Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại trang phục truyền thống ngày càng vắng bóng. Trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc, thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều nỗ lực trong bảo tồn, gìn giữ trang phục dân tộc Thái.
Nguy cơ mai một bản sắc
Đến Nghĩa Lộ hôm nay, có thể thấy hầu hết người Thái chỉ mặc trang phục truyền thống là váy áo cỏm, khăn piêu và áo chàm đen mỗi dịp tết và lễ hội, còn ngày thường, nếu mặc váy thì chiếc áo cỏm duyên dáng sẽ được thay bằng áo phông đối với phụ nữ, riêng nam giới không mấy khi mặc trang phục truyền thống.
Tìm hiểu về trang phục truyền thống của người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Lò Văn Biến - "pho sử sống” của người Thái Nghĩa Lộ.
Theo ông Lò Văn Biến, trang phục của người Thái xưa được làm hoàn toàn thủ công, trải qua các công đoạn trồng bông, xe tơ, dệt vải, nhuộm chàm, sau đó mới may thành trang phục. Nam giới với trang phục màu chàm đen kết hợp với quần dài ống rộng, áo ngắn, cổ cao, xẻ tà hai bên hông, cúc áo tết bằng dây vải.
Trang phục của phụ nữ thì phong phú, đa dạng hơn và thường gắn với mỗi sự kiện trong đời. Ngày thường, trang phục phụ nữ Thái là váy đen kết hợp với áo cỏm màu đen, trắng hoặc kẻ đen trắng và thường có gam màu trầm. Trong các dịp lễ hội, áo cỏm mang gam màu tươi sáng như: vàng, xanh, đỏ, đi kèm trang sức là: dây xà tích, vòng tay, vòng cổ và khăn Piêu.
Ngoài ra, trong ma chay còn có trang phục dành riêng cho những người phụ nữ làm dâu trong nhà. Tuy nhiên, những trang phục truyền thống đó đang có nguy cơ bị mai một, đặc biệt là trang phục truyền thống của nam giới bây giờ rất hiếm, chỉ còn số ít các cụ cao niên và thầy Mo là còn giữ trang phục truyền thống nhưng cũng chỉ lúc gia đình, làng bản có việc mới mang ra mặc. Bản thân ông Lò Văn Biến cũng chỉ có 1 - 2 chiếc áo truyền thống này.
Hình ảnh dễ gặp khi đến Nghĩa Lộ là những người phụ nữ Thái "tằng cẩu", mặc váy nhưng lại mặc sơ mi, áo phông của người Kinh.
Bà Điêu Thị Bạt - bản Nậm Đông I, xã Nghĩa An chia sẻ: "Để có bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh cần chi phí lên đến cả triệu đồng. Trong khi đó, trên thị trường hiện có rất nhiều quần, áo với kiểu dáng, chất liệu hiện đại, giá rẻ, dễ mua, dễ tìm, được bà con người Thái ưa chuộng và sử dụng phổ biến không chỉ ở các bản gần phố mà cả ở các bản vùng sâu, vùng xa. Với sự tiện lợi ấy, áo cỏm bây giờ không phải là lựa chọn của đa số phụ nữ Thái”.
Không chỉ vậy, một bộ phận người trẻ dân tộc Thái cũng không còn mặn mà với trang phục của dân tộc mình nữa.
Bạn Lương Thị Hải - bản Tông Pọng, phường Tân An chia sẻ: "Trước kia người con gái Thái sắp đến tuổi dựng vợ, gả chồng nhà nào cũng có khung cửi để tự dệt "của hồi môn” cho mình, rồi tự nhuộm chàm làm nên những tấm vải thổ cẩm nhiều màu sắc để may chăn, gối, đệm biếu họ hàng nhà chồng.
"Của hồi môn” của ai càng nhiều, càng đẹp càng thể hiện người con gái đó chăm chỉ, khéo léo. Còn bây giờ thanh niên dân tộc Thái đa phần đi làm ăn xa hoặc tự kiếm việc làm, khi đến tuổi lấy chồng thì bỏ tiền ra mua chăn, gối, đệm để làm "của hồi môn” về nhà chồng, không còn mấy ai quan tâm đến việc dệt vải và mặc trang phục truyền thống của dân tộc”.
Có lẽ vì thế mà giờ đây những âm thanh quen thuộc của khung cửi mùa dệt, quay sợi đang vắng dần ở các bản làng người Thái. Cũng đã có xu hướng ngại mặc trang phục dân tộc không chỉ trong sinh hoạt hàng ngày mà ngay cả những dịp lễ, tết hay ngày trọng đại dựng vợ gả chồng.
Cả cộng đồng vào cuộc
Trước thực trạng đó, vấn đề bảo tồn nét đẹp văn hóa, trong đó có trang phục truyền thống của dân tộc được đặt ra. Đến Chợ Mường Lò, trong nhiều cửa hàng bày bán quần áo vẫn có cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng vải thổ cẩm, váy, áo, đồ trang sức dân tộc Thái.
Hơn chục năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, chị Lù Thị Pầng - chủ cửa hàng thổ cẩm Pầng Loan một mình rong ruổi khắp các bản làng tìm hiểu về trang phục truyền thống, tìm gặp những người dệt thổ cẩm đẹp để đặt hàng. Không chỉ đặt hàng của những nghệ nhân giỏi nghề dệt, chị Pầng còn đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với từng mặt hàng.
Chính vì vậy, hàng thổ cẩm của chị luôn đảm bảo đúng bản sắc, bền, đẹp và thu hút khách du lịch. Hiện tại, chị có 2 gian trưng bày hàng thổ cẩm tại Chợ Mường Lò, ngoài ra còn tạo việc làm ổn định cho trên 50 lao động địa phương.
Chị Pầng chia sẻ: "Giữ được nghề dệt chính là giữ được những nét văn hóa cổ truyền của người Thái. Vì thế, tôi cũng như nhiều nghệ nhân khác đang kiên trì tiếp lửa nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ với mong muốn lớp trẻ phải giữ được hồn cốt của dân tộc. Qua công tác tuyên truyền, vận động, hiện giờ nhiều bạn trẻ đã tích cực tham gia học dệt, thêu. Các em chính là những người đang nối dài hơn sức sống của một nghề truyền thống mang nét đặc trưng riêng của người Thái Mường Lò”.
Chị Đinh Thị Thỉnh ở tổ Pá Kết, phường Trung Tâm là người nổi tiếng may áo cỏm đẹp ở thị xã Nghĩa Lộ. Đến cửa hàng của chị, khách được tư vấn tận tình từ cách chọn màu vải, chất liệu đến kiểu dáng phù hợp với từng dáng người. Chính vì thế, áo cỏm của nhà chị khách nào mặc vào cũng thích, cũng ưng, không chỉ người dân trong vùng mà khách du lịch đến Nghĩa Lộ cũng tìm đến cửa hàng của chị để may áo. Chị Thỉnh cho biết: "Thời điểm bận rộn nhất là vào các dịp lễ hội. Chuẩn bị cho mùa lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò năm nay, số lượng khách đặt may áo cỏm đã lên tới hàng trăm đơn hàng”.
Ngoài những nghệ nhân, thợ may hay những người kinh doanh hàng thổ cẩm tâm huyết vẫn đang âm thầm góp phần bảo tồn trang phục dân tộc Thái thì sự phát triển mạnh của các hình thức du lịch cộng đồng ở thị xã Nghĩa Lộ cũng góp phần không nhỏ bảo tồn trang phục dân tộc Thái. Homestay Loan Khang, bản Xà Rèn, xã Nghĩa Lợi là một trong những điểm thu hút đông du khách.
Với mong muốn giới thiệu đến du khách những nét đẹp văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc mình, bà Hoàng Thị Loan - chủ Homestay Loan Khang đã đầu tư thời gian, công sức để sưu tầm các bộ váy, áo cỏm của dân tộc Thái để mỗi khi có khách đến lại tự hào giới thiệu về trang phục của dân tộc mình. Trong tủ đồ của gia đình bà bao giờ cũng có sẵn hàng chục bộ váy áo cỏm đủ các kích cỡ, màu sắc để phục vụ du khách.
Bảo tồn nét đẹp văn hóa trong trang phục Thái cũng được các trường học trên địa bàn thị xã quan tâm đưa vào các hoạt động ngoại khóa. Trường TH&THCS Lê Hồng Phong, thị xã Nghĩa Lộ với đặc thù là đơn vị trường có đông con em đồng bào Thái theo học, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động bổ ích gắn với phát huy truyền thống văn hóa của địa phương như: đưa xòe cổ vào luyện tập trong giờ thể dục, quy định mặc trang phục Thái vào các dịp lễ, tết và sáng thứ 2 đầu tuần…
Đó là những hoạt động thiết thực góp phần chung tay bảo tồn nét văn hóa truyền thống và luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường.
Lời kết
Gìn giữ văn hóa truyền thống nói chung, trang phục dân tộc nói riêng là một trong những tiêu chí quan trọng trong Đề án Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch của thị xã Nghĩa Lộ. Các sự kiện văn hóa lớn như trong lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò được tổ chức thường niên vào trung tuần tháng 9 đều nổi bật tôn vinh văn hóa và trang phục truyền thống dân tộc Thái.
Ở đó, các nghệ nhân, diễn viên trong trang phục truyền thống tái hiện lại hình ảnh đêm hội Hạn khuống, Hảng cống, xe Then rồi phong tục cưới hỏi của người Thái đen Mường Lò, trình diễn trang phục dân tộc Thái đen qua các thời kỳ kết hợp với giới thiệu ẩm thực...
Cùng với đó, thị xã còn chú trọng mở các gian hàng giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của địa phương, các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, may trang phục truyền thống, khôi phục làng nghề dệt truyền thống tại xã Nghĩa An; các trường học phát triển luyện tập 6 điệu xòe cổ kết hợp với mặc trang phục truyền thống thứ hai hàng tuần...
Tất cả những nỗ lực đó nhằm giữ gìn trang phục truyền thống của đồng bào Thái không bị pha trộn, lai tạp, gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng hình ảnh thị xã văn hóa miền Tây của tỉnh.
Anh Dũng