Chọn ngã rẽ vẽ tuổi trẻ
Khang A Tủa (Tủa Khang - gọi theo tiếng Mông) hôm nay đang là sinh viên năm 2 của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) (tại thành phố Hồ Chí Minh) - mô hình đại học khai phóng kiểu Mỹ đáng mơ ước của rất rất nhiều bạn trẻ khắp cả nước chứ chẳng riêng gì ở tỉnh miền núi như Yên Bái, lại càng khá xa vời với những thanh niên người Mông như ở tận Mù Cang Chải.
Ấy vậy, Tủa đã trở thành 1 trong 54 sinh viên trong năm học "đồng kiến tạo” (sinh viên cùng tham gia đóng góp, xây dựng chương trình học) của Fulbirght năm đầu tuyển sinh (2018) với gói học bổng toàn phần.
Và Tủa được chọn "Vì đã kể một câu chuyện thuyết phục và thể hiện được đích xác những phẩm chất mà Fulbright tìm kiếm ở các sinh viên đồng kiến tạo, đó là tinh thần ham học hỏi, tính tiên phong, hướng tới cộng đồng và nỗ lực bền bỉ” như đã ghi trong hồ sơ trúng tuyển.
Là sinh viên nhiều tuổi nhất trường, tiếng Anh cũng hạn chế nhất trường, đối diện với chương trình học được xây dựng và giảng dạy bằng 100% tiếng Anh, đủ để hiểu Tủa phải nỗ lực đến thế nào để tốt hơn chính mình mỗi ngày.
Luôn là những thử thách cần Tủa vượt lên nhưng đó là những nỗ lực sẽ khiến cho Tủa được hạnh phúc vì mong ước được học để làm những việc mình mong được làm, nhất là hoạt động xã hội và liên quan văn hóa bản địa.
Biết được mình muốn gì, bước tới ngày hôm nay, nghĩa là đã có những ngày hôm qua Khang A Tủa bước những bước chân chưa từng dễ dàng.
Từ bỏ làm sinh viên Đại học Bách Khoa danh giá khi đang học năm 2, nơi ở quê hương Mù Cang Chải, Tủa là người Mông đầu tiên đỗ đạt - Tủa mạnh mẽ chọn từ bỏ con đường không khiến mình hạnh phúc để bắt đầu tìm kiếm điều này trên một con đường còn mông lung trong những hoạt động xã hội.
Cầm trong tay số tiền ít ỏi dành dụm được của gia đình để bước chân xuống thành đô theo đuổi đại học - Tủa phải quyết chí lắm để đối diện với cuộc sống học tập và tự lo toan đầy khó nhọc phía trước của một sinh viên vùng cao nơi thị thành.
Từng có ý định không thi đại học - Tủa phải dằn vặt lắm giữa suy nghĩ chỉ có học mới thoát khỏi đói nghèo với việc nếu mình đi thi và đỗ và đi học sẽ ảnh hưởng thế nào đến những đứa em ở nhà.
Một đứa trẻ vùng cao với những năm tháng vất vả để đến trường, có những lúc chịu đựng ốm đau đến kiệt sức mà không người thân chăm sóc lúc học xa nhà để theo đuổi con đường học tập cuối cùng đã không chỉ chọn con đường học cao mà còn phải là con đường mình cảm thấy hạnh phúc.
Năm tháng này của Tủa là những sự lựa chọn để vẽ lên tuổi trẻ của mình như mình muốn theo cách mạnh mẽ của ý chí và nghị lực.
Ươm "Vườn mơ” cho em và "Vun” mong mỏi của mẹ
Ngôi nhà nơi bản làng của Tủa nhìn ra bốn bề là ruộng bậc thang và núi rừng ngun ngút, nơi mà Tủa hiểu biết bao những thiếu thốn của trẻ vùng cao, nơi em gái Tủa nếu không có gì thay đổi thì sẽ theo lối mòn mặc định chỉ độ mười mấy thôi là quẩn quanh với ruộng nương và ngấp nghé chuyện chồng con khó thoát khỏi đói nghèo, nơi mẹ Tủa cặm cụi làm những sản phẩm thủ công mà bán ra như thể bị "bắt nạt” công sức.
"Vườn mơ” và "Ná nả - mùa gì mua nấy” - những dự án xã hội mà Tủa đồng sáng lập và là điều phối viên cùng một số bạn bè người Mông xuất phát từ mục đích muốn cho "tầm mắt” những đứa em ở vùng cao như em Tủa và những sản phẩm thủ vùng cao từ những bà mẹ như mẹ Tủa vượt qua khỏi "những thửa ruộng bậc thang” như ở quê Tủa.
"Nếu chỉ làm những điều này cho em hay mẹ mình thôi thì ích kỉ quá” - Tủa luôn nhắc đến sự "ích kỉ” khi được hỏi lý do.
"Vườn mơ” mục đích mang lại sự trải nghiệm trong các môi trường đa dạng dành cho các em nhỏ dân tộc ít người mà như Tủa nói là "Chuẩn bị cho các bạn ý tâm thế để hiểu sự đa dạng của thế giới, để các em có sự tự tin, tự chủ trong các quyết định của mình”.
Như một trại hè, "Vườn mơ” giúp các em nhỏ 12 đến 15 tuổi ở vùng cao Tây Bắc có những trải nghiệm mới mẻ tại thành phố để nhìn lại cuộc sống qua những chất liệu văn hóa quen thuộc theo một góc nhìn khác, để hiểu rằng thế giới của các em cũng có thể có nhiều thứ khác chứ không phải chỉ có ruộng nương và sớm gánh gánh nặng gia đình.
Năm 2019, 22 bạn nhỏ vùng cao Tây Bắc đã có được những trải nghiệm như thế. Đến hè 2020, 10 em nhỏ ở Mù Cang Chải cùng 40 em nhỏ ở Hà Nội đã cùng có những trải nghiệm đầy mới mẻ, đặc biệt là trải nghiệm cuộc sống tại các gia đình thành phố của 10 em nhỏ vùng cao.
Ý tưởng gia tăng thêm những trải nghiệm cho những mùa sau còn ăm ắp trong "Vườn mơ”. Khang A Tủa khát khao "nuôi một cây mơ, trồng một vườn mơ” mong các em nhỏ như những cây mơ lớn lên chậm mà chắc giữa núi rừng khắc nghiệt.
"Ná nả” tiếng Mông nghĩa là "Mẹ ơi mẹ”. "Ná nả - mùa gì mua nấy” là dự án nhằm tăng thu nhập và sự tự chủ cho các bà mẹ người Mông từ chính sản phẩm họ làm ra. Tủa Khang cùng các bạn hỗ trợ các bà mẹ người Mông tham gia các buổi hội chợ, giới thiệu, trao đổi sản phẩm với khách hàng đồng thời cũng là giúp cho cộng đồng hiểu hơn những giá trị của các sản phẩm đó.
Đến giờ, "Ná nả” đã và đang giúp cho 5 bà mẹ người Mông, trong đó 4 người ở Chế Cu Nha có được thu nhập ổn định hàng tháng.
Thu nhập từ "Ná nả” quay lại đầu tư cho con em họ thêm cơ hội, điều kiện học tập, ấy cũng là những mong mỏi rất lớn của những bà mẹ Mông và cũng là của Khang A Tủa cùng nhóm dự án.
Bộ quần áo Mông, vai đeo túi thổ cẩm, mái tóc đuôi ngựa buộc cao và đôi dép tổ ong - hình ảnh quen thuộc của Khang A Tủa đậm chất "Mông” khiến Tủa không lẫn vào đâu được. Và "chất Mông” không chỉ trong diện mạo mà đẫm trong ý thức của Tủa Khang với những hoạt động hướng về cộng đồng mình.
Đi xa hơn, học nhiều hơn, biết nhiều hơn để trở về gần hơn nữa với cộng đồng dân tộc mình - ấy như một trách nhiệm, một sứ mệnh mà Khang A Tủa tự nhận lấy.
Thu Hạnh