Khát vọng Nậm Khắt

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/12/2020 | 7:49:36 AM

YênBái - Một vùng quê trên núi cao đang dần "thay da, đổi thịt” với những con đường liên bản được cứng hóa, những ngôi nhà khang trang "ba sạch” ẩn hiện bên cánh đồng bậc thang, triền núi và cả những gia trại, mô hình kinh tế hàng hóa đang tạo nên sức sống "nông thôn mới”.

Mô hình liên kết trồng hoa hồng ở xã Nậm Khắt mang lại nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Mô hình liên kết trồng hoa hồng ở xã Nậm Khắt mang lại nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Không còn trông chờ, ỷ lại, giờ đây việc xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trở thành tự giác, thành nhu cầu và khát vọng của người Mông ở xã vùng cao Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. Khát vọng đó, đang được người dân nơi đây cụ thể hóa bằng những việc làm "vừa sức” như cùng nhau làm đường, dựng nhà đến xóa bỏ hủ tục rồi tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng gia phát triển kinh tế với mong muốn thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Từ những cuộc họp bản trong đêm…

Khi bóng tối bắt đầu phủ kín núi rừng và chỉ còn lác đác những ngôi nhà hắt ra ánh điện lập lòe như đom đóm thì tại nhà văn hóa bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt mới bắt đầu buổi họp bản để chuẩn bị cho ngày ra quân dọn dẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào ngày mai. Dù bận cả ngày việc nương, việc rừng nhưng đại diện của hơn 100 hộ trong bản vẫn có mặt đông đủ. 

Bí thư Chi bộ bản Cáng Dông Giàng A Tùng vừa tranh thủ kiểm người vừa quay sang nói với tôi: "Ngày bà con đi làm nương nên chỉ tranh thủ họp vào buổi tối. Đợt này, cả bản đang tích cực dọn dẹp, vệ sinh môi trường và thực hiện các tiêu chí NTM nên họp nhiều hơn. Cán bộ huyện, xã cũng thường xuyên về bản để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm theo”. 

Buổi họp bản đêm nay, đồng chí Hảng A Ký - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mù Cang Chải cùng với một số lãnh đạo hội, đoàn thể của huyện cùng tham gia để tuyên tuyền, vận động và ký cam kết việc thực hiện các tiêu chí trong XDNTM, nhất là thực hiện vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm. 

Bằng chất giọng "bản địa”, giải thích dễ hiểu, dễ nhớ, đồng chí Hảng A Ký lần lượt thông tin với nhân dân trong bản về những yêu cầu, tiêu chí, việc làm cụ thể trong XDNTM, rồi làm thế nào để nhà cửa, ngõ xóm bảo đảm vệ sinh, để không còn nghèo, đói... 

Phía dưới, dân bản ai cũng lắng nghe chăm chú và phấn khởi ký vào bản cam kết thực hiện, XDNTM gắn với quy ước, hương ước bản. Đồng chí Hảng A Ký cho biết: "Phấn đấu đưa Nậm Khắt trở thành xã NTM không chỉ là khát vọng của bà con nơi đây mà còn là khát vọng của huyện. Do vậy, Huyện ủy phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành phụ trách từng bản của xã để tuyên truyền, đôn đốc, vận động nhân dân thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong XDNTM. Từ nhiều tháng nay, hàng tuần chúng tôi lại xuống các bản phụ trách để họp, vận động nhân dân tham gia XDNTM bằng những việc làm thiết thực, gắn với các việc làm cụ thể hàng ngày”. 

Tại bản Páu Khắt cách đấy không xa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Nguyên cũng tranh thủ ngày cuối tuần để về "cắm bản” và "thắp lửa” cho khát vọng NTM. Với hành trang nhỏ gọn cất trong túi đeo, người cán bộ nông nghiệp đã gắn bó gần 40 năm ở vùng cao một mình trên chiếc xe máy chạy vội về phía bản khi màn đêm đang phủ bóng. 

Bên tai tôi vẫn văng vẳng lời của ông: "Trách nhiệm Đảng và Nhà nước giao cùng tận mắt thấy khát khao XDNTM ở xã Nậm Khắt càng khiến chúng tôi phấn đấu, quyết tâm hơn. Dù biết XDNTM ở vùng cao còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng, chung sức của người dân, chương trình XDNTM ở đây đã có những chuyển biến nhất định, nhất là ý thức tự giác, khát vọng của nhân dân trong việc làm đường, vệ sinh nhà cửa, chuồng trại…”.

... Đến chung sức làm đường, dựng nhà

Sau buổi họp bản, với sự nhất trí cao, sớm hôm sau khi mặt trời vừa chiếu những tia nắng mai ấm áp, trên mọi nẻo đường ở bản Pua Hắt, Hua Khắt, Cáng Dông… hàng trăm người tay cầm cuốc, xẻng, chổi hối hả cùng nhau dọn vệ sinh mặt đường, nạo vét, khơi thông mương rãnh. 

Lân la hỏi chuyện mãi anh Giàng A Súa, bản Cáng Dông mới chịu bắt lời: "Qua họp bản, chúng tôi biết, NTM thì đường làng, ngõ xóm, nhà cửa và chuồng trại chăn nuôi phải sạch sẽ, phải cứng hóa. Vì thế, mỗi khi trưởng bản phát động đi làm đường hay dọn dẹp vệ sinh thì bà con hăng hái lắm! Có khi làm thông trưa không cần nghỉ”. 

Vừa trò chuyện, A Súa vừa hăng hái làm việc cùng dân bản. Không khí lao động vui tươi, náo nhiệt cả một vùng. Những buổi ra quân dọn dẹp vệ sinh đường bản với sự tham gia của tất cả các hộ dân diễn ra hàng tuần như thế này là minh chứng rõ nét về hiệu quả của công tác tuyên truyền, thể hiện sự tự giác, khát vọng XDNTM của người dân vùng cao đặc biệt khó khăn. 

Giai đoạn 2011 - 2020, xã Nậm Khắt huy động được trên 71,1 tỷ đồng cho XDNTM; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước trên 51,2 tỷ đồng, còn lại là do nhân dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp.  
Rời tuyến đường liên thôn, men theo con đường nhỏ vượt lên phía triền đồi, chúng tôi đến thăm ngôi nhà mới sắp hoàn thành của chị Phàng Thị Dê, bản Cáng Dông. Tại đây, chị Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: "Gia đình chị Dê thuộc diện nghèo, nhà dột nát. Từ nguồn đóng góp của cán bộ, đảng viên, hội viên trong Hội, chúng tôi đứng ra hỗ trợ xi măng, vật liệu và vận động dân bản góp sức dựng nhà mới cho chị Dê. Hôm nay láng nền, mọi người cũng đến giúp đấy”. 

Theo Bí thư Chi bộ bản Cáng Dông, Giàng A Tùng, hàng tuần, dân bản đều ra quân để dọn dẹp, vệ sinh đường sá. Bản cũng phối hợp với các đoàn thể, cơ quan của huyện, xã xuống từng hộ để hướng dẫn, cầm tay chỉ việc bà con dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi sao cho bảo đảm sạch sẽ; vận động các hộ đào hố chôn chất thải sinh hoạt, không vứt bừa bãi ra môi trường. Bên cạnh đó, từ các nguồn xã hội hóa và đóng góp của người dân, từ năm 2018 đến nay, Cáng Dông đã huy động được hơn 100 triệu đồng để mua xi măng, vật liệu, cứng hóa một số tuyến đường ngõ xóm. 

Thật vui mừng, bởi NTM đã thổi một luồng sinh khí mới, một suy nghĩ mới cho vùng cao Nậm Khắt. Dù còn nhiều khó khăn, dù những đóng góp của người dân cho XDNTM chưa thể so sánh với nhiều xã vùng thấp, nhưng những việc làm đó đã cho thấy sự chuyển biến nhận thức cũng như khát vọng của người dân về XDNTM. 

Ông Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã cho hay: giai đoạn 2011 - 2020, xã đã cứng hóa được 19,5 km đường 3 m, 18 km đường 1 m. Đến nay, 8,3 km đường nội đồng, 34/34 km đường liên thôn xóm, trục thôn xóm cũng được bê tông hóa, 17,2 km đường ngõ xóm bảo đảm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Cùng đó, từ các nguồn hỗ trợ cũng như sự chung tay, giúp sức của người dân, từ đầu năm đến nay, Nậm Khắt đã xóa được 74 nhà dột nát, láng nền xi măng 147 nhà bảo đảm 3 cứng, sinh hoạt thuận tiện, vệ sinh sạch sẽ. 

Cuộc sống đổi thay

NTM đang tạo nên diện mạo mới ở vùng cao Nậm Khắt từ cơ sở hạ tầng đến cách nghĩ, cách làm trong sinh hoạt, phát triển kinh tế của người Mông. Chẳng hạn, tập quán bao đời nay đồng bào thường không có nhà vệ sinh, phòng tắm nhưng nay được tuyên truyền và hiểu về vai trò, lợi ích của nhà vệ sinh trong bảo vệ môi trường mà những phòng tắm, nhà vệ sinh khang trang, sạch đẹp xuất hiện ngày càng nhiều trong các hộ. 

Ngôi nhà của anh Giàng A Chư, bản Cáng Dông dù chỉ là nhà đất 3 gian nhưng anh đã lát nền gạch hoa, láng xi măng sân, vỉa hè, bếp. Đặc biệt, khu nhà vệ sinh, phòng tắm được xây kiên cố với hệ thống vòi tắm, bồn rửa mặt, bồn cầu tự hoại khá khang trang. 

Anh Chư bày tỏ: "Nghe cán bộ huyện, xã bảo ai cũng phải có trách nhiệm tham gia XDNTM nhưng dân bản còn nghèo nên trước mắt phải xóa bỏ hủ tục, phải làm nhà ở sạch sẽ, đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò, gà lợn để tăng thêm thu nhập. Cán bộ lấy ví dụ về việc người Mông ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên nhờ XDNTM mà thoát đói nghèo. Cán bộ cũng đến từng nhà hướng dẫn nhiều cách làm nên chúng tôi tin tưởng, mong muốn cùng nhau XDNTM”. 

Xác định nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân đồng nghĩa với giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế. Tiêu biểu trong số này phải kể đến mô hình trồng cây và nuôi lợn rừng theo hướng hàng hóa của ông Thào A Phổng ở bản Hua Khắt. 

Tham quan vườn hồng sai trĩu cành cùng mô hình lợn rừng vừa được nuôi nhốt vừa nuôi thả trong vòng rào, ông Phổng cho hay: "Tận dụng lợi thế đất rộng, tôi đã mạnh dạn trồng cây hồng giòn không hạt trên diện tích 1 ha với gần 150 gốc. Đây là loại cây ăn quả có khả năng chịu hạn khá tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng nên rất sai quả. Tôi cũng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn rừng với 60 con đang mang lại hiệu quả tốt. Sau trừ chi phí, gia đình thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ bà con để cùng nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu”. 

Giờ đây, ở Nậm Khắt đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết, hợp tác cùng nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng để cùng nhau sản xuất, nâng cao giá trị canh tác. Tiêu biểu trong số này phải kể đến mô hình liên kết của Hợp tác xã (HTX) Hoa hồng Nậm Khắt. Từ diện tích ruộng kém hiệu quả, người dân đã liên kết với HTX để chuyển sang trồng hoa hồng Pháp cho thu nhập và việc làm ổn định lâu dài. 

Chị Giàng Thị Dở cho biết: "Ngoài tiền cho thuê ruộng thì chúng tôi cũng được HTX nhận vào chăm sóc hoa; vì thế, thu nhập cũng nhiều hơn trước. Chúng tôi cũng rất vui khi cánh đồng hoa xuất hiện ở đây thì quê hương cũng đẹp hơn, được nhiều người biết đến hơn". 

Theo ông Nguyễn Xuân Thiện - Giám đốc Hợp tác xã Hoa hồng Nậm Khắt: "Khí hậu, thời tiết ở đây rất thuận tiện cho hoa hồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với người dân để mở rộng diện tích vì nhu cầu hiện tại của thị trường rất lớn; đồng thời, cũng tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương”. 

Như để minh chứng cho sự đổi thay của đời sống nhân dân, Chủ tịch xã Thào A Phềnh cho biết thêm: "Với việc phát huy giá trị kinh tế của những cây trồng bản địa như: sơn tra, thảo quả cùng những hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp bà con vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, đổi thay cuộc sống. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt hơn 36 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,6%”.

Một vùng quê trên núi cao đang dần "thay da, đổi thịt” với những con đường liên bản được cứng hóa, những ngôi nhà khang trang "ba sạch” ẩn hiện bên cánh đồng bậc thang, triền núi và cả những gia trại, mô hình kinh tế hàng hóa đang tạo nên sức sống "nông thôn mới” cho đồng bào dân tộc nơi đây.

Hùng Cường

Tags Nậm Khắt Mù Cang Chải hợp tác xã hoa Nậm Khắt nông thôn mới ruộng bậc thang

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trao đổi với người dân thôn Xá Nhù, xã Tà Xi Láng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tà Xi Láng - khi nhắc tên, rất nhiều người nhớ đến một con đường huyền thoại được làm nên từ ý chí, quyết tâm và sức mạnh của tinh thần đoàn kết.

Một giờ dạy hát của thầy giáo Giàng A Tu.

Những lớp học mầm non mà người đứng lớp hàng ngày dạy trẻ học ăn, học nói, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy từng lời ca, tiếng hát, vần thơ, cho các bé không phải là những cô giáo như thường thấy mà là những thầy giáo.

Các cựu giáo viên, học sinh khóa 1972 - 1975 Trường cấp IIIA (Nay là Trường THPT Nguyễn Huệ) thăm Nhà Quốc hội.

Có lẽ bởi gắn bó với nhau từ gian nan mà tình thầy trò thêm khăng khít, dù thời gian trôi qua đã ngót nửa thế kỷ song những gương mặt và cái tên ngày ấy nguyên trong ký ức... Trước mái đầu tóc bạc của lớp thầy cô khả kính, lớp "học trò tóc bạc” vẫn luôn một điều thầy hai điều em.

Ông Vi Quốc Đạt - nguyên Trưởng Công an huyện Lục Yên, là người bị thương nặng nhất trong vụ tai nạn, bị mất chân trái, tỷ lệ thương tật lên tới 68%.

Cách đây hơn hai năm, xe chở đoàn du lịch Câu lạc bộ Công an hưu trí huyện Lục Yên khi đi đến đèo Khánh Lê thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa thì gặp tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người chết, 20 người bị thương. Vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục