Yên Bái đột phá “tam nông" - Bài 1: Đã thực sự trở thành trụ đỡ của nền kinh tế

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/6/2020 | 8:05:04 AM

YênBái - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nông nghiệp, nông thôn đã có bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Yên Bái. Đặc biệt, vị thế người nông dân được nâng cao, đời sống cải thiện rõ nét. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng phát triển toàn diện, bền vững hơn.

Yên Bái đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa, mang lại giá trị cao.
Yên Bái đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa, mang lại giá trị cao.

Xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong những năm qua Yên Bái luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách hiệu quả; đảm bảo an ninh lương thực, từng bước phát triển sản xuất hàng hóa nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng cao, phát triển, mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách đồng bộ, chú trọng vào tái cơ cấu nội ngành giữa các lĩnh vực...; phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với XDNTM; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa, chuyển từ phát triển bề rộng sang phát triển chiều sâu... nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cư dân nông thôn, phấn đấu đưa thu nhập người dân nông thôn tăng gấp 2 lần so với năm 2015; khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). 

Từ năm 2016 đến nay, Yên Bái đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chuyên canh với quy mô lớn và chất lượng ngày càng nâng cao như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 3.000 ha, vùng ngô 15.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm trên 400 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 4.300 ha, vùng chè 7.800 ha, tre măng Bát độ trên 4.000 ha, quế gần 70.000 ha, sơn tra trên 8.300 ha. 

Trong chăn nuôi đã có đàn trâu, bò đạt 130.000 con, diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 22.500 ha và trên 1.500 lồng cá với sản lượng đánh bắt trên 9.000 tấn, phát triển vùng cây nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm từ gỗ gần 180.000 ha... 

Nếu như năm 2015 giá trị sản xuất trồng trọt mới đạt 3.153 tỷ đồng, thì năm 2019 giá trị đã đạt 3.286 tỷ đồng, và dự kiến trong năm 2020 này đạt 3.295 tỷ đồng. 

Từ một tỉnh hàng năm thiếu cả ngàn tấn lương thực, nhiều hộ dân phải lo cái ăn hàng ngày thì hôm nay an ninh lương thực đã đảm bảo vững chắc, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2019 đạt 314.162 tấn, tăng 32.162 tấn so với năm 2015. 

Có thể thấy, trong nhiều năm qua, Yên Bái luôn xác định rõ, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do vậy, cùng với đẩy mạnh thâm canh sản xuất lương thực, Yên Bái không ngừng mở rộng diện tích cây ăn quả. Hiện, toàn tỉnh đã trồng trên 9.439 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 48.125 tấn. Diện tích cây ăn quả ngày càng được mở rộng cả về diện tích và chất lượng cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, đã góp phần cải thiện đời sống của nông dân. 

Đặc biệt, đã hình thành được gần 4.300 ha vùng cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa của tỉnh. Không dừng lại ở đó, các địa phương còn phát triển mạnh các giống cây ăn quả đặc sản theo lợi thế vùng miền như: bưởi Đại Minh (Yên Bình); hồng không hạt (Lục Yên); cam, quýt (Văn Chấn, Lục Yên). 

Nổi bật nhất, hiệu quả nhất trong phát triển kinh tế vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn chính là việc Yên Bái thực hiện chính sách khuyến khích phát triển cây sơn tra ở huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Việc trồng sơn tra đã tạo ra một hướng đi mới cho đời sống và sản xuất của đồng bào vùng cao nơi đây, nó vừa là cây cho quả có giá trị kinh tế cao, vừa có tác dụng như rừng phòng hộ đầu nguồn. 

Có thể khẳng định, từ những định hướng và phát triển sản xuất nông nghiệp đã có sự thay đổi và phát triển tích cực, mà rõ nét nhất chính là đã thay đổi phương thức tổ chức sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp, phục vụ đời sống thiết yếu gia đình là chủ yếu chuyển dần sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu của thị trường. 

Từ quy mô sản xuất nhỏ bé, chủ yếu dựa vào tự nhiên nay chuyển sang sản suất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra năng suất và sản lượng cao hơn, góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 

Đặc biệt, đã có bước đột phá từ giá trị sản phẩm thu được trên mỗi héc-ta canh tác trên đất trồng trọt năm 2015 từ 59 triệu đồng/ha/năm thì nay đạt trên 64 triệu đồng/ha/năm. Có nhiều diện tích trồng trọt thâm canh rau màu đạt 100 - 150 triệu đồng/ha, tiêu biểu có hàng trăm héc-ta trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên đạt giá trị trên 220 triệu đồng/ha/năm. 



Sản xuất rau an toàn đáp ứng nhu cầu thịt trường đang phát triển mạnh tại các địa phương.

Song song với đó, Yên Bái quan tâm thu hút đầu tư, đưa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ về các vùng nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Bằng cách làm ấy, hướng đi ấy, từ một địa phương gần như không có gì, đến nay toàn tỉnh đã có 115 cơ sở chế biến chè, 520 cơ sở chế biến gỗ, 13 nhà máy và 120 cơ sở chế biến tinh dầu quế, 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 1 nhà máy chế biến thức ăn gia súc... 

Hệ thống dịch vụ trong nông thôn phát triển khá mạnh, đến nay đã có 121/157 xã có chợ, trong đó 93 xã có chợ đạt tiêu chí nông thôn mới, chiếm 59%. Sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn. 

Cùng với đó là các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn phát triển không ngừng, nhất là sự phát triển đa dạng các loại hình HTX, THT. HTX, THT có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lĩnh vực trồng trọt sang phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa góp phần quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa. 

Các HTX, THT thể hiện rõ vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu thập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. 

Hết năm 2019, toàn tỉnh có 3.140 THT với 18.800 thành viên và 415 HTX. Doanh thu bình quân năm 2019 của các HTX đạt 2 tỷ đồng/HTX; lãi bình quân của HTX đạt 425 triệu đồng/HTX, nộp ngân sách Nhà nước trên 35 tỷ đồng, thu nhập bình quân thành viên, người lao động đạt 42 triệu đồng/người/năm. 

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp Yên bái đã tạo nên những bước đột phá ngoạn mục trong năng suất, sản lượng, chất lượng, nhất là xây dựng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Sản xuất phát triển, cũng đồng nghĩa đời sống cư dân nông thôn nâng lên, nhất là trong XDNTM. Giờ đã có nhiều, rất nhiều vùng quê nông thôn mới thực sự, mới từ trong cách nghĩ, cách làm đến mới cả cơ sở vật chất đáp ứng cho phát triển.

Thanh Phúc
(Bài 2: Nông thôn mới vượt mục tiêu Nghị quyết)

Các tin khác
Phóng viên Báo Yên Bái tác nghiệp tại Trường Sa.

Trong cuộc đời mỗi người làm báo đều có cho riêng mình những trải nghiệm nghề đặc biệt. Với riêng tôi, một phóng viên làm báo in của một tỉnh miền núi thì chuyến hải trình hơn 23 ngày đêm qua các đảo chìm, đảo nổi trên quần đảo Trường Sa cuối năm 2019 là một trong những trải nghiệm nghề đặc biệt, đáng nhớ và mang dấu ấn sâu sắc nhất, không thể nào quên.

Ông Nguyễn Văn Dựng - người tiên phong mang giống cây ăn quả có múi về thôn Hồng Hà, xã Nga Quán và vận động nhân dân cùng phát triển kinh tế.

"Nghe dân nói, nói để dân hiểu, làm để dân tin” trong bất cứ lĩnh vực nào cũng không dễ dàng. Song với sự chân thành, đi sâu sát để tìm hiểu tâm tư, tình cảm của người dân của những cán bộ làm công tác dân vận đã hóa nhiều việc tưởng không thể làm thành có thể.

Công an xã Cát Thịnh tiếp công dân.

Mặt trời đã khuất sau lưng núi Đá Xô, lũ chim rừng đã gọi nhau về tổ, giờ cũng là lúc anh Nủ, anh Nhật xuống bếp nấu bữa tối. Nói là bếp cho oách thôi, thực ra đây là gầm cầu thang của trụ sở UBND xã Cát Thịnh.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Khôi (bên phải) cùng các đồng đội ôn lại những ký ức trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đi tìm nhân chứng từ những cựu chiến binh đã từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hiện đang sinh sống tại thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên), tôi được gặp Thượng tá Nguyễn Đình Khôi, nguyên Trưởng ban Dân vận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục