Không biết có phải hoa dâm bụt tượng trưng cho người phụ nữ đẹp hay không mà làng tôi nhà nào cũng trồng hàng cây dâm bụt đỏ. Mùa này, dâm bụt nở hoa, đường làng đỏ rực mầu cờ. Ong bướm và cả những con chim chích bông nhộn nhịp bay về để khoe sắc và hút mật ở những bông hoa dâm bụt mới nở lúc ban mai.
Có lẽ, chỉ có loài hoa gần gũi với làng quê như hoa dâm bụt mới rủ rê được ong bướm bay về tình tự nhiều như thế. Ngoài hàng dâm bụt, nhà tôi còn có cây hoa phù dung ở ngay đầu ngõ. Hoa phù dung cũng đẹp, nhuộm hồng cả một khoảng trời trước ngõ, nhưng ong bướm chả đoái hoài đến bao giờ, chỉ quẩn quanh với những bông bụt đỏ.
Quê tôi còn có hoa lau. Cuối thu, hoa lau nở trắng ở phía chân đồi, ở thung lũng xa và lơ thơ vài khóm ở vùng bãi ven sông. Mỗi người thích một loại hoa, bởi mỗi bông hoa đều có một tiếng nói riêng, một biểu trưng riêng, nhưng mặc lòng bất kể hoa gì cũng đều gợi lên những ước vọng và niềm thương nhớ trong ta.
Nhưng cũng không hiểu vì sao, những bông hoa lau lại không thấy mấy ai nhắc tới, ngoài mấy đứa trẻ chăn trâu chúng tôi ngày ngày vẫn săn tìm khi mùa hoa nở. Không khéo, dễ hay nhầm lẫn giữa cỏ lau và bụi lau. Những đồi cỏ lau trông giống như đồi cỏ gianh, bông hoa chỉ cao ngang tầm đầu gối có dáng vẻ xác xơ, mỏng manh, chỉ cần một cơn gió thoảng là bông bay đi hết, còn trơ lại những cuống hoa hoang dại.
Còn giống hoa lau mà những đứa trẻ chăn trâu chúng tôi vẫn săn tìm hàng ngày là những cây lau mọc thành khóm, thành bụi, thân cao vượt quá tầm người, lá lau thuôn dài như lá mía, ở phần bẹ lá phủ dầy một lớp lông tơ, mịn màng như nhung, như lụa. Lau bụi, trắng xốp, bông to gấp rưỡi, gấp đôi cái chổi phất trần bằng lông gà của các gia đình, cuống hoa óng vàng như thân trúc.
Những đứa trẻ chăn trâu chúng tôi săn tìm hoa lau là để rước chơi như rước cờ, rước kiệu và lấy cuống hoa tiện ra từng đoạn, ghép lại làm nhà hoặc làm lồng để nhốt những chú chim vừa bắt được. Những con sáo sậu mới tập bay chuyền, lũ trẻ chúng tôi bắt được đem về nuôi trong những chiếc lồng làm bằng cuống lau, sướng như sống trong lầu son, gác tía. Được nuôi bằng cào cào, châu chấu, chả mấy tháng chúng đã bập bẹ biết nói theo người: " Nhà có khách! Nhà có khách!”. Nhưng phải là những con sáo mỏ đỏ, mép vàng mới biết nói theo người, còn những con chim khác thì vô tích sự, có nuôi chỉ tốn cào cào, châu chấu.
Mãi sau này, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi mới biết đến huyền thoại trên đất Hoa Lư. Một thuở, nơi đây cũng đã có những đứa trẻ chăn trâu lấy hoa lau làm cờ tập trận. Và trong số những đứa trẻ mục đồng ngày ấy, đã có những người trở thành tướng quân, tài cao, mưu lược, đứng lên dấy binh dẹp loạn 12 sứ quân, đưa giang sơn thu về một mối.
Và lạ lẫm làm sao, cậu bé lớn lên trên lưng trâu ngày ấy là Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành vị hoàng đế đầu tiên của một quốc gia độc lập và thống nhất. Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng lên ngôi đã quyết định dời bản doanh từ Kinh ấp đến động Hoa Lư, xây đắp nơi đây thành kinh thành của vương triều độc lập sau gần một nghìn năm Bắc thuộc, lấy qhiệu là Đại Cồ Việt.
Tôi để ý đến hoa lau nhiều hơn từ đấy, một loài hoa dung dị, không quyến rũ lòng người bởi sắc màu và hương nhụy nhưng hoa lau lại gợi lên bao nỗi niềm của những năm tháng đã qua. Sau đúng 1.050 năm kể từ khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, tôi trở về thăm lại cố đô. Vị hoàng đế đầu tiên chỉ còn trong tâm tưởng, nhạt hòa giữa làn khói hương cung kính của người đời.
Cố đô xưa, nay đã trở thành thành phố nguy nga, lộng lẫy, nhưng tôi vẫn thấy những ngọn cờ lau hai bên bờ con sông chảy giữa kinh thành, tấp nập dòng người của nhiều quốc gia trên thế giới về đây để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp có một không hai của thiên nhiên và sự thân thiện của một dân tộc lớn lên từ trang huyền thoại. Tôi cũng gặp lại vài ba con trâu đang tha thẩn gặm cỏ ngay ở vùng ngoại ô thành phố. Không biết vị hoàng đế đã lớn lên trên lưng con trâu nào trong số những con trâu đang gặm cỏ kia.
Đi trên chiếc thuyền nan du lịch, ngắm nhìn những bông hoa lau nở trắng đôi bờ, tự dưng tôi nảy ra ý nghĩ muốn nhờ cô lái đò kia nói cho du khách biết rằng, đấy không chỉ là những bông hoa lau hoang dại mà đấy chính là những ngọn cờ lau của tổ tiên chúng tôi đã rèn binh, luyện khí để dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn đất nước, mở đầu cho các triều đại của một quốc gia độc lập, hùng mạnh có đủ tinh thần và nghị lực để chống trả những cuộc xâm lăng đến từ các vương triều phương Bắc, giữ vững được độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình; rằng vị Hoàng đế đầu tiên và nhiều người của dân tộc này đều lớn lên từ trên lưng trâu và từ những vùng quê: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa” mà ra, lại đang xây dựng một đất nước hùng cường để sánh vai cùng các cường quốc năm châu và cùng nhân loại bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng trí tuệ Việt Nam.
Hoa lau, với tôi như duyên nợ. Tôi đã được ngắm nhìn thỏa thích hoa lau trên các nẻo đường Tây Bắc, trên vùng biên giới xa xăm của Tổ quốc. Tôi đã thấy hoa lau trong những thung lũng đầy gió mưa ở thảo nguyên Châu Mộc; ở Chiềng Ly Châu Thuận; ở bờ sông Đà trên bến Tạ Khoa và ở ven lòng chảo Mường Lò; ở bên bờ sông Hồng, sông Lô, sông Chảy trong những chiều nắng đổ.
Có thể nói với bạn rằng, đi đến đâu nếu bắt gặp những khóm cây cao to, với những cặp lá dài như lá mía, trổ hoa bồng bềnh như mây trắng giữa trời xanh, thì đấy là thánh địa của những bờ lau. Hoặc ở đâu thấy lau trắng ngút trời, ta biết được mình đã lạc vào miền sơn cước đầy sương và gió.
Hoa lau nở rộ vào cuối thu cho đến những ngày áp tết. Hoa lau dung dị, mang cả vẻ hoang sơ chẳng lấy gì làm ấn tượng mà sao vẫn khiến người ta phải xao lòng. Hoa lau bồng bềnh như mây trắng giữa trời cao, bảng lảng như sương thu, cảm giác chỉ cần một luồng gió nhẹ là bay đi hết. Nhưng kỳ lạ thay, gió sương rét buốt đến mấy hoa lau cũng chẳng hề hấn gì.
Mỗi lúc nhìn thấy hoa lau như thế, tôi lại lõm bõm nhớ và ngâm nga mấy câu thơ của nhà thơ đẳng cấp, làm vào thời kỳ đẳng cấp: "Ai lên biên giới cho lòng ta theo với/Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình/Hoa lau trắng đến tận cùng bờ cõi/Suốt cả đời cùng với gió giao tranh”. Chao ôi! Đẹp và gợi cảm làm sao. Những nhà thơ đẳng cấp, họ muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết, cuối cùng vẫn đưa con người ta đến với tình yêu đất nước và tình yêu thiên nhiên tươi đẹp.
Những chiều cuối năm, trên đèo Chẹn bến Tạ Khoa xưa, trên dốc Thái Lão đường vào Nghĩa Lộ, hoặc trên con đường về xã Nghĩa Sơn... ta thường gặp những em gái người Mường, người Thái, người Khơ Mú... như bất ngờ hiện ra từ chân núi, khe sâu, lũ lượt đi về, trên vai gùi nặng hoa lau. Những bó hoa trên lưng những em gái bồng bềnh như sương thu, như mây trắng theo mỗi nhịp chân. Lạ chưa! Gương mặt người em nào cũng rạng rỡ, tươi vui như người đi trảy hội.
Những bông hoa lau trên lưng những em gái kia là những bông lau mới nở, ta có thể nhận ra ngay bởi mầu trắng của hoa còn vương vấn pha chút mầu tím nhạt. Những bông lau mới nở kia đem về ủ ấm, trong hơi ấm của những bàn tay để nở thành chất liệu của những chiếc gối, chiếc đệm ấm êm của vùng Tây Bắc.
Những chiếc chăn, đệm bông lau là món quà hiếu thảo tặng mẹ, tặng cha; là thứ tài sản thiêng liêng nhất của người con gái đem về nhà chồng ngày mới cưới. Và sự ấm êm đến kỳ lạ của những chiếc đệm bông lau cũng đã hút hồn nhiều du khách phương Tây. Mới lạ làm sao, khi trời đêm đã nghiêng xuống núi đồi làng quê, vẫn còn thấy những du khách đi về bản Đêu, bản Xa... của Nghĩa An, Nghĩa Lợi, tìm nơi nghỉ tối.
Họ thích du lịch homestay hơn là nghỉ ở những khách sạn sang trọng, vì du lịch cộng đồng họ khám phá được nhiều điều thú vị, từ những ẩm thực rất độc đáo, đến chỗ nằm êm ấm lạ thường.
Đôi bạn người Thụy Điển nghỉ đêm ở bản Đêu, khi trở dậy cứ phân vân mãi, không hiểu cái đệm nằm, cái chăn đắp ở đây làm từ chất liệu gì, không phải đệm mút cao su, cũng không phải đệm bông nhân tạo, không phải... mà lại phảng phất một mùi thơm rất nhẹ như vừa quen, vừa lạ.
Đêm thứ hai quay trở lại, đôi bạn người Thụy Điển đã phát hiện ra, những chiếc đệm ấm êm kia được các cô gái vùng sơn cước này làm ra từ những bông lau rừng, được lấy về từ thung lũng đầy gió và sương.
Họ hẹn hò, đến một ngày nào đó sẽ trở lại bản Đêu, trở lại Mường Lò để được đắm mình trong chăn đệm bông lau qua những đêm dài, nghe phảng phất gió núi, hương rừng; để được chạm lòng vào thiên nhiên trong lành và đón nhận những tấm lòng đôn hậu của những con người vùng núi đồi Tây Bắc.
Chiều cuối năm, nhìn những giọt nắng cuối ngày vàng rơi trên con dốc lưng đèo, tôi bâng khuâng nhớ những nẻo đường nở trắng hoa lau. Hoa lau! Hoa lau! Một loài hoa hoang dại, bảng lảng như sương thu, bồng bềnh như mây trắng, mỗi lần gặp lại khiến lòng ta bỗng nhớ vô cùng về những năm tháng xa xưa và những ngày thương nhớ.
Bội Đông