Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực được tỉnh Yên Bái xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược chuyển đổi mô hình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mục tiêu sớm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Giai đoạn 2011 - 2019, tỉnh Yên Bái đã huy động nguồn lực trên 3.894 tỷ đồng, đạt 99% so với mục tiêu Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2020, cho phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, bao gồm nguồn vốn từ ngân sách Trung ương là 1.039 tỷ đồng, chiếm 26,7%; ngân sách địa phương 2.492 tỷ đồng, chiếm 64%; vốn đầu tư nước ngoài 182 tỷ đồng; nguồn vốn xã hội hóa 180 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lực được phân bổ đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo là 3.322 tỷ đồng, chiếm tới 85,3% trong tổng số nguồn lực huy động.
Nghị quyết số 25-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011 - 2020 được ban hành, đi vào thực tiễn cuộc sống đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trên tất cả các phương diện của lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, cấp học được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học.
Đánh giá của Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Chất lượng giáo dục của tỉnh đã có những bước chuyến biến rõ rệt, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục vùng cao, giáo dục dân tộc. Trong đó, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú được củng cố và phát triển với quy mô 54 trường phổ thông dân tộc bán trú, 50 trường có học sinh bán trú, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn của tỉnh.
Cùng với đó, quy mô, chất lượng trường phổ thông dân tộc nội trú được chú trọng. Toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú với quy mô 88 lớp, gần 3 nghìn học sinh. Học sinh người dân tộc thiểu số cấp THCS, THPT được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 7,3%; gần 40% học sinh dân tộc thiểu số toàn tỉnh được hưởng chính sách nội trú, bán trú.
Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tại các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS đạt trên 70%, cấp THPT đạt trên 65%, tỷ lệ học sinh hoàn thành khóa học ngành học phổ thông đạt 93,6%. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục được quan tâm, củng cố; tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100%.
Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư đồng bộ với 55,3% số trường đạt chuẩn quốc gia, gần 78% số phòng học đạt tiêu chuẩn kiên cố, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đặc biệt, thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục đi học tăng dần, từ 78,5% năm 2015 lên trên 80% năm 2019 đối với học sinh tốt nghiệp THCS và từ 36,6% năm 2015 lên 66% ước thực hiện năm 2019 đối với học sinh tốt nghiệp THPT.
Sự chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục vùng cao, giáo dục dân tộc được thể hiện rõ ở huyện vùng cao Mù Cang Chải. Từ một huyện thiếu đói triền miên, người dân mù chữ, thất học, sống du canh, du cư, năm học 2019 - 2020, toàn huyện đã có 39 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông và 1 trung tâm giáo dục dạy nghề - giáo dục thường xuyên với 604 nhóm lớp, 20.380 học sinh, học viên.
Kết thúc năm 2019, huyện có thêm 7 trường đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất trường lớp học từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu dạy, học, sinh hoạt của giáo viên, học sinh. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt trên 97%; THCS đạt trên 91%; giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS - chống mù chữ tại 14/14 xã, thị trấn; tỷ lệ hoàn thành chương trình cấp học, chuyển lớp, chuyển cấp mầm non đạt trên 99%, cấp tiểu học đạt trên 98%, cấp THCS, THPT đạt trên 93%...
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết: Tính riêng 10 năm trở lại đây, trung bình hàng năm, huyện dành 15 -17 tỷ đồng ngân sách đầu tư xây dựng trường lớp học.
Thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp và Đề án sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2016 - 2020, ngành giáo dục - đào tạo được đầu tư trên 300 tỷ đồng, trong đó, nguồn xã hội hóa chiếm 30%, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo cơ sở trường lớp học.
Có thể thấy, giai đoạn 2011 - 2019, mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã được củng cố, sắp xếp lại đồng bộ, từng bước thống nhất đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên, tỷ lệ học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng hàng năm tăng. Chất lượng mũi nhọn được quan tâm, số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp khu vực và quốc gia luôn đạt ở mức cao.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, học sinh toàn tỉnh đã giành được trên 700 giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia. Thành tích công tác giáo dục mũi nhọn của tỉnh được khẳng định và rất đáng tự hào khi mà lần đầu tiên tỉnh Yên Bái có học sinh góp mặt trong Đội tuyển tham dự Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2019 tổ chức tại Paris, Pháp và xuất sắc giành tấm Huy chương Bạc cấp quốc tế…
Tỉnh Yên Bái đã từng bước xây dựng được các trường chất lượng cao và các ngành nghề đào tạo đạt chuẩn cấp quốc gia, ASEAN, quốc tế; phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực đa cấp, đa ngành, liên thông giữa các cấp và các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện được củng cố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn.
Trong đó, xây dựng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái trở thành trường chất lượng cao, đạt chất lượng kiểm định cấp độ 3; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư trở thành 1 trong 40 trường chất lượng cao của cả nước đến năm 2020.
Theo đó, phê duyệt đầu tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, định hướng đến năm 2020 có 1 nghề đạt cấp độ quốc tế - nghề công nghệ ô tô, 4 nghề đạt cấp độ khu vực ASEAN; xây dựng 2 trường trung cấp nghề là Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trường Trung cấp Nghề Lục Yên có 3 nghề đạt cấp độ quốc gia.
Yên Bái đã chuyển đổi hệ thống dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp thành một hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực ở 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực theo các ngành, lĩnh vực của tỉnh, trong đó chú trọng một số ngành mũi nhọn.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng ngoài tỉnh mở các lớp liên kết tạo nguồn nhân lực cho tỉnh ở các cấp trình độ với các hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu đào tạo của người học. Xây dựng chương trình đào tạo theo hướng gắn với chuẩn đầu ra, tăng cường đào tạo thực hành, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo.
Tính đến hết năm 2018, quy mô đào tạo nghề toàn tỉnh tăng gấp 1,7 lần so với năm 2011. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thực hiện đến hết năm 2019 khoảng trên 289.800 lao động qua đào tạo, đạt 60%, hoàn thành trước một năm so với mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh.
Cơ cấu lao động qua đào tạo theo 3 nhóm ngành kinh tế là nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 24,1%, cao hơn 3,1 % so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; công nghiệp, xây dựng chiếm 15,9%, thấp hơn 5,1% so với mục tiêu của Nghị quyết; dịch vụ chiếm 20%, cao hơn 2% so với mục tiêu của Nghị quyết.
Đào tạo nghề đã bước đầu gắn kết với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, mỗi năm có hàng nghìn lao động sau khi tốt nghiệp đào tạo nghề được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh hoặc tham gia xuất khẩu lao động.
Chỉ số đào tạo lao động theo đánh giá PCI năm 2018, Yên Bái đạt 6,6 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành, góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng PCI của tỉnh. Đào tạo nghề đã đóng góp quan trọng nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Những chuyển biến mạnh mẽ về chất trong giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp với sự đổi mới tích cực và nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống cơ sở đào tạo nghề đồng bộ với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã cho thấy sự đúng đắn về mặt quan điểm, định hướng và tầm nhìn chiến lược của tỉnh Yên Bái trong công tác phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có sự trợ lực tích cực từ những cơ chế, chính sách phù hợp, sáng tạo của tỉnh.
Minh Thúy
(Bài 2: Động lực từ cơ chế, chính sách)