Hồ Thác Bà: Biến di sản thành sản phẩm du lịch độc đáo

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/9/2019 | 7:57:34 AM

YênBái - Theo số liệu thống kê năm 2010, trong vùng hồ Thác Bà có hơn 330 di sản văn hóa vật thể, trong đó, hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh chiếm phần nhiều. Đây cũng là vùng có số lượng di tích nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với mật độ phân bố khá dày đặc.

Hội thi bóc bưởi độc đáo, hấp dẫn trong Lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà.
Hội thi bóc bưởi độc đáo, hấp dẫn trong Lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà.

Vùng hồ Thác Bà là vùng đất khá sầm uất trong suốt chiều dài lịch sử, sớm phát triển cả về kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiện trong vùng, người Kinh chiếm khoảng 52%, người Tày chiếm khoảng 15%, người Dao quần trắng chiếm 13%, người Sán Chay (Cao Lan) chiếm 6%, người Nùng chiếm gần 3%…

Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng hồ Thác Bà đang là tiềm năng cần được khai thác hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phát triển du lịch, dịch vụ. 

Đậm đà giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể

Xung quanh khu vực lòng hồ Thác Bà có khá nhiều di tích với nhiều loại hình đều có thể khai thác cho hoạt động du lịch. Ở đây, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hàng loạt các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. 

Ông Mã Đình Hoàn - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết, theo số liệu thống kê năm 2010, trong vùng có hơn 330 di sản văn hóa vật thể, trong đó, hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh chiếm phần nhiều. Đây cũng là vùng có số lượng di tích nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với mật độ phân bố khá dày đặc. 

Trong tổng số 99 di tích đã được xếp hạng của tỉnh thì ở hai huyện Yên Bình và Lục Yên có 24 di tích, chiếm 24,2%. Trong đó có hai di tích cấp quốc gia là Danh thắng hồ Thác Bà và di tích khảo cổ học Hắc Y. Trong tổng số 24 di tích của 2 huyện được xếp hạng có 19 di tích lịch sử - văn hóa, 1 di tích khảo cổ, 1 danh lam thắng cảnh, 3 di tích lịch sử cách mạng. 

"Các di tích lịch sử văn hóa trong vùng là các đình, đền, chùa có lịch sử lâu đời, có cảnh quan đẹp, phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân cũng như du khách thập phương, tiêu biểu như: đền mẫu Thác Bà, đền Suối Tiên, đền Đại Cại, chùa hang São, đền chùa thác Ô Đồ…” - ông Hoàn nói. 

Vùng hồ Thác Bà cũng là vùng đất sinh sống của tộc người Kinh và các tộc người thiểu số: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... Những tộc người này còn lưu giữ được khá phong phú những giá trị văn hóa truyền thống, đây là những sản phẩm du lịch đặc trưng bên cạnh cảnh quan thiên nhiên vùng hồ. 

Bên cạnh các làng văn hóa, trong vùng còn có nhiều điểm di tích gắn với văn hóa truyền thống của các chủ thể văn hóa. Đây là nơi lưu giữ và phát huy vốn văn hóa của các cộng đồng, cũng là những địa chỉ thu hút du khách trong hoạt động du lịch tâm linh, tham quan, chiêm bái, đặc biệt trong những dịp đầu xuân, nhiều lễ hội mới được khôi phục, mở rộng và vai trò của cộng đồng luôn được đề cao, nhận được sự đồng thuận của cộng đồng trong việc tự nguyện bảo vệ, trao truyền và khai thác trên cơ sở có sự nhất trí của các cơ quan chuyên môn. 

Đã có nhiều di sản phi vật thể trên địa bàn vùng hồ Thác Bà được bảo tồn và phát huy giá trị trên các chương trình du lịch của địa phương và quốc gia như: diễn xướng "Khảm hải” của người Tày xã Xuân Lai; đám cưới truyền thống, lễ cúng 12 con giáp của người Dao quần trắng xã Yên Thành; nghệ thuật dân ca, dân vũ của người Cao Lan xã Vũ Linh; lễ hội đình Ba Chãng, xã Phúc An... huyện Yên Bình; nghệ thuật "khắp coọi" của người Tày, xã Mường Lai; lễ cầu mùa của người Dao đỏ, xã Khai Trung, huyện Lục Yên. 

Trong vùng cũng có 4 nghệ nhân trên tổng số hơn 10 nghệ nhân được xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" thuộc các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là nguồn tư liệu bảo tồn cũng là những sản phẩm quảng bá, giới thiệu, thu hút du khách đến với những giá trị văn hóa bản địa của các tộc người trong vùng để có thể khai thác và biến những di sản này thành những sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương.

Triển vọng phát triển du lịch vùng hồ

Với hệ thống di tích dày đặc, cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của các tộc người, vùng hồ Thác Bà là một địa chỉ đầy tiềm năng và triển vọng lớn cho phát triển du lịch. 

Trong những năm qua, Yên Bái luôn xác định việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, từng bước khai thác, biến di sản thành tài sản phục vụ du lịch và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Trước hết là việc bảo tồn các làng văn hóa như: Ngòi Tu, Tầm Vông (Vũ Linh), Khe Gầy (Tân Hương), Đồng Tý (Phúc An), … 

Ngoài khu du lịch cộng đồng Ngòi Tu ở Vũ Linh, khu du lịch Tân Hương, khu du lịch sinh thái Ruby, các dịch vụ đưa đón, phục vụ du khách của các hộ dân, một vài nhóm văn nghệ không chuyên ở Yên Thành, Xuân Lai sẵn sàng biểu diễn phục vụ khách tham quan và ở quy mô lớn hơn là các hoạt động "khám phá Thác Bà”. 



Trang phục truyền thống được người Dao vùng hồ Thác Bà bảo tồn.  

Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Trên địa bàn huyện Yên Bình hiện có 161 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 14 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp tỉnh góp phần phục vụ phát triển du lịch. Trên địa bàn huyện có 28 nhà nghỉ, khách sạn với 238 phòng, 331 giường; 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Đến hết tháng 8/2019, huyện Yên Bình đón 69.324/ 97.000 lượt khách, đạt 71% kế hoạch của huyện; thu nhập từ du lịch đạt 43/61 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch của huyện”. 

Cũng từ tiềm năng và các chính sách thu hút, phát triển du lịch vùng hồ Thác Bà mà huyện Yên Bình đã có nhiều dự án đầu tư như: Dự án đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng An Bình trên khu vực hồ Thác Bà, xã Tân Hương của Công ty TNHH đầu tư và phát triển Thương nghiệp (ITD), đến nay đã đầu tư xây dựng 2.000m vuông nhà dịch vụ, 500m vuông đường nội bộ, kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng, hình thành khu nhà đón tiếp, khu nghỉ dưỡng, khách sạn mini...; 

Dự án Du lịch sinh thái Lavie Vũ Linh của Công ty TNHH Lavie Vũ Linh; Dự án đầu tư xây dựng công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà của Công ty cổ phần Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà; Dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Thác Bà của Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch hồ Thác Bà; Dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng và giới thiệu văn hóa đảo Chàng Rể của Công ty TNHH Huesa Yên Bái; Dự án Du lịch sinh thái xã Mông Sơn của Công ty cổ phần đầu tư Núi Ban...

Những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái và các cơ quan chức năng đã chú ý tới những giá trị to lớn của các di tích lịch sử văn hóa và danh thắng trên địa bàn vùng hồ Thác Bà. Tuy nhiên, Yên Bái vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng đó. Thậm chí, nhiều tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ Thác Bà có chiều hướng suy giảm. 

Vì vậy, vùng hồ Thác Bà mặc dù được biết đến như một danh thắng nổi tiếng, nhưng những giá trị của nó vẫn còn ở dạng tiềm năng. Thách thức lớn nhất hiện nay là công tác quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên khu vực lòng hồ; các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và lễ hội dân gian đặc sắc, có độ bền vững lâu đời, đến nay đang có nguy cơ bị quên lãng. Trong khi đó, việc quản lý di tích danh thắng và khai thác tiềm năng còn gặp không ít khó khăn. 

Để khai thác chính những sản phẩm văn hóa truyền thống, giá trị của danh lam, thắng cảnh vùng hồ phát triển du lịch, đem lại thu nhập cho cộng đồng, các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn địa phương cần tăng cường quản lý, bảo tồn những tài sản đã đầu tư, tránh xuống cấp, hư hỏng và chỉ đạo các nhà đầu tư khai thác hiệu quả các dự án, hoạt động đúng pháp luật và tạo bước đột phá trong khai thác một điểm du lịch thế mạnh của tỉnh. 

Đồng thời, xây dựng các sản phẩm văn hóa - du lịch phong phú, đặc thù như: du lịch cuối tuần; du lịch sinh thái, cộng đồng; du lịch mạo hiểm; du lịch văn hóa; du lịch tâm linh gắn với các lễ hội văn hóa trong vùng… 

Hy vọng trong tương lai gần, hồ Thác Bà sẽ trở thành điểm đến xứng tầm, đáp ứng niềm kỳ vọng của du khách yêu mến cảnh quan thiên nhiên, sông nước hữu tình giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, nên thơ.

Thành Trung

Tags Hồ Thác Bà làng văn hóa di tích di sản văn hóa du lịch

Các tin khác
Khách du lịch tìm hiểu trang phục của người Thái.

Mường Lò, Nghĩa Lộ - mảnh đất xinh đẹp, trù phú nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái mang đậm dấu ấn và văn hóa dân tộc Thái đen được thể hiện rõ nét ở trang phục dân tộc. Trang phục của nam giới giản dị, khỏe khoắn với áo ngắn, quần dài ống rộng màu chàm; nữ giới nổi bật với váy dài đen thướt tha cùng áo cỏm “thắt đáy lưng ong”.

Ông Giàng A Phử (thứ hai từ trái sang) trao đổi với nhân dân về kinh nghiệm thu hoạch quế.

"Nếu thôn, bản nào cũng có người như ông Phử thì chả mấy chốc mà An Lương thoát nghèo!”. Đố là nhận xét của Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Cội khi nói về ônng Giàng A Phử, Bí thư Chi bộ, người có uy tín trong cộng đồng ở thôn Sài Lương 3, xã An Lương

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Lê Ngọc Long luôn lắng nghe, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và sâu sát với công việc.

Về thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn hôm nay, xen lẫn những đồi chè, vựa lúa, vườn nhãn xum xuê là những con phố, những biệt thự lộng lẫy. Nông thôn đang thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày một thêm khấm khá.

Những người thầy miền xuôi tình nguyện lên Tây Bắc để những bản làng không còn heo hút.

Mùa thu năm 1959, 860 thầy cô giáo trẻ ở miền xuôi theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tình nguyện lên đường mang “con chữ” lên non, thắp lên ước mơ, tương lai tươi sáng cho học trò miền núi Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục