Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2008, khá nhiều hộ nông dân Yên Bái áp dụng vào sản xuất chè, cây ăn quả và chăn nuôi. 

Tuy nhiên, con số này quá ít so với tiềm năng và nhu cầu thị trường. Yêu cầu xây dựng, sản xuất nông nghiệp an toàn, sạch không phải của Nhà nước, của tỉnh hay của một ngành nào mà đó là yêu cầu của thị trường đối với sản xuất nông nghiệp, với bà con nông dân. Muốn sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, được thị trường chấp nhận, không còn nỗi lo được mùa mất giá thì buộc bà con nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... 

Người trồng vải thiều ở Bắc Giang hay vải Thanh Hà ở Hải Dương đã bao mùa vải lao đao khốn khó với điệp khúc được mùa rớt giá. Nhưng trong một vài năm trở lại đây, nhờ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... vải đã được xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu, châu Á theo đường chính ngạch với sản lượng hàng ngàn tấn. 

Mới đây nhất, nông dân Sơn La đã xuất trên 1.500 tấn xoài sang Mỹ và một số nước trong khu vực mang một nguồn ngoại tệ lớn về cho đất nước cũng nhờ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn. Yên Bái cũng đã có những sản phẩm như: bưởi Đại Minh, cam sành, chè Suối Giàng (Văn Chấn), quế Văn Yên, Trấn Yên... sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên số lượng rất hạn chế.

Nhiều sản phẩm nông sản của Yên Bái chất lượng cao, được thị trường tin dùng nhưng người tiêu dùng không biết đâu là hàng "xịn”, đâu là hàng "nhái” mà cứ thấy rẻ là mua. Như thế rất thiệt thòi cho những nông dân sản xuất chân chính. 

Một số sản phẩm đã có sự liên kết trong sản xuất theo chuỗi sản phẩm và thành lập các tổ hợp tác trồng rau, dâu tằm, chè, cam... để hỗ trợ nhau và có tư cách pháp nhân liên kết với doanh nghiệp. Thế nhưng phần lớn bà con nông dân vẫn còn lúng túng với các quy trình sản xuất đáp ứng theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp của thị trường...

"Cú hích” cần thiết, sát thực tế

Từ những đòi hỏi của thực tiễn, cùng với tiếp tục triển khai và có những cơ chế chính sách thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Yên Bái đã xây dựng đề án "Nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019-2021” nhằm hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chế biến tiêu thụ nông lâm sản áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, sản phẩm có chứng nhận từ đó xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Yên Bái trong giai đoạn 2019 - 2021. 

Đề án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyện đã và đang được triển khai thực hiện theo đúng quy trình. Mục tiêu, nâng cao nhận thức, hướng dẫn, trang bị kiến thức, tư vấn cho các đơn vị sản xuất, chế biến nông lâm sản, thủy sản xây dựng các vùng sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được các tổ chức chứng nhận kiểm tra cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. 

Hỗ trợ các đơn vị sản xuất, chế biến xây dựng, cải tiến quy trình kiểm soát chất lượng, mẫu mã bao bì, tiêu chuẩn đóng gói bảo quản phù hợp với tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, đơn vị phân phối và thị trường, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự tin cậy về chất lượng và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Hỗ trợ các đơn vị quản lý, chế biến tổ chức, tiếp cận, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững. 

Phấn đấu đến hết năm 2021 việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) được áp dụng phổ biến trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tổng số cơ sở, đơn vị được sản xuất và cấp tiêu chuẩn chứng nhận là 89 đơn vị trong đó 83 đơn vị đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP (hoặc các chứng nhận tương tự); 6 sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 

Hỗ trợ 75 đơn vị thực hiện các chương hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ 60 đơn vị xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc và mua máy in tem sản phẩm; hỗ trợ 6 đơn vị xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm; hỗ trợ 81 lượt đơn vị tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các chương trình hoạt động kết nối cung cầu. 

Đối tượng tham gia đề án là các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp sản xuất hoặc liên kết sản xuất với hộ gia đình, cá nhân; các tổ chức được chỉ định hoặc ủy quyền xây dựng chỉ dẫn địa lý thuộc nhóm sản phẩm được hỗ trợ trong đề án. Tập trung vào nhóm sản phẩm: chè, lúa gạo, cây ăn quả có múi, sản phẩm lợn thịt, gia cầm, cá các loại; sản phẩm lâm nghiệp: quế và các sản phẩm từ quế; măng các loại. 

Bên cạnh đó là các sản phẩm đặc sản địa phương, hữu cơ (nếp Tú Lệ, chè Shan, mật ong, vịt bầu Lâm Thượng, gà đen, lợn bản địa; sản phẩm thủy sản: ba ba, cá hồi, cá tầm, cá chiên, cá lăng). Tập trung hỗ trợ 12 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc Rainforest Alliance và chứng nhận hữu cơ với quy mô diện tích 820 ha; 16 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng sản xuất quế theo tiêu chuẩn hữu cơ với quy mô diện tích 4.100 ha; 08 doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi lợn thịt theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAHP với quy mô sản xuất 13.000 con/lứa; 10 doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi gia cầm theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAHP với quy mô sản xuất 160.000 con; 5 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 500 lồng (1.000 tấn sản phẩm/năm); 5 doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh đối với sản phẩm: mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP; sơn tra, thảo quả theo tiêu chuẩn hữu cơ; lúa đặc sản (huyện Yên Bình) theo tiêu chuẩn hữu cơ; bưởi đặc sản (huyện Yên Bình) theo tiêu chuẩn hữu cơ. 

Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông lâm sản, thủy sản của tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm… Tổng nguồn vốn cho dự án gần 30 tỷ đồng. 

Phấn đấu đến năm 2021 có 7 ngàn tấn gạo, 10 ngàn tấn chè, 500 tấn gia cầm, 1 ngàn tấn thủy sản, 5 ngàn tấn quả có múi… sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận. 

Nhìn rõ những lợi thế, tiềm năng, chỉ ra những hạn chế và có những giải pháp, cơ chế rõ ràng, cụ thể cùng với sự lãnh chỉ đạo đầy trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của bà con nông dân chắc chắn sản xuất nông nghiệp sẽ phát triển bền vững và thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế.

Thanh Phúc

Tags Yên Bái VietGAHP sản phẩm nông nghiệp hàng hóa sản xuất

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục