Những ngày giáp xuân Canh Tý năm 2020, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra tình hình thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Có thể nhận thấy rõ, dẫu vẫn còn đó những khó khăn nhưng từ thành thị đến nông thôn, từ thị xã đến những huyện vùng cao, cuộc sống của nhân dân Yên Bái đang ngày một đổi thay, một nếp sống mới đã được hình thành, hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, đời sống nhân dân được nâng cao toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần.
Đến huyện Trạm Tấu - một trong hai huyện 30a của tỉnh vào một ngày nắng vàng trải dài khắp đường làng, ngõ xóm, hơi thở núi rừng hòa quyện với nhịp sống bình yên của con người nơi đây. Những con đường bê tông trải dài, uốn lượn qua những ruộng lúa nương ngô, qua những nếp nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mông.
Đón đoàn công tác từ cửa ngõ vào trung tâm huyện, đồng chí Lê Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu tay bắt mặt mừng, hồ hởi báo cáo sơ qua tình hình thực hiện Phong trào "TDĐKXDĐSVH” của địa phương.
Theo đó, năm 2019, huyện Trạm Tấu có 50% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; 58/82 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn cơ quan, đơn vị văn hóa; 57/57 thôn, tổ dân phố triển khai nghiêm túc quy ước, hương ước; xây dựng được 33 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 nhà văn hóa xã, thị trấn.
Để minh chứng rõ nét nhất cho những số liệu còn khô khan đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện mời đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại xã Hát Lừu. Là xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận lũ lịch sử càn quét qua địa bàn huyện vào tháng 10 năm 2017, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Thế nhưng, giờ đến với Hát Lừu không còn thấy cảnh hoang tàn của bão lũ mà thay vào đó là một làng bản văn minh với đường bê tông trải dài, những nếp nhà khang trang, vững chắc san sát, một môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Dạo thăm một vòng quanh làng bản, vừa đúng dịp đội văn nghệ đang tập luyện tại nhà văn hóa xã, các tiết mục tự biên tự diễn nhưng bài bản, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái - dân tộc chiếm gần 100% dân số ở Hát Lừu.
Không giấu nổi niềm tự hào, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thị Thu Hà rạng rỡ giới thiệu thêm: "Cùng với xã Hát Lừu, các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện đều thực hiện tốt Phong trào "TDĐKXDĐSVH”. Với đặc thù là địa phương có đa phần là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trước kia tưởng như khó có thể thay đổi trong nếp sống, hủ tục lạc hậu nhưng giờ thì những việc vui như đám cưới đã tiết kiệm hơn, không còn thách cưới cao, thủ tục đơn giản mà ấm áp, trang trọng; việc tang không còn cảnh cỗ bàn linh đình. Nhân dân đồng lòng thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn, bản”.
Cũng như khi đến với Trạm Tấu, ngày đoàn công tác đến huyện Văn Chấn, ai nấy đều ấn tượng mạnh bởi nếp sống văn hóa của người dân nơi đây. Những con đường bê tông đến tận chân cầu thang từng nếp nhà sàn được quét dọn vệ sinh sạch sẽ, các hộ gia đình có công trình vệ sinh khép kín, sử dụng hệ thống nước sạch, cảnh quan môi trường sạch, đẹp; những con đường hoa trải dài rực rỡ cả một bản làng vùng cao.
Qua lời giới thiệu của lãnh đạo huyện Văn Chấn, được biết, năm 2019, huyện Văn Chấn đã công nhận 30.244 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 75%); 168 làng, bản, tổ dân phố văn hóa; huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; không có vi phạm về thẩm quyền công nhận việc thực hiện hương ước, quy ước; toàn huyện có 18 xã, thị trấn có nhà văn hóa, 311 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, 55 sân bóng đá, hơn 200 sân bóng chuyền hơi và sân cầu lông… Nếu có dịp đến thăm các địa phương của huyện Văn Chấn, mỗi khi chiều về không khó để bắt gặp hình ảnh, những người nông dân ban ngày chân lấm tay bùn, tới chiều lại cùng ra sân chơi cầu lông, bóng chuyền, bóng đá…
Chị Trần Thị Hương ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: "Thời gian trở lại đây, người dân xã Sơn Thịnh chúng tôi có phong trào chơi bóng chuyền hơi. Chiều nào sân nhà văn hóa các thôn cũng chật kín; người đông, bà con phải chia ca, chơi từ khi còn nắng tới tối muộn mới nghỉ. Phong trào rèn luyện thể thao không chỉ mang lại sức khỏe, niềm hứng khởi cho mỗi người mà còn mang đến tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng vì cộng đồng”.
Đi khắp các địa phương trong tỉnh, điều dễ nhận thấy nhất trong những đổi thay của tất cả các vùng đất hôm nay là giao thông đi lại thuận tiện, các trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, đời sống người dân đang từng bước được nâng cao, ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 169.727 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 79,4%), 893 thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 72,4%), 74 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 13 phường, thị trấn đạt chuẩn Văn minh đô thị.
Đánh giá những kết quả của Phong trào "TDĐKXDĐSVH” đem đến cho đời sống nhân dân trong thời gian qua, bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Phong trào "TDĐKXDĐSVH” là phong trào lớn, mang tính toàn dân, toàn diện, hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân. Phong trào đã và đang thấm sâu vào mỗi địa bàn dân cư, mỗi người dân, làm lan tỏa những giá trị văn hóa tích cực trong xã hội. Qua đó, nhận thức của người dân được nâng cao, thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cá nhân, từng gia đình nên tích cực tham gia xây dựng, góp phần giữ vững các danh hiệu văn hóa. Xây dựng đời sống văn hóa phải ở trong từng khu dân cư, từng gia đình và mỗi con người”.
Có thể nói rằng, Phong trào "TDĐKXDĐSVH” đã thổi một làn gió mới vào mỗi gia đình, thôn, bản, tổ dân phố; tình làng, nghĩa xóm được gắn bó, tiếp thêm nhịp điệu, sức sống mới trên mỗi làng quê. Tin tưởng, cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương và sự ủng hộ, tham gia của người dân, trong những năm tới công tác xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh sẽ có những bước phát triển mới, tạo ra bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lê Thương